Campuchia với một người đến muộn

Thứ Sáu, 09/10/2015, 09:28
Vào một ngày tháng 4/2015, lần đầu tôi đặt chân lên đất Campuchia. Chuyến đi không thể muộn hơn nữa. Nói vậy, vì từ hơn ba mươi năm trước, khi các con đường quanh cụm di tích Angkor nghe nói chưa gỡ hết mìn, nữ sĩ Hà Khánh Linh, người láng giềng của tôi, đã lặn lội ở xứ Chùa Tháp hàng tháng trời để rồi cho ra đời tập truyện ngắn và ký Nụ cười Ap-xa-ra (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1983).

Rồi biết bao nhiêu nhà văn, nhà báo đã đi và đã viết về Campuchia  - trong đó, không ít người từng là lính trong đoàn quân tình nguyện đã phải ăn đói nhịn khát, vượt qua vô vàn hiểm nguy giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng…

Quả là Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế đã tính chuyện đi Campuchia từ mấy năm trước. Năm 2013, có dịp gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Campuchia tại Hội nghị Văn học Sông Mê Kông tại Đà Nẵng, tôi đã “đăng ký” việc đó, ông tỏ ý sẽ vui vẻ đón tiếp. 

Vậy nhưng ít lâu sau, tại Campuchia, trong bầu không khí “nóng” trước cuộc bầu cử, đã xảy ra biểu tình. Những chuyện này chẳng có gì là “nhạy cảm” nữa, vì nhiều người đã biết; cũng như mới đây xảy ra vụ gây rối ở biên giới với Campuchia mà báo chí đã công khai. Nhắc lại để thấy trong các mối quan hệ quốc tế nhằng nhịt và phức tạp hiện nay, đất nước nào cũng có một số kẻ cực đoan hay cơ hội và mọi tình thế bất ngờ đều có thể xảy ra.

Cho dù vậy, thì tôi vẫn tin mối quan hệ đặc biệt Việt - Miên - Lào - bất chấp thế giới biến động và kẻ xấu “thọc gậy bánh xe” - sẽ được chúng ta gìn giữ lâu dài. Cũng vì thế, chuyến đi Campuchia của chúng tôi cứ “thoải mái” hoãn lại; cho đến nay thì không thể muộn hơn nữa, chủ yếu vì… mấy ông già ngoại “thất tuần” như tôi, có thể 1, 2 năm nữa, sẽ không còn sức leo lên những ngôi đền cổ kính xứ Chùa Tháp. Thì như nhà văn Hồng Nhu đó, năm ngoái còn hăng hái “giong tay” đứng đầu danh sách đăng ký đi Campuchia, nay gặp bạn thân cũng chỉ cười cười, chứ chẳng muốn chuyện trò gì nữa...

Ừ! Trong thế gian này, có chi là vĩnh cửu đâu. Khu Đền Angkor vĩ đại là thế mà còn bị quên lãng hàng thế kỷ, rồi sụp đổ tan hoang nữa là… Chuyến đi từ tháng 4, nay mới gõ lên bàn phím những dòng chữ này, kể cũng là quá muộn. Thì cũng để ngẫm xem, có nói được cái chi khác với những điều thiên hạ đã biết về Campuchia  hay không…

* * *

Được biết các nước trong khối ASEAN qua lại không cần visa thị thực gì gì đó, vậy mà không ngờ qua cửa khẩu Mộc Bài lại phải chờ đợi lâu đến thế, dù phải đóng thêm mỗi người 50.000 đồng. Nóng bức, chờ chực, chen chúc sốt ruột quá, nên chẳng căn vặn đây là khoản “bôi trơn” hay là lệ phí chính thức nữa.

Đám người đông đặc lỉnh kỉnh túi xách, máy ảnh trước các rào chắn cứ ngong ngóng nhoi lên chờ cây cờ màu đặc hiệu của tay hướng dẫn viên giương cao, mặt mũi nhẹ nhõm đôi chút khi nghe xướng tên để được trao lại hộ chiếu. - “Hà đâu?... Thủy đâu” – “Nhiều Hà, nhiều Thủy lắm! Xướng cả họ đi!”… Vợ và chồng, bố và con, trên xe thì bên nhau, nhưng khi trả hộ chiếu, chồng được gọi trước, bước qua rào chắn lâu rồi mà vợ vẫn luống cuống vươn cổ giữa những cái đầu đang cố vươn cao phía sau. Thế là nháo nhác cả lên…

Khách du lịch trên núi Bakhung.

Đút kỹ tấm hộ chiếu vừa có thêm con dấu, vượt qua biên giới, xe bon bon trên con đường qua cánh đồng bằng phẳng chẳng có núi cao vực thẳm, sông sâu hay một cái gì ngăn cách, chợt nhớ đến câu chuyện một bạn văn kể, khi qua biên giới Pháp và Bỉ, ôtô cứ thoải mái vút qua, tuyệt không phải làm một thủ tục gì cả, tôi ngộ ra những “biên giới” vô hình và hữu hình khiến nhân loại chia cắt ra từng mảng chính là tự lòng người mà ra!

Cũng biết cái “thế giới đại đồng” nhân loại mơ ước tự ngàn xưa, có lẽ mãi xa lắc xa lơ, nhưng vẫn cứ ước chi các biên giới ngăn cách con người thân thiện đến với nhau, nếu không xóa bỏ được, thì cũng đừng tạo thêm những “rào chắn” cho dù vì mối nghi ngờ hay sự lạc hậu về biện pháp kiểm soát ở các cửa khẩu.

Dông dài tí chút nơi biên giới vì khi tôi viết những dòng này, tâm trí đang bị cuốn theo những câu chuyện “vượt biên” đau lòng trên màn hình ti vi và máy vi tính. Chẳng phải châu Âu đang yên bình bỗng náo động cả lên vì gần triệu người Xyria lũ lượt tháo chạy khỏi Tổ quốc mình đó sao? Rồi cả hàng chục ki-lô-mét dây thép gai dựng lên ở biên giới Hungari, những đoàn tàu chen chúc cả ngàn vạn người đói khát…

Và ở biên giới phía Tây Nam của chúng ta, liệu đã thật bình yên, khi ông Thủ tướng Campuchia phải ra lệnh cho các quan chức đi mượn các bản đồ ở Liên Hiệp Quốc và ở Pháp về đối chiếu, thấy rõ biên giới Việt Nam - Campuchia đã được xác định một cách minh bạch, mới bịt được miệng những kẻ xuyên tạc, vu khống, hòng “đục nước béo cò”… Cho dù vậy, tôi tin một vài vũng nước đục không thể vấy bẩn dòng đời tươi xanh.

Mới đây, nhà báo Thái Bá Dũng vừa kể một câu chuyện tình vượt biên giới đẹp như cổ tích trên báo Tuổi trẻ. Ở ngã ba Đông Dương, chàng trai Campuchia Đa ra Ban Mo ở tỉnh Rattanakiri, yêu cô gái Mỹ Anh, dân tộc Brâu ở xã Bờ Y (tỉnh Kon Tum). Mặc cho Mỹ Anh từ chối vì đường sá xa cách, lại phải chăm lo bố mẹ già, nhưng chàng trai Đa ra Ban Mo kiên trì 5 lần cầu hôn đã chinh phục được cô gái Việt, và hai gia đình vừa cho làm thủ tục “thông quan”, đem theo rượu cần, bồng heo qua biên giới để làm đám cưới…

* * *

Đường biên giới đã ở phía sau. Trước mắt là mênh mông những cánh đồng khô hạn, lác đác những căn nhà thấp bé, những con người sạm nắng gió, chẳng khác mấy với nông dân Việt Nam trên những vùng quê nghèo. Chỉ khác là trên mặt đất nâu hầu như trơ trụi, những con bò trắng gầy tha thẩn kiếm chút cỏ khô lót lòng bên cạnh những cây thốt nốt, nhìn từ xa như chiếc nấm xanh.

Anh Dara Kim, hướng dẫn viên du lịch người Campuchia  giải thích: Giống bò trắng đó là do nước Úc viện trợ sau khi bộ đội Việt Nam sang giúp quét sạch bọn diệt chủng; nhưng rồi đói quá, dân mổ thịt ăn dần, chẳng còn lại bao nhiêu… Dọc đường, không chỉ một lần, mỗi khi qua một công trình, một tỉnh lỵ được xây dựng lại, Dara Kim đều nhắc lại sự kiện đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam một cách tự nhiên, như một điều tất nhiên, như khi người ta ăn một quả ngon, thường nghĩ đến cây giống xin từ đâu…

Diễn viên Nụ cười Angkor “gánh” di sản Angkor trên vai mình.

Chúng tôi đến Xiêm Riệp khi chiều đã muộn. Những hàng cây cổ thụ đổ bóng tối trên các ngả đường, che chắn bớt ánh sáng từ các nhà hàng, khách sạn đang thi nhau mọc lên. Vẫn chưa thấy “tăm hơi” gì đền đài cổ kính đã trở thành di sản văn hoá của nhân loại. Có điều may mắn là nhờ chuyến đi muộn màng, ngay trong đêm đầu tiên ở Xiêm Riệp, chúng tôi đã được xem một chương trình nghệ thuật tổng hợp “vô cùng đặc sắc” - tôi không ngần ngại dùng cụm từ “quảng cáo” này - chương trình chỉ mới công diễn gần đây; nghĩa là những ai đi Campuchia  vài năm trước, chưa được thưởng thức.

Chương trình có tên “Smile of Angkor” (Nụ cười Angkor”) do nghệ sĩ lừng danh Trương Nghệ Mưu tổng đạo diễn, là sản phẩm độc đáo, chỉ diễn duy nhất tại một nhà hát mới dựng cách trung tâm Xiêm Riệp 7 ki-lô-mét, không đưa lên phim, đĩa, không được chụp ảnh khi xem, giá vé cũng khá đắt (48 và 38 đô la một vé hạng nhất và nhì; nếu đi theo “tua” có đặt chỗ trước thì vé 25 đô la) nên còn ít người biết.

Lịch sử 1000 năm từ khi vương triều Khmer còn hưng thịnh, những đền đài kỳ vĩ, các huyền thoại cùng những điệu múa truyền thống của Campuchia như shiva, apsara, điệu múa quân nhân, điệu múa công, múa khỉ, bokotoo (kỹ thuật chiến đấu của người Campuchia) và múa nến Hoàng cung đã được tái hiện rất sinh động và đầy ấn tượng trên một sân khấu biến hóa khôn lường, khiến khán giả vừa thán phục, vừa bất ngờ. 

Được biết, trong các diễn viên, một số được đào tạo nên từ những trẻ mồ côi và những người thân của các nạn nhân vì bom mìn sót lại sau chiến tranh. Trong nhà hát diễn Nụ cười Angkor, cũng như khi đứng trên đỉnh núi Bakheng ngắm hoàng hôn chiều hôm sau, xung quanh chúng tôi là những gương mặt tươi cười, thân thiện. Hình như đủ người từ các châu lục, tất cả “chen vai thích cánh” bên nhau, như chẳng còn khoảng cách, chẳng có gì ngăn trở.

Bỗng chợt nghĩ: Trước những giá trị văn hoá, các rào cản, các đường biên giới đã bị xóa mờ…

* * *

Đúng là phải đến tận nơi mới nghe được tiếng nói của đá - tiếng nói theo nghĩa đen, dùng máy ghi âm có thể ghi lại được. Ở đền Taprom chất chồng toàn bằng đá đã bị sụp đổ một phần dưới những tán cây cổ thụ kiên cường mọc lên từ các kẽ đá - nơi Hollywood đã đến quay bộ phim Bí mật ngôi mộ cổ - trong bóng tối âm u huyền ảo lập lòe những nén hương cháy đỏ, nếu ta vỗ tay lên ngực mình, sẽ có tiếng vọng lại, nghe rất gần mà lại như từ một chốn sâu thẳm truyền về.

Còn từ vô vàn những phiến đá khủng, nâu sạm và câm lặng nằm ngả nghiêng quanh những công trình đã sụp đổ hay đang hiện diện trên 5 ngọn tháp cao Angkor sừng sững kia thì chỉ có thể “nghe” được “tiếng nói” vô ngôn nhưng hàm chứa những “lời răn” chưa hẳn đã lỗi thời về lẽ thịnh suy ở đời. Thì ra ở bất cứ “gầm trời” nào, bất cứ sắc tộc nào cũng không thiếu những bàn tay tài giỏi, những bộ óc đầy tham vọng muốn dựng nên các công trình kỹ vĩ lưu danh hậu thế, còn mãi với muôn đời. Nhưng tạo hóa và thiên nhiên lại có quyền năng khuất phục tất cả…

Cho dù vậy, nhân dân Campuchia vượt qua giai đoạn đau thương khiến cả nhân loại bàng hoàng đã đứng dậy, mở đầu một thời đại mới, hoàn toàn có thể tự hào với cụm di tích Angkor cổ xưa cũng như những ngôi chùa lấp lánh vàng son ở thủ đô của đất nước mình đang mỗi ngày một có sức thu hút du khách trên toàn thế giới…

Nguyễn Hoàng
.
.