Cảm xúc về những quả trứng

Thứ Hai, 25/09/2017, 17:22
Sau khi xác định chính xác những quả trứng ung, mẹ tôi cho anh chị em tôi luộc. Chúng ăn một cách ngon lành và đầy thèm thuồng. Bởi đấy là những tháng năm đói rét và thiếu thốn mọi thứ triền miên. 

Nhiều lúc đứng trên con đường chạy qua cánh đồng làng, bên bờ đầm hay trước những gò sông còn sót lại, tôi cứ tự hỏi: Liệu những đứa trẻ nông thôn thời nay còn có được cảm xúc mà đến mức trái tim trong lồng ngực đập như muốn nổ tung khi chúng phát hiện trong đám cỏ ven đầm nước những quả trứng vịt đẻ lang hay không?

Hồi đó làng tôi như một thế giới hoang dã. Quanh các bờ ao, bờ đầm, chân đê, gò sông, gò đồng... um tùm cây và những đám cỏ mọc dày. Và trong thế giới hoang dã ấy là biết bao loài cây như si, gáo, gạo, tầm đen, phù dung, xòi, ổi găng, vú bò, sung, đậu dao, mâm xôi, tóc tiên, dứa dại, tầm xuân cùng những con thú như cầy hương, cầy hôi, rái cá, rắn, chuột đồng, cùng với các loài chim như cò, diệc, giang, sếu, vịt trời, nâm nấp, cuốc, bói cá, chim gáy, chèo phèo, diều hâu, sáo sậu, chào mào, chích chòe, dẻ quạt, chim khách, vành khuyên... 

Tuổi thơ của tôi cũng như bao đứa trẻ làng Chùa chìm ngập trong thế giới hoang dã ấy. Và bây giờ đã trở thành một người già, nhưng tôi vẫn sống chìm đắm trong thế giới thiên nhiên gần như hoang dã của làng xưa bằng những ký ức thương nhớ của mình. Ngoài giờ đến lớp, tôi lang thang cùng lũ trẻ suốt từ sớm cho đến tối mịt mới trở về nhà. 

Có nhiều ngày, mẹ tôi phải ra tận bờ sông gọi tôi về ăn cơm trưa. Nhưng cũng có ngày mẹ không tìm thấy tôi. Chúng tôi lang thang tìm các loại hoa quả có thể ăn được như quả ổi găng, quả gáo, quả gạo, quả sung, quả đa, quả đậu dao, quả dưa dại, quả mâm xôi, quả tóc tiên, quả mây chát... Đặc biệt là chúng tôi đi tìm trứng cuốc hoặc trứng vịt đẻ lang.

Ngày ấy rất nhiều chim cuốc. Vào những đêm mùa hạ tiếng cuốc kêu suốt đêm dọc bờ đầm. Chim cuốc không làm tổ trên cao như các loại chim khác mà đẻ trứng trong những bụi cỏ ven bờ đầm nên dễ tìm. 

Những đứa trẻ ngày ấy tìm thấy một ổ trứng chim cuốc còn sung sướng hơn đám người lớn bây giờ tìm thấy một cục vàng. Nhưng nhiều nhất vẫn là trứng vịt nhà. Hầu như nhà nào cũng nuôi dăm mười con vịt để lấy trứng ăn. Sáng sớm mở chuồng cho vịt đi kiếm ăn và tối thì vịt tự tìm về chuồng. Đôi khi trong đàn vịt nhà mình có lẫn một con vịt nhà khác. Thế là lại tìm xem vịt nhà ai để trả lại. 

Ngày ấy cua ốc, tôm tép, côn trùng, hoa cỏ nhiều vô kể. Buổi chiều những con vịt trở về chuồng con nào cũng đi lặc lè, bụng quét sát mặt đất vì ăn quá no. Được ăn no đủ, vịt đẻ trứng rất đều và kéo dài, mỗi lứa đẻ vài tháng. Gà đẻ ban ngày còn vịt đẻ vào ban đêm. 

Hồi bé, tôi cứ hỏi mẹ sao vịt lại đẻ vào ban đêm mà không đẻ ban ngày như lũ gà. Mẹ tôi bảo vì ban đêm gà quáng mắt không nhìn thấy gì nên chúng không đẻ trứng. 

Cho đến bây giờ, tôi vẫn cứ muốn tin lời giải thích của mẹ. Tuy vịt đẻ vào ban đêm nhưng vẫn có những con vịt đẻ vào ban ngày mà lại không đẻ trong chuồng nên gọi là đẻ lang. Chúng thường nằm đẻ trong các đám cỏ ở bờ ao, bờ đầm, trên gò sông, gò đồng. 

Ngoài vịt nhà thì lũ vịt trời cũng hay đẻ trong những đám cỏ ven đầm nước. Nhưng thường những con vịt trời đẻ kín đáo và biết giấu trứng hơn lũ vịt nhà nên chúng tôi ít tìm được trứng vịt trời. Khi tìm được trứng vịt đẻ lang thì lũ trẻ hoặc ăn sống hoặc nướng trứng. 

Chúng tôi lấy đất bọc quanh quả trứng rồi lấy lá khô, rơm rạ hoặc cành cây khô đầy rẫy quanh đó đốt lên và bỏ những quả trứng bọc đất vào. Chỉ nửa tiếng sau là lũ trẻ đã có món trứng tươi nướng trứ danh. Trứng nướng ăn thơm và ngậy hơn trứng luộc.

Nhà tôi lúc nào cũng nuôi một đàn vịt và một đàn gà nhưng chẳng mấy khi mẹ tôi mổ gà trừ khi nhà có cúng giỗ hoặc khi cha tôi có khách ở thành phố về chơi. 

Bởi thế chúng tôi chỉ có thể được ăn trứng nhưng cũng thật hãn hữu vì mẹ tôi để cho gà ấp.Trứng gà, trứng vịt ngày ấy ăn ngon và rất thơm vì gà vịt chỉ nuôi bằng thóc, ngô và côn trùng chứ không nuôi bằng cám công nghiệp hay các loại thuốc kích thích sinh trưởng. Lòng đỏ trứng gà, trứng vịt nuôi như thế đỏ au chứ không nhờ nhờ trắng như trứng bây giờ. 

Mỗi lần bà tôi hoặc anh chị em tôi bị ốm là mẹ nấu cháo rồi đập một hai quả trứng vào bát cháo quấy đều cho người ốm. Với anh chị em chúng tôi thì đứa nào ốm mới được ăn cháo trứng gà. Thế là những đứa khỏe nhìn đứa ốm ăn cháo trứng thèm thuồng không giấu được và lại mong mình ốm để được mẹ nấu cháo trứng cho ăn. Nghĩ lại những cảnh ấy lại thấy cay sống mũi và mắt như nhòa đi.

Ở quê, mỗi khi có người ốm thì quà thăm người ốm chủ yếu là hai thứ: trứng gà và chuối tiêu chín. Người ta xách một nải chuối tiêu chín và năm hoặc mười quả trứng gà đến thăm người ốm. 

Chỉ những người thành phố về quê thăm người ốm mới có đường và sữa. Có người ốm không thuốc men gì cả chỉ được ăn hai ba bữa cháo với trứng gà và vài ba quả chuối tiêu là khỏe. Những năm tháng đó, nhiều người ốm vì thiếu chất mà thôi. Có chị người làng tôi ốm nhiều tháng chữa đủ thầy đủ thợ và uống hết thuốc này đến thuốc nọ cũng không khỏi. 

Một hôm chị nói với mẹ chị là chị thèm mỡ lợn. Bà mẹ nghĩ chắc con gái mình không sống được bao lâu bèn mua một ít mỡ lợn rán lấy mỡ cho con ăn như ăn bữa cuối cùng trước lúc ra đi mãi mãi. Chị ăn hết đĩa tóp mỡ và uống hết bát mỡ lợn thì mấy hôm sau da cứ thế vỡ ra và chảy máu. Chảy máu xong thì da không vỡ nữa và sau đó khỏi ốm và đẹp lên một cách lạ thường.

Cho dù nhà có nhiều vịt và gà đẻ trứng thì khi ăn trứng mẹ tôi vẫn phải độn thêm những thứ khác vào cho được nhiều. Món trứng hấp nước cơm là như vậy. Mẹ tôi thái cả một nắm hành tươi cho vào đánh với trứng cùng với cả một bát nước cơm đặc sánh rồi để bát trứng nước cơm trong nồi cơm hấp cho chín. Thực tế thì chỉ có hai hoặc nhiều lắm là ba quả trứng nhưng được một bát to đầy trứng hấp vì có nước cơm và hành độn vào. 

Bây giờ, thi thoảng nhà tôi cũng làm món trứng hấp nước cơm nhưng có thêm nấm hương, mộc nhĩ, tiêu đen, rau mùi và một ít thịt băm. Món trứng hấp thời hiện đại mà không cho nước cơm vào và không hấp trong nồi cơm sẽ không thể ngon bằng có một ít nước cơm và hấp chính trong nồi cơm. Nghĩ thấy lạ, có lẽ chính hơi cơm chín làm cho món trứng hấp có hương vị ngon hơn và đậm đà hơn.

Khi không làm món trứng hấp nước cơm hành lá thì mẹ tôi làm món trứng trưng tương. Một quả trứng thì phải trưng với hai thìa múc canh là tương. Nếu có mỡ thì khi trưng trứng với tương cho một hai đũa mỡ vào thì ngon miệng biết chừng nào và ăn cả nồi cơm cũng vẫn muốn ăn. 

Có lần tôi nói chuyện về món trứng trưng tương cho mấy anh em gốc Hà Nội nghe. Chừng một tuần sau đó, họa sỹ Trịnh Tú, một người trong những người sành ăn nhất Hà Nội gặp tôi suýt xoa: "Này ông, món trứng trưng tương của ông ngon quá. Nghe ông nói tôi về làm món đó và cho thêm mấy miếng tóp mỡ vào được một món trứ danh". 

Ngay cả thời bây giờ, nếu bạn dự một bữa tiệc có bò Nhật, tôm hùm Mỹ, cua hoàng đế Canada mà nhà hàng dọn ra cho bạn món trứng trưng tương ăn với một bát cơm nóng thì tôi cam đoan rằng khi về tới nhà bạn sẽ nhớ món trứng trưng tương hơn mọi món khác. Món trứng trưng tương vừa ngon miệng, vừa trôi cơm lại vừa nhẹ bụng. Hóa ra các cụ ngày xưa tuy khổ nhưng ăn uống quả là tinh tế. 

Những năm chiến tranh, nhà tôi được ăn gạo bông. Gạo bông là gạo bán ở cửa hàng gạo nhà nước mà chỉ những người là công chức của nhà nước mới có sổ mua gạo. Vì sao lại gọi là gạo bông? Có lẽ đó là loại gạo lưu trữ trong kho quá lâu, khi nấu nở bung hết ra, ăn xốp và nhạt chứ không săn, dẻo và ngọt như hạt cơm bây giờ. 

Nhưng cho dù là gạo bông cũng không được ăn 100% gạo mà phải ăn độn ngô xay, bo bo, bột mì. Vì có bột mì nên món trứng tráng của gia đình tôi lúc nào cũng phải đánh với bột mì cho được nhiều. Lại một phần trứng thì hai phần bột mì. Nhưng món trứng tráng bột mì vẫn là một món ăn mà lũ trẻ ăn ngày này tháng khác cũng chẳng chán vì trong đó có trứng và có mỡ. Còn gia đình nào mà tráng trứng không với mỡ thì thuộc gia đình có máu mặt và món trứng tráng ấy hiển nhiên là món xa xỉ rồi. 

Mỗi lần làm món trứng, anh chị em tôi hay sán đến bên mẹ để mẹ cho cái vỏ trứng. Thường cái vỏ trứng còn dính lại trong đó lòng trắng. Có lúc mẹ tôi cho thêm dăm giọt trứng đã đánh nhuyễn vào trong cái vỏ trứng để chúng tôi nướng vỏ trứng lên rồi bẻ vỏ trứng ra ăn phần trứng dính một lớp mỏng bên trong vỏ trứng. 

Khi mẹ tôi trưng trứng, anh chị em tôi lại tranh nhau được trộn cơm trong cái xoong tráng trứng ấy. Cơm trộn như thế ăn rất ngon. Bây giờ, thi thoảng nhà tôi vẫn làm món trứng trưng tương và tôi lại cho một bát cơm nóng vào trộn.

Mỗi năm lũ gà mái nhà tôi ấp con cộng lại cũng đến năm bảy vụ. Suốt thời gian trong vòng khoảng hơn một ngày, lũ trẻ cứ luẩn quẩn quanh cái ổ rơm xem lũ gà con mổ vỏ chui ra. Cảnh lúc gà con mổ vỏ trứng chui ra vô cùng quyến rũ chúng tôi. Nhưng quyến rũ hơn là những quả trứng ung. Vì như thế, chúng tôi sẽ toàn quyền được ăn những quả trứng ung ấy. 

Sau khi xác định chính xác những quả trứng ung, mẹ tôi cho anh chị em tôi luộc. Cho dù những quả trứng ung luộc chín mùi thum thủm rất nặng thì lũ trẻ chẳng bao giờ bỏ sót một tí nào. Chúng ăn một cách ngon lành và đầy thèm thuồng. Bởi đấy là trứng. Bởi đấy là những tháng năm đói rét và thiếu thốn mọi thứ triền miên. 

Bởi thế mà các cụ ngày xưa mới nói "cứt cá hơn lá rau". Những câu chuyện như thế bây giờ thực sự là những chuyện cổ tích đối với tất cả những đứa trẻ cả ở thành thị và nông thôn. Đó là những chuyện cổ tích buồn mà chẳng ai bây giờ lại muốn có những câu chuyện cổ tích ấy trong cuộc sống hàng ngày của họ nữa. 

Nhưng tôi chỉ muốn giữ lại một trong những món ăn mà người làng Chùa của tôi làm ra trong những năm tháng ấy. Đó là món trứng trưng tương và có thể bổ sung thêm tóp mỡ theo công thức mới của họa sỹ Trịnh Tú. Bởi món trứng trưng tương tuy sinh ra từ đói khổ, thiếu thốn nhưng thực sự là một món ăn hoàn chỉnh về hai mặt: ngon và lành.

Bây giờ, cứ đôi ba tuần tôi lại về quê. Thấy tôi về, anh chị Cường Thủy, cháu Nho, cháu Tân lấy chồng kẻ Sóc lại cho trứng để mang về thành phố. Chỉ cần đập hai quả trứng một ở quê cho và một mua ngoài chợ là nhận ra đâu là trứng gà nuôi tự nhiên đâu là trứng gà nuôi công nghiệp. Khi ăn thì hương vị của hai loại trứng này khác nhau một trời một vực. 

Bây giờ, vì lợi nhuận mà bao của ngon vật lạ bị người ta làm thay đổi hết. Có lúc còn nghe báo chí nói người Trung Quốc làm trứng giả nữa chứ. Tôi không tin chuyện ấy vì để làm được một quả trứng giả chắc chắn giá thành đắt gấp mấy lần nuôi một con gà lấy trứng. 

Nhưng việc người ta nuôi gà siêu trứng là có thật. Con gà được cho ăn thức ăn chế biến đẻ miên man không nghỉ nhưng ăn trứng loại gà này cứ như ăn đậu phụ trộn nhiều thạch cao chẳng có hương vị gì. Và tôi lại lẩn thẩn nghĩ trứng cũng như người vậy, nếu con người rời xa tự nhiên mà chỉ sống trong một thế giới công nghệ và máy móc, tâm hồn họ cũng nhợt nhạt như lòng đỏ trứng gà, trứng vịt nuôi thức ăn công nghiệp vậy.

Hạnh Nguyên
.
.