Cái nghề chữ nghĩa nhọc nhằn làm sao

Thứ Năm, 02/07/2015, 10:32
Có đôi lúc ngồi một mình trong chiều xế nắng. Nhìn mây bay xa tít trên đỉnh trời. Nghĩ ngợi vu vơ. Nghĩ rằng, nếu một ngày thức giấc, ngồi vỉa hè nhâm nhi ly cà phê đắng, nghe thông báo loan truyền từ vũ trụ: Từ ngày hôm nay, trái đất hoàn toàn không còn báo chí. Mọi tờ báo đều đình bản. Ngày đó sẽ xảy ra, đó là điều chắc chắn. Ngày nào vậy? Y tự hỏi và tự trả lời bằng một câu rất hoành tráng, đố ai dám cãi. Cãi đi. Đó là ngày… tận thế! Nhân loại còn tồn tại, vẫn còn báo chí. Nghĩ thế, bèn chăm chú đọc báo như thói quen mỗi ngày.

Đọc trên mạng. Một thói quen của nhiều người. Thông tin này thú vị, vừa đọc trên Thanh niên Online: “Cách đây 175 năm trước, từ “OK” ra đời, xuất hiện lần đầu tiên trên một tờ báo Mỹ. Đến nay, OK được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới. Vào ngày 23/3/1839, từ OK xuất hiện lần đầu tiên trên trang 2 tờ báo The Boston Morning Post, một trong những tờ báo hàng đầu lúc bấy giờ của Mỹ. “Tôi nghĩ mọi người nên ăn mừng sinh nhật từ OK bằng những bài diễn văn và những buổi diễu hành chẳng hạn”, ông Allan Metcalf, Giáo sư tiếng Anh ở bang Illinois (Mỹ) đề nghị. Ông Metcalf có viết một quyển sách xuất bản hồi năm 2001 với tựa đề OK: The Improbable Story of America’s Greatest Word (tạm dịch là OK: Câu chuyện không chắc có thực về một từ vĩ đại nhất nước Mỹ). Trong quyển sách này, ông Metcalf cho rằng OK là “từ được nói thông dụng nhất trên toàn thế giới”.

Theo định nghĩa của Từ điển Oxford, OK là đồng ý, chấp thuận, tán thành... Và: “Từ OK trở nên nổi tiếng khi nó trở thành khẩu hiệu OK trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ứng cử viên Van Buren vào năm 1840. Ông Buren, vị Tổng thống thứ 8 của nước Mỹ, lúc đó có biệt danh Old Kinderhook, viết tắt OK, với Old nghĩa là già và Kinderhook là nơi sinh của ông Buren”.

Có nhiều từ mới, hiện đang sử dụng nhưng có lẽ ít ai biết rõ gốc gác, ra đời từ lúc nào. Nơi “dung dưỡng”, tạo điều kiện cho từ mới “thâm canh bén rễ” trong trí nhớ người đương thời là từ đâu? Từ báo chí, y dám quả quyết như đinh đóng cột. Chẳng hạn, “bà tám” có thể hiểu là ám chỉ những người rảnh việc, ngồi lê đôi mách, rỗi hơi bàn chuyện thiên hạ. Dần dà, chỉ còn “tám”, bỏ béng đi từ “bà” cho gọn. Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng, từ này du nhập vào lời ăn tiếng nói hiện nay là do chừng mươi năm trước, phim Hồng Công có nhân vật “bà Tám” cực kỳ nhiều chuyện.

Cụ thể là phim nào? Chẳng rõ. Nhưng nghe cũng có lý, chẳng hạn, trước đây làm gì có từ “Osin”, cũng do từ phim mà ra đó thôi. Thật ra, “tám” xuất hiện trước đó lâu lắm rồi, tất nhiên nó hàm nghĩa khác. Từng nghe: “Buồn ơi, bỏ qua đi tám”; chương trình “Gia đình bác Tám”… Dường như đọc trên tạp chí Đối diện thì phải, bài thơ nọ có câu:

Mì tôm anh Tốm Quảng Nôm
Đi mô đói bụng vô lồm một tô

“Tốm” là biến âm của “tám”. Sao lại chọn “tám” mà không là con số khác? Lại nữa “chíp hôi”, “chanh cốm”, “chảnh”, “chảnh chó”, “trà xanh chém gió”, “bánh bèo”,”buôn dưa lê” v.v… Những từ này ra đời từ lúc nào? Không rõ, nhưng chắc chắn phải từ những người trẻ. Rồi dần dần phổ biến, lan rộng từ người này qua người nọ, trở thành quen thuộc chính là nhờ báo chí. Mấy ông nhà báo sử dụng riết, bạn đọc thấy quen, chấp nhận, thế là nó du nhập vào vốn từ tiếng Việt lúc nào không hay.

Từ cổ tiếng Việt, có những từ nay đã mất. Đọc văn bản thời trước, có những từ không dễ dàng giải thích chút nào. Có thể tìm đọc quyển Từ điển từ Việt cổ (NXB Văn hóa thông tin, 2001) của Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện; Tiếng Việt trong thư tịch cổ Việt Nam (NXB Văn hóa thông tin, 2011) của Nguyễn Thạch Giang, Tiếng lóng Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 2001) của Nguyễn Văn Khang… thấy điệp trùng các từ cổ, nay hoàn toàn biến mất; hoặc nếu có tồn tại ít ai thấu hiểu hết ngữ nghĩa của nó, chẳng hạn “chùa chiền” “heo cúi”, chợ búa”, “đũi”, “rấm”, “truồng lõa”, “vọi” v.v...

Hiện nay, có ai chịu khó biên soạn quyển sách giải thích các từ mới xuất hiện không?

Trên báo chí gần đây có cuộc trao đổi nhỏ “ngọt sắt” hay “ngọt sắc”? Trong sách giáo khoa (SGK) có câu: “Đặt lên lưỡi, cắn một miếng thì nước chan hòa, ngọt sắt, nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”. (Tiếng Việt lớp 4, tập hai, tr. 51). Đoạn này trích trong tác phẩm Thương nhớ mười hai, chương “Tháng tư, mơ đi tắm suối Mường” của nhà văn Vũ Bằng, người làm SGK đặt tựa Trái vải tiến vua. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết - người chủ biên cho rằng:

“Nhà văn viết là “ngọt sắt”, chứ không phải “ngọt sắc”. Khi chọn đoạn văn vào SGK, chủ biên, tác giả và biên tập viên đã bàn thảo khá kỹ về từ này. Theo chúng tôi, nhà văn Vũ Bằng là người Bắc, do đó ông không thể lẫn “sắt” với “sắc” như người sử dụng phương ngữ Nam Bộ… Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có các từ “ngọt sắc” và “ngọt sắt”. Nhưng đặt trong văn cảnh, có lẽ viết “ngọt sắt” (“sắt” có nghĩa là “sắt lại”) phù hợp hơn với cảm nhận “nhai thì mềm mà lại giòn, nhai khe khẽ thì chính tai mình thấy như sậm sựt”.

Có người không đồng tình vì tra Từ điển wiktionary thấy có định nghĩa: “Ngọt sắc” là “ngọt đến khê cổ”; tra thêm trên trang mạng tratu.soha lại thấy: “ngọt sắc” là “(khẩu ngữ) rất ngọt, có thể gây khé cổ (thường nói về độ ngọt của đường)”. Ví dụ: bát chè ngọt sắc; hoặc tìm Google với từ “ngọt sắc” đã thấy nó đã được sử dụng rất lâu rồi. Ai cũng có lý. Quan sát cuộc trao đổi này, ngẫm nghĩ kỹ, y nghiêng về ý kiến của Giáo sư - Tiến sĩ  Nguyễn Minh Thuyết:

1. Đoạn văn này, nhà văn Vũ Bằng không miêu tả cảm giác ngọt, ngọt như thế nào, mà cái ngọt ở đây đã “sắt lại”. 2. Với người miền Nam, nghe “sắt lại” lạ tai quá nhưng từ này thông dụng ở ngoài Bắc. Bằng chứng Việt Nam từ điển do Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo, Trung Bắc tân văn in năm 1931, có giải thích: “sắt”: quắt lại: “Đậu rán sắt lại không nở” (tr.486). Theo Vũ Bằng, cái ngọt ở đây đã “sắt”, đã quánh, đã quắt trong trái vải tiến vua.

Như vậy là rõ ràng, không gì phải tranh cãi nữa.

Đọc báo, y khoái nhất là những bài tranh luận về học thuật, chữ nghĩa. Tài sản quý báu của nhà văn là gì? Là vốn sống, là vốn kiến thức, là v.v… và v.v… và tất nhiên không thể thiếu vốn từ. Không rõ, những bạn đọc báo hằng ngày cùng sở thích này chiếm bao nhiêu phần trăm? Sở dĩ hỏi thế, vì hôm nọ cùng nghệ sĩ Xuân Hương tham gia chương trình “Sao Việt - đàng sau câu chuyện lộng ngôn”, nhóm thực hiện kịch bản đã đưa ra số liệu thống kê: “Mức độ ảnh hưởng của truyền thông đến công chúng”. Có mấy con số đáng lưu ý: “Đây là cuộc khảo sát 420 người trên mạng Internet: 

52%: thường bị thu hút bởi những câu chuyện giật gân.

80%: thường đọc những bài giật gân chỉ vì sự tò mò.

24%: không bao giờ nghi ngờ.

75%: chia sẻ với người xung quanh.

53%: tin nó là sự thật”.

Thông tin này đáng tin cậy? Y không biết nữa. Chỉ biết rằng,  nhờ đọc các cuộc tranh luận trên báo chí mỗi ngày, y mới vỡ lẽ ra rằng, lâu nay đã có nhiều nhà báo dùng từ bị sai! Ấy chết, nói năng cẩn thận nhá. “Chụp mũ” ấy, không khéo các đồng nghiệp giận thì toi. Vậy xin nói thế này cho rõ ràng, những cái sai này do đọc từ các bài báo đã tranh luận, chứ y không ám chỉ ai. Rào trước đón sau như thế là ổn rồi chứ gì?

Chẳng hạn, lâu nay, mọi người đã quen nói/ viết “chung cư” nhằm chỉ nơi nhiều người ở chung - nhưng phải “chúng cư” mới đúng. Cứ theo cụ Đào Duy Anh, từ Hán Việt “chung” có nghĩa là “cuối cùng/ hết/ chết/ trọn vẹn”. Vậy phải đổi “chung cư” thành “chúng cư” - vì “chúng” có nghĩa “nhiều người/ đông”.

Ngày trước đọc Phổ Thông của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ, còn nhớ loáng thoáng trong một bài xã luận, tác giả câu thơ trứ danh “Nhà văn An Nam khổ như chó” đã than thở nhiều nhà báo không biết sử dụng từ “tặc”. Đại khái, “tặc” nghĩa là ăn cướp, người làm loạn, chẳng hạn, “tặc sào”: hang ổ của bọn trộm cướp, “tặc tử”: con làm hại đến cha mẹ. Còn  “đạo” mới có nghĩa là ăn trộm của người khác, lấy cái vật không phải của mình, chẳng hạn, “đạo văn”: ăn trộm văn của người khác v.v... Hơn nữa, một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Hiểu như thế, ta thấy rằng, trên mặt báo xuất hiện “chó tặc”, “đinh tặc” “vàng tặc”… là hoàn toàn không ổn.

Những cái sai thế này còn có thể liệt kê ra nhiều lắm. Biết là thế, nhưng rồi cái sai dần dần được số đông chấp nhận, đố ai có thể nói/ viết khác đi được.

Ôi! Cái nghề chữ nghĩa nhọc nhằn sao. Mỗi ngày, hết viết báo lại quay sang làm thơ, viết văn. Lật tờ báo mới thấy bài được in, cầm quyển sách mới của mình từ nhà in đem về, hai cảm giác ấy giống hay khác gì nhau? Lúc ấy, y thường lật ngửa quyển sách/ trang báo, úp mặt vào giấy mới và hít một hơi thật dài. Giấy mới, chữ mới đem lại một cảm giác sung sướng lạ kỳ. Những gì đã viết, đã đọc đi đọc lại, thậm chí đã thuộc làu làu nhưng nhìn nó trên trang giấy lại thấy khác hẳn. Nó hay hơn, sang trọng hơn, chững chạc hơn.

Sách đã phát hành. Bài báo đã in. Lại những trang viết mới. Lại là nhân vật Sisyphus trong thần thoại phương Tây, hằng ngày đẩy hòn đá tảng khổng lồ lên đỉnh núi cao. Rồi đá lại lăn cù xuống vực thẳm. Lại đẩy lên. Cứ thế, hết một đời. Trong cõi đời này, mênh mông là sách, bạt ngàn là báo. Y có cảm tưởng những gì viết ra chẳng khác nào ném hạt muối xuống biển. Vẫn biết thế, nhưng vẫn cứ dã tràng xe cát biển Đông. Điều này không quan trọng, miễn là tìm thấy niềm vui và hài lòng với công việc mỗi ngày.

Ý nghĩa đích thực của đời sống là ở đó, nào phải tìm kiếm đâu xa.

Lê Minh Quốc
.
.