Bóng cha trên cánh đồng mãi mãi

Thứ Bảy, 30/07/2016, 15:56
Mới đó mà tôi sáu chục tuổi đầu. Mỗi khi nhớ lại tuổi thơ sống cùng gia đình đông đúc giữa miền quê đồng chiêm nước lụt Hà Nam, lòng tôi lại trào dâng cảm giác tiếc nuối khôn tả.

Như nhiều gia đình nông dân quê thuở ấy, gia đình tôi vừa nghèo vừa đông con. Chúng tôi gồm tám anh chị em lau nhau, lít nhít, cách nhau chỉ vài tuổi. Bố mẹ chúng tôi là nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm lao động vất vả trên đồng ruộng chỉ với ước muốn giản đơn mà rất khó với tới được: mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để gia đình đủ thóc lúa ăn.

Vào giữa thập niên 50 thế kỷ trước, khi miền Bắc vừa giải phóng, hệ thống thủy lợi, đê điều còn yếu, năng suất lúa và các loại cây trồng rất thấp, bảo đảm đủ lương thực quả là vấn đề khó khăn cho cả nước ta. 

Vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam quê tôi, do nước mưa các nơi dồn về, một năm hai lần vào khoảng tháng Tư và tháng Tám âm lịch bị ngập lụt cả tháng trời. Mùa màng liên tục thất bát. Cái đói, cái nghèo vì thế cứ đeo bám lấy người dân quê tôi như căn bệnh di truyền từ đời này sang đời khác. 

Ngày nay, thấy các cháu nhỏ được dỗ dành, cưng nựng cả tiếng đồng hồ không xong một bữa ăn, tôi thấy nao lòng. Hồi nhỏ, bọn trẻ con quê tôi chỉ mong được no bụng, chứ đâu dám mơ bữa cơm ngon.

Do đói nghèo, quê tôi rất nhiều người ăn khỏe. Vào năm 1962, Hà Nam được Trung ương cấp gạo cứu đói. Một vị cán bộ xã quê tôi đã ăn bớt số gạo đó và ngang nhiên cho vợ mang ra chợ ngồi bán. Uất ức, một số bà con nghèo thuộc diện cứu đói mà không được cấp gạo đã bắt bà ta, mang nộp cho công an huyện. 

Sự việc vỡ lở, nhân dịp có đợt vận động bà con đi xây dựng kinh tế mới, vị cán bộ kia liền đưa cả nhà lên Đại Từ (Thái Nguyên) mà không bao giờ quay về làng nữa. Tuy nhiên, việc làm này của bà con nghèo, trong đó có bố mẹ tôi, đã làm con họ bị ảnh hưởng thời gian dài. 

Do tư tưởng vây cánh và sự đố kỵ hẹp hòi, các vị chức sắc thời đó đã nhận xét thiếu thiện cảm, không công minh nên việc vào đại học, vào Đảng của anh em chúng tôi gặp khó khăn. Ngày ấy, số người được học hành còn hiếm lắm. Trước đó, chỉ duy nhất chú Hưởng là kỹ sư thủy sản. 

Năm 1965 - 1966, cả làng chỉ 3 người tốt nghiệp phổ thông là hai anh trai tôi và anh Quý. Anh Quý được sang Ba Lan học đại học, còn hai anh tôi - người đi bộ đội, người mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi nhập ngũ, nên người ta chỉ cho đi học ở Trường Sư phạm 10+2, trong khi thời gian này, các trường đại học không tuyển được đủ sinh viên. Cho đến những năm 70, chị em tôi vẫn còn vất vả mới được vào đại học.

Khi xã Bình Minh và xã Trung Lương hợp nhất thành xã Trung Lương (1967), sự việc này mới dần dần thay đổi và chúng tôi lần lượt trưởng thành: bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, mấy chị em gái đều đi dạy học.

Chúng tôi được như vậy, một phần nhờ phúc ấm của tổ tiên, phần vì may mắn trưởng thành trong thời đại mới, phần do nỗ lực của mỗi người, nguyên nhân sâu xa nhất là nhờ đức hy sinh và lòng quyết tâm của cha mẹ, nhất là cha tôi. Bố mẹ tôi đều mồ côi mẹ từ lúc còn rất nhỏ, người cùng làng, đều mang họ Trần. 

Cuộc sống côi cút, cơ cực làm song thân ngộ ra nhiều điều, trong đó có khát khao nuôi con khôn lớn nên người để không phải vất vả bần hàn như cha mẹ. Nghèo mấy, cha mẹ cũng cho các con đi học. Bận mấy, cha không bắt chúng tôi phải nghỉ học, dù một buổi.

Sự tích của làng, thuở xưa, tướng quân Trần Hưng Đạo đã dừng quân khi qua làng này, nên làng tôi gọi là làng Họ ("họ" là hiệu lệnh, người nông dân muốn trâu dừng lại). Có phải vì tên chữ Duy Dương (theo ánh sáng mặt trời) mà làng tôi nhiều người hiếu học, lạc quan. Tên Duy Dương còn đặt cho ga, chợ. 

Cha tôi - Trần Hải Liên (1926 - 2002) là khối mâu thuẫn lớn. Cha là người từ tâm nhất mà tôi biết, cha lại ngay thẳng và đầy bản lĩnh. Cha không bao giờ bỏ qua những chướng tai gai mắt. Cha ghét cái ác, sẵn sàng chống bất công để bênh vực kẻ yếu ớt. Trong mắt tôi, cha là một nông dân "vượt khung". Cha dáng vóc 1.68m khỏe mạnh, đẹp đẽ, xốc vác mà còn thông minh, phóng khoáng, trung thực, dám làm, dám chịu, rất trọng nghĩa và có phần tài tử.

Cha thích uống rượu, mê tổ tôm. Tuy không được học nhiều, cha tự học không ngừng, ham mê đọc sách, thích ngâm thơ bởi theo cha, trên đời này "duy ngã thi thư độc thanh cao" (chỉ có đọc sách là thanh cao). Nhờ tự học và khổ luyện, cha tự trang bị vốn liếng chữ Nho kha khá đủ để viết câu đầu cho nhiều căn nhà mới của không ít gia đình trong vùng.

Hồi các con còn bé, cứ vào ngày rỗi rãi, cha tôi lại cuốc bộ xuống thành phố Nam Định, cách nhà 15km, thuê truyện về đọc. Vào mùa đông, mẹ tôi thường trải hai ổ rơm lớn. Con gái một bên, con trai một bên, dưới ánh đèn dầu anh em tôi thay nhau đọc thâu đêm để mai còn trả. 

Trong làng, đứa nào mê truyện đều đến nhà tôi nghe, lúc cha mẹ chúng sốt ruột phải xách đèn chai đi tìm mới chịu về. Đêm nào không có sách đọc, bố mẹ lại thay nhau kể chuyện. Ca dao, tục ngữ, truyện cổ nước Nam: Tấm Cám, Sọ Dừa, Thánh Gióng; nhiều bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa: Tam Quốc, Thủy Hử, Tây du kí, Đông Chu Liệt Quốc, Tùy Đường diễn nghĩa… 

Nhiều tác phẩm văn học nước nhà nổi tiếng từ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Nhị độ mai… đến Đồi thông hai mộ, Hồn bướm mơ tiên… nhờ cha mẹ mà chúng tôi đã được thuộc từ niên thiếu. Tình yêu văn chương của anh em tôi cứ thế theo năm tháng lớn lên, nó tự nhiên như tất cả đều phải biết bơi và bơi giỏi vì làng hay bị lụt…

Cách đây trên dưới 50 năm, cứ vào lúc giáp hạt, mẹ tôi trong bộ quần áo bạc màu, đội nón sứt cạp cắp rá tong tả chạy ngược chạy xuôi đến những nơi quen biết, khá giả hơn trong xóm, ngoài làng để vay giật tạm bơ gạo, đồng tiền… cho các con  khỏi đứt bữa. 

Cho đến lúc già, cứ nông nhàn, bố tôi lên rừng, xuống biển xoay đủ mọi nghề kiếm sống. Ngoài cày ruộng, cha còn đạp xích lô, bỏ làm thợ nhuộm rong, nuôi bò, thả cá, trồng sen và nhiều năm chăn vịt đẻ ấp trứng, đổi thóc cho hợp tác xã. 

Hình ảnh cha tôi như vị tướng phất cờ - cây sào trên buộc túm lá chuối khô xăng xái lùa đàn vịt giữa cánh đồng nước mênh mang, dưới bầu trời lồng lộng luôn hiện lên trong tâm tưởng  tôi. Chỉ vì đàn con mà cha phải hy sinh nhiều khát vọng, cùng mẹ tôi gắng sức chèo chống gia đình đông đúc của chúng tôi.

Tầm tháng 10 nông lịch năm 1964, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu diễn ra trên miền Bắc chưa ác liệt lắm, gia đình tôi chưa phải sơ tán. Cả ngày hôm ấy, mẹ chạy vạy rạc cẳng chẳng vay giật đâu dù chỉ là dúm gạo để nấu cháo cả nhà cầm hơi. 10 giờ tối, bố lẳng lặng rút dao mác thường ngày dùng để chặt tre, pha nan đan lát rổ rá cho gia đình dùng và đi ra cuối vườn sau nhà. 

Mươi phút sau, bố xách về  buồng chuối tây nho nhỏ, non choẹt. Nhìn ánh mắt rơm rớm của bố, chúng tôi biết: Bố đã hết cách rồi! Mẹ tôi bắc nồi luộc và chỉ lúc sau, cả nhà xúm xít thổi thổi, bóc bóc chia nhau ăn những quả chuối non choẹt, ruột còn ẽo uột, bé xíu đắng chát không tả nổi. 

Cánh đồng xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam. Ảnh: Đặng Văn Thuận.

Tôi cố nhai trệu trạo để nuốt mà không sao nuốt trôi. Cảm giác tắc nghẹn, đau đớn làm tôi trào nước mắt. Nó ám ảnh cả đời tôi, vừa là động lực thôi thúc tôi cố gắng hơn trong cuộc sống hàng ngày, vừa gắn kết tôi hơn với anh chị em và cha mẹ trong nghĩa tình nghèo khó, giúp tôi thêm yêu quý mảnh đất quê hương nguồn cội.

Sau đó ít ngày, mẹ tôi phải đưa hai đứa em nhỏ nhất (khi đó cô em út chưa sinh) lên thăm dì ruột của mẹ tận Lạng Sơn, thực ra là đi cứu đói. Hai anh lớn, người đi bộ đội, người vào Sư phạm. Hai chị gái đi sơ tán và học xã Bối Cầu bên cạnh. 

Ở nhà, hai bố con rau cháo lần hồi. Một hôm không còn gì ăn, bố tôi phải mang vòng câu quăng xuống chợ Rằm bán. Số tiền hai đồng tám không thể đong gạo, bố chỉ mua được nắm tấm với ít bã khô lạc về ăn tạm qua ngày.

Chúng tôi dù đi bộ đội hay đi học đều lành lặn trở về, thành đạt nên người. Anh Trần Đăng Thao, chị Trâm tôi là tiến sĩ Văn học. Tôi sang Budapest (Hungary) học kĩ sư chế tạo máy Đại học Bách khoa, từng sang Libya công tác. Bố mẹ tuổi già cũng mát mày, mát mặt với bà con làng xóm, bõ công vất vả cả đời nuôi dạy đàn con. 26 đứa cháu của ông bà đều học đại học, một nửa là thạc sĩ.

Sau hòa bình, tôi tham gia làm đường tàu Thống Nhất ở Quảng Bình (1975 - 1977) rồi mới du học. Con gái lớn Minh Châu của tôi đang định cư tại Pháp. Mỗi lần cháu về nước, cha con tôi đều về làng, ra thăm mộ cha mẹ; vào chùa làng, cổng chùa có cây bồ đề tôi đã trồng 10 năm trước. 

Tôi đã được đi nhiều nơi trong và ngoài nước, nơi tôi thường xuyên muốn trở về, về quê nhiều nhất trong 5 đứa con của cha mẹ tôi sinh sống ở thủ đô. Mỗi khi nhớ lại ngày xưa ấy, lòng tôi lại quặn thắt nhớ thương bậc sinh thành lam lũ, nhân hậu.

Mẹ Trần Thị Phước (1925 - 2013) của tôi cũng như chồng, cả đời chỉ quanh quẩn ở ngôi làng của mình là chính, thỉnh thoảng lên Hà Nội chơi với con cháu. Càng lớn tuổi, chúng tôi càng hiểu, đi đâu rồi cũng cần phải trở về. Mỗi lần về làng, tôi được trở lại tuổi thơ, sống kỉ niệm, dù người ruột thịt, bạn bè, bà con làng nước, bạn bè hao hụt dần; song với tôi làng Duy Dương đẹp nhất cứ hiện ra trong hình dung quá khứ.

Bây giờ, những cánh đồng hẹp dần. Đồng sau làng còn ít. Cánh đồng trước và giáp đường tàu đã bị thâu tóm để xây nhà, làm khu công nghiệp. Tôi vẫn thấy hiện ra bóng cha tôi với 500 con vịt bên cánh đồng mướt cỏ xanh, lúa xanh, vịt trắng và ao đầm quanh làng rợp sen do cha đấu thầu hợp tác, trồng sen hương rợp một vùng.

Trần Công Khanh
.
.