Biết đâu chuyện tái ông

Thứ Năm, 21/05/2015, 07:26
Thiên hạ đang bàn tán rất xôn xao số tiền hơn 5 triệu Yên Nhật mà người phụ nữ thu mua ve chai ở TP HCM (quê quán Quảng Ngãi) tìm thấy trong chiếc loa thùng cũ. Xôn xao là bởi đang yên đang lành, sắp hết thời hạn một năm để người phụ nữ thu mua ve chai có thể nhận lãnh số tiền Nhật kia theo quy định của pháp luật thì bất thần một người phụ nữ khác hăng hái nhận chính mình mới là chủ nhân của số tiền ấy.

Tất nhiên, tiền ban đầu chỉ là tiền. Nhưng tiền có tranh chấp thì đã thành sự vụ. Điều này, khiến Ngô liên tưởng đến điển tích “Tái ông thất mã”.

Với lại, Ngô cũng muốn trình bày vài quan điểm thiển cận của Ngô.

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

1. Quãng mấy tuần trước, Ngô có ngồi trò chuyện với người phụ nữ thu mua ve chai trong căn nhà trọ mà chị đang sinh sống. Người phụ nữ thu mua ve chai rất nghèo, hẳn nhiên rồi, có ai khá giả mà phải đẩy xe lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để kiếm mỗi ngày vài mươi nghìn tiền lời đâu. Với vài mươi nghìn tiền lời này, chị phải tốn một khoản cho tiền sinh hoạt phí. Mà không phải ngày nào cũng có lời vài mươi nghìn đâu, có ngày đi rã gối không mua được gì, ngày đó xem như lỗ tiền ăn.

Chị học đến lớp 3 thì thôi, chồng chị không đến lớp, hai vợ chồng đều ở trong căn nhà trọ ấy. Căn nhà trọ của ông chủ thu mua lại phế liệu, cho nhiều người (kiểu như chi nhánh) ở miễn phí, chỉ trả tiền điện nước. Trong căn nhà trọ của những người thu mua phế liệu, có mùi lưu cữu. Vật dụng cũng như mùi trong căn nhà, cái quạt cũ, cái bình đựng trà nóng cũ, cái tivi cũ… Không khí buồn buồn.

Chị nói với Ngô nhiều chuyện, về những ngày cơ cực, về số tiền cố dành dụm gửi về quê nuôi con, về những dự tính nếu như chị nhận được số tiền hơn 5 triệu Yên sau thời hạn một năm.

Ngô hỏi chị có tính làm từ thiện không?. Chị trả lời, chị nguyện làm từ thiện một ít thôi, vì anh chị em của chị đều nghèo hết. Chị muốn sửa lại căn nhà ở quê, xây nhà cho cha mẹ ruột, cha mẹ chồng. Số tiền còn lại, chị gửi ngân hàng lấy lãi. Còn chị và anh vẫn tiếp tục đẩy cái xe ba bánh thu mua phế liệu như ngày xưa.

Ngô lại hỏi, nếu như chị không nhận lại được. Khi Ngô nói dứt câu, trong ánh mắt của chị hiện rõ nét hoảng hốt. Chắc chị không nghĩ đến chuyện này, chưa từng nghĩ đến chuyện này.

Ngập ngừng mãi chị đáp, chắc chị buồn lắm. Đúng thật, ai mà không buồn nếu điều đó diễn ra.

2. Câu chuyện Ngô sắp trích dẫn, là chuyện nhiều người biết. Bởi Ngô thấy phù hợp, mạo muội dẫn lại từ website.

“Sách của Hoài Nam Tử có chép:

Một ông lão ở gần cửa ải Nhạn Môn, nơi giáp giới nước Tàu với Phiên Quốc (Hồ) có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất. Người quen thuộc đều đến thăm hỏi, chia buồn. Ông lão nói:

- Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách mấy tháng, con ngựa trở về lại quyến thêm một con ngựa hay tốt. Những người quen thuộc kéo đến xem ngựa và chúc mừng. Ông lão nói:

- Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy, biết đâu!

Từ khi được ngựa hay tốt, con ông lão thích cưỡi. Chẳng may té què chân. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm, chia buồn. Ông lão nói:

- Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!

Cách một năm có giặc Hồ. Nhà vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười người chết đến chín. Chỉ con ông lão vì què mà không phải đi lính mà cha con vẫn họp nhau.

“Tái ông thất mã” trở nên một thành ngữ để chỉ sự họa, phúc xoay vần, khó biết trước được. Trong cái phúc thường khi có cái họa; trong cái họa lại có cái phúc. Cổ ngữ cũng có câu: “Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục”.”.

Lại một điển tích khác Ngô không nhớ rõ tựa đề, điển tích kể, “Một người nhà quê trải cỏ phơi ở chân giậu. Hôm sau ra vơ cỏ, nghe tiếng kêu “tích tích”, lật lên xem thì bắt ngay được một con trĩ. Anh ta thấy thế lại vẫn để cỏ ở đấy, có ý mong ngày mai lại được con trĩ nữa. Mai ra, lắng tai nghe tiếng “tích tích” như hôm trước, bụng mừng thầm. Nhưng vừa bới cỏ lên thì ra một con rắn cắn ngay vào tay làm anh ta bị thương rồi chết”.

Minh họa: Lê Phương.

Nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh có viết vài chữ trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu, rất hay “Trời mây gió khôn lường, người ruổi may chớp mắt”.

Ngô lại trộm nghe người xưa đúc kết, “Trong họa có phúc, trong phúc có họa, không biết đâu mà mừng vui. Đã là phúc tức không phải là họa, đã là họa tức không thể tránh”.

Người Trung Quốc có câu, “Số không có bồ gạo, đi khắp thế gian cũng không đầy đấu”. Nhưng đó chỉ là một cách nói, bởi biết đâu trong nỗi hạnh ngộ của đất trời đầy vi diệu người ta vẫn có thể thoát khỏi cái số không có được bồ gạo thì sao?. Không phải bậc đế vương nào sinh ra cũng hiển lộ quý tướng, không phải tài nhân nào sinh ra cũng xuất hiện tinh tú quanh nhà. Thế nhưng, trong chừng mực nào đó, phước phần không phải là lẽ ngẫu nhiên để lừa phỉnh nhau.

Bạn đọc đừng cười chê Ngô đã văn dốt võ nát lại học trò khoe khoang kiến văn nông cạn, sở dĩ Ngô phải trích dẫn, phải rào trước đón sau, phải đong đưa tứ tán là vì Ngô có điều băn khoăn của Ngô.

3. Chị thu mua ve chai nhặt được tiền trong chiếc loa thùng, ngay lập tức khiến dân tình trong hẻm nhốn nháo. Người xin chị cho ít lộc để đổi tiền xài, kẻ hăm dọa chị phải chia hai, chia ba, chia tư, chia năm thì họ mới để chị yên thân. Kẻ kéo băng nhóm lâu la như phường thảo khấu đến nhà chị để “vô lộc bất thụ hưởng, có hưởng phải chia đôi”… Đó là những ngày vợ chồng chị phải cố thủ trên cái gác xép của nhà trọ để trốn tránh.

Ở quê, họ đồn anh chị trúng được kho báu tại Sài Gòn. Một đồn mười, mười đồn trăm thật chẳng khác gì chuyện “con heo nhà ông Sáu mới đẻ ra con gà mái, còn con gà mái nhà ông Bảy không đẻ trứng mà đẻ ra hẳn con vịt trời”. Lo lắng cho sự an nguy của con ở quê, anh phải thôi mưu sinh ở thành phố cùng chị trở về quê để chăm con. Trong thời gian ở quê, anh được hàng xóm cho vay tiền để mua bò nuôi. Hẳn là, không ai lại ngại cho một cá nhân vay tiền khi cái tin cá nhân ấy sắp được sở hữu rất nhiều tiền loan đầy trên mặt báo.

Đang yên đang lành thì như sấm động giữa trời quang, có người phụ nữ khác quyết liệt xác tín đó là món tiền mà ông chồng nước ngoài của người phụ nữ bỏ quên. Tình tiết mà người phụ nữ kia đưa ra hoàn toàn không logic, nhưng cho dù có logic hay không thì sự phân định phải thuộc về tòa án. Mà biết đâu đấy, khi tòa án xác định món tiền hơn 5 triệu Yên trong cái loa thùng cũ là tiền bất hợp pháp, tiền không xác định rõ chủ nhân khi có tranh chấp thì sẽ xung công.

Vậy đó, tiền chị chưa cầm được tất cả chỉ là một hứa hẹn của tương lai, đổi lại chị đã nhận biết bao nhiêu phiền phức.

Đúng thật họa phúc liền kề nhau.

4. Như Ngô đã viết phần trên, Ngô rất băn khoăn trước sự thiển cận mà Ngô muốn đề cập, nhưng không thể không nói – tính Ngô trước sau như vậy rồi muốn sửa đổi cũng còn lắm nhiêu khê.

Hàn Phi Tử kể điển tích, từ điển tích này hình thành nên câu “Ôm cây đợi thỏ”, từa tựa câu “Há miệng chờ sung” của người Việt ta.

“Thời Xuân thu Chiến quốc tại nước Tống có một người nông dân, giữa cánh đồng của anh ta có một cái cây. Mỗi khi làm đồng mệt anh thường dựa lưng nghỉ dưới gốc cây. Một ngày nọ, khi đang làm đồng bỗng anh ta thấy một chú thỏ đang hoảng loạn chạy vụt qua và đâm đầu vào cây, rồi gãy cổ mà chết. Người nông dân liền chạy tới nhặt chú thỏ lên, hí hửng buổi tối sẽ có món thỏ hầm ngon lành. Kể từ đó anh ta bỏ cày, bỏ bê công việc đồng áng, rồi ngồi nuôi hy vọng một chú thỏ khác sẽ đâm đầu vào gốc cây mà chết. Tuy nhiên, đợi mãi mà không thấy con thỏ nào xuất hiện, thế là anh nông dân trở thành đối tượng bị chê cười. Cuối cùng anh ta chẳng được gì, chỉ còn lại ruộng đồng bỏ hoang và trơ trụi”.

Ngô chỉ trích điển tích thôi, Ngô không có ý ám chỉ chị thu mua ve chai là người nông dân ôm cây đợi thỏ vì chị rất thật thà, chị là người quê chân chất, chị vẫn mưu sinh bằng gánh ve chai của chính chị.

Ý Ngô chỉ là, điều may mắn trong cuộc sống không phải là không diễn ra, không phải là không có thể đến phiên mình vận vào. Một món hoạnh tài cũng không phải là không thể tự tìm đến mình, hoàng thiên đãi nhân là chuyện vẫn thường có.

Thế nhưng, cái cách mà truyền thông đang ra sức phán xét, các luật sư đang cố gắng vận dụng luật theo chiều hướng nên trả lại số tiền hơn 5 triệu Yên cho chị khiến Ngô cảm thấy hoang mang.

Bởi Ngô không biết chúng ta sẽ trả lời cho con em chúng ta khi vô tình nhận được câu hỏi, phải đối xử làm sao với một món hiện kim, một món lợi không do công sức mình làm ra?

Chắc là khó lắm, phải không ạ? Khó đến độ, Ngô không nỡ trả lời.

Thôi thì mỗi cá nhân có một quan điểm riêng, quan điểm của Ngô – đúng hay sai Ngô nhận. Ngô hoàn toàn không muốn tranh luận.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.