Bi kịch vẫn lạc quan

Thứ Năm, 06/12/2012, 16:25
Sergei Esenin (3/10/1895-28/12/1925) là một trong những nhà thơ Nga hàng đầu thế kỷ XX. Một đỉnh cao sớm bộc lộ và cũng sớm kết thúc. Khi qua đời trong những tình huống mà tới nay vẫn bị cho là còn nhiều bí ẩn, thi sĩ thượng đẳng của nước Nga mới ở tuổi 30.

Từ lâu tôi đã hiểu ra một “đúc kết” của những vị đàn anh thông thái: Không bao giờ được oán thán thời mình đang sống, vì làm thế rất dễ trở nên yếm thế và rốt cuộc, mình có thể “tiêu cực” dẫn đến “mất cả chì lẫn chài”. Hãy biết yêu những gì hiện hữu và tìm thấy ở đó niềm cảm hứng lớn nhất, ích nước lợi nhà nhất. Lắm ưu tư như Chế Lan Viên mà vẫn hùng hồn viết trong thời đầy gian khó, thiếu thốn và hiểm nguy: “Những ngày ta đang sống đây là những ngày đẹp nhất”... Tuy vậy, quả thực là rất khó cảm thấy hài lòng với mọi sự đang diễn ra trong những ngày mình đang sống. Nhưng không hài lòng mà vẫn phải tin rằng mọi sự rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn...

Sinh thời, Esenin luôn chênh vênh giữa hai trạng thái: ham sống tới tột cùng và chán sống cũng tới tột cùng. Nhà thơ được ví như cây đại phong cầm của nước Nga, làm rung lên những giai điệu thuần khiết nhất của dân tộc Nga la tư vĩ đại, đã phải mang trong mình một tâm hồn luôn luôn náo động, vì quá ham sự thanh khiết nên hay bị vướng vào vòng tục lụy. Giữa những ngày thanh xuân nhất, Esenin đã biết cảm nhận nỗi niềm của “những gì  đến nở tung rồi tàn úa trong đời”. Và anh đã tạo được cho mình một thái độ thâm trầm của những triết gia cao niên:

Tôi không tiếc, tôi không than khóc,
Mọi sự đều sương khói dần phai.
Đã trót nhuốm sắc vàng tang tóc,
Chẳng bao giờ tôi trẻ nữa lần hai. 

Con tim đã lỡ làng thấm lạnh,
Giờ sẽ thôi run rẩy, rộn ràng.
Và vương quốc vải màu dương liễu,
Hết rủ ta nhảy nhót chân trần.

Hồn lãng tử, người càng ngày càng bớt,
Thổi cháy bùng lời lẽ trên môi.
Ôi sức trẻ của ta đã mất,
Ôi tinh anh con mắt khát tung trời!

Giờ tôi kiệm cả niềm ao ước,
Đời đấy ư? Hay mộng mị, em về?
Ngỡ tôi giữa sáng xuân náo nức,
Trên ngựa hồng theo gió bay đi.

Ta tất cả, tất cả ta cát bụi,
Những cây phong vàng lá tan rời...
Hãy vĩnh viễn thiêng liêng rạng rỡ,
Những gì đến nở tung rồi tàn úa trong đời!

Những dòng thơ trên được viết năm 1921, khi Esenin mới 26 tuổi. Trong những hoàn cảnh xã hội nào đó, sống đôi khi là làm mình bớt “hay” đi để đáp ứng những nhu cầu nào đó của thời cuộc. Nhạy cảm như Esenin không thể không sớm nhận ra điều này. Và nhận ra không thể không đau đớn. Ngày 9/10/1923, sáu ngày sau lễ sinh nhật lần thứ 28, Esenin viết:

Em yêu ơi hãy ngồi lại bên nhau
Đôi cặp mắt hãy nhìn nhau đắm đuối
Ta ao ước sau cái nhìn ân ái
Nghe trào dâng cơn bão tố trong lòng.

Vàng chói lọi của mùa thu tới
Và này đây mái tóc sáng ngời
Tất, tất cả hóa một niềm cứu rỗi
Kẻ trọn đời phiêu bạt ngược xuôi.

Anh đã bỏ quê mình từ lâu lắm
Bỏ cánh đồng hoa nở khắp nơi
Trong danh tiếng thị thành cay đắng
Anh đã để đời hoài phí, lỡ làng trôi.

Anh hy vọng tim dần dà sẽ bớt
Nhớ hàng cây với mái nhà xưa
Nơi giữa tiếng đồng ca của ếch
Anh đã nuôi mình lớn, hóa nhà thơ.

Giờ ở đấy cũng là thu em ạ
Hai bên đường cây cối đứng không yên
Cứ mãi thả bóng cành, bóng lá
Dõi tìm người chúng còn nhớ, chưa quên.

Nhưng từ lâu ta đã mất trên đời
Ngoài nghĩa địa trăng hoang vu, buồn bã
Soi ánh sáng trên những cây thánh giá
Chúng đợi mình tới đó em ơi.

Chúng đợi mình khi nợ đời đã trả
Đến cùng những bụi cây kia, yên giấc ngàn năm
Và những con đường quanh co ở lại
Vui với người còn sống ở trần gian.

Nên em ơi hãy ngồi lại bên nhau
Đôi cặp mắt hãy nhìn nhau đắm đuối
Ta ao ước sau cái nhìn ân ái
Nghe trào dâng cơn bão tố trong lòng…

Tất cả vẫn là một nỗi niềm không thỏa trong kiếp nhân sinh, nơi ẩn náu chưa chắc đã là đích thực của các nhà thơ chân chính. Không ngẫu nhiên đâu mà trong một bài thơ viết tặng em gái Sura, Esenin đã thú nhận:

Cõi trần thế anh chỉ là khách trọ,
Hãy vẫy anh vui vẻ nghe em.
Trăng thu cũng tung chùm tia sáng,
Dịu dàng lặng lẽ thế vào đêm.

Lần đầu tiên trăng làm anh ấm,
Lần đầu tiên hơi lạnh sưởi lòng anh.
Anh lại sống, lại thêm hy vọng,
Vào tình yêu thực đã không thành.

Cánh đồng quê giúp anh được thế,
Cánh đồng quê cát trắng mặn mòi.
Ơi trinh tiết một thời ai mất,
Ơi lòng ai thân thuộc nỗi hoài!

Phải thế chăng vĩnh viễn anh chẳng giấu
Chuyện anh yêu không đơn bạn lẻ bầy:
Anh và em, ta cùng chung tình cảm
Thật nồng nàn với mảnh đất này đây...

Sống gửi, thác về, người Việt ta từ nghìn xưa cũng đã nghĩ như vậy rồi. Không biết những người khác thế nào, chứ cá nhân tôi luôn thấy Esenin gần gụi với mình như anh em song sinh, như bạn bè “đồng sàng, đồng mộng”. Nhất là khi tôi còn trẻ như anh. Sống theo đúng nghĩa của từ này cũng có thể khiến người ta phạm những sai lầm nào đó. Nhưng không bao giờ được trở nên tàn ác, dù vô cùng mệt mỏi:

Tôi buồn rầu biết mấy nhìn em,
Đau đớn quá, đáng thương xót quá.
Biết chăng, chỉ sắc vàng lá liễu,
Tháng Chín này rớt lại cùng ta.

Môi kẻ khác đã làm tan tác,
Hơi ấm em, run rẩy xác em rồi.
Như thể những giọt mưa tí tách,
Rơi từ hồn đã mấy phần chai.

Thì đành thế! Tôi nào kinh hãi,
Ngay sự này cũng khiến tôi vui.
Vì chẳng thể còn gì khác nữa,
Ngoài không gian vàng lạnh u hoài.

Chính thân tôi, tôi còn chẳng giữ,
Cho đời tươi, cho những nụ cười.
Mới chỉ vượt dăm ba lối ngõ,
Đã phạm bao lầm lỗi kinh người.

Sống ngộ quá, dở dang ngộ quá,
Đã thế và mãi thế mà thôi.
Như nghĩa địa, khu vườn xơ xác,
Những thân cây trơ tựa xương đời.

Rồi ta cũng hết thời xuân sắc,
Hết thời âm vang như khách của khu vườn.
Bởi giữa đông chẳng thể nào hoa nở,
Đừng hoài hơi vì chúng, ta buồn…

Và một khi không sống được như thế, thì phải tìm thấy trong mình đủ sức viết những câu trăng trối như Esenin đã làm trong ngày 27/12/1925:

Giã biệt nhau, bạn nhé!
Tôi giữ bạn trong lòng.
Buổi chia li tiền định,
Chắc hứa lúc tương phùng.

Giã biệt, không phải nói,
Không bắt tay, không buồn.
Đời này, chết chẳng mới,
Nhưng sống - mới gì hơn!

Chết cũng không mới hơn sống, Vladimir Maiakovsky đã họa lại Esenin như vậy. Nhưng không sống thì không thể chết. Không sống tử tế thì chết càng không thể nào nhắm mắt được. Người thường đã thế, huống hồ là các nhà thơ! Nhà thơ, đó không chỉ là sáng tạo nghệ thuật mà còn là một thái độ sống.  Nhà thơ đích thực không thể không tử tế, ngay cả khi anh lỡ có phạm lầm lỗi nào đó. Esenin đã phải tử tế lắm thì khi anh qua đời, vũ nữ lừng danh Isedora Duncan mới lấy máu của tim mình để viết lời phân ưu như sau gửi lên một số tờ báo Pháp (nàng từng là vợ cũ của nhà thơ, từng khốn đốn lang bang vì những hoạn nạn của đời anh, tâm tính anh): “Tin tức về cái chết bi thảm của Esenin đã khiến tôi vô cùng đau đớn. Anh ấy trẻ, đẹp, thiên tài. Không thỏa mãn với tất cả những phúc lộc đó, tinh thần anh ấy lại hướng tới cõi hư vô và anh ấy muốn những tộc người thiên cổ phải quỳ gối trước mình. Anh ấy đã tàn phá tấm thân thanh tân tuyệt vời của mình, nhưng tinh thần anh ấy sẽ sống mãi trong lòng nhân dân Nga và tất cả những ai yêu quý các nhà thơ... Tôi khóc thương anh ấy với nỗi đớn đau và tuyệt vọng. Isedora-Duncan”...

Không ai nỡ lòng chối bỏ một nhà thơ tử tế, bởi những người phụ nữ chân chính đều hiểu rằng, khi anh làm ta khổ một thì chính anh cảm thấy khổ mười!...

* Những bài thơ trên đều do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga

Linh Vân
.
.