Từ việc ĐKVĐ Tây Ban Nha bị loại ngay sau vòng đấu bảng World Cup 2014

Bi kịch của sáng tạo

Thứ Bảy, 19/07/2014, 17:20

Nếu coi cả một ĐT Tây Ban Nha là một bức tranh thì HLV Del Bosque hẳn nhiên là hoạ sĩ - tác giả bức tranh. Ở vai trò của một hoạ sĩ, Del Bosque đã từng có những năm tháng phẩy bút tài hoa, đầy sáng tạo, để rồi nhờ thế bức tranh của ông đã từng được đặt ở vị trí số 1 trong viện bảo tàng châu Âu và thế giới. Nhưng thời gian vốn là ông thầy công minh nhất của những tác phẩm nghệ thuật, và thời gian đã chứng minh: khi sự sáng tạo bị giới hạn, khi những đường nét của bức tranh đã dễ dàng bị người đời đọc vị (chứ không may mắn có được sự huyền bí bất hủ như bức Mona Lisa danh tiếng) thì nó lập tức bị ném vào sọt rác của viện bảo tàng.

1. Del Bosque có phải là một hoạ sĩ giỏi hay không? Nhiều người trả lời là không, vì theo họ, ông được đặt vào vị trí “vẽ tranh” trong một thời điểm mà người ta bày cho ông cả một ý tưởng và một rừng màu sắc lung linh. Ý tưởng ấy mang tên Tiqui - Taca, thứ mà không phải ông, mà là một ông thầy khác sáng tạo ra, còn sắc màu ấy là những Xavi, Iniesta...- toàn những đôi chân thiên tài cả. Người ta còn bảo trước ông, khó khăn hơn ông, cố “hoạ sĩ” Aragones đã dùng những chất liệu này để vẽ nên một tuyệt tác ở Euro 2008, và vì thế công việc của ông đơn giản là chỉ làm cái việc mà Aragones để lại mà thôi.

Lầm! Vẫn là một ý tưởng, vẫn là chừng ấy sắc màu nhưng kiểu cầm bút của Del Bosque không giống Aragones, càng không giống Johan Cruyff - người được cho là cha đẻ của Tiqui - Taca, và càng không giống Guardiola - người đã giúp CLB Barcelona lên đỉnh đầu thế giới cùng thứ triết lý này. Nếu cứ bày ra một ý tưởng và một đống chất liệu rồi bảo những người đi sau cứ thế mà sản xuất ra những kiệt tác giống như đi trước thì xem ra hoạ sĩ - HLV là một trong những công việc dễ dãi nhất trên cõi đời này.

Dưới trào Del Bosque, Tiqui - Taca đã được làm mới, được biến đổi, mà rõ nhất là có những thời điểm nó được vận hành trong một sơ đồ không tiền đạo - điều mà cả Cruyff lẫn Guardiola chưa từng làm. Mà lý thuyết sáng tạo chỉ ra rằng: sáng tạo trên một cấu trúc cũ, một cấu trúc sẵn có là công việc khó khăn chẳng kém gì sáng tạo ra một cấu trúc mới. Đấy là chưa nói bên cạnh những sáng tạo về mặt chuyên môn thuần tuý, ông hoạ sĩ râu kẽm (Del Bosque có biệt hiệu là “ngài râu kẽm”) còn có công giúp cho những sắc màu, những hình khối, những đường nét tiếp tục sáng lung linh, từ World Cup 2010 đến Euro 2012. Nếu không có tài, không có công năng chống lại sự tàn phá tất yếu của thời gian, người ta không thể làm như vậy. Và vì vậy, bất chấp cái vẻ ngoài hiền hậu như một cha đạo (chứ không phải vẻ tinh ranh, quái chiêu như một số HLV danh tiếng), bất chấp việc một bộ phận dư luận cho rằng mình đã được nhiếp chính trong một hoàn cảnh không thể thuận lợi hơn thì tài năng của Del Bosque và nghệ thuật “vẽ tranh” của Del Bosque cũng là điều không thể nào phủ nhận.

2. Thế thì tại sao ở cuộc triển lãm mang tên “World Cup 2014” lần này bức tranh của Del Bosque lại bị ném vào sọt rác? Tại sao một ông “hoạ sĩ” được đánh giá là có tài như ông lại phải bất lực nhìn bức tranh của mình bị đối xử một cách thậm tệ? Câu trả lời đơn giản nằm ở chỗ: Sự sáng tạo nào cũng có giới hạn của nó. Và khi một hoạ sĩ, một tác gia, một người làm nghệ thuật đã đi đến điểm giới hạn của mình (hậu quả là chỉ có thể tạo ra những tác phẩm lặp lại chính mình) thì khi ấy bi kịch hiện sinh.

Thật ra nếu bảo ở World Cup này, Del Bosque  cũng “vẽ tranh” y như Euro 2012 hay World Cup 2010 thì oan cho ông quá! Đã có những nét mới, thậm chí là rất mới trong bức tranh ấy, như một dấu chấm to đùng, màu đen mang tên Diego Costa chẳng hạn. Những bức tranh của Del Bosque trước đây chỉ toàn những nét phẩy bút nhẹ nhàng tinh tế, chứ chưa hề xuất hiện một dấu chấm mạnh mẽ xù xì như thế. Những bức tranh của ông trước đây cũng chỉ toàn những nét bút ngắn, mảnh mai, đứt đoạn, chứ chưa bao giờ có những nét dài, nét đậm như đã có bây giờ. Đấy là còn chưa nói cái dấu chấm mang tên Diego Costa đến từ “hiệu bách hoá” Atletico Madrid - một hiệu bách hoá bình dân, dành cho những người mua hàng bình dân, chứ không phải cái siêu thị Real hay Barca vốn chỉ thuộc về tầng lớp lượng lưu, trí giả. Và đôi lúc, dưới bàn tay của Del Bosque, mọi đường hướng đều nhắm tới cái chấm đen xù xì ấy.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, nhìn một cách tổng thể và liên tục thì đấy vẫn là chấm đen lẻ loi trên bức tranh cũ kỹ. Giá mà có nhiều hơn những chấm đen mới mẻ ấy, những chấm đen cũng từng được gợi ý, nhưng từng bị bỏ qua, như Negredo, Soldado, Mata... chẳng hạn! Nếu có cùng lúc những sự mới mẻ đó (chứ không phải chỉ là một hai sự mới mẻ trong một rừng cũ kĩ) thì chắc chắn Del Bosque sẽ vẽ tranh theo một cách khác, và từ bàn tay sáng tạo của ông có thể người ta sẽ nhìn thấy những đường nét khác, những hình thù khác, có thể mạo hiểm hơn nhưng lại tươi mới, hứa hẹn hơn.

Trong khoa học cũng như trong nghệ thuật, gần như sự sáng tạo nào cũng song hành cùng mạo hiểm. Vì sáng tạo mà có nhiều nhà khoa học phải chết, phải đau đớn trả giá trước quan điểm của nhà thờ và giáo hội. Vì sáng tạo mà nhiều nghệ sĩ đã phải sống cả đời trong cô đơn và nghèo khó, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay thì tác phẩm của mình mới trở thành món quà trác tuyệt cho một nhân loại biết yêu và tôn thờ cái đẹp. Cái giá cho sự sáng tạo (nếu có) của Del Bosque không đến mức khắc nghiệt như thế, vì ông đã từng tạo ra những bức tuyệt tác, và chỉ từ những bức tuyệt tác đã có ấy thôi, tên tuổi ông chắc chắn được lưu danh.

Thế mà Del Bosque lại không sáng tạo, hay nói cho chính xác là chỉ sáng tạo nhỏ giọt trên cái nền già nua cũ kĩ, chứ không dám xé đi những nền tảng đã có, những thứ giá trị đã định hình để hy vọng tạo nên những nền tảng giá trị mới, có thể là không phải cho mình, mà cho những thế hệ sau. Vậy thì Del Bosque đáng trách hay giới hạn của sự sáng tạo, cái điểm chết tất yếu của những kẻ làm nghề sáng tạo mới đáng trách?

3. Không, chẳng có gì đáng trách cả. Chỉ có những ai dấn thân vào con đường sáng tạo, cho dù chỉ là sáng tạo một bài báo hay một bức tranh, hay cả một công trình nghệ thuật (nếu coi bóng đá cũng là nghệ thuật thì một đội bóng cũng là một công trình nghệ thuật chứ sao?) mới hiểu rằng đấy là một công việc đòi hỏi người ta luôn phải làm mới chính mình, thậm chí dám phá nát con đường cũ kĩ mình đã đi để đặt những bước chân hoang vu đầu tiên lên những con đường mới. Và chỉ có những ai làm nghề sáng tạo mới hiểu rằng người ta có thể nhận thức một cách rõ ràng, tường minh như vậy, nhưng làm được như vậy lại cả một kỳ công. Mà ở đời, liệu có mấy kỳ công?

Thành thử, một trong những bi kịch lớn nhất, bi kịch tất yếu của sáng tạo mà gần như mọi bộ óc sáng tạo, dù nhỏ bé  hay vĩ đại đều phải đối diện đó là: phải đau đớn chấp nhận cái gọi là “giới hạn sáng tạo” của chính mình, thậm chí đau đớn nhìn nó đánh gục mình trên vũng máu thời gian

Phan Đăng
.
.