Bệnh binh!

Thứ Sáu, 14/08/2015, 04:07
Nó là từ mô tả trạng thái tồn tại tiêu cực của quân sĩ. Nhưng vô hình trung, nó cũng là từ mô tả chính xác V.League ở giai đoạn nhạy cảm cuối mùa.

Đầu tiên là chuyện bệnh tật của các ông thầy, bệnh hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen của “bệnh”. Cách đây vài tháng, HLV trưởng Thanh Hoá Vũ Quang Bảo đột nhiên thông báo tình trạng bệnh tật, rồi đột nhiên cho biết mình phải nghỉ việc để đi chữa bệnh, khiến lãnh đạo xứ Thanh phải cuống cuồng tìm người thay thế. Nhưng lạ là sau khi rời Thanh Hoá không lâu, vị HLV này lại đột nhiên khỏi bệnh, rồi đột nhiên tái xuất trở lại trên cương vị Giám đốc kỹ thuật câu lạc bộ Xổ số kiến thiết Cần Thơ. Nhiều người hồ nghi: Có lẽ bệnh của ông là tâm bệnh?

Gần đây lại đến lượt HLV Đinh Cao Nghĩa ở Quảng Ninh cũng nói về việc mình phải nghỉ việc đi chữa bệnh, nhưng chỉ sau 1,2 tuần vị này lại tái xuất, và tái xuất một cách bí ẩn tới mức bây giờ thì người ta không biết là ông sẽ lại làm HLV trưởng hay làm công tác quản lý ở đội bóng này.

Không đến mức nhắc đến chuyện bệnh tật nhưng khi chia tay Giám đốc kỹ thuật Lê Thụy Hải, những nhà lãnh đạo bóng đá Bình Dương cũng thông tin với báo giới: “Lý do chính nằm ở vấn đề sức khoẻ”. Người ta còn lý luận rằng năm nay Bình Dương đá cả V.League lẫn AFC Cup (giờ đã bị loại), di chuyển nhiều, thay đổi thời tiết, múi giờ liên tục, đến thanh niên còn mệt mỏi, chứ đừng nói gì đến những người tuổi thất thập như ông Hải. Tuy nhiên, không khó “ngửi” ra “lý do sức khoẻ” chỉ là một cách nói, thực chất ông Hải bất đồng với lãnh đạo Bình Dương trong việc sử dụng tiền đạo Lê Công Vinh, và theo những người hiểu việc thì đấy mới là lý do chính để hai bên nói lời chia tay.

Nếu nói về chuyện bệnh tật của các ông thầy thì có lẽ HLV trưởng Guillaume Graechen của CLB Hoàng Anh Gia Lai là có bệnh... dễ nhìn ra nhất. Sau một trận bóng đá giao hữu, ông gặp vấn đề ở dây chằng nặng tới mức phải đi phẫu thuật. Nhưng ông thầy ngoại duy nhất ở V.League này vẫn chống nạng ra sân, và vẫn khập khiễng chỉ huy học trò từ ca bin huấn luyện. 

Nếu so sánh trường hợp bệnh tật của thầy “Giôm” (tên gọi thân mật của HLV Guillaume Graechen) với tình trạng bệnh tật của những ông thầy nội Vũ Quang Bảo, Đinh Cao Nghĩa, Lê Thụy Hải sẽ thấy một điều rất nghịch: hóa ra cái người bệnh thật và bệnh nặng vẫn cố ra sân, còn những người “chóng bệnh” rồi “chóng khỏi” lại bất ngờ mất tích. Và cứ với cái đà này, tới đây không loại trừ khả năng sẽ có thêm những ông thầy mắc bệnh sau khi đã quyết định thay đổi chỗ làm, hoặc bị cấp trên buộc phải thay đổi chỗ làm.

Nhưng bệnh của các HLV nguy hiểm một thì bệnh của những ông bầu nguy hiểm mười. Ví dụ rõ nhất là ngay sau khi tuyên bố chia tay với HLV trưởng Đinh Cao Nghĩa, chủ tịch CLB Quảng Ninh tuyên bố mình sẽ đích thân cầm quân ra trận. Có thể vị này chỉ tuyên bố như vậy để uý lạo tinh thần binh sĩ, giúp họ vượt qua cơn hiểm nghèo, nhưng nhìn vào bản chất thì đấy cũng là một tuyên bố cực kỳ tuỳ tiện và không chuyên nghiệp.

Hãy thử tưởng tượng, ở CLB Real Madrid, sau khi không hài lòng với HLV trưởng, ông chủ tịch Perez - một nhân vật khét tiếng độc đoán cũng tuyên bố “tôi sẽ trực tiếp cầm quân ra trận” thì mọi thứ sẽ như thế nào? Cũng như thế, nếu bất mãn với HLV trưởng Jose Mourinho, ông chủ tịch Chelsea Abramovic cũng sẵn lời tuyên bố: “Tôi sẽ thay Mourinho cầm quân ra trận” thì mọi thứ sẽ ra sao?

Bóng đá chuyên nghiệp quy định rõ: Huấn luyện viên là huấn luyện viên, ông chủ tịch là ông chủ tịch, và đấy là hai vị trí, hai vai trò khác nhau một trời một vực. Thế nên nếu một vị chủ tịch nào đó bỗng nhiên muốn làm HLV, kể cả khi chỉ cao hứng tuyên bố như thế, chứ không thực sự xắn tay làm thì vị chủ tịch ấy rất dễ khiến người ta nghi ngờ về tình trạng bệnh lý, dĩ nhiên là “bệnh lý bóng đá” của mình! 

Khác với ông chủ tịch Quảng Ninh, ông chủ tịch Hải Phòng lại khiến người ta nghi ngờ theo một dạng khác. Số là Hải Phòng có trận thua bất thường trên sân Cần Thơ - một đội bóng đang cần tích điểm trụ hạng, một trận thua mà lấy lý do chấn thương thẻ phạt, Hải Phòng cất hàng loạt chủ lực binh trên ghế dự bị. Một cầu thủ ngoại Hải Phòng sau đó thậm chí còn chia sẻ tâm lý ngao ngán khi bất ngờ bị cho ngồi dự bị. Thế là các CĐV Hải Phòng ầm ầm phản ứng, đòi HLV trưởng Trương Việt Hoàng từ chức, rồi đòi ông chủ tịch CLB giải trình. 

Ông chủ tịch giải thích một cách kinh ngạc rằng: “Ngay cả khi tung vào sân một đội hình mạnh nhất, chúng tôi cũng khó thắng Cần Thơ”. Ô hay, Hải Phòng đang đứng thứ 3 từ trên xuống, Cần Thơ đứng thứ 3 từ dưới lên, bất chấp việc Cần Thơ đã tăng cường lực lượng và có nhiều biểu hiện mạnh mẽ hơn so với giai đoạn lượt đi thì cũng thật khó tin khi một đội “đứng thứ 3 từ trên xuống” lại không dám nghĩ đến một chiến thắng trước một đội “đứng thứ 3 từ dưới lên”. Có lẽ, chỉ có những người mắc bệnh (vẫn chỉ là bệnh lý bóng đá thôi nhé) mới nghĩ ngợi như thế chăng?

Nghe đâu sau trận đấu khét lẹt này, Trưởng Ban tổ chức V.League 2015 Nguyễn Minh Ngọc cũng đã đề nghị ông chủ tịch CLB Hải Phòng giải trình nghiêm túc, và trong văn bản giải trình ông chủ tịch vẫn chỉ đưa ra những lý lẽ tương tự. Kết quả là, BTC V.League nhắc nhở lãnh đạo, Ban huấn luyện, cầu thủ iHải Phòng phải thi đấu trung thực trong những vòng đấu tới. 

Sau khi tuyên bố “đi chữa bệnh”, HLV Vũ Quang Bảo đột nhiên tái xuất ở Cần Thơ. Ảnh: H.M.

Những nhắc nhở chung chung như thế có mới mẻ, lạ lùng gì không? Xin thưa ngay là không, vì năm nào cũng vậy, cứ đến giai đoạn cuối mùa là BTC giải lại nhắc nhở chung chung như vậy, nhưng bất chấp mọi nhắc nhở, năm nào cũng có những trận đấu “sặc mùi”. Thế thì cứ nhắc hoài, nhắc mãi, thay vì dám trừng phạt mạnh mẽ và đích đáng - phải chăng chính những nhà làm giải cũng đang mắc một căn bệnh khó chữa và khó nói?

Tới đây, chúng tôi sực nhớ một câu chuyện trong lễ tổng kết mùa giải 2013, khi Phó chủ tịch tài chính VFF Lê Hùng Dũng (giờ đã là chủ tịch) lên tiếng trách móc  Ban Tư vấn Đạo đức VPF (giờ đã khai tử) quanh việc ban này ép Ban Kỷ luật VFF trừ 4 điểm CLB Sài Gòn Xuân Thành sau một trận thua bất thường của CLB này trên sân Kiên Giang, khiến họ tức quá mà tuyên bố giải thể. 

Lập tức, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh vặn lại: “Một, Ban Kỷ luật hoạt động theo điều lệ, quy chế đàng hoàng, chứ có phải trẻ con đâu mà lại để Ban Tư vấn Đạo đức VPF muốn ép là ép được. Hai, Sài Gòn Xuân Thành thi đấu như thế nào, khiến khán giả bức xúc ra sao là điều cả làng cả nước đều thấy rõ, tại sao lại nói việc trừng phạt họ là sai?”.

Sau khi phản ứng quyết liệt với ông Lê Hùng Dũng, chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh liền rỉ tai một thành viên VPF: “Chắc vị này mắc bệnh mới nói như thế!”.

Và sự thật là thế đấy, nếu cứ phải nói về chuyện bệnh binh - bệnh tật của bóng đá Việt Nam thì người ta có nói cả ngày cũng không hết chuyện!

Phan Đăng
.
.