Bẩm, các cụ ngồi yên giúp!

Thứ Bảy, 20/06/2015, 23:59
Thưa các cụ, thân phận Ngô như thằng mõ, từ phương xa đến ngụ cư làng này. Các cụ thương, cho mẩu đất đầu thừa đuôi thẹo cuối thôn dựng căn lều rách, nắng ngắm nắng, mưa ngắm mưa, lấy sự chui ra chui vào làm trọng.

Là chuyện gió sớm mưa chiều, những khi rỗi rãi, những lúc nhàn hạ. Thích, thì đọc cho biết. Không thích, thì đọc cho vui. Bởi, đời sống là mấy chốc đâu. Vui được lúc nào thì vui, cười được khi nào thì cười.

Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả hay không, là chuyện của cá nhân bạn. Văn minh là gì? Văn minh là biết cách tôn trọng: mỗi cá nhân khác nhau, luôn có những tư duy khác nhau.

Ngày có chuyện hiếu, hôm có chuyện hỷ, lại năm thì mười họa có chuyện phạt vạ phạt cheo, các cụ sai Ngô khua chiêng đằng Đông, Ngô khua chiêng đằng Đông; rao đằng Tây, Ngô rao đằng Tây. Thập phần cúc cung tận tụy, cấm dám cãi nửa nhời, cấm dám bàn nửa câu.

Thế nhưng, hôm nay Ngô mạn phép các cụ cho Ngô bẩm đôi điều. (Trước khi vào việc, Ngô xin thưa trong bài “May mà còn có cái hang” in ở số báo trước có chi tiết vải thiều nước ta triều cống cho Dương Quý Phi. Sau khi báo in, nhà phê bình Nguyễn Hòa có gọi điện thoại khai kiến giúp Ngô vài điều. Ngô mong độc giả đừng quá tin vào chi tiết này, vì có thể là Ngô đã nhầm. Ngô hận mình kiến văn thiển cận khiến mọi người kém vui, Ngô thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả).

1. Bẩm, các cụ! Vừa rồi các cụ bên đường sá có cãi nhau với một cụ khác. Đại khái, cụ này phản ứng vì các cụ đòi vay tiền để xây dựng một sân bay quốc tế. Các cụ cãi không lại, các cụ cáu, các cụ đòi truy nguyên danh xưng của cụ này. Cụ này, miệng tự xưng là tiến sĩ, lại tự xưng là chuyên gia hàng không. Đến khi truy nguyên, cụ ấy không là chuyên gia hàng không lại càng không là tiến sĩ. Bẩm, các cụ khoái hoạt trong lòng lắm phỏng?

Vậy mà, các cụ chưa kịp khoái thì các cụ vội vàng viết thư xin lỗi. Bởi cái kiểu truy vấn của các cụ bị dư luận phản ứng kinh quá. Họ mắng các cụ là chơi không đẹp, là chơi không mã thượng, là chơi đánh dưới thắt lưng, là chơi bỏ bóng đá người, là chơi rất đáng chê cười.

Bẩm, các cụ bây giờ có thấy ngượng thật ngượng chưa ạ? Các cụ lắm tuổi rồi, toàn dân khoa bảng cả mà các cụ cứ như trẻ con vậy. Chơi năm mười mười lăm năm mươi không lại người ta; bèn đùng đùng mắng, “Á, thằng này! Năm xưa bố mày ăn trộm ngô nhà người ta, có gì hay đâu mà ti toe”.

Bẩm, các cụ!

Ngô – tôi xưa nay vẫn được nghe dạy, “Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân kiểm tra”, chứ Ngô tôi đâu có nghe dạy, “Tiến sĩ biết – Tiến sĩ bàn – Chuyên gia làm – Chuyên gia kiểm tra” đâu.

Trước một công trình trọng đại của quốc gia, thì ý kiến phản biện là điều hết sức cần thiết. Các cụ nhớ không? Công trình trọng đại của quốc gia mình, bây giờ toàn là tiền đi vay cả, các cụ ạ. Công trình nhỏ thì vay ít, công trình to thì vay nhiều.

Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới đã liền đến. Cả năm nay Ngô đọc đâu cũng thấy nói đến nợ. Mà có vay nợ thì ai phải trả nợ, tất nhiên là những cá nhân như Ngô trả rồi. Ngô trả không xong thì đến con đến cháu Ngô sẽ trả. Con cháu các cụ có phải tham gia trả nợ cùng con cháu Ngô không? Điều này, Ngô không dám chắc lắm nên Ngô sẽ không lạm bàn.

Đồng tiền liền khúc ruột, của đau thì con xót. Lại thêm nữa, xưa nay mấy cái công trình hạ tầng giao thông do các cụ thực hiện luôn để lại nhiều ám ảnh lẫn hoài nghi trong người dân. Thế cho nên, phản ứng trước một dự án vĩ mô của các cụ là điều hiển nhiên. Dân còn quan tâm, còn phản ứng thì các cụ còn phải mừng, chứ nhẽ nào các cụ lại chọn lối đối địch với người dân theo kiểu “Á, mày dám giành phần ăn với cụ à?”, thì Ngô tôi thấy các cụ tào lao quá thể.

Hay là các cụ muốn các cụ làm gì cũng được, tất cả phải im lặng để các cụ vay tiền, để các cụ xây dựng kém chất lượng, để các cụ thu phí tràn lan,… Nếu ai cũng im lặng để các cụ mặc sức hoành hành thì còn gì là quốc pháp, là gia quy nữa. May mà nhiều cụ đã nhận ra rồi.

2. Ngô tôi lại thấy, bản thân cụ phản biện các cụ bên đường sá cũng rất đáng chê trách.

Cụ này, xưa nay đã phản ứng với mấy cụ kia rất nhiều lần. Có lúc, vác cả tiền ra thách đấu với mấy cụ bên đường sá. Hẳn là, các cụ bên đường sá rất không lấy chuyện này làm thú vị. Nhưng vì các cụ đường sá đều là người có danh phận, cứ cùng rủ nhau cố nhịn, như ngày xưa Bá Kiến dạy con ấy, “Thứ nhất sợ kẻ anh hùng/ Thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Tuy nhiên, đến khi các cụ bên đường sá không thể nhịn nữa thì các cụ lại chơi trò tấn công lại, “Cái tay này ấy mà, chỉ là công dân bình thường thôi, chỉ là ất ơ thôi. Tiến sĩ chuyên gia gì đâu”.

Là công dân nước Nam thì có gì là không hay? Là công dân nước Nam thì có gì là không tốt? Đâu cứ hẳn tiến sĩ thì mới là hay? Đâu có hẳn phải là chuyên gia thì mới là tốt?

Bẩm, các cụ! Ngô tôi trộm nghĩ, một xã hội tử tế thì phải bắt đầu từ một công dân tử tế. Một xã hội lương thiện thì phải bắt nguồn từ những công dân lương thiện. Ngô tôi chưa bao giờ nghe rằng, “Vì ông tiến sĩ này tử tế nên xã hội tử tế theo, vì ông chuyên gia kia lương thiện nên toàn xã hội đều lương thiện”.

Minh họa: Lê Phương.

Bẩm, các cụ! Cấu thành một xã hội phải bao gồm nhiều thành phần, tầng lớp nhân dân mà ra. Và tầng lớp, thành phần nào cũng quan trọng như nhau.

Sớm nào các cụ rảnh, các cụ lật nhật trình ra mà xem, có phải nước ta đang có hàng vạn tiến sĩ, hàng triệu chuyên gia hay không? Vậy mà tại sao nước ta bây giờ muốn làm cái gì cũng phải ngửa tay vay nợ.

Các cụ nghĩ thế nước rồi các cụ ngẫm thân mình, các cụ có thấy nhục, thấy có lỗi với tiền nhân hay không? Sắm ra hàng đống tiến sĩ với chuyên gia, vậy mà đâu lại hoàn đấy. Thế nên, chuyện tiến sĩ với chuyên gia, Ngô tôi không bàn đến nữa. Ngô tôi muốn bàn đến chuyện của cụ phản biện.

Bẩm, cụ!

Cứ ba ngày năm lần, nền báo chí đầy ưu việt của nước mình lại công bố những chuyện liên quan đến tiến sĩ giấy, rồi chuyên gia dỏm. Thế nên, cụ đừng nhọc lòng chuyện đã là tiến sĩ hay vẫn cử nhân, đã là chuyên gia hay vẫn chuyên viên, cụ ạ.

Tự bấy lâu nay Ngô vẫn cho rằng, chỉ có những người không tự tin vào kiến thức của mình thì mới phải trưng ra học hàm học vị, cụ ạ. Ngô đọc thấy, cái áo không làm nên thầy tu, ấy vậy mà Ngô nghĩ, tiến sĩ không làm nên trí thức. Mà tự xưng là trí thức chưa chắc đã có được tri thức.

Tri thức mới là cốt lõi của vấn đề, đúng không thưa cụ?

Có tri thức thì cụ mới có thể tranh luận đúng sai bằng khoa học, bằng chứng cứ, bằng thực tiễn. Tiền nhân dạy rồi, thưa cụ! “Nói phải củ cải cũng nghe”, củ cải là vật vô tri vô giác, cứ tưởng đem làm muối hay hầm canh súp thì hóa ra cũng biết nghe lời nói phải. Ngô tôi lếu láo mà đùa thôi, chứ thật ra hàm ý câu này như thế nào cụ cũng đã rõ, tôi không cần phải giải thích.

Có tri thức thì cụ mới đủ khả năng chứng minh cụ đã đúng như thế nào? Điều cụ thấy chưa đúng thì nó sai ra sao?

Đằng này, cụ lại tự tin về danh phận của cụ. Cụ sợ cụ là cử nhân cụ nói không ai tin, cụ lo cụ là công dân cụ bảo không ai chịu. Cụ cứ phải vống lên cụ là ông này, cụ cứ phải xưng đại lên cụ là vị kia. Cụ nghĩ, cụ xưng danh thế không sấm động trời Nam thì cũng phải là sét đánh phương Bắc. Cụ có ngờ đâu, điều cụ lấy làm tự hào nhất, điều cụ cho đó chính là cái khiên che chắn cho cụ thì nay lại biến thành điểm sơ hở chết người của cụ.

Cụ cứ như người võ công cái thế mà khi ra đòn lại quên vững tấn, khi tấn công lại quên che sườn, khi tung cú song phi lại bỏ trống bộ hạ. Vậy là, các cụ bên đường sá cứ tấn công vào những điểm sơ hở chết người của cụ mà ra đòn. Cụ dính đòn, lăn quay ra đất nằm khóc ngằn ngặt. Cụ bảo, cụ phải mạo danh như vậy là vì thế này, cụ phải trộm danh như kia là vì thứ khác.

Cụ quên mất một điều, đó chính là đầu không xuôi thì đuôi không lọt, thà cụ cứ đường đường bảo cụ chỉ là một cử nhân thì có sao đâu? Đằng này, cụ trót dại chém gió quá đà, bây giờ tính chính danh mất rồi, cụ muốn thiên hạ tin vào điều cụ nói thì làm sao mà thiên hạ tin được.

Bẩm, cụ! Ngô tôi nghĩ rằng chỉ người thiếu tự tin mới phải đem bằng cấp ra dọa đám đông, còn đã tự tin điều mình phát ngôn là chính xác thì cần gì phải khoe mẽ. Đúng không, thưa cụ?

Xứ mình vẫn còn cần nhiều lắm những cá nhân dám phản biện như cụ, hẳn nhiên là cá nhân mà Ngô nhắc đến chính là những cá nhân biết cách phản biện dựa trên cơ sở khoa học. chứ không chỉ phản biện theo lối thấy người ta làm đúng cũng phản biện mà thấy người ta làm quấy cũng phản biện. Phản biện kiểu này, Ngô cho rằng đó là phá hoại.

3. Cuối cùng, từ lá thư xin lỗi gửi đích danh cụ phản biện, Ngô tôi đọc xong mới phát hiện ra điều này. Hóa ra, binh bộ thượng thư, quan lại đầu triều xứ mình nhiều khi tin vào tham mưu.

Bẩm, Ngô tôi dài dòng văn tự nãy giờ có khiến các cụ khó chịu thì không kính mong các cụ mở lượng hải hà mà đại xá.

Kính, các cụ!

Kinh Hữu
.
.