“Bác sĩ” Miura

Thứ Sáu, 28/11/2014, 16:32
HLV trưởng Toshiya Miura giống như vị bác sĩ bốc thuốc, chữa bệnh cho Đội tuyển Việt Nam. Khổ cho vị bác sĩ khi không chỉ phải đối diện với những con virus có nguy cơ tạo ra bệnh tật, mà còn phải đối diện với môi trường chữa bệnh không hẳn như mình nghĩ.
Chỉ sau vài lần dự khán V.League, ông Miura đã nhìn ra và nhìn rõ cái bệnh yếu thể lực của cầu thủ Việt. Cái bệnh mà người đồng hương của ông, trưởng BTC V.League Tnaka Koji đã tổng kết bằng những con số cực kỳ thuyết phục: trung bình các cầu thủ V.League chỉ chạy khoảng 5 - 6 Km/trận trong khi con số này của các cầu thủ châu Á là 10 Km. Để chữa bệnh yếu thể lực, ông Miura ép các cầu thủ vào những bài chạy và những giáo án tập luyện rất nặng. Hình ảnh ĐT Olympic Việt Nam có thể chạy sòng phẳng với các đối thủ nổi tiếng là dạt dào thể lực như Olympic Iran, Olympic UAE ở Asiad 17 vừa qua chính là hiệu quả của  những bài tập nặng kết hợp với những buổi ngâm mình trong nước lạnh mà ông soạn kỹ.

Nhưng bây giờ thì sứ mệnh của ông với ĐT Olympic tạm thời kết thúc, và lại chuyển qua sứ mệnh với ĐTQG, với một kỳ AFF Suzuki Cup mà ông bảo là mình rất muốn đoạt cúp vàng. Suốt quãng thời gian ĐTQG tập huấn ở Nhật Bản và Bình Dương, ông Miura cũng ép các tuyển thủ vào những bài tập nặng, và đã đưa ra một tuyên bố rất cứng: ai không đáp ứng được sẽ bị loại thẳng thừng. Quả đúng là ông đã loại những cầu thủ mà nếu là HLV người Việt thì không nhiều người dám loại ở thời điểm hiện nay, mà quả bóng vàng Huỳnh Quốc Anh là cái tên điển hình. So với những ngày chữa bệnh thể lực cho ĐT Olympic thì những ngày chữa bệnh thể lực cho ĐTQG hiện nay có phần thuận lợi hơn, vì ông đã có sự giúp sức đắc lực của một chuyên gia thể lực vốn là đồng hương của mình.

Thực ra thì chẳng riêng gì ông Miura, bất luận thầy ngoại nào đặt chân đến bóng đá Việt Nam cũng thấy cái bệnh chết người về thể lực của cầu thủ Việt Nam, và đã lên các liệu pháp chữa bệnh khác nhau. Thời ông Dido là liệu pháp đưa các cầu thủ chạy trên cát biển, thời ông Tavares là liệu pháp tập tạ và gánh tạ, đến thời ông Calisto lại là việc chia quân, thi đấu đối kháng triền miên. Phải đợi tới khi AFF Cup 2014 diễn ra mới có thể kiểm nghiệm xem liệu pháp của ông Miura rốt cuộc có hiệu quả không, và so với những liệu pháp trước đây của những người tiền nhiệm thì nó có phù hợp với tâm sinh lý của cầu thủ Việt hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại thì tất cả các tuyển thủ đều đang nghiêm chỉnh nuốt trọn những đơn thuốc mà ông soạn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Miura nói rằng ông bất ngờ với tinh thần chuyên nghiệp, máu lửa của cầu thủ Việt. Nó khác và khác rất nhiều so với cái tinh thần nhạt nhoà sức chiến đấu của các cầu thủ Đông Nam Á mà trước khi đến Việt Nam ông từng nghe kể. Thực tế thì kiểu nói này giống như một cách “đốt lửa trái tim học trò”, chứ thực tế ông cũng không khó cảm nhận những vấn đề thuộc về tâm lý của những người ông đang dẫn dắt. Bỏ qua cái tâm lý thuộc phạm trù “chúng em bán, nhưng bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu...” thì hình ảnh những tuyển thủ Việt Nam ham thể hiện, biểu diễn trước những đối thủ dưới cơ và rụt rè, sợ hãi trước những đối thủ trên cơ đã là hình ảnh lặp đi lặp lại trong những năm gần đây.

Dưới triều đại của mình, ông Miura luôn yêu cầu các cầu thủ phải đá nhanh, đá nghiêm túc, và đá ít chạm từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng. Trong trận đấu tập với Quảng Nam mới đây, ông thậm chí còn chủ động rút một cầu thủ ra sân, để các học trò đá trong cảnh 10 chống 11 trong suốt 45 phút hiệp 2. Nhiều phóng viên gọi đấy là “bài tập lạ”, và người ta cho rằng cái lạ ấy chính là một cuộc tập trận của ông Miura hướng đến tình cảnh ĐT phải đá thiếu người trong các trận cầu quyết định.
Ông Miura (trái) sắp bước vào cuộc thử thách lớn nhất kể từ ngày đến Việt Nam.

Nhưng câu trả lời của ông thì rất khác: “Tôi thấy các cầu thủ Việt Nam thường không duy trì được sự tập trung cao độ. Thế nên sau hiệp 1 dẫn đến 3-0, tôi sợ họ lơi chân trong hiệp 2, và đấy là lý do khiến tôi quyết định chỉ tung 10 người vào sân”. Rõ ràng là bài tập 10 chống 11 cũng chính là một bài tập - một đơn thuốc tinh thần mà với nó ông hy vọng các học trò của mình rồi sẽ lớn lên. 

Trong những cuộc trao đổi riêng với người viết, nhiều tuyển thủ Việt Nam nói rằng họ rất ngại đi chơi đêm và ngại bia rượu vào các buổi tối, bởi điều ấy có thể khiến họ không thể nuốt trọn những bài tập rất nặng của ông Miura vào sáng hôm sau. Khác hẳn so với người tiền nhiệm Falko Goetz, ông Miura không duy trì một chế độ quản quân theo kiểu giờ giấc hà khắc, mà lại quản quân theo chất lượng tập luyện - và chính kiểu quản quân gắn liền với những bài tập rất nặng, đòi hỏi sức bền, sức mạnh rất cao đã khiến các cầu thủ tự biết phải sinh hoạt như thế nào cho điều độ. Chỗ này thì ông Miura có phần giống với ông Calisto, và thực tiễn cho thấy phương pháp Calisto có vẻ phù hợp với cầu thủ Việt Nam hơn phương pháp Falko Goetz.

Ông Miura giống như một vị bác sĩ phải bốc những đơn thuốc liều cao để chữa bệnh thể lực và bệnh tinh thần cho các học trò. Nhưng quá trình chữa bệnh của ông không hẳn đã diễn ra trong một hoàn cảnh, một môi trường như ông mong muốn. Đơn cử như việc khi ĐT đang trong quá trình chữa trị nước rút ở Bình Dương thì ông phải nhường tới 6 cầu thủ cho CLB Becamex Bình Dương đá một giải giao hữu quốc tế ở địa phương này. Nếu hỏi ông Miura có thích kiểu nhường quân rất nghịch lý và nghịch nhĩ ấy không thì chắc chắn câu trả lời là không. Thế mà rốt cuộc ông vẫn phải nhường, và vẫn phải chứng kiến cái cảnh chỉ có ở nền bóng đá này: ĐTQG nhường quân cho CLB ngay trong quá trình tập luyện hết sức quan trọng của mình. Đã có phóng viên bạo dạn hỏi thẳng ông Miura về chuyện này, và câu trả lời của ông thật đơn giản: “Anh hãy hỏi câu này với VFF!”.

Ở một phương diện khác, ông Miura mong muốn ĐT được cọ xát với những “quân xanh” xứng tầm, vì chỉ có như vậy thì quá trình chữa trị của ông mới đạt hiệu quả cao, thế mà tính đến lúc này đội bóng của ông chỉ có thể gặp Quảng Nam, Đồng Nai - những đội bóng yếu tại V.League hay U.23 Bahrain, Sinh Viên Hàn Quốc - những đội bóng chỉ “oách” ở cái tên bên ngoài. Cuộc đấu Việt Nam - Bahrain có rất nhiều chỗ hài hước khi đội khách vội vã đến TP HCM, có chưa đầy 24 giờ để phục hồi thể lực rồi sau đó vừa đá vừa mong hết giờ để tránh cảm lạnh trong cơn mưa tầm tã. Cuộc đấu Việt Nam – Sinh Viên Hàn Quốc thì kết quả an bài chỉ sau vài chục phút bóng lăn, và đã có một tờ báo giật cái title rất trúng mà rất đau: “Dạy sinh viên đá bóng”. Ô hay, chúng ta đang trong quá trình chữa bệnh, đang cần phải đấu với những đối thủ thực sự có tầm vóc để căn chỉnh bản thân mình, thế mà rốt cuộc chúng ta lại trở thành người đi... dạy dỗ cho người khác!?

AFF Suzuki Cup 2014 chỉ còn tính bằng ngày. Nghĩa là cái sân chơi để kiểm nghiệm những bài thuốc cùng khả năng chữa bệnh của ông Miura chỉ còn tính bằng ngày. Vẫn biết hợp đồng của ông với VFF kéo dài 2 năm, và bất luận điều gì xảy ra ở AFF Cup thì ông cũng chắc chắn tại vị (Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đảm bảo như thế mà), nhưng giải đấu trình làng này sẽ ảnh hưởng tối quan trọng đến quá trình hành nghề của ông ở Việt Nam và hình ảnh của ông trong mắt người hâm mộ Việt Nam.

Thôi thì chúc ông chân cứng đá mềm, bất chấp việc trong suốt quá trình chữa bệnh vừa qua, ông đã không được tạo những điều kiện tốt nhất như mình mong muốn!

Các đối thủ đều “quyết thắng” ĐTVN

Khi lá thăm đưa ĐTVN lọt vào một bảng đấu gồm Philippines, Indonesia (thay vì Thái Lan, Malaysia) ở vòng bảng AFF Cup 2014 thì nhiều quan chức bóng đá Việt Nam đã thở phào sung sướng. Nhưng kỳ thực đấy không phải là hai đối thủ dễ chơi.

Những thông tin mới nhất cho hay ĐT Philippines dưới trào của Thomas Dooley - cựu tuyển thủ Quốc gia Mỹ đang có sự chuẩn bị hết sức rốt ráo. Với một đội hình gồm nhiều cầu thủ nhập tịch đến từ châu Âu, ông Dooley tự tin đặt mục tiêu lọt vào bán kết, và ông nói: “Tôi đánh giá rất cao chủ nhà Việt Nam, nhưng đấy không phải là một đội bóng không thể đánh bại. Theo tôi, cơ hội chiến thắng cho hai bên là 50 - 50”.

Trong khi đó ĐT Indonesia của HLV Alfred Riedl - cựu HLV trưởng ĐTVN đã có nhiều đợt tập huấn dài ngày, trong đó có cả đợt tập huấn chất lượng cao ở Tây Ban Nha. Mới đây, LĐBĐ Indonesia cũng giao chỉ tiêu cho ông Riedl là phải giúp ĐT nước này đoạt ngôi vô địch. Khỏi nói ai cũng hiểu ông Riedl hiểu bóng đá Việt Nam và hiểu những cậu học trò cũ giờ đang khoác áo ĐTVN hiện nay như thế nào.

Đội bóng còn lại trong bảng là ĐT Lào cũng đang có những tiến bộ lớn dưới sự dẫn dắt của một ông thầy Nhật. Và vì thế hành trình của thầy trò Miura ở vòng bảng AFF Cup trên sân Mỹ Đình vào cuối tháng 11 năm nay chắc chắn sẽ là một hành trình khốc liệt!
Ngọc Anh
Phan Đăng
.
.