Đừng xem mình là kẻ may mắn!

Thứ Bảy, 04/11/2017, 07:33
Muốn phát triển và tiến xa, vượt lên, đã đến lúc xã hội phải tập trung suy tư, lo nghĩ nhiều hơn để giải quyết những vấn đề tinh thần chứ không thể cứ mãi loay hoay tranh cãi, bênh vực, uỷ mị... với cơn đói của chiếc dạ dày!

Cách đây chưa lâu, ngày 11-10, anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên, một nhà hoạt động xã hội, thiện nguyện có tên tuổi - đã đăng tải trên Facebook cá nhân của mình hình ảnh nhiều bạn sinh viên, thanh niên xếp hàng mua cơm từ thiện. 

Đây là quán cơm do nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh mở tại đường Cống Quỳnh, quận 1, TP Hồ Chí Minh để giúp đỡ người nghèo, người khó khăn. Với mục đích từ thiện, chia sẻ nên giá bán rất tượng trưng, mỗi suất cơm chỉ 2000 đồng.

Đi kèm ảnh chụp, dòng trạng thái của anh Vũ Tuấn Anh đã tỏ ra khá bức xúc và thất vọng, ngôn từ không hề nhẹ. Anh viết: "Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. 

Chẳng lẽ các bạn hy vọng các bạn sống nhờ từ thiện cả đời hay sao?... Tôi cẩn thận hỏi các anh bên cạnh, các anh nói sinh viên hôm nào cũng tới đông lắm. Trong khi đó cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí cho dù miếng ăn đó là của người nghèo..”(trích).

Ngay lập tức, cả một cơn bão truyền thông đã nổ ra với hai luồng ý kiến trái chiều. Tán đồng không ít, nhưng phía phản bác càng đông gấp bội. Tựu trung, người ta thường viện dẫn hai cơ sở. Một là lòng thương, sự chia sẻ xã hội và hai là đời sống khó khăn, thiếu thốn của sinh viên. Những người theo hướng này đã ném không ít gạch đá, thậm chí lời mạt sát dành cho tác giả đoạn trạng thái, cho rằng ý kiến của anh là vô cảm, là sỉ nhục sinh viên, là thiếu tình người.

Tôi cho rằng, nhìn nhận như thế là quá cảm tính và thiếu công bằng, bởi tác giả Vũ Tuấn Anh chỉ muốn nêu một cái nhìn xã hội, không định chê bai, coi thường bất kỳ cá nhân hay một nhóm người nào cả. Có thể người đưa ra quan điểm chê bai sinh viên ăn cơm 2000 đồng là “thiếu tự trong”. Đã hơi thiếu sự dè dặt, cẩn trọng cần thiết khi diễn đạt. Ngôn từ mà anh sử dụng có thể cũng không cần gay gắt đến thế. Nhưng tôi nghĩ, đó là một cái nhìn đúng, nhất là trên bối cảnh chung cho một xã hội mong muốn phát triển.

Rất nhiều người dùng Facebook, nhiều người cùng lứa tuổi, là bạn của tôi ngoài đời cũng nằm trong số những người không tiếc lời nặng nề với tác giả, không tránh khỏi cái nhìn cảm tính hoặc nước đôi trong lập luận, có thể đã hiểu rất sai ý nghĩa về sự chia sẻ. 

Dứt khoát, một cá nhân cũng như một xã hội muốn thành công thì phải biết tự “vượt lên chính mình”, thoát hẳn cái vũng lầy chủ nghĩa mủi lòng mà nhân danh sự chia sẻ, cảm thông, chúng ta vẫn thường tự lọt vào. Đánh giá hiện tượng xã hội thì không thể chỉ dựa trên cái nhìn mủi lòng uỷ mị. Khi đã nêu quan điểm thì cần rõ ràng, không thể nhị nguyên hoặc chiết trung chủ nghĩa, lựa chọn góc nhìn theo kiểu trung dung mà thực chất là lập lờ, kiểu “điều gì cũng có hai mặt, rằng thì là mà..”.

Ảnh sinh viên xếp hàng chờ mua cơm từ thiện đăng trên Facebook của Vũ Tuấn Anh.

Bữa ăn có lẽ là biểu hiện dễ thấy nhất của mức sống, phản ánh rõ ràng nhất mức thu nhập để phân biệt giàu - nghèo. Thời chúng tôi là sinh viên, cách đây gần 30 năm, cả một thế hệ phải đối mặt với sự thiếu hụt “bữa ăn” (gay gắt hơn bây giờ nhiều. Cơ hội tìm việc làm thêm của sinh viên thời đó cũng hiếm hoi hơn bây giờ. 

Nói không ngoa, hơn 60% sinh viên ở kí túc xá Trần Hưng Đạo, quận 1, TP Hồ Chí Minh (hầu như đến từ tỉnh lẻ) đều luôn phải đối mặt với chuyện thiếu hụt tiền sống.

Ở kí túc xá, không một sinh viên nào trong thế hệ chúng tôi muốn bạn bè thấy mình đang “đói” cả, dù nó thường trực. Một gã nhịn buổi trưa, nhịn luôn cả buổi tối vẫn tỏ ra ái ngại khi thấy bạn cùng phòng giải quyết cả hai bữa bằng mì sợi (mì vụn, không có bao, bán rất rẻ), rằng “ăn mì hoài, nóng chịu sao cho nổi”?, cho dù đó chính là ao ước cả chính người đưa ra nhận xét. 

Để không phải thừa nhận chuyện không đủ tiền ăn cơm cang-tin (ngày hai bữa, anh bạn kia trả lời: “Mấy bữa nay mình mệt, ăn cơm nuốt không vô”. Sĩ diện hão, không thật lòng..., bạn muốn gọi bằng gì tuỳ thích. Nhưng tôi thì tin, đó cũng là một cách thể hiện thô sơ, vụng về của lòng tự trọng ở cả hai người.

Dịp tết, một số cơ quan, đoàn thể cũng tìm đến kí túc xá thăm hỏi, tặng quà cho sinh viên khó khăn không có điều kiện về quê ăn tết. Phần quà ít ỏi ấy thường được chia đều. Một vài học bổng giúp đỡ, kiểu như học bổng “Hiểu và thuơng”+ của bên Phật giáo, bạn tôi - dù rất khó khăn, bản thân bị tật - cũng đã xin được từ chối, dành lại cho bạn khác, bởi anh này đã có học bổng “Vì ngày mai phát triển”.

Tất nhiên vẫn không thiếu cảnh tiêu hoang, phá phách, song 80% sinh viên ở kí túc xá đều tìm kiếm mọi cơ hội đi làm thêm, vừa làm vừa học, để khỏi được hoặc bị đưa vào diện nhận một phần trợ cấp hoạ hoằn nào đó. Việc nhường học bổng, ở thời chúng tôi là chuyện rất dễ gặp.

Với tôi, đó lại là một biểu hiện khác của lòng tự trọng - lòng tự trọng của người nghèo nhưng chưa suy kiệt sự tự tin và quyết tâm tự lập vượt lên. Bởi, thế hệ chúng tôi không cho phép để xã hội xếp sinh viên vào tầng lớp người nghèo, cần trợ cấp. Nếu sinh viên đồng nghĩa là lớp người nghèo thì xã hội làm sao phát triển, làm gì có tương lai?

Có thể sẽ có ý kiến phản bác: quán cơm 2.000 đồng mở ra là để chia sẻ với người khó khăn, không phân biệt đó là sinh viên hay cụ già mất sức lao động bán vé số. Vâng, đúng thôi. Sẽ không có chủ quán nào từ chối phục vụ hay có cái nhìn rẻ rúng đối với thực khách, bất luận là ai. Người cho đi, lòng tốt xã hội luôn mong tránh cho người nhận sự tổn thương. Sẽ không ai làm vậy cả. Nhưng bản thân người nhận nên tự hiểu điều đó. 

Một thanh niên khoẻ mạnh, dù khó khăn cũng không nên tự cho mình cái “quyền” nhờ vả, ỷ lại tình thương để tự đứng vào hàng ngũ những người già neo đơn, người tàn tật, người đang đau ốm, trẻ em thiếu người chăm sóc... Của từ tâm, đó là cơ hội ít ỏi cho những người không còn đủ sức, không còn cơ hội. Sao lại dùng những từ đó để tự mô tả chính bản thân, thưa các bạn sinh viên khoẻ mạnh?

Trên báo chí, trên mạng xã hội, chúng ta đều hướng đến một xã hội phát triển. Tôi tự hỏi, xã hội sẽ phát triển kiểu gì đây khi chủ nghĩa mủi lòng - tốt bụng nhưng ngây thơ và dại dột - cả tin vào những kinh nghiệm vớ vẩn được mặc định, kiểu như “sinh viên, nhà giáo, nhà báo, (đều là) nhà ngheo”`...? 

Tôi thì không tin. Thu nhập hằng ngày của một người bán vé số có thể cao hơn thu nhập một công nhân vệ sinh, một người phụ hồ, không có nghĩa là anh thanh niên khoẻ mạnh sẽ từ chối phụ hồ hay dọn vệ sinh để gia nhập đội ngũ bán vé số đa phần là người già và trẻ em. 

Cũng tương tự, lương của một cô giáo dạy tiểu học, một nghiên cứu viên khoa học xã hội, chắc sẽ không cao bằng thu nhập của chị phụ nữ ít học bán vé số và xăng lẻ đầu hẻm, hay chị tiểu thương bán cá ngoài chợ. Nhưng sẽ không vì thế mà anh nghiên cứu viên sẽ bỏ viện khoa học, cô giáo tiểu học sẽ bỏ dạy đi bán cá ngoài chợ hay ngồi suốt ngày với tủ thuốc lá đầu hẻm.

Gần đây, thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin về chuyện một thầy giáo trung học có bằng thạc sĩ văn chương ở Quảng Ninh xin nghỉ biên chế dạy học ra làm ngoài, một anh trưởng phòng cấp sở ở ĐakLak ( xin thôi chức, thôi việc để đi bán gà. Những thông tin như thế không còn là hiếm. Câu trả lời của người trong cuộc luôn là do thu nhập thấp, xin rời biên chế ra làm ngoài để cải thiện đời sống gia đình... Lý do đích thực, tôi tin không phải thế. 

Phần lớn những người xin nghỉ ấy (những người được báo chí chọn để phản ánh) đều là người có sự thành đạt nhất định trong nghề, không đến nỗi phải rời nghề đã chọn vì lý do thu nhập, khi mà đồng nghiệp của họ vẫn sống được với nghề, bản thân họ cũng đã trải qua hơn chục năm sống được với nghề, với vị trí trong những giai đoạn thậm chí còn khó khăn hơn hiện tại. Và khi họ từ bỏ công việc thì giai đoạn khó khăn nhất cũng đã qua. 

Có lẽ, vị trí “biên chế” - gồm cả nghĩa lý tưởng và sự phục vụ - đã không còn đủ là niềm tin, đam mê để họ gắn bó nữa. Lâu năm và khá thành đạt, họ nhận ra điều đó. Lòng tự trọng đã giúp họ đi đến quyết định từ bỏ một vị trí mà chắc chắn bên ngoài đang khối kẻ muốn được nhảy vào thế chỗ. 

Họ nghỉ việc vì họ tự tin rằng không cần phải khư khư bám suất biên chế hay chức vụ, họ vẫn sống tốt, vẫn làm được nhiều việc khác hữu ích cho bản thân và cho xã hội hơn. Họ từ chối, cũng là một cách nhường cơ hội cho người khác. Với tôi, đó cũng là một sự sẻ chia đáng trọng, nhất là khi cơ hội trong đời vẫn chưa đủ để chia đều cho tất cả mọi người.

Công tác xã hội luôn hướng tới phương pháp cho cần câu hơn cho con cá, giúp người khó hơn giúp kẻ nghèo. Động lực để đi lên của cá nhân là tìm kiếm cơ hội chứ không phải tìm kiếm, nhờ vả sự giúp đỡ.

Nếu chưa hết cách hoặc không thật sự rơi vào hoàn cảnh tai bay vạ gió thì người bình thường nên từ chối của từ thiện. Đừng xem mình là kẻ may mắn vì nhận được sự giúp đỡ. Tốt hơn, chỉ nên hân hoan vì mình không rơi vào hoàn cảnh phải nhận sự giúp đỡ nào cả, nhường nó lại cho ngươi kém may mắn hơn mình.

Muốn vượt lên chính mình thì đừng tự coi bản thân là kẻ đáng thương, đừng để mặc cho sự mủi lòng vây bủa đời mình, trì níu sự thành công của mình. Khi đó, nhận xét hay chỉ trích, dù nặng, của bất kỳ ai cũng không khiến ta tổn thương được nữa, vì ta không là đối tượng phải nhận.

Chẳng lẽ với các bạn sinh viên, việc học không phải là chính điều đó hay sao?

Ngay từ khi còn là một sinh viên văn khoa, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi:  Maupassant, Turgenev... viết về cái đói, thành tác phẩm giúp văn học Pháp, văn học Nga phát triển rực rỡ. Nam Cao, Ngô Tất Tố... cũng viết về cơn đói, sao văn chương Việt Nam cũng chỉ quanh quẩn ao làng?

Và nhận được câu trả lời: Khác nhau duy nhất, văn chương Pháp, Nga viết về cơn đói tinh thần, văn chương Việt chỉ loay hoay giải quyết cơn đói của bao tử.

Muốn phát triển và tiến xa, vượt lên, đã đến lúc xã hội phải tập trung suy tư, lo nghĩ nhiều hơn để giải quyết những vấn đề tinh thần chứ không thể cứ mãi loay hoay tranh cãi, bênh vực, uỷ mị... với cơn đói của chiếc dạ dày!

Nguyễn Hồng Lam
.
.