Luật sư kinh ngạc trước hủ tục "bắt vợ" ở miền ngược

Thứ Sáu, 16/03/2018, 16:07

Tôi đề nghị chính quyền ở đó ra ngay sắc lệnh cấm lập tức hủ tục này, coi tất cả những ai làm như thế với các cô gái là phạm pháp và sẽ bị truy tố ngay lập tức. Không thể để tồn tại một phong tục xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm phụ nữ như vậy được. 



Phóng viên (PV): Thưa anh, đã tới ngày 8-3, cảm xúc của anh thế nào ạ?

Luật sư (LS): Tôi sẽ như tất cả các đàn ông bình thường. Nghĩa là ngồi hoặc ra phố nhìn các cô gái đẹp.

PV: Nhìn gái đẹp là một việc tất cả đều làm. Nhưng riêng anh có suy nghĩ gì không?

LS: Có chứ. Đơn giản lắm, Cái đẹp thì phải giữ gìn, phải bảo vệ một cách cụ thể bằng luật pháp chứ không thể bằng "tuyên truyền giáo dục" chung chung.

PV: Xin anh nói rõ hơn?

LS: Rõ hơn, tôi muốn tất cả kẻ nào, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tài sản, học vấn, không phân biệt địa vị, hễ cứ đánh phụ nữ thì phải ra tòa chứ không ra tổ dân phố kiểm điểm.

PV: Vâng. Rõ ràng cần như thế. Nhân nói về luật pháp, anh có ý kiến gì thêm không?

LS: Tôi tuyên bố không ai được nhân danh bất cứ cái gì để đứng trên pháp luật. Chỉ có thế thôi.

PV: Rất đanh thép.

LS: Đanh thép ư? Vậy mà vừa qua, chỉ mới cách đây mấy ngày thôi, cả mạng xã hội dậy sóng vì một đoạn phim ghi hình một cảnh vi phạm pháp luật một cách công khai, giữa ban ngày, do rất đông người thực hiện mà chả thấy chính quyền lên tiếng cho thật hùng hồn.

Đó là đoạn phim quay một cô gái rõ ràng còn tuổi học sinh bị một số chàng trai người Mông vây chặt lấy và ôm đưa lên xe máy ép về làm vợ.

Minh họa: Lê Phương.

PV: Rồi sao nữa ạ?

LS: Rồi cô bé kêu khóc, cào cấu như điên nhưng đám trai vẫn không tha. Thậm chí vẫn cười nói. Coi thật kinh khủng!

PV: Thưa anh, tôi biết đoạn clip ấy. Nó nói lên một phong tục "bắt vợ" có từ ngàn xưa của người dân tộc.

LS: Dù đáng tôn trọng, dù đáng bảo tồn và nghiên cứu đến đâu, tôi cũng xin nhắc lại là không có phong tục nào được phép đứng trên luật pháp.

PV: Đúng.

LS: Mà luật pháp nước CHXHCN Việt Nam tuyệt đối cấm thứ hôn nhân không tự nguyện. Điều đó đã rõ ràng chưa?

PV: Rõ ạ.

LS: Chỉ cần xem đoạn clip ấy, tôi tin chắc ai có nhân cách sẽ phải rùng mình, sẽ phải kinh ngạc tự hỏi là: Thế kỷ 21 này còn cho phép đàn ông hành động như vậy hay sao? Bao nhiêu hoa hồng, bao nhiêu lời chúc tụng tốt đẹp cho những người phụ nữ, chỉ cần một đoạn phim ấy có thể sẽ tiêu hủy hết.

Cô bé nạn nhân nhìn còn rất trẻ. Nếu không nói còn như một đứa trẻ con. Rõ ràng không chuẩn bị cả thể chất lẫn tinh thần để làm vợ. Còn những chàng trai đang vây bắt thì cũng không khá bao nhiêu. Nhìn rất bản năng, chẳng có dấu hiệu nào chứng tỏ là một ông chồng đầy trách nhiệm. Vậy mà cuộc bắt người vẫn công khai được diễn ra khiến những người có chút hiểu biết không sao chịu nổi.

PV: Thưa anh, đấu tranh chống các tệ nạn khi chúng nấp dưới vỏ bọc các văn hóa truyền thống sẽ rất gay go.

LS: Thôi đi. Chả có gì gay go nếu như chúng ta thực sự tôn trọng phụ nữ và muốn bảo vệ họ trong chính tâm khảm.

Một năm có đầy các lễ hội, đầy các loại cúng bái thần thánh, đầy đâm trâu chém lợn, nhưng dân trí vẫn thấp do đâu?

PV: Do người ta không hiểu luật pháp và không biết áp dụng nó một cách nhân văn.

LS: Tôi đã phát biểu bao lần rồi, phụ nữ phải được bảo vệ một cách vô cùng chặt chẽ và rõ ràng. Khi có tai nạn, phụ nữ cần giải cứu đầu tiên. Khi có bạo lực, phụ nữ cần được an toàn trên hết. Ở nhiều quốc gia, hễ vợ nhấc điện thoại lên cấp báo là cảnh sát đến bắt ông chồng cách ly sau đó mới xét xử. Trở lại đám trai người Mông bắt vợ, tôi đề nghị chính quyền ở đó ra ngay sắc lệnh cấm lập tức hủ tục này, coi tất cả những ai làm như thế với các cô gái là phạm pháp và sẽ bị truy tố ngay lập tức. Không thể để tồn tại một phong tục xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm phụ nữ như vậy được. 


Lê Thị Liên Hoan
.
.