“Cầy tơ” và chó Tây

Thứ Tư, 14/03/2018, 19:41
Từ 1980 đến 1988, tôi là trưởng bộ môn Cờ vua của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội. Mọi người gọi đùa cờ tây thành "cầy tơ". 

Vào những dịp cuối tháng, mùa Đông se lạnh, chúng tôi cùng các bác Phạm Hy Lâm, Lê Mai (đã mất), anh Hoàng Hưng, Trịnh Văn Chinh hay đi thưởng thức món "cầy tơ" nổi tiếng của Hà thành.

30 năm định cư tại Paris, sở thích món "cầy tơ" dần dần cũng nguội đi. Còn đâu những đĩa chả, dựa mận nóng hổi hấp dẫn của ông Lâm "mặt đỏ" ở Châu Long, ở Hàng Lược, ở Ô Quan Chưởng nữa. Năm 2018 là năm Mậu Tuất, nhớ những mẩu kỷ niệm khó quên về chó mới thấy chó gắn bó với đời người.

Năm 2005, một buổi sáng đến sở làm, số 10, phố Nicolas Appert, quận 11, Paris (Mười năm sau, chính tòa nhà này, hai tên khủng bố xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng), tự nhiên thấy mấy cô đầm thư ký cười rúc rích, kể là tối qua xem TV Pháp, thấy "chef d’État  Vietnamien" cấm không được ăn thịt mèo, vì chuột quá nhiều! 

Các đồng nghiệp Pháp hay chọc ngoáy chúng tôi là người Việt ăn thịt chó. Tôi hỏi lại: Ngựa là loài vật các bạn rất quý, thế tại sao vẫn ăn thịt ngựa, cũng giống như người Việt ăn thịt chó thôi. Họ tịt.

Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, lang thang chụp ảnh chợ hoa  Hà Nội, tôi tình cờ gặp Frank, anh bạn cũ, kiến trúc sư, đang kiếm vợ ở Việt Nam. Anh ta bám tôi như đỉa vì biết tôi là người Hà Nội. Tôi cùng đám bạn bè mời Frank đi ăn thịt chó ở Cầu Giấy. Dặn trước bà chủ  quen bày biện thành quán thịt dê. Đúng là "treo đầu dê bán thịt chó!". 

Frank nhậu thịt "dê" với rượu "cuốc lủi" tấm tắc khen tuyệt ngon, nói là chưa bao giờ được ăn thịt dê ngon như vậy. (Ở Pháp, cũng có tiệm bán thịt dê). Ăn xong, lúc uống cà phê, chúng tôi mới nói thật: đấy là thịt chó. Frank sững lại trong tích tắc, song, như một chính trị gia lão luyện, cười sằng sặc, gật đầu lia lịa, công nhận một món khoái khẩu của ẩm thực Việt Nam.

Tác giả và chú chó cưng.

Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Kinh đô Ánh sáng với kiến trúc cổ kính, tháp Eiffel kiêu hãnh đứng "chống nạnh" soi bóng xuống dòng sông Seine thơ mộng... ai đến đó mà cứ mải nghển cổ ngắm nghía phố phường lộng lẫy, những cây cầu đá hàng trăm tuổi... thì sẽ giẫm phải phân chó không ngoạn mục chút nào trên vỉa hè, làm hẫng hụt cảm giác hứng khởi lần đầu đến Paris hoa lệ.

Người Paris lớn tuổi thường có thói quen sáng sáng (hoặc chiều, tùy thời gian rảnh) dắt chó đi dạo. Khi buồn "đi nặng, đi nhẹ" là các "em chó yêu" chẳng cần ngó nhìn xung quanh, chủ cũng không ngại "xấu chàng hổ ai", để chó vô tư xả ra đường. Người cẩn thận thì mang theo bịch ni lông, hót vào túi rồi bỏ vào sọt rác. Phần lớn thì mặc kệ. Du khách kêu quá trời. 

Những cô gái xứ Phù Tang xinh đẹp, đi giày sang trọng đã lâm nạn vì hậu quả của các chú chó bất lịch sự đó. Thị trưởng Paris lúc ấy, ông Jacques Chirac (Nhiệm kỳ Thị trưởng 1977 - 1995, là tổng thống Pháp từ 1995 - 2007) đã đưa ra biện pháp nhằm  giữ gìn cảnh quan và vệ sinh của Thủ đô. 

Đầu tiên là các "phi công hót cứt chó" mà chúng tôi hay gọi đùa, hệt như phi công vũ trụ, mặc bộ đồ "combineson" áo liền quần màu trắng-xanh, đội mũ bảo hiểm tròn to của phi hành đoàn, ngồi trên mô tô trắng lớn, dùng máy hút chuyên dụng công suất mạnh, làm sạch vỉa hè và lòng đường. 

Tiếp theo, xuất hiện các "caniset", nơi đi vệ sinh của các chú chó, rộng khoảng 7,8m2, nền cát, có các cọc gỗ tròn thấp che chắn xung quanh, đặt ở trong vỉa hè, các ngã tư, công viên, cách nhau khoảng 200m. Dân dắt chó tự giác hơn, nhưng tình trạng này đến nay vẫn còn đôi chỗ.

Pháp là nước vô địch châu Âu về sở hữu chó nuôi: 8,8 triệu, trong khi châu Âu có 43 triệu. Trên hành tinh của chúng ta có 525 triệu chú chó. Một con số đáng kể! Chó nuôi ở Pháp bắt buộc phải đăng ký, họ tên, ngày tháng năm sinh, có sổ sức khỏe tiêm phòng vaccinne định kỳ, dịch vụ bảo hiểm. 

Khi vào Pháp hoặc xuất ngoại phải có passport (hộ chiếu). Một số loại chó dữ đều có những quy định nghiêm ngặt. Các phòng khám bệnh cho chó, mèo... luôn đông "bệnh nhân". Mỗi lần khám và cho thuốc từ 25 đến 50 euros..

Một trong những nghĩa trang thú cưng lâu đời nhất thế giới ở Asnieres-sur -Seine, ngoại ô tây bắc Paris, nằm trên hòn đảo xinh đẹp Ravageures, hữu ngạn sông Seine. 

Được thành lập từ 1899 do ông Georges Harmoins (1861 -19...), nhà văn, thẩm phán và bà Marguerite Durand (1864-1936), Tổng biên tập tờ "La Fronde", báo nữ quyền đầu tiên tại Pháp. 

Là một di tích lịch sử được xếp hạng vào năm 1987, nghĩa trang thú cưng Asnieres, nơi yên nghỉ của các chú chó, mèo... nổi tiếng, chúng là tài tử sân khấu, điện ảnh. Như chó "Prine of Wales" đã biểu diễn 406 lần tại nhà hát Gymnase trong hai năm 1905-1906 và chú mèo "Kroumir" của Henri de Rochefort (1831-1913), nhà báo, nhà soạn kịch, chính khách Pháp nổi tiếng.

Brigitte Bardot sinh ngày 28/9/1934, nghệ sỹ điện ảnh Pháp nổi tiếng từ thập niên 1950,1960, thường được gọi với biệt danh BB, thành lập Hội "Bảo vệ động vật" cách đây 30 năm, quy tụ hơn 75.000 tình nguyện viên của hơn 70 nước. 

Mục tiêu của Hội là tôn trọng các nguyên tắc bảo vệ tối ưu cho động vật với sự can thiệp của Chính phủ, Quốc hội, Thượng viện và ngay cả Hội đồng chung châu Âu. Hội có các biện pháp cụ thể cứu giúp động vật, về chăm sóc chữa bệnh, về tài chính, tổ chức vận chuyển động vật hoang dã và nuôi trong nhà đến nơi cứu trợ...

Năm 2014, ở Sài Gòn xôn xao về một chuyện khá kỳ lạ. Anh Leopold Vincent, người Pháp vùng Normandy, thuê một căn hộ vài chục mét vuông ở quận 2 để nuôi các chú chó mèo bị bỏ rơi, anh đã phải chuyển nhà vài lần vì mùi chó mèo làm hàng xóm khó chịu. 

Anh nhớ được tên gần 100 con mèo mà anh từng cứu trợ; lập hẳn ra một đường dây nóng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Pháp để tiếp nhận thông tin giải cứu chó mèo gặp nguy hiểm và tặng không cho ai cần nuôi chó mèo.

40 năm trước, Paris đã có "Hiệp hội chó giúp đỡ người khiếm thị". Họ tuyển chọn các chú chó, huấn luyện miễn phí, tổ chức những buổi gặp mặt hoặc đến tận nhà riêng của người khiếm thị để lắng nghe nguyện vọng, tâm tư và đề nghị của họ. 

Cô Elisabeth, người Paris, chia sẻ: "Từ khi mắt của tôi có vấn đề càng ngày càng xấu, tôi không thể ra khỏi nhà. Tính tôi rất tự lập, không muốn nhờ vả người khác. Tôi đã đề nghị Hội chó giúp đỡ người khiếm thị giúp tôi. Thế là tôi có chú chó thân yêu Fadja. Sung sướng và hạnh phúc không thể tưởng tượng được, tôi đi ra khỏi nhà một cách rất thoải mái. May mắn hơn, tôi tìm được việc làm phù hợp. Fadja ngoan ngoãn đưa tôi đến metro, đi đến chợ gần nhà nhất và dẫn tôi đi bỏ thư ở bưu điện trong khu phố. Fadja không chỉ là chú chó dẫn đường của tôi, mà còn là thành viên thân thiết trong gia đình, rất đáng yêu và thích được vuốt ve mỗi khi bạn bè chúng tôi tụ họp".

Hội Bảo vệ động vật của BB cấm mọi hoạt động tổ chức các cuộc thi đấu như chọi chim, chọi gà giống ở Việt Nam. Vậy mà lần đầu tiên tôi được chứng kiến một "màn" chọi gà chính thức trên đất Pháp. 

Cách đây 5 năm, bạn tôi, gọi là Hải "gà" (vì rất mê gà chọi từ lúc ở Việt Nam), rủ đi xem chọi gà ở Aire sur Lys, miền bắc Pháp, thuộc Pas de Calaise, nơi có đường hầm ,đường sắt xuyên biển Manche, nối liền Pháp-Anh. 

Cổng vào nghĩa trang thú cưng ở Asnieres-sur-Seine.

Quá ngạc nhiên, tôi hỏi Hải: Làm sao lại tồn tại "món" chọi gà ở Pháp được? Hải kể: vùng này có truyền thống chơi gà chọi từ xa xưa. Sau Thế chiến thứ hai, hầu như toàn bộ nhà cửa bị đổ nát do bom đạn Đức Quốc xã. 

Ông thị trưởng thành phố chấp nhận một ngoại lệ, được tổ chức các cuộc chọi gà do người dân đề nghị. Thành phố vẫn còn những con đường lát gạch cổ. Nhìn phía ngoài là một quán bar bình thường, với hàng dãy rượu khai vị và bia tươi. Tôi khoác máy ảnh trên vai, Hải bảo cất ngay vào túi xách, ở đây cấm chụp ảnh. 

Tuy được phép tổ chức, song họ vẫn ngại phóng viên đưa ảnh chọi gà  cho Hội Bảo vệ động vật của BB. Vào trong thì choáng ngợp: một sàn khán đài như chỗ thi đấu của võ sỹ quyền Anh, khán giả ngồi xung quanh, hai bên đối diện sàn là hai chuồng chứa các "võ sỹ gà" chuẩn bị xung trận. 

Vào trận, hai chú "gà trống Gaulois" rất đẹp mã xông vào nhau, đá, mổ rất dữ dội. Cựa mỗi con gà đều gắn đinh sắt nhọn dài khoảng 3cm, nên sau những cú đá quyết tử vào ức đối phương thì đối thủ đo ván ngay, nằm giãy giãy trên sàn, trông thật tội nghiệp. Khán giả hai phe rất hăng máu, cổ vũ cho hai "võ sỹ", phần đông là đàn ông trung niên, lác đác vài phụ nữ. Tiền cá cược cao nhất chỉ 20 euros, không cá cược "khủng" như ở Việt Nam. 

Xem xong trận đấu, tôi thở phào nhẹ nhõm, ra ngoài bar uống bia tươi đặc sản địa phương với bạn, ngắm đường phố yên tĩnh, hít thở không khí trong lành, hơi tanh tanh thanh thoát rất đặc biệt của biển Manche.

Có điều lạ là mọi người yêu quý chó thế, mà mỗi khi bực dọc, cáu giận thì mắng đối phương là "đồ chó má". Chuyện này để cho các nhà ngôn ngữ học giải thích.

Ngày 1 tháng 5 năm 1993, Thủ tướng Pháp Pierre Bérégovoy tự tử bằng súng ngắn bên bờ kênh đào Nièvre, quê ông. Là thủ tướng xuất thân từ công nhân, tự học đi lên. 

Năm 1986, ông vay 1 triệu Franc (tương đương 150.000 euros) không phải trả lãi, mua một căn hộ ở Paris. Báo "Canard enchainé" (Con vịt bị trói) đưa ra công luận, gièm pha khích bác... quá mẫn cảm, ông đã tìm đến cái chết.

Cái chết đau thương khiến mọi người phải suy nghĩ chính là câu trả lời cho tâm hồn trong sáng của ông. Tổng thống Mitterand trong bài điếu văn vĩnh biệt cố thủ tướng đã ám chỉ " bọn chó má" là nguyên nhân gây ra cái chết của ông Pierre Bérégovoy.

Ngược lại với từ "chó má", chó nuôi là người bạn trung thành tuyệt vời với chủ, nhất là những người nghèo khó, cô đơn, khiếm thị...

Bạn đã từng gặp trong hầm métro Paris dân vô gia cư đơn độc luôn có một chú chó bên cạnh. Ai là người có thể an ủi nỗi niềm cô đơn, hoàn cảnh bất hạnh, giữa đêm đông giá rét với tương lai mù mịt - chính là bạn chó trung thành. 

Tự nhiên, tôi có suy nghĩ: ở căn biệt thự sang trọng đẹp đẽ, trải thảm ấm cúng, các chú chó yêu được vuốt ve chiều chuộng bởi bàn tay ngọc ngà của các phu nhân quý phái trong tiếng dương cầm thánh thót, thì chú chó nằm sưởi ấm cho người ăn xin ngủ trên tấm bìa hoặc chui vào hộp carton ở gầm cầu, ga métro (tàu điện ngầm), với tiếng động kỳ cạch đều đều của bánh xe điện (có hoặc không người lái, chạy quanh năm gần như không nghỉ), cũng hạnh phúc không kém chút nào. 

Nước Pháp thống kê, mùa lạnh năm ngoái gần 500 người vô gia cư đã chết rét. Chắc chắn những con chó trung thành đi cùng những thân phận khốn khổ này đâu thể nào sống nổi giữa thời tiết khắc nghiệt và đói dài. Khuyển mã tri tình, ở thời nào, trong xã hội nào thì chó vẫn luôn là người bạn tốt của con người, thậm chí thành thật và tốt hơn cả con người với nhau.

Tết Mậu Tuất năm nay, tôi lại trở về quê hương Hà Nội. Chắc chắn tôi không muốn ăn thịt chó và sẽ không ăn nữa, bởi thực ra không ăn thịt chó cũng không sao, chẳng thiệt thòi gì cho nhu cầu ẩm thực; vả lại ăn thịt chó vào năm Tuất thì có gì là vui, chưa nói đến nhẫn tâm, vô tình và có phần bạc bẽo!

Thẩm Hoàng Long (từ Paris)
.
.