Thần tiên cõi trần

Thứ Hai, 23/04/2018, 07:42
Rỉ rỉ rả rả mà bắt đầu tháng mưa rồi. Mưa sầm sập. Tỉnh queo. Mới nắng đó mà mưa đó. Đời người cũng như nắng mưa vậy, rất nhiều lần Ngô nghĩ. Chớp mắt là thôi, chớp mắt là gió mây.

Thế nên, sống náo nhiệt cũng được mà cầu bình an cũng được, sống vội vã cũng được mà thong dong cũng được.

Có điều vì đời sống ngắn ngủi, nên chuyện thấy sai thì cố tránh, thấy chuyện đúng thì nên làm, còn đang phân vân giữa đúng và sai thì tốt nhất khoan khoan hành động.

1. Bộ Tài chính vừa có báo cáo mới nhất liên quan đến dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng lên 4 nghìn đồng/lít, theo báo cáo này thì Bộ Tài chính đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

"Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết", Bộ Tài chính khẳng định.

Nghĩa là, quá bán rất sâu. Nghĩa là, có sự đồng thuận rất lớn. Nghĩa là có sự nhất trí rất nhiều.

Thiệt ra thì câu chuyện vì sao cho đến giờ phải bàn tăng phí môi trường trên mỗi lít xăng lên đến kịch trần, nghĩa là 4.000 đồng/lít, bất chấp mỗi lít xăng hiện nay cõng áng 7 nghìn đồng tiền thuế phí. Trong đó, thuế môi trường hiện tại là 3.000 đồng/lít xăng. Các loại nhiên liệu khác như dầu cũng bị tăng thuế môi trường theo tính toán của Bộ Tài chính.

Trước đó, Bộ Tài chính phóng tay thì kéo giãn biên độ tăng thuế môi trường từ 4.000 đến 8.000 đồng/lít xăng. Đây là một thủ thuật mà Ngô tôi cho rằng không nên sử dụng của lãnh đạo Bộ Tài chính, đưa ra hai mức giá để chọn mức giá thấp hơn hệt chiêu trò rút củi dưới đáy nồi là cách của con buôn, không phải cách của một cơ quan quản lý.

Minh họa: Lê Phương.

Ai cũng biết vì sao phải đưa ra dự thảo tăng thuế môi trường trong bối cảnh này, nhất là khi đại diện Bộ Tài chính nói thẳng, là nhằm "tái cơ cấu ngân sách". 

Tái cơ cấu ngân sách là một cách nói nhẹ nhàng hơn, ngân sách đang hụt nghiêm trọng. Ngân sách nước mình vì sao đang thâm hụt nghiêm trọng, chắc không cần phải bàn làm gì cho tốn chữ, là như mọi người đang nghĩ đấy.

Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính vẫn chưa có kế sách gì hiệu quả để song hành cùng Chính phủ trong công cuộc kiến tạo này. Rõ ràng với tư duy, cứ hụt ngân sách thì tăng thuế, có lẽ không cần quá nhiều chuyên gia tài chính làm gì cho mắc công, ai làm Bộ Tài chính mà không được.

Kiểu như có gã chồng nghiện rượu mê bài bạc, cứ hết tiền lên cơn lại lôi vợ ra đánh, đánh cho vợ “xùy” tiền ra thì mới thỏa. Chứ nhất định không chịu chuyên tâm làm ăn, nhất định không chịu bỏ cố tật rượu chè vậy. Điều hành kiểu hành, rất thất phu.

Cũng như làm lãnh đạo một địa phương, dân đói không có kế sách giúp dân no đầm ấm, mà cứ ngửa tay xin gạo của Trung ương, xin tiền của Trương ương thì Trung ương tốn tiền nuôi cán bộ lãnh đạo làm gì. 

Mấy lâu Ngô tôi nghĩ, Trung ương cứ cho địa phương vay là tốt nhất, vay có lãi suất thời hạn trả, đến thời hạn mà không trả được thì cứ quy trách nhiệm lãnh đạo địa phương. Phải thúc cho họ vận động tư duy, không thể nào cứ để trở thành gánh nặng cho quốc gia mãi được.

Trở lại chuyện tăng thuế môi trường trên mỗi lít xăng của Bộ Tài chính, tính toán tăng thuế xăng thuế điện là một tính toán phải hết sức thận trọng, vô cùng thận trọng. Và nếu được thì đừng bao giờ nên nghĩ đến, bởi đó là nguồn nhiên liệu thiết yếu mà nhân dân không có lựa chọn khác ở giai đoạn này. 

Chính vì thiết yếu, nên những mặt hàng này hắt hơi lập tức bức tranh kinh tế chung sổ mũi. Từ dịch vụ cho đến hàng hóa cho đến cạnh tranh cho đến thu hút đầu tư… đủ cả, không lĩnh vực nào thoát được khỏi ông điện ông xăng. Nên tính chuyện tăng thuế hai ông này chính là sử dụng tuyệt chiêu gói gọn trong mấy chữ "không cho đứa nào thoát cả".

Sự thiếu thuyết phục của Bộ Tài chính hơn cả chính là nhiều năm nay không minh bạch công khai được khoản thu phí, cũng không có nghiên cứu nào cho thấy môi trường đang được bảo vệ ra sao từ các khoản thu phí môi trường. 

Trong lúc có một điều chắc chắn chính là môi trường ngày càng tệ hơn rất nhiều, tệ đến mức Thủ tướng Chính phủ phải liên tục đưa ra thông điệp phát triển kinh tế phải đi kèm bảo vệ môi trường bền vững.

Rõ ràng, yếu tố chính danh là hoàn toàn không có trong toàn bộ kế hoạch tăng thuế môi trường trên mỗi lít xăng của Bộ Tài chính. Khi mà tính chính danh không có thì rất khó để tin vào con số 40/60 Bộ ngành địa phương nhất trí với dự thảo tăng thuế này mà Bộ Tài chính vừa công bố. Còn nếu nhất trí, cũng phải xem xét lại trình độ năng lực của các Bộ ngành địa phương đã nhất trí ấy.

Đúng như Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa 13 cho rằng, Bộ Tài chính cần công khai danh tính đơn vị, tổ chức, địa phương ủng hộ phương án tăng thuế. Từ đó xem đơn vị cho ý kiến đồng ý tăng thuế đã khảo sát ý kiến người dân như thế nào.

Rất chân thành và vì cái chung, Ngô tôi nghĩ rằng Bộ Tài chính rõ ràng cần phải cẩn trọng hơn và đưa ra thêm những câu trả lời thuyết phục hơn, sòng phẳng hơn cho dự thảo của chính mình.

2. Dự tính cuối năm nay - năm 2018 - TP HCM sẽ có trạm BOT thu phí đường thủy đầu tiên.

Theo Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) TP HCM, dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới và cải tạo luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) sẽ hoàn thành vào cuối năm. Việc nâng cấp luồng Sài Gòn và xây cầu Bình Lợi giúp cho tàu có trọng tải lớn ra vào các cảng được thuận lợi, lưu thông hàng hóa trong vùng Đông Nam Bộ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự án đường thủy đầu tiên của cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT. Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Đầu tư BOT Bình Lợi (chủ đầu tư dự án) thu phí để hoàn vốn. Giá khoảng 70 đồng/tấn/km trong 20 năm 9 tháng. 

Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để UBND TP HCM phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện. Bởi trước đó Bộ Tài chính có thông tư cho phép Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi thu phí nhưng hiện đã có Luật Phí và Lệ phí nên phải điều chỉnh cho đúng quy định.

Mấy lâu trước, TP HCM ồn ào vụ một công ty tư nhân muốn đặt hàng loạt trạm BOT xung quanh thành phố để thu phí tất tần tật những xe vào thành phố với lý do, nhằm chống kẹt xe. Ngô tôi nghe đến lý do này hốt hoảng đến mức không nói nên lời. Tất nhiên, viện dẫn vẫn là những nước phát triển thu rồi sao nước mình lại không thể thu. 

Lẽ nào cái chuyện so sánh thì phải dựa trên những điều kiện tương đồng về thu nhập, mức sống, thụ hưởng an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng… Ngô cũng phải khai kiến cho các vị ấy nên Ngô chán đời đến độ không muốn bàn đến nữa. Bây giờ, lại thêm trạm thu phí đường thủy.

Thiệt ra thì ngay từ khi có đề án thu phí BOT đường thủy, hàng loạt chuyên gia đã lên tiếng phản ứng, cho rằng đây là hình thức tận thu của nhà quản lý. 

Đường bộ cũng thu mà đường thủy cũng thu, đặc biệt hơn là việc thu BOT đường thủy sẽ khiến giá thành những mặt hàng nông sản chủ lực tăng đột ngột, khiến cho sự cạnh tranh trong bối cảnh thông thương quốc tế của doanh nghiệp càng vấp thêm nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, câu chuyện BOT đường bộ đã lộ rõ nhiều khuất tất, buông lỏng trong công tác giám sát quản lý, bất chấp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từng nói một câu không thể kinh điển hơn, "Không có chuyện đặt trạm BOT nhầm chỗ, do chính sách thay đổi nên không còn hợp lí". 

Kiểu như ngày xưa cưới thiếu nữ mười lăm tuổi thì được còn nay lấy vợ tuổi mười lăm thì xác định chuẩn bị áo quần mà đi chăn kiến, ấy vậy mà không thấy trạm BOT nào phải dời vào đúng vị trí, phải giữ khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm BOT là 70km vậy.

Trạm BOT thu phí cứ thu, tài xế phản ứng cứ phản ứng, loạn hết cả lên, rồi tiền lẻ 100 đồng cũng được đưa vào sử dụng để đối phó nhau, rồi thanh tra trạm BOT nào lòi ra cái sai trạm BOT đó (Tất nhiên, cũng có những BOT không bị phản ứng như cao tốc Long Thành - Dầu Giây, một tuyến đường cao tốc mới song song với Quốc lộ, xây mới hoàn toàn chứ không phải tu sửa rồi chặn đường thu phí của người dân)… 

BOT đường bộ đúng là một hệ lụy chưa có hồi kết, chưa có phương thức giải quyết rốt ráo. Ngay cả tư lệnh ngành này là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khi là đương kim Thứ trưởng Bộ này ký nhiều quyết định lập trạm BOT cũng không giải quyết được mà đành cầu cứu Thủ tướng Chính phủ. 

Thủ tướng Chính phủ vốn nhiều việc, lại cơ cấu phân công rất rõ ràng nhưng vẫn phải chỉ đạo những thứ thuộc lĩnh vực của ông Bộ trưởng với rất nhiều ban bệ cố vấn tham mưu thì thiệt tình chẳng ra làm sao.

Khi mà BOT đường bộ chưa giải quyết xong thì cho BOT đường thủy đi vào hoạt động là hành động hết sức vội vàng nếu không muốn nói là bất chấp cảm xúc của nhân dân, không lường hết được những thứ không tốt đẹp khác.

3. Đại loại, toàn là thần tiên ở cõi trần cả, nhiều chuyện thấy đơn giản để tránh quá mà cứ lao đầu vào hệt như lao đầu vào tường vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.