Rường cột Quốc gia

Thứ Ba, 06/03/2018, 08:58
Năm mới năm me, Ngô tôi đặt cái title báo này quý bạn đọc cứ tưởng là đao to búa lớn nhưng thật ra thì nó cũng bình dị như cuộc sống của chúng ta vậy.

Đây lại là bài viết Ngô muốn lạm bàn về giáo dục. Một quốc gia, một dân tộc mà giáo dục không khởi sắc, không có hy vọng thì e rằng quá khó để có một triển vọng tươi sáng.

Nhớ hồi mấy tháng trước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn tính toán cả dự án chi hơn nghìn tỷ đưa cử nhân thạc sĩ thất nghiệp đi xuất khẩu lao động, thì nay, những ngày đầu năm mới lại vướng phải thông tin chuyến tàu vét bổ nhiệm danh hiệu Giáo sư, Phó Giáo sư…

1. Những ngày đầu năm Âm lịch, người dân ở xóm Hòa Thành, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An mang hương hoa đến cúng bái con cá, áng là cá chép nặng gần 2 ký. Lãnh đạo xã nói rằng có người đi ngang qua thấy cá nổi lên, bèn về mang kích điện ra chích cá, kích điện bất thành bèn tin đó là cá thần. Một đồn mười, mười đồn trăm rồi rủ nhau tìm đến nhang đèn khấn vái.

Thấy con cá mang kích điện ra kích, bất chấp đó là hành vi vi phạm Nghị định khai thác đánh bắt thủy hải sản. Tỉnh bơ như không.

Kích điện không được thì tin đó là cá thần, phải có năng lực siêu nhiên nhất thế giới, nhất vũ trụ thì mới thoát khỏi xung điện, mà là cá thần thì phải cúng bái. Cũng tỉnh bơ như không.

Có mỗi con cá trồi lên lặn xuống (cá mà không trồi lên lặn xuống thì họa chăng có là cá gỗ, hệt như người muốn sống phải thở ra hít vào vậy), mà chính quyền xã phải họp bàn phương án đảm bảo trật tự. Lại vẫn tỉnh bơ như không.

Chuyện bé cỏn con như vậy, chuyện vô lý tận cùng đến vậy, mà vẫn thành chuyện lạ, vẫn được nhiều cơ quan truyền thông phản ánh. Ngô không lạm bàn chuyện này bởi chuyện đơn giản vậy. Ngô để bạn đọc tự suy nghĩ, Ngô tôi muốn nói thêm vài ví dụ khác.

Mấy năm trước, ở một địa phương phát hiện ra dấu chân lạ. Người ta đồn đó là dấu chân của con thú dữ. Cả một vùng hoang mang. Để an dân, lãnh đạo các cơ quan chức năng phải cắt cử lực lượng vũ trang tuần tra canh phòng nghiêm ngặt. Cuối cùng, phát hiện ra dấu chân ấy là dấu chân của con chó berger mà người dân gần đó nuôi.

Minh họa: Lê Phương.

Cũng không xa lắm, người dân vây quanh một kẻ trộm chó đánh đến tử vong. Dường như tử vong vẫn chưa thỏa mãn sự căm thù lẫn khinh ghét nên phải đốt xe. Đốt xe rồi vẫn chưa giải tỏa hết cơn thịnh nộ bèn chụp ảnh post đầy trên mạng xã hội.

Rồi thêm nữa, bây giờ có công nghệ mạng internet, bắt trộm tiền trong quán internet vừa đánh vừa livestream, đánh ghen ông ăn chả bà ăn nem cũng quay clip, trừng phạt trẻ em lỗi lầm gì đó cũng quay phim chuyển lên facebook, xem đó là trò cười cợt… Bất chấp đó điều là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em.

Một viên đá bên đường chỉ là viên đá, ghép ba viên đá lại cắm thêm mấy cây hương phút chốc trở thành nơi linh thiêng. Hôm nào đó lâu lắm Ngô tôi đọc một tiểu phẩm trào phúng. Có bãi đất trống trong khu dân cư, người dân tiện tay ném rác. 

Tổ trưởng dân phố thuyết phục mãi không được, dựng bảng cấm đổ, càng đổ nhiều hơn, cuối cùng nghĩ ra mẹo thắp nhang ngay bãi đất trống đó, tự dưng không còn ai dám đổ rác nữa. Người qua bãi rác tự phát năm xưa đều kính cẩn cúi đầu bái vọng mà chẳng biết bái vọng ai.

Đó là chuyện ngày qua ngày vẫn diễn ra, đó là chuyện tuần nối tuần vẫn thường đọc thấy trên báo.

2. Chương trình Gặp nhau cuối năm của Đài truyền hình Việt Nam năm 2018 này đoạn đầu rất hay, ấy là đoạn bổ nhiệm người thân vào chức vụ lãnh đạo, một trong những vấn nạn mà Ngô tôi cho rằng hết sức nghiêm trọng của quốc gia.

Tất nhiên, phải bình tĩnh mà nhìn nhận rằng việc con em lãnh đạo làm lãnh đạo cũng không phải là một sự bi kịch, miễn làm sao việc bổ nhiệm minh bạch, người được nắm vị trí lãnh đạo bằng năng lực thật sự, bằng kiến văn đã được thụ hưởng từ học tập, bằng kinh nghiệm trong quá trình công tác… 

Đáng tiếc, rất ít cá nhân là con em của lãnh đạo lại trở thành lãnh đạo có những yếu tố như vậy. Đa phần đều đúng quy trình cả, quy trình cho riêng một cá nhân.

"Giá trị duy nhất của mày là bố mày", một câu thoại trong chương trình Gặp nhau Cuối năm, một câu thoại rất hay, rất đúng nhưng làm sao vẫn đau đớn đến vậy, vẫn bất lực đến vậy?

Làm lãnh đạo có khó không, chắc chắn là khó. Trải dài mấy nghìn năm lịch sử cho đến tận giờ và Ngô tôi tin rằng cho đến cả mai sau nữa, làm lãnh đạo chưa bao giờ là dễ. Bởi đó chính là vị trí mà một chữ ký, một cái gật đầu, một đồng ý chủ trương có thể ảnh hưởng đến hàng vạn, hàng triệu người. 

Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, thấy có vẻ như nhiều cá nhân là lãnh đạo cho rằng làm lãnh đạo dễ quá, nên muốn bổ nhiệm người thân cứ gắn tên lửa vào mà bổ nhiệm, bổ nhiệm bất chấp, đang đi du học cũng được bổ nhiệm để giữ chỗ thì Ngô tôi chịu hẳn rồi chứ biết nói thế nào nữa.

Không chỉ bổ nhiệm người thân, mà còn bổ nhiệm ban phát, bổ nhiệm chạy vị trí. Được lãnh đạo yêu, lãnh đạo bổ nhiệm cho làm chức này chức kia (nhìn sang Thanh Hóa thì thấy thôi), còn nếu các chức đã kín thì bịa thêm phòng ban mà ấn vào. 

Còn hơn vua chúa ngày xưa.Vua ngày xưa bổ nhiệm còn ngại quần thần, còn phải giữ đạo công tâm (tất nhiên đó là minh quân), còn có vài nơi thì lãnh đạo xem như quyền trong tay mình, mình cho ai thì cho, không được mưa mát mặt thì chắc chắn gió mát lưng.

Bổ nhiệm chạy vị trí thì có sai phạm ở vị trí này, gây thua lỗ mấy trăm mấy nghìn tỷ phút chốc được rút về để bổ nhiệm làm vị trí lãnh đạo ở nơi khác. Ngô tôi không biết các lãnh đạo cao cấp có biết không, chứ nhân dân nhìn vào thì biết hết cả. 

Ngay có ông cục phó một cục quan trọng của một Bộ, mới chân ướt chân ráo mấy năm từ doanh nhân một doanh nghiệp tư nhân về công tác tại Bộ, một phát lên làm lãnh đạo ngon ơ.

Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, người mà Ngô tôi hết sức kính trọng vì thông qua những lần hầu chuyện, Ngô tôi hiểu đó là một trái tim, một nhiệt huyết đau đáu với quốc gia ra sao. 

Tiến sĩ Lê Kiên Thành tự bạch, "Tôi nói điều này bằng một trái tim yêu Đảng tha thiết. Khi mà tất cả những người lãnh đạo Đảng sẽ là những người giàu cuối cùng của xã hội này, không phải là những người giàu đầu tiên thì chúng ta mới có thể hy vọng đến được cái xã hội mà chúng ta mơ ước".

Còn bây giờ ai đang giàu hơn ai, ai đang giàu nhanh một cách bất ngờ, chắc quý độc giả đều đã biết cả. Thế nên không ngạc nhiên vì sao lãnh đạo cha lại muốn ấn lãnh đạo con vào ghế, vì sao lãnh đạo anh lại muốn lãnh đạo em kế nhiệm vị trí của mình, vì sao lãnh đạo chồng luôn hăm he tìm cách bổ nhiệm cho lãnh đạo vợ.

Phần nhiều, theo Ngô tôi, thì do giáo dục mà nên.

3. Một quốc gia muốn duy trì ổn định và phát triển bền vững thì phải giữ được sự tôn nghiêm của chính mình. Sự tôn nghiêm không ở đâu xa, chính là dân giữ đạo làm dân, quan giữ đạo làm quan.

Dân thì chăm lo làm lụng, kính trên nhường dưới, sống thân ái hòa nhã, có việc không hài lòng thì tin tưởng vào pháp luật, tin tưởng vào phán quyết công bằng của quan, thành kính với tổ tiên chứ không mê tín.

Quan thì biết vì dân mà phụng sự, không tơ hào đến của công, không bợ trên nẹt dưới, không nhìn thấy chức vị đồng nghĩa với cơ hội làm giàu, không bao che cho cái sai để trục lợi về mình, lấy lưu danh sử sách làm trọng.

Để minh chứng cho điều Ngô tôi vừa viết, xin trích một chi tiết được doanh dân Nguyễn Duy Hưng - ông chủ của Tổng công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn SSI kể về triết lý BOT của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

"22 năm trước, khi còn làm dịch vụ tư vấn đầu tư nước ngoài, ông đã đưa một nhóm nhà đầu tư đến từ Dubai làm việc với ông Nguyễn Việt Tiến lúc ấy là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phương án huy động vốn cải tạo và nâng cấp đường 5 Hà Nội - Hải Phòng. Nhóm của ông đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp và Phó Thủ tướng Phan Văn Khải trực tiếp nghe trình bày phương án đầu tư. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư bày tỏ muốn làm đường 5 theo hình thức BOT, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã trả lời: "Chúng tôi hoan nghênh việc các ông quan tâm đầu tư vào giao thông Việt Nam nhưng nâng cấp đường 5 hiện tại thành BOT thì không phù hợp".

"Các ông có thể đầu tư BOT một đường mới hoàn toàn song song với đường 5 hiện tại, còn đường hiện tại Nhà nước sẽ tự thu xếp vốn tu sửa. Dân chúng sẽ được tự do lựa chọn sử dụng đường hiện nay hay đường BOT mới. Hơn nữa đường 5 hiện tại đã được xây dựng bởi ngân sách nhà nước để nhân dân được tự do sử dụng nếu giờ chuyển thành dự án BOT là không hợp lý", ông Phan Văn Khải nói.

Ông Nguyễn Duy Hưng bình luận: "Ý kiến của Phó thủ tướng Phan Văn Khải, sau đó là Thủ tướng, từ ngày ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong buổi gặp hôm ấy có cả ông Nguyễn Chí Dũng, chuyên viên của Ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) và nay là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI)"".

Làm quan, làm người lãnh đạo phải lấy những chi tiết để người dân tin yêu này làm trọng, mà muốn có được điều ấy thì phải có nền tảng là giáo dục. Phải có nền tảng giáo dục thì mới kìm chế được bản năng, thì mới cương quyết với đúng sai, thì mới giữ được cái đạo cho chính mình.

Thế nên, Ngô tôi mong rằng với chỉ đạo rà soát phong danh hiệu Giáo sư, Phó Giáo sư của Thủ tướng mà đa phần không thiếu cái này cũng hụt cái kia, sẽ là một tín hiệu cho quyết tâm chấn chỉnh giáo dục trong tương lai gần.

Bởi hỏng giáo dục, chúng ta sẽ hỏng nhiều thứ khác, hỏng đến độ không còn cứu vãn được.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.