Y bát thừa tự

Thứ Tư, 03/01/2018, 13:24
Ngô tôi đọc kiếm hiệp, thấy các bậc tiền bối hay sử dụng những cụm từ này để nhắc về đệ tử chân truyền thừa tự chức vụ chưởng môn nhân, hoặc những bậc chân tu được lựa chọn làm người truyền đạo.

Rồi đột nhiên vô thanh vô ảnh, hàng loạt những lãnh đạo cấp Sở của nước ta cũng vô tư thừa hưởng y bát từ bố ruột của mình. Mà quyền lực thì làm sao có thể truyền đời khi mà chế độ phong kiến đã bị xóa bỏ, chức vụ đâu phải là của kế thừa mà muốn nhượng lại cho cháu con, cho huyết thống ra sao thì cứ nhượng như một thứ của để dành.

1. Thiệt ra thì con em cán bộ làm lãnh đạo kế cận cũng không có gì quá đáng, nếu người ấy có đủ tâm đủ tầm, được đề bạt bằng năng lực thật sự, bằng quá trình chứng tỏ bản thân lẫn cống hiến cho cái chung, cho tổ chức.

Ngô tôi vẫn nghĩ rằng, người ta hoàn toàn có thể đứng trên đôi vai người khổng lồ nếu người ta có điều kiện. Đó là chưa kể đến con em cán bộ cũng có nhiều trí thức Tây học với nhãn quan mới mẻ, với trình độ được đào tạo từ các trường đại học uy tín trên thế giới. Đây hoàn toàn là lớp cán bộ trẻ đầy triển vọng, nếu… Lại là từ nếu, với từ này thì có thể nhét cả thành phố Paris vào một cái chai.

Trên thực tế, đi du học ở thời điểm này không có gì là quá ghê gớm. Con một cán bộ công chức, con một chuyên viên đều có thể xuất dương du học. Du học bằng học bổng, du học tự túc. 

Không phải ai đi du học cũng thành tài, nhưng số đã thành tài thì áng chừng có thể an tâm về chất lượng. Đương nhiên, ngoại trừ một số cậu ấm cô chiêu đi du lịch chủ yếu để shopping đồ hiệu và chụp ảnh post facebook nhằm minh chứng cho đẳng cấp sang trọng của cá nhân.

Ngô tôi kể chuyện này thiệt một trăm phần trăm, có cậu nhóc con nhà vương giả, cũng tầm sư học đạo nước ngoài mấy năm, học giỏi đến mức mãi đến khi về nước vẫn chỉ nói được thứ tiếng duy nhất là tiếng Việt. Điều này, có lẽ chắc cũng không quá hiếm hoi đâu.

Nhìn nhận bất cứ vấn đề nào cũng cần tĩnh tâm, sòng phẳng và minh bạch. Chuyện cán bộ lãnh đạo có con em đi nước ngoài học cũng bình thường, cũng chẳng có gì là ghê gớm đến mức phải đặt nghi vấn hay gièm pha. 

Có lần hầu chuyện với một lãnh đạo cao cấp, Ngô tôi có thưa rằng làm cán bộ hiện tại chỉ cần làm đúng thôi đã nhiều tiền lắm rồi chứ không cần phải làm sai. Vị cán bộ cao cấp rất đồng tình với nhận định này.

Thói đời người Việt vẫn nặng tâm lý, ai giúp mình bảo vệ cái đúng nghĩa là cũng đã có ơn với mình rồi, có ơn thì phải báo đáp thôi. Đó là chưa kể đến từ những thông tin được tiếp cận sớm, họ có thể kiếm ra tiền bằng cách đầu tư, kinh doanh thêm. 

Thoải mái mà thừa nhận với nhau điều này chứ có gì đâu phải che giấu, có ai sống bằng lương được đâu, cũng phải bôn ba thêm nghề này nghề khác để bù đắp thu nhập.

Minh họa: Lê Phương.

Giả như Ngô tôi, hoàn thành xong công việc của cơ quan cũng phải viết thêm cho báo này, báo khác, những bài báo mà bên cơ quan kia họ cần. Sống tiết kiệm chắt chiu, không phải đến mức quỵ lụy ai chuyện nhu cầu thường nhật, nhu cầu vừa đủ. 

Hẳn nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là lý giải cho các vương tôn công tử trâm anh thế phiệt xài tiền như đốt, túi xách mấy mươi nghìn đô hay đồng hồ vài trăm triệu đồng.

Đồng tiền xài dễ dàng thì khó có thể tin rằng đó là đồng tiền chân chính, đồng tiền mang khuôn mặt của người sở hữu, cách xài của người sở hữu phản ánh quá trình kiếm ra tiền. Ngô tôi chỉ muốn nói rằng đừng quá định kiến với chuyện con em cán bộ lãnh đạo đi du học mà thôi.

Được đề bạt nắm vị trí, từ mối quan hệ sẵn có của người đi trước, từ sự tự tin với bệ đỡ phía sau, lớp cán bộ này dễ tạo ra nhiều đột phá có chiều hướng tích cực từ cương vị mà họ đảm nhiệm. Quyền lực là một thứ cần có thời gian, cần có sự trui rèn để sử dụng một cách hợp lý, để vì cái chung, để không lạm quyền, để không xem quyền lực là của riêng mình rồi muốn tự tung tự tác ra sao cứ mặc sức mà làm.

2. Dân nước mình vốn dĩ hiền hậu, nhẫn nại cam chịu đã quen, ai làm lãnh đạo cũng được, miễn sao giúp ích được cho cuộc sống của họ, miễn sao thảo thơm nhân cách, miễn sao không hủ hóa phá hoại. Và quan trọng nhất, tính chính danh của vị trí phải được đảm bảo. Đáng tiếc, đây là điều chúng ta vẫn không thường được may mắn chứng kiến.

Sự vội vàng của các lãnh đạo bố đã bằng mọi cách ấn con của mình vào ghế trưởng sở, ngành bất chấp mọi quy trình quy định, mọi điều luật nguyên tắc. Như ông Giám đốc Sở Công thương Tỉnh Hậu Giang, có bố là nguyên Bí thư Tỉnh ủy.

Báo giới nêu đầy ra ông này chỉ cần vỏn vẹn có 7 năm là từ một nhân viên ngân hàng vụt sáng trở thành Giám đốc Sở Công thương của Tỉnh. 

Người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nào hình dung ra được con đường siêu ngắn giúp ông con của ông nguyên Bí thư Tỉnh ủy ngồi vào ghế Giám đốc Sở Công thương.

Từ tháng 11 đến 12 - 2008, là nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Hậu Giang. Từ tháng 5 đến tháng 7 - 2010, chuyển qua làm nhân viên của Ngân hàng Liên Việt - Sở Giao dịch Hậu Giang.

Cũng trong tháng 7 - 2010, chuyển về làm nhân viên Ngân hàng Liên Việt -  Chi nhánh Cần Thơ. Tháng 1 - 2011, nghỉ làm ở ngân hàng, về làm Phó trưởng phòng Quản lý lao động - Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang. Đây được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp khi chính thức chuyển từ TP. Cần Thơ về Hậu Giang.

Tháng 6 - 2012, chuyển công tác về Quỹ Phát triển đất tỉnh Hậu Giang. Sau đó, tỉnh Hậu Giang có chủ trương chuyển đổi Quỹ Phát triển đất tỉnh Hậu Giang thành Quỹ Đầu tư và phát triển Hậu Giang và tháng 3-2013, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tín dụng, Quỹ đầu tư và Phát triển tỉnh Hậu Giang.

Tháng 4 - 2014, giữ chức Phó giám đốc Quỹ đầu tư và Phát triển tỉnh Hậu Giang. Tháng 7 - 2015 được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang điều động và bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang.

Song song với vị trí này, ông Giám đốc Sở Công thương có bố làm Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trở thành Tỉnh ủy viên, khi chưa tròn 33 tuổi và chỉ hơn 3 năm tuổi Đảng.

Sự việc khuất tất nhiều đến độ Bộ Công thương, một trong những Bộ đang có bước chuyển biến mạnh mẽ cùng Chính phủ kiến tạo phải phát đi công văn khẳng định sự không liên quan của mình trong việc bổ nhiệm này, "Theo quy định, ngoài việc ban hành "Tiêu chuẩn, chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở", cũng như các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực khác, trong quy trình bổ nhiệm Giám đốc Sở Công Thương, pháp luật không quy định Bộ Công Thương tham gia và có ý kiến với UBND tỉnh về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở. 

Vì vậy, trong quá trình bổ nhiệm Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, Bộ Công Thương không tham gia thẩm tra, có ý kiến với việc bổ nhiệm này. 

Theo quy định của pháp luật, Bộ có vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Sở Công thương, không có thẩm quyền quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế của Sở Công thương. 

Việc bổ nhiệm giám đốc sở thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác cán bộ. Việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ".

Con đường thăng tiến của ông Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam, ông cũng có bố ruột làm Bí thư Tỉnh ủy cũng hệt vậy. Có điều, ông này đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng yêu cầu xóa tên Đảng và thu hồi các quyết định bổ nhiệm sai trái.

3. Khi ông con bị phát hiện ra có điều gian dối trong bổ nhiệm, thì ông bố lại xuất hiện trên khắp các mặt báo để kêu xin. Hết xin khoan dung rồi đến xin xét lại, hết trình bày nếu bị xóa tên Đảng sẽ không còn gì trong cuộc đời rồi lại đến nếu không được tha thứ thì về "bon chen" với xã hội.

Cái gì vậy, không phải là cậu em chã trong "Số đỏ" của tiên sinh Vũ Trọng Phụng đang hiện hữu ngay vào thời điểm này chứ.

Cái sai hôm nay chính là một tiến trình kéo dài trong quá khứ, hậu quả hôm nay chính là cả một quá trình gian dối, gieo nhân nào thì gặt quả đó, dám làm điều xằng bậy thì phải chấp nhận bị trừng phạt. Có gì mà phải xin, có gì mà phải khẩn khoản.

Quan trọng hơn, thân là giám đốc sở, tức là vị trí lãnh đạo đơn vị, luôn miệng nói tài đức đủ đầy, có chuyện gì thì tự mình đứng ra mà khiếu nại, mà phản ánh với cơ quan chức năng. Chứ ai lại chơi trò đóng cửa nằm bệnh để mặc cho bố mình muốn lý giải gì thì cứ lý giải.

Hệt một cậu ấm con cầu con tự đang dỗi cha mẹ không mua đồ chơi nên cương quyết nhịn ăn cơm vậy. Ngô tôi nói quá thì quý bạn đọc bỏ quá cho, chứ cá nhân mình Ngô tôi thấy câu chuyện này thật chẳng ra làm sao.

Cuối cùng, trong không khí quyết tâm chấn chỉnh lại công tác cán bộ, chấn chỉnh lại việc đặt nhầm ghế cho người thân như hiện nay, có lẽ ông nào trót để lại y bát thừa tự cho con cái là vị trí thì nên cân nhắc mà tìm đường thoái lui đi.

Dưới ánh mặt trời này, chuyện giấu kín đến mấy trước sau gì cũng sẽ bị vạch trần, xử lý.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.