“Bóng ma” đóng cửa Nhà Trắng: Chung qui cũng một chữ tiền

Thứ Sáu, 19/05/2017, 13:03
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa chính phủ do những bất đồng về dự thảo chi tiêu ngân sách cho phần còn lại của năm tài khóa 2017 (kết thúc vào tháng 9 năm nay) giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa. 


Sức ép càng lớn khi Nhà Trắng muốn dự thảo chi tiêu phải bao gồm cả ngân sách dành cho việc xây tường ở biên giới Mỹ - Mexico. 

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, các cơ quan chính phủ của Mỹ sẽ phải tạm đóng cửa - một kịch bản từng xảy ra trước đây. 

Năm 2013, chính quyền của Tổng thống Obama từng phải đóng cửa vì không có ngân sách khiến hơn 850.000 công chức phải… ở nhà, gây thiệt hại 24 tỉ USD cho nền kinh tế. Trên thực tế, "bóng ma" đóng cửa Nhà Trắng thường xuất hiện trong các cuộc đàm phán về chi tiêu ngân sách, nhưng quá khứ cũng chứng kiến rất nhiều lần chính phủ Mỹ phải tạm ngưng hoạt động vì những lý do khác nhau.

Nguy cơ hiện hữu

Nước Mỹ vốn có những mâu thuẫn sâu sắc trong chính phủ khi Quốc hội thường xuyên thất bại trong việc đạt được thỏa thuận duy trì ngân sách hoạt động. Việc này xảy ra khá thường xuyên nên chính phủ phải tạm ngưng hoạt động trong một thời gian ngắn. 

Năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter khi đó ra lệnh cho ngừng hoạt động của chính phủ vào ngày 1/10 sau khi những thỏa thuận về ngân sách không được thông qua. 

Chuyện tìm đâu ra tiền cho việc xây bức tường ở biên giới với Mexico đang là tâm điểm cuộc thảo luận về dự luật chi tiêu ngân sách của Quốc hội Mỹ.

Theo đó, nhân viên chính phủ không thể làm việc không công hay hi vọng vào một hệ thống đã duy trì trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, Ủy ban Thương mại Liên bang không đạt được thỏa thuận với Quốc hội Mỹ về những bất đồng trong việc hạn chế quyền hạn của các nhà lãnh đạo Mỹ nên tuyên bố dừng hoạt động, hủy bỏ hoạt động của tòa án cũng như 1600 nhân viên làm việc. Quốc hội Mỹ sau đó đã phải đưa ra giải pháp xoa dịu tình hình để cơ quan này hoạt động trở lại.

Quãng thời gian 1981-1990 chứng kiến nước Mỹ ba lần đóng cửa chính phủ. Hai nhiệm kỳ Tổng thống Ronald Reagan nắm quyền là quãng thời gian ông thường xuyên có những mâu thuẫn với đảng Dân chủ. Năm 1984, 500.000 nhân viên chính phủ đã buộc phải nghỉ làm trong vòng một ngày. 

Năm 1990, thêm một lần nữa chính phủ Mỹ không thể đi đến một thỏa thuận chung về ngân sách khiến toàn bộ nhân viên chính phủ nghỉ làm trong 3 ngày. 

Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, do những mâu thuẫn sâu sắc với các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa nên chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa hai lần với tổng thời gian 28 ngày (trong khoảng thời gian từ 11/1995 tới 4/1996). 

Khoảng 800.000 nhân viên chính phủ được tạm thời nghỉ làm tại nhà trong khi lần đóng cửa chính phủ thứ hai vào năm 1996 cũng khiến 280.000 nhân viên tạm thời nghỉ việc. Theo đánh giá, sự kiện 1995-1996 đánh dấu những ngày đen tối nhất trong lịch sử chính phủ Mỹ.

"Bóng ma" đóng cửa Nhà Trắng chưa biến mất, mà trở thành nỗi ám ảnh với Tổng thống Barack Obama. Chính phủ Mỹ phải đóng cửa năm 2013 trong vòng 17 ngày vì tranh cãi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ về việc tài trợ cho chương trình cải cách chăm sóc sức khỏe Obamacare. Phe Cộng hòa khăng khăng ngân sách liên bang mới không chi trả cho bảo hiểm y tế Obamacare và chương trình Kế hoạch hóa gia đình thì mới đồng ý thông qua, trong khi phe Dân chủ không đồng ý. 

Chưa hết, chỉ hai năm sau chính quyền Obama đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động từ ngày 1-10-2015 khi dự toán chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa 2016 chưa được Quốc hội thông qua. 

Những tranh cãi gay gắt về dự toán chi tiêu ngân sách tiếp diễn giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ liên quan đến ngân sách dành cho Planned Parenthood - Tổ chức về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Rất may là vào hạn chót Quốc hội đã đạt được đồng thuận về ngân sách tài khóa 2016. 

Điều này cho phép các cơ quan không phải tạm ngừng hoạt động vì lý do kinh phí, cũng như duy trì các chương trình an toàn công cộng và an ninh quốc gia, hay chương trình xã hội cho người già.

Có thể nói, dưới thời ông Obama, chính sách Obamacare chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đóng cửa chính phủ. Chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Barack Obama luôn bị đảng Cộng hòa phản đối trong bối cảnh chính phủ không còn kinh phí để tiếp tục duy trì hoạt động. 

Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa nếu như các đảng phái chính trị ở Mỹ không thể đi đến một nghị quyết thống nhất về vấn đề tài trợ cho chính phủ. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ từng khẳng định sẽ chỉ hỗ trợ cho chính phủ nếu đảng Dân chủ đồng ý tạm thời hoãn Obamacare trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, ông Obama đã từ chối đề nghị "mang tính ép buộc" là tạm dừng kế hoạch cải cách y tế do đảng Cộng hòa đề xuất, khiến tình hình ngày càng trở nên khó khăn. 

Từ những mâu thuẫn này, các chuyên gia cảnh báo nếu các đảng phái chính trị thất bại trong việc giãn nợ để duy trì hoạt động của chính phủ, không chỉ nền kinh tế Mỹ mà nền kinh tế trên toàn thế giới cũng sẽ gặp phải những khủng hoảng không thể lường trước.

Bất đồng vì một bức tường

Giống như những người tiền nhiệm, ông Donald Trump sau 100 ngày nhậm chức đang phải đối diện với nguy cơ "ngồi chơi" ở Nhà Trắng sau những bất đồng liên quan đến chi tiêu ngân sách. 

Hiện tại đàm phán ngân sách đang rơi vào bế tắc do bất đồng về đề xuất của mỗi bên. Chuyện tìm đâu ra tiền cho việc xây bức tường ở biên giới với Mexico đang là tâm điểm cuộc thảo luận về dự luật chi tiêu ngân sách của Quốc hội Mỹ. 

Có thể nói, chính sách Obamacare là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đóng cửa chính phủ.

Cụ thể, đảng Cộng hòa muốn dành ngân sách cho việc xây tường ngăn cách Mỹ và Mexico cũng như cho các cơ quan quản lý nhập cư. Đây được coi là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền trong dự thảo chi tiêu ngân sách đầu tiên trong nhiệm kỳ nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép cũng như tội phạm ma túy - vốn được ông Trump nêu ra trong cương lĩnh ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch tranh cử.

Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ cần tiến hành việc này càng sớm càng tốt để ổn định xã hội. Mặc dù vẫn giữ quan điểm cho rằng sẽ "yêu cầu Mexico phải trả tiền" xây bức tường ở biên giới, nhưng ông Trump phần nào đã hạ bớt độ quyết liệt khi cho rằng "thực tế hiện nay cho thấy việc xây dựng bức tường biên giới rất cần thiết, và rồi tôi sẽ tìm cách để chúng ta có thể sớm bắt đầu việc này". 

Tổng thống Donald Trump nhân cơ hội này cáo buộc các thành viên của đảng Dân chủ đã dung túng với tội phạm quốc tế. Theo đó, họ chủ không muốn chi tiền ngân sách cho việc xây dựng bức tường ở biên giới, bất chấp việc nó sẽ giúp ngăn chặn tội phạm buôn bán ma túy và các phần thử thuộc băng nhóm tội phạm khủng bố.

Tuy nhiên, ông Trump lại không nêu cụ thể về kế hoạch cũng như lịch trình thời gian xem xét giải quyết vấn đề liên quan đến bức tường gây nhiều tranh cãi này. Khó khăn đặt ra là dù đảng Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội, nhiều thành viên của đảng này phản đối việc xây dựng, cho rằng đó là giải pháp tốn kém và gây chia rẽ. 

Cùng chung quan điểm, phe Dân chủ khẳng định khoản tiền gần 22 tỷ USD để hoàn thành bức tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico là quá lớn (gấp đôi con số ước tính mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử). 

Họ nhận định động thái của Tổng thống Mỹ là quá liều lĩnh và không hiệu quả khi con số chi tiêu thực tế có thể gấp tới 3-4 lần. Vì lẽ đó, các nhà làm luật Dân chủ đề nghị dự thảo ngân sách "hạn chế chi tiền vào xây dựng những thứ vô nghĩa", mà đầu tư cho các chương trình xã hội thiết thực hơn (đơn cử như hỗ trợ hàng tỷ USD cho chương trình Obamacare). Nếu đề xuất này không đáp ứng, họ sẽ không thông qua dự luật chi tiêu mới.

Trong những cuộc thảo luận về ngân sách, Tổng thống Trump nêu ra vấn đề lớn cần phải giải quyết liên quan đền những trục trặc nghiêm trọng của chính sách Obamacare. Tuy vậy, có vẻ như chính quyền đang muốn nhượng bộ đảng Dân chủ về vấn đề cải cách chăm sóc sức khỏe để có được tiền xây dựng bức tường biên giới. 

Nhưng nếu Quốc hội quyết không chi tiền xây dựng bức tường Mexico, liệu ông Trump có thể phủ quyết dự luật chi tiêu - động thái đẩy Nhà Trắng đứng trước nguy cơ đóng cửa? Cho đến nay, chưa rõ các bước đi của Tổng thống Trump. 

Không ai rõ liệu ông chủ Nhà Trắng Trump có ký một dự thảo ngân sách mới, không bao gồm khoản kinh phí xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico hay không.

Thực tế cho thấy, thỏa thuận duyệt chi ngân sách cho chính phủ của Quốc hội Mỹ rồi cũng hết hạn. Cả Nhà Trắng và Quốc hội rõ ràng phải chạy đua với thời gian để thảo luận đạt kế hoạch chi tiêu mới nếu không muốn chính phủ đóng cửa. Các nhà quan sát cho rằng, có thể cuối cùng các bên sẽ dùng tới giải pháp gia hạn chi tiêu hoạt động của chính phủ thêm nhiều tuần nữa để có thêm thời gian thương thảo...

Anh Doãn
.
.