Tìm chợ Sắt ngày xưa

Thứ Tư, 19/07/2017, 10:06
Chợ Sắt Hải Phòng bên sông Tam Bạc, giờ đây giống một siêu thị lớn, không còn dấu tích gì của chợ Sắt thời xưa.

Buổi sáng tháng Chạp, từ trên cao nhìn xuống ngã ba sông, nơi bến Chiêu Thương vẫn lững thững đò ngang chở người từ khu Hạ Lý bên kia sông sang chợ. Lộ trình hơn trăm năm tưởng không có gì thay đổi đối với cái chợ quen thuộc đã ăn sâu vào tâm thức mấy đời của người Hải Phòng.

Trường Ngô Quyền là ngôi trường trung học đầu tiên của Hải Phòng, một trong các trường trung học đầu tiên của Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, trường đã 3 lần đổi tên. 

Thời kỳ Pháp thuộc, tên trường là Bonnal. Sau 1945, trường đổi tên thành Bình Chuẩn. Năm 1948, trường mang tên vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền và giữ tên cho đến nay. 

Tháng 7-1883, khi Trú sứ Bonnal - mà tên ông đã được đặt cho trường THPT Ngô Quyền bây giờ, được bổ về Hải Phòng, thành phố Cảng tương lai mới chỉ "lác đác mấy khu nhà xây trên cánh đồng ngập nước nối liền khu nhượng địa hoặc đê bằng đường đất men theo những thửa ruộng". 

Năm 1875, ở đây có thêm một số thợ và công nhân khuân vác đến làm ăn sinh sống. Một ngọn cờ vàng hiu hắt cắm trên nóc chòi canh lợp lá của pháo đài nhỏ bằng đất tại cửa sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm, do một nhóm lính thú, ăn lương của các quan Nam Triều trấn giữ.

Do việc mở thương cảng ở Hải Phòng nên nhiều người Âu kéo đến. Một số thương nhân người Hoa nhanh chóng xây dựng những ngôi nhà hai tầng bằng gạch ở hai bờ sông Tam Bạc, tạo ra khu Hạ Lý sầm uất. 

Chợ Sắt ban đầu đang từ chợ phiên buôn cau: "Chợ Sắt cất gánh buôn cau/ Chợ Huyện buôn gấc, buôn dầu, buôn nhang"(Ca dao) trở thành trung tâm thương mại của đô thị Cảng, một trong vài thị trường buôn gạo xuất khẩu lớn nhất nước.

Cuối thế kỷ 20, Pháp cho xây dựng ở Việt Nam những công trình kiến trúc nổi tiếng với vật liệu chính bằng sắt, các cầu lớn như cầu Long Biên - Hà Nội, những khu chợ như chợ Sắt - Hải Phòng. Cầu Long Biên được xây dựng dưới thời viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857-1932), sau nhiệm kỳ cai trị 1897-1902, cho xây cầu lớn đầu tiên bắc qua sông Hồng, thường được gọi là cầu Doumer. 

Vị Toàn quyền này là Tổng thống thứ 14 của Pháp vào 2 năm cuối đời. Giữa chợ có tháp nước cao, lên tới đỉnh nhìn bao quát cả một vùng phố phường sông nước. Cái tên "Chợ Sắt" hình thành từ ngày ấy. Gần chợ, bến tàu Quảng Đông tấp nập. 

Những năm 20 đầu thế kỷ trước, có mặt các nhà tư bản dân tộc đầu tiên của Việt Nam kinh doanh buôn bán, khiến cho khu chợ Sắt thêm nổi tiếng. Các cụ ở Hải Phòng còn nhớ ông Thông Vôi kinh doanh nhà, ông Ký Bưởi chạy tàu thủy, ông Cai Quyết thầu khoán xây nhà máy xi măng, ông Nam Sinh xây phố Đền Nghè... 

Rồi gia đình các ông Năm Sao, Vạn Vân - chủ hãng nước mắm ở Cát Hải, dinh cơ ở trước sông Lấp gần Chợ Sắt bây giờ. Cụ bà Vạn Vân tiếng là buôn bán giỏi, không biết chữ, chỉ dùng vạch để đếm mà làm ăn phát đạt, giàu nhất nhì Hải Phòng, con trai là nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001), tài hoa công tử lừng danh cả nước một thời.

Chợ Sắt cũng là nơi dân nghèo lam lũ ở các tỉnh tìm đến làm ăn buôn bán nhỏ kiếm sống. Cụ bà thân sinh ra nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) vẫn giữ nghề buôn cau từ Nam Định về bán ở chợ. Những nhà hoạt động cách mạng cũng lấy chợ Sắt làm nơi gặp gỡ. Nhiều tay anh chị, giang hồ sông nước coi chợ Sắt là đại bản doanh. Tám Bính, Năm Sài Gòn, Chín Hiếc, Ba Bay, Tư Lập Lơ... trong tiểu thuyết của Nguyên Hồng cũng thường ăn cơm uống rượu ở dãy hàng cơm sau chợ.

Ngày 20-11-1946, Pháp gây hấn ở Hải Phòng, bắn phá bến Tam Kỳ, rồi 19-12-1946 toàn quốc kháng chiến, chợ Sắt một phen hoang tàn, lớp người cũ ly tán bốn phương trời, theo kháng chiến. Thời tạm chiến, chợ Sắt chỉ là cái bóng của chợ Sắt ngày xưa. 

Sau ngày giải phóng 13-5-1955, Hải Phòng bắt tay vào giai đoạn phục hồi. Chợ Sắt chưa kịp phát triển cùng thành phố Cảng thì năm 1964, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chợ Sắt bị đánh phá ác liệt nhiều lần, tháp nước trở thành mục tiêu cho máy bay Mỹ ném bom.

Nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Hải Phòng (1955 - 1985), thành phố quyết định xây dựng lại toàn bộ chợ Sắt. Tháp nước được dỡ bỏ, khung chợ cũ bằng sắt trở thành phế liệu. Một số dân buôn bán sắt vụn quanh chợ bỗng nhiên giàu có. 

Những Tư Mếu, Oanh răng vàng, Ba chè chai lông vịt trở thành ông chủ, bà chủ buôn hàng điện tử, "hàng cáy", hàng second hand nổi tiếng một thời. Hình bóng các nhà tư sản ở chợ Sắt ngày xưa đã chìm vào dĩ vãng. 

Những tên hiệu Năm Sao, Vạn Vân gần cổng chợ chỉ còn dòng chữ mờ. Chiếc cầu Carron (Ca-rông) bằng sắt cắm những cẳng chân mảnh mai xuống bùn cũng biến vào làn nước hồ sông Lấp soi bóng khu chợ mới 4 tầng đồ sộ xây dựng từ những năm đầu đổi mới, bằng liên doanh hợp tác đầu tư với nước ngoài sớm nhất của Hải Phòng.

…Hồ Tam Bạc ngày nay từng là một phần của kênh đào Bonnal nằm dọc theo dải trung tâm thành phố.

Cầu Carron xưa nằm ở vị trí thẳng với phố Phạm Hồng Thái (quận Hồng Bàng) ngày nay. Cây cầu nổi tiếng một thời ấy đối diện "Hãng nước mắm Ông Sao" trên phố Quang Trung, hiện vẫn còn dấu tích.

Chiếu theo vị trí hiện tại, cầu Carron nằm ở phần đầu của hồ Tam Bạc, nơi tiếp giáp với sân sau của Trung tâm Triển lãm và mỹ thuật thành phố. Vị trí này, vẫn là điểm dựng sân khấu nổi, nhà thủy đình trong các chương trình múa rối, nghệ thuật trên mặt hồ mỗi dịp lễ, Tết.

Cầu Carron do hãng sửa chữa tàu Carron xây dựng để lưu thông qua kênh đào Bonnal từ năm 1925, duy trì huyết mạch giao thương của Hải Phòng giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Còn cầu Carron dựng bằng sắt, mặt lát gỗ, có thể nhấc lên cho thuyền bè qua lại dưới kênh Bonnal vào giờ quy định. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, cầu bị hư hại. Sau khi tiếp quản thành phố, cầu được sử dụng thêm một thời gian và dỡ bỏ cuối năm 1958 vì sự xuống cấp không thể phục hồi.

Đến giờ, dãy nhà mang tên "Nước mắm Ông Sao" vẫn nguyên. Song ký ức của người Hải Phòng cũ vẫn luôn nhớ có một cây cầu Carron như thế. Cây cầu ấy lưu lại một giai đoạn lịch sử về sự phát triển đô thị Hải Phòng. Có rất ít tư liệu về cầu Carron ngày trước. Thế hệ sau của thành phố muốn hình dung về cây cầu này chỉ có thể ngắm một số bức ảnh tư liệu đen trắng ít ỏi của các nhà sưu tầm.

Cầu sắt Carron đã mất. Chợ Sắt vẫn ở đây. Bao năm chợ gần Bến xe Tam Bạc. Từ 31-5-2015 bến xe bị di dời thành bãi trống cho các triển lãm sinh vật cảnh, hội chợ. Chỉ có chợ Sắt là không còn tấp nập bên sông Tam Bạc như thuở nào, như Hải Phòng ngày nay không giữ được vị trí thành phố lớn thứ 3 cả nước.

Chợ Sắt Hải Phòng vốn nổi tiếng đến mức, một thời dân gian có câu: "Chưa vào chợ Sắt, coi như chưa đến Hải Phòng", "Cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ô tô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có".

Mặt tiền chợ Sắt qua ống kính nhiếp ảnh gia Vũ Dũng, người sinh ra, lớn lên, gắn bó với Hải Phòng.

Chợ Sắt Hải Phòng ở vị trí đắc địa ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung, quận Hồng Bàng. Được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, mang tên chợ Lớn (Grande Marché). Chợ xây bằng vật liệu chủ yếu là sắt thép, nên gọi là chợ Sắt. Nơi đây, từng có nhiều quầy hàng sắt thép phục vụ cho việc đóng tàu. 

Nhờ địa thế thuận lợi bên tuyến đường thủy, đường sắt nên hơn nửa thế kỉ, chợ Sắt rất sầm uất, là đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Ninh xuống. Chợ lớn nhất đất Cảng là bộ mặt thương mại đại diện của Hải Phòng, sánh cùng vị thế chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (Sài Gòn), chợ Đông Ba (Huế).

Tiếng tăm chợ Sắt tiếp tục được duy trì thậm chí vang xa hơn sau đất nước thống nhất, suốt thời bao cấp đến giai đoạn đầu đất nước mở cửa. Thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc, thời bao cấp gần như toàn bộ hàng hóa từ các nước Đông Âu về đều đổ về đây theo đường tàu biển, điểm tập trung đều là chợ Sắt, thứ gì "mậu dịch" không có, ra chợ Sắt có. 

Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thủy thủ viễn dương, hàng "móc" từ kho Nhà nước, hàng "đánh" từ những đoàn xe vận tải, sà lan, tàu hỏa - đều đổ về chợ Sắt.

Chợ Sắt bán hàng cho cả miền Bắc, là niềm tự hào của người Hải Phòng. Khách du lịch về đây, lịch trình bao giờ cũng có tour mua sắm chợ Sắt. Chợ làm giàu cho người Hải Phòng, đến 1.000 hộ kinh doanh đủ loại mặt hàng, đa số hàng hóa trong chợ là hàng điện tử đủ loại, do thủy thủ tàu viễn dương đi khắp thế giới mang về. 

Hàng điện tử là độc quyền, kể cả Hà Nội cũng phải lấy hàng ở đây. Thời mà thủy thủ tàu viễn dương Vosco là đỉnh điểm của sự giàu, mà còn thua thương nhân chợ Sắt, thì đủ hiểu có một suất bán hàng chợ Sắt "ghê gớm" thế nào.

Sau sự cố cháy năm 1985 cùng tác động của cơ chế mới thời mở cửa, ý tưởng đầu tư xây dựng mới chợ Sắt hấp dẫn các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Năm 1992, dự án 15 triệu USD do Công ty Liên danh hữu hạn Hải Thành làm chủ đầu tư được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. 

Chợ cũ phá đi và liên doanh xây lại với 2.000 gian hàng, tổng diện tích sử dụng gần 40.000m² trên diện tích 13.000m². Sau 2 năm xây dựng, giai đoạn 1 với nguyên đơn thứ nhất gồm nửa toà nhà 6 tầng trên diện tích 5.000m2 đưa vào sử dụng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Dũng, tay máy số 1 Hải Phòng, người chụp rất nhiều ảnh về thành phố của mình với nhiều địa danh, địa điểm, thời gian, hồi tưởng: "Từ năm 1960, lên 5 tuổi, tôi đã mang cặp lồng cơm cho mẹ ăn trưa tại sạp hàng rau quả chợ Sắt. Sự sầm uất và hồn vía của chợ không còn ở thời nay, giờ chỉ còn cái biển tên, mấy tấm pano quảng cáo, chỉ còn cái vỏ bề ngoài, bên trong không còn nhiều mặt bán hàng và còn không khí như xưa."

Chợ Sắt giờ đây to lớn hiện đại hơn trước nhiều lần, mà không đông vui sầm uất như chợ Sắt ngày xưa. Người Hải Phòng ưa phóng khoáng, thích tự do, vẫn giữ thói quen "chém to kho mặn", có lẽ còn lâu lâu mới tụ về, đem lại cho chợ Sắt cái sức sống giản dị, hồn nhiên như ngày nào.

Đào Trọng Khánh
.
.