Có một lễ dâng sách ở Việt Nam

Chủ Nhật, 20/08/2017, 08:33
Ngày 2 tháng 3 âm lịch năm nay, tại nhà thờ họ Trịnh Hữu ở làng Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội, những người họ Trịnh Hữu đã tiến hành một nghi lễ vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa, đó là lễ dâng sách lên tổ tiên họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ. Cuốn sách có tên là Trịnh Hữu Tàng Thư vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Lịch sử họ Trịnh Hữu ở làng Đa Sỹ đã có 400 năm nay. Thời gian cứ thế trôi đi và sẽ có bao điều lớn lao của một gia đình, một dòng họ và thậm chí cả một quốc gia sẽ dần dần phai nhạt và biến mất trong dòng chảy thời gian vô tận và khắc nghiệt đó nếu như những người đang sống không cảm thấy sự thiêng liêng và ý nghĩa của quá khứ đối với đời sống hiện tại và tương lai của họ.

Với ông Trịnh Hữu Sỹ, trưởng họ Trịnh Hữu ở làng Đa Sỹ, thì ông đã thấu hiểu điều đó. Trong những năm qua, ông cùng những người họ Trịnh Hữu ở làng Đa Sỹ đã dựng lại nhà thờ họ. Nhưng ông và những người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ nhận thấy rằng, còn một "nhà thờ" bền vững hơn mọi nhà thờ cho những người họ Trịnh Hữu. Đó chính là pho sách Trịnh Hữu Tàng Thư. 

Trong cuốn sách này, lịch sử họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ được dựng lên với những con người của họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ 400 năm qua cho đến ngày nay. Họ đã sống, đã sáng tạo và dâng hiến những điều tốt đẹp nhất cho dòng họ của mình và cho đất nước. 

Và ông Trịnh Hữu Sỹ cùng với những người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ hiểu rằng: di sản lớn nhất mà họ để lại cho con cháu họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ mai sau chính là tinh thần và nhân cách sống của những người họ Trịnh Hữu đi trước. Và chỉ có một pho sách Trịnh Hữu Tàng Thư mới giúp họ thực hiện được khát vọng đó. Trịnh Hữu Tàng Thư chính là pho sách đã chứa đựng trong đó toàn bộ tinh thần và nhân cách sống của những người họ Trịnh Hữu trong suốt 400 năm qua.

Khát vọng của ông Trịnh Hữu Sỹ và những người họ Trịnh Hữu đã được những người bạn của ông Sỹ thấu hiểu và chia sẻ. Và hơn một năm qua, những người bạn đó đã cùng những người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ với sự giúp đỡ hết lòng của các Tiến sỹ Viện Hán Nôm thu thập tài liệu để viết lên cuốn Trịnh Hữu Tàng Thư. Người quan trọng nhất đóng góp cho sự ra đời của cuốn sách là nhà thơ, đạo diễn sân khấu dân gian Lương Tử Đức.

Ông Đức đã giúp những người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ viết bốn cuốn sách trong pho sách Trịnh Hữu Tàng Thư. Bốn cuốn sách đó là: Sử sách, Truyện sách, Văn sách và Minh sách. Bốn cuốn sách đó là bốn cửa lớn để người đọc đi vào ngôi đền thiêng của dòng họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Toàn bộ nội dung cuốn sách cho người đọc nhận thấy Đạo Nhân và Đạo Học của người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ. Hai Đạo này có thể được coi như hai cột lớn  giữ cho ngôi nhà Trịnh Hữu bền vững đời đời. Một gia đình, một dòng họ hay một quốc gia nếu thiếu một trong hai đạo lớn này sẽ không bao giờ tồn vong và phát triển.

Trước khi bắt tay vào làm cuốn sách Trịnh Hữu Tàng Thư, ông Trịnh Hữu Sỹ và những người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ đã có một cuộc hành hương kỳ vĩ. Đó là chuyến đi về làng Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa để tìm lại nguồn cội của mình. 

Ông tổ của họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ chính là một người con của họ Trịnh Hữu ở làng Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Và họ đã tìm thấy cội nguồn của họ, đã tìm thấy những người cùng dòng máu họ Trịnh Hữu đang sinh sống ở đó.

Những chuyến đi của ông Trịnh Hữu Sỹ và những người họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ về Thọ Vực quả thực là những cuộc hành hương kỳ vĩ. Nó nói với chúng ta về những điều thiêng liêng và ý nghĩa nhất trong đạo làm người.

Nó gián tiếp gửi tới chúng ta một thông điệp lớn lao về  nguồn cội của mình và những ý nghĩa đích thực của đời sống. Sau lễ dâng sách ở nhà thờ Họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ, ông Trịnh Hữu Sỹ, trưởng họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ đã mang cuốn Trinh Hữu Tàng Thư về dâng lên tổ tiên họ.

Những người họ Trịnh Hữu ở Thọ Vực, Thanh Hóa đã đón nhận cuốn Trịnh Hữu Tàng Thư với niềm xúc động và tự hào lớn lao. Họ đã quyết định sẽ lấy một tảng đá trên ngọn núi cao nhất có tên là núi Nhà Rồng ở làng Thọ Vực để đặt trong khuôn viên nhà thờ họ Trịnh Hữu ở Đa Sỹ.

Việc làm sách và lễ dâng sách của dòng họ Trịnh Hữu chỉ là việc của một dòng họ. Nhưng nó cho thấy ý nghĩa lớn lao của đời sống này. Lúc này tôi nhớ đến một bộ phim của Hollywood. Bộ phim nói về thế giới bị tàn phá và phải xây dựng lại. 

Có một kẻ "độc tài" nhưng hiểu được rằng: để xây dựng được thế giới mà ông ta đang trị vì trở thành một thế giới bình yên và có đức tin thì phải cần một cuốn sách. Ông ta đã cho các nhóm tay chân của mình đi khắp nơi để tìm cuốn sách đó và dùng mọi thủ đoạn để có được cuốn sách đó kể cả tội ác. 

Cho dù cách tìm cuốn sách đó là một cách sai lầm nhưng bộ phim đã nói lên điều quan trọng nhất rằng: thế giới chỉ có thể được dựng lên bằng những cuốn sách chứ không phải bằng những đạo quân được trang bị vũ khí tối tân nhất. 

Một bộ phim khác tôi đã xem đi xem lại nhiều lần nói về những người kể chuyện của thế gian. Đó là những người đi khắp nơi để kể những câu chuyện tốt đẹp cho con người. Thấy vậy, một thế lực của bóng tối đã dùng ma thuật để làm biến mất những cái miệng của những người kể chuyện.

Cuối cùng chỉ còn lại duy nhất một người kể chuyện. Ông đã vượt qua mọi thách thức và hiểm nguy để tìm cách kể những câu chuyện tốt đẹp cho con người. Và cứ thế, những người kể chuyện mới lại được sinh ra và nối gót ông. Vì thế mà thế gian còn lại những điều tốt đẹp như ngày nay mà chúng ta đang chứng kiến và đang được đón nhận.

Và tôi lại nhớ đến câu chuyện về cái cổng làng của làng tôi. Do những biến động của chiến tranh và thời thế, cái cổng làng xưa của làng tôi đã bị phá. Cho đến một ngày, các bô lão trong làng nhận ra rằng cần phải dựng lại cái cổng làng. Các bô lão triệu tập một cuộc họp trong đình làng để bàn về việc dựng lại cổng làng. Không ít người trẻ cho đó là chuyện nhỏ và quá đơn giản nếu thấy cần thiết.

Các bô lão đã phải nói với các thế hệ sau của làng rằng: việc dựng lại cổng làng xưa không phải là dựng một cái cổng mà dựng lên một tinh thần sống. Vì trên cái cổng làng của làng tôi xưa có đắp bốn chữ nổi là VỌNG TỰ NHẬP XUẤT. 

Nghĩa là phải nhìn chữ để biết việc "ra vào". Chữ ở đây là Văn hóa và việc ra vào là phép ứng xử với cuộc đời hay nói cách khác là lẽ sống. Nếu không biết văn hóa thì không biết làm những điều tốt đẹp.

Câu chuyện thật đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu được. Một hiện thực cho thấy ngày nay rất nhiều người thành đạt hoặc trở nên giàu có bỏ tiền ra xây nhà thờ, xây chùa. Nhưng trong bản chất sâu xa của việc xây nhà thờ, xây chùa đó không phải để dựng lên một tinh thần sống mà chỉ là cách những người lắm tiền nhiều của đã và đang làm mà thôi.

Họ làm như vậy để thể hiện vị thế của họ với dòng họ, với làng nước và xã hội mà thôi. Họ không làm thế để nhằm khai thác, lưu giữ và truyền bá những vẻ đẹp và tư tưởng của tổ tiên, dòng họ, ông bà họ đã làm. Họ làm thế không phải vì lo sợ đến một ngày cái ác sẽ thống trị thế giới con người.

Có bao điều thiêng liêng và kỳ vĩ trong đời sống tinh thần mà chúng ta đang đánh mất. Khi con người biết làm lễ dâng một cuốn sách thì nghĩa là họ đã thấu hiểu tinh thần sống và giá trị sống đến tận cùng. Và từ một dòng họ, tôi nghĩ đến thái độ sống của một dân tộc khi dân tộc đó biết dâng lên tổ tiên mình, dâng lên cho con người những giá trị tinh thần thiêng liêng và nhân văn nhất.

Hạnh Nguyên
.
.