Nếu ánh sáng thiên đường rời xa chúng ta

Thứ Hai, 21/05/2018, 21:47
Trong 2 năm 2017 và 2018, tôi và một số tổ chức bảo tồn thiên nhiên có tổ chức nhiều chuyến điều tra về tình trạng bắt nhốt, săn bắt, giết hại, bán buôn, sử dụng động vật hoang dã ở Lào và Campuchia.

Từng xe tải rùa rắn, cả khỉ lóc nhóc được bán từ Campuchia sang các vùng biên giới nước ta như: An Giang, Bình Phước. 

Từng góc chợ trung tâm của các tỉnh phía Bắc nước bạn Lào như Xiêng Khoảng, Luang Prabang, Hủa Phăn, Bò Kẹo thịt thú rừng nguyên con đầm đìa máu hay xẻ ra từng tảng lởm chởm lông lá sừng vảy móng vuốt. 

Có lần, đi chợ "hàng con" (chợ thú rừng), tôi tò mò lật các tấm vải trắng ra, ở đó, la liệt các thi thể thú rừng khum khum chắp hai "tay" trước ngực như đang cầu cứu, van xin tha mạng. 

Tất cả chúng đã chết, có lẽ trước khi chết chúng quá sợ hãi hoặc co rúm lại tự vệ, cho nên ngay cả khi máu đã khô, thịt da đã cứng lại, có khi bốc mùi vì bán ế hoặc có khi lam nham trắng muốt bước ra từ tủ đá, "bọn chúng" vẫn chắp tay như cầu xin tha mạng.

Lần nào nhìn các khu chợ la liệt nai, hoẵng, cheo, cầy hương, tay gấu bày đen kịt cả sạp hàng, tôi cũng luôn có cảm giác mình đang vào một căn phòng sau vụ thảm sát, mà vải phủ lên các gương mặt vô tội kia rất giống miếng vải trắng liệm đắp lên mặt một người mới lìa trần.

Ở nhiều vùng đất nước bạn mà chúng tôi đã điều tra lăn lộn đến thuộc từng đầu mối bán buôn, không khí nó rất giống Việt Nam thời bao cấp hoặc trước đó hai chục năm. Trong đoàn có người lớn tuổi, họ nhận xét vậy, và tôi cũng có ít nhiều trải nghiệm với thời mà người Việt Nam còn nấu giả cầy, thui rơm "tửu táng" thú rừng trên diện rộng.

Còn bây giờ, ở cả những nơi được coi là "màu mỡ" và được bảo tồn lâu năm nhất, quy mô bài bản nhất Việt Nam, đó là Vườn Quốc gia Cúc Phương, thì cũng hiếm lắm mới gặp một bóng chim bay vụt qua như… kẻ trộm. 

Vì sao như vậy? Sao mà ở châu Phi, nhiều quốc gia vẫn sum vầy hàng vạn con tê giác, hàng nghìn con voi và vô số sư tử rồi hươu nai ngựa vằn…, chúng chạy vàng ruộm rồi vằn vện khắp các thung lũng? 

Xưa, trời đất ban cho thế gian này số cỏ cây, muông thú là rất công bằng. Chỉ có điều, anh nào vô ý thức, anh nào có cái mồm phàm ăn, phàm uống rượu tửu táng động vật rừng, thì anh ấy sớm đưa "linh vật" quê mình chỉ còn là ký ức! 

Thiên nhiên và muông thú được đối xử tử tế.

Ở mức độ tinh tế hơn, là nơi nào có chính sách và chế tài bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông minh hơn, thì nơi ấy còn lại các "kho báu" và có thể làm giàu nhờ đó. 

Ví như, người Nam Phi đang kiếm vàng thoi bạc nén nhờ kinh doanh các cánh rừng tràn ngập thú hoang đầy huyền thoại. Có lẽ vì thế mà hầu hết các đồng tiền xu, các tờ tiền giấy mà tôi từng sờ vào sau nhiều năm gắn bó với Nam Phi, thì đều thấy chúng có in, khắc hình một con vật nào đó. 

Nếu có ai hỏi tôi, ông có biết nơi nào thiên nhiên sum vầy, để người và động vật rừng chung sống như tranh vẽ và các cảnh mô tả kinh điển trong kinh Sáng Thế về Thuở Hồng Hoang và Thiên Đường hồi ông A Đam, bà E va còn chưa có dục vọng, thì câu trả lời là Nam Phi. Loài người sẽ không thể tròn trịa được, nhân cách người khó mà đầy đủ được, nếu không có thiên nhiên, muông thú ở bên. 

Có lẽ tổ tiên loài người sinh ra từ rừng thật. Còn đó ký ức mướt xanh và đặc biệt ấm tình của tổ tông chúng ta về thời kỳ mà con người cùng muôn loài còn lại lúc nào cũng thương yêu nhau, tất cả đều hiểu được tiếng nói của nhau. 

Có lẽ vì nặng mang những ám ảnh nhiều kiếp từ tổ tiên trao truyền lại, cho nên, theo nhiều khảo sát, giấc mơ của con người ta bao giờ cũng có rừng và muông thú hoan ca như trong kinh sách viết về thuở hồng hoang.

Trong chuyến lái xe xuyên Việt Nam năm 2018, nhóm đã đi khá kỹ, thậm chí vài chỗ cửa khẩu "trổ" sang Lào, Campuchia chúng tôi cũng đi luôn. Cảm nhận chung: biển tràn ngập rác, nhiều làng chài tuyệt mỹ đã chết hẳn trong ký ức đẹp của tôi. 

Tiếng thở dài buông thõng cho biển miền Trung Việt Nam, dù quá đẹp, dù được các tạp chí du lịch thế giới bầu chọn tận mây xanh, nhưng cứ mỏm nào "viu" đẹp, nhiều người nghỉ, thì lắm khi cũng đồng nghĩa với việc nó trở thành bồn tiểu, thành hố xí. Các bạn Tây gặp tôi, bày tỏ sự thất vọng thê thảm. 

Ở con đường huyền thoại từ tỉnh lỵ Nha Trang ra sân bay Cam Ranh, biển đẹp, núi thò chân xuống biển. Nhưng chúng tôi đã nôn ọe theo đúng nghĩa, vì tràn ngập phân người ở cả nơi chính quyền cơ sở đã cho làm cả bãi đỗ xe cho lữ khách ngoạn cảnh. 

Không quản lý, vô tình bãi đỗ xe tiện dụng đã biến huyền thoại núi và biển nơi này trở thành nơi ghé chân phóng uế. Gành Son, gồm các ngọn núi tuyệt mỹ, độc nhất vô nhị ở Việt Nam, nó đỏ như son; giờ cũng biến thành bãi rác theo đúng nghĩa. 

Rác thối đến mức khiến người ta ngất xỉu khi có nắng nồng nã thiêu đốt thêm. Rác xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ập ra, rác từ các xã khác theo sóng biển dồn vào. 

Những gò mainidoi có ở khắp nơi trên đất Tây Tạng.

Bãi biển trở thành bãi rác, dù đó là thiên đường của những vách đất núi đỏ như son, dù các hình thù lạ lùng của bãi đá bên bờ cát nơi đó đã từng khiến nhiều đại gia mơ ước có thể khoanh lại làm khu nghỉ dưỡng.

 Giữa bối cảnh khô khát một thiên nhiên tử tế đó, vọoc chà vá ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mấy trăm con khỉ trong thiện viện Chân Nguyên (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã trở thành những xứ giả niềm tin, những vị cứu tinh ngộ nghĩnh của chúng tôi trong hành trình bươn bả đi xuyên Đất Mẹ. 

Cách cầu Sông Hàn chỉ có vài cây số, tôi và nhà báo Dương Thanh Tùng (báo Đại Đoàn Kết) cùng nhóm nghệ sỹ bao năm chụp ảnh vọc và chim trên bán đảo Sơn Trà cùng tao ngộ với voọc. Ống kính của họ bọc lá xanh hay vải nâu trầm để ngụy trang phục kích dưới tán rừng, giương tê lê như lính bắn tỉa trong phim hành động. 

Vẻ đẹp, sự sinh động hiếm loài nào so sánh được của voọc chà vá ở Sơn Trà đã ban truyền cho các nghệ sỹ một ngọn lửa đam mê kỳ lạ. Họ phải lòng loài linh trưởng tuyệt sắc và có lối sống mơ màng trong các tán rừng ven biển xanh huyền thoại kia. 

Có anh vài năm nay, ngày nào cũng lên rừng chụp voọc. Anh Chín xuất bản cả một cuốn sách ảnh về từng khoảnh khắc ngộ nghĩnh và cũng đáng xúc động về voọc ở Sơn Trà. Bộ ảnh trên facebook rồi trong kho tư liệu của Dương Thanh Tùng mới là khổng lồ. Con vọc dính bẫy què chân. 

Lúc vọc yêu, tình dục, tập tính một "ông" bao nhiêu "bà", sự lẳng lơ chăn gối giống hệt con người. Rồi những cú nhảy, những pha chăm sóc con, lúc lãng mạn đưa cả nhà lên chỏm lá cao nhất ngắm bình minh giữa biển xanh Sơn Trà ra sao. 

Lại thêm các bộ ảnh và nhóm chụp chim. Họ quây cả những tán rừng đẹp có "mái vòm" cây xanh tự nhiên, họ mở lối xuống suối uống nước cho các loài chim di cư tuyệt sắc. Để dẫn dụ chúng vào tầm bấm máy. Nhiều loài chưa từng được người đời ghi nhận đã tưng bừng trình diễn các điệu "dân vũ" đáng yêu đến nghẹn thở…  trong ảnh. 

Cuốn sách in đẹp về Chim ở Việt Nam đã ăn cắp nhiều ảnh của anh Tùng và nhóm, khiến báo chí phải tốn khá nhiều giấy mực, cũng là vì thế. Từng khoảnh khắc họ đã nắm bắt rồi, tôi tự hỏi, họ còn muốn chụp gì nữa mà ngày nào cũng lên núi. 

Anh Tùng bảo, tớ nghiện rừng, và thấy thiên nhiên tưới tắm làm mình nhân ái hơn, sống chậm như cần phải sống hơn. Và cũng thấy mình hữu ích cho thiên nhiên hơn. Họ đếm voọc, bao nhiêu đàn, bao nhiêu con, làm thế nào để chống lại thợ săn, họ phản biện với cả các quyết định liên quan đến Sơn Trà. 

Bởi gắn bó và hiểu thiên nhiên nơi này, thì ít ai hơn họ. Tổ chức Green Việt còn chiến đấu như thám tử, lăn xả vào yêu cầu bắt giữ bọn săn voọc sấy khô trong rừng đem về nấu cao, lăn xả vào chống lại nạn phá rừng xây biệt thự hay các khu sinh thái một cách ích kỷ và tàn nhẫn. 

Thế rồi, ở một đất nước từng đứng hàng đầu thế giới về đa dạng sinh học các loài linh trưởng (trong đó có voọc, từ chỗ hàng chục loài voọc, vượn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Đà Nẵng đã lập một kỷ lục đầy kiêu hãnh. 

Giờ đây, nếu ai đó gõ google "Vọoc ở Sơn Trà" thì sẽ thấy vô số hình ảnh, phim tài liệu, các bài viết công phu, kỹ càng về voọc - biểu tượng của Đà Nẵng. Cụ thể, trong 0,33 giây có tới 76.700 kết quả!

Người ta chờ con công đực rụng lông để cắm vào chiếc đèn dầu làm con mắt của linh vật.

Cuộc đời bỗng đáng sống hơn nhiều. Nếu ai đã lạc vào các cảnh vui này, thì mới hiểu sức mạnh cứu rỗi của núi rừng, biển xanh và hoang thú. 

Ai từng lạc lên các triền cây dại kéo mãi vô biên, như là dài hơn cả những rông núi đang thò chân xuống biển xanh mơ; ai đã từng đi trong những tinh sương thấy các nghệ sỹ săn ảnh voọc với ống kính dài hơn điếu cày, ngụy trang lá xanh như lính biệt kích bắn tỉa; và rồi nếu ai từng thấy từng đàn voọc bẻ lá ăn bỏm bẻm, mặt thì bạc tua tủa phơ lông lá dài như "tiên ông" mà vẫn quá thơ ngây. 

Rồi chúng yêu nhau, cưng nựng con cái. Lũ voọc con  bé bằng mèo mướp, đứa nào cũng ngồ ngộ, mắt đen nhìn đời lom lom thơ ngây hơn cả sự thơ ngây. Chúng chỏm chòe ngồi trên đỉnh trời, tán lá lồm xồm cũng đủ làm ngai ghế cho các đức vua, hoàng hậu và công chúa hoàng tử voọc rong chơi vô tư lự. 

Nhìn chúng, ai cũng phải xúc động và thấy Đà Nẵng lấy voọc làm biểu tượng thật sáng suốt. Bỗng dung, khách thấy bao tị hiềm ganh ghét, bao lo toan cắm cúi giá áo túi cơm tan biến hết. Chỉ còn trong ngần vẻ đẹp thánh thiện của thiên nhiên. Biển xanh như cồn cào lo sợ rằng ngày mai mình không còn được xanh như thế nữa. 

Những con tàu to như tòa chung cư cao tầng đi lại trắng toát như mây ngoài vùng biển. Trong này, lũ voọc vẫn nhảy nhót trên tán rừng, để các nhiếp ảnh gia lấy biển xanh làm nền cho bức ảnh tuyệt kỹ về thiên nhiên đang bảo bọc sự sống của mình.

Lòng tràn ngập niềm cảm khái. Nếu ai đã từng nghe tiếng vượn Cao Vít ở Cao Bằng hót như một món quà kỳ ảo của thượng đế; nếu người đó lại còn biết rằng, cả thế giới chỉ còn vài đàn vượn Cao Vít ở chính khu này, chúng sống tự do ở các biên giới rừng Trùng Khánh và phía đối diện của Trung Quốc. 

Nếu ai đã từng thổn thức xem đàn voọc Cát Bà nô đùa mà chúng không hề biết rằng, cả thế giới, nhân loại tiến bộ mới chỉ ghi nhận có 60 con voọc loại này. Không ở đâu có nữa! 

Nếu ai biết rằng, chỉ một đõ đánh trộm của thợ săn Hải Phòng, 1/10 số vọoc Cát Bà của thế giới đã đi vào nồi nấu giả cầy. Và ông Tilo Nadler, người Đức, đã buông bỏ tất cả sự nghiệp hoành tráng của mình bên nước nhà, để suốt 30 năm qua lăn lộn cứu từng con voọc, vượn, khỉ, cu li ở Việt Nam. 

Bây giờ, ở tuổi ngoài 80, ông vẫn ở Việt Nam và vẫn đi cứu động vật rừng. Con voọc Cát Bà đầu tiên đẻ bởi bàn tay con người, được đặt tên là Hiền, tên người vợ Việt Nam yêu dấu của ông. 

Trước đó, chị voọc được cả thế giới loan tin là đã tuyệt chủng, được ông Tilo phát hiện trong một sọt tre, bán ngoài chợ huyện như "chó hoang mèo lạc". Bà con gọi chúng là "khỉ đầu vàng", và nhất định chỉ nấu giả cầy thì bọn này ăn mới ngon.

…Đã đến lúc, mỗi chúng ta hãy biết run sợ, khi thấy vẻ đẹp thiên đường của thế giới hoang dã đang từ bỏ chúng ta. Phải làm gì đó, nhất định rồi, trước khi tất cả trở thành quá muộn.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.