Ngoại ô thơ mộng

Thứ Năm, 23/11/2017, 15:55
Khái niệm "Vùng ven thành phố", ngoại ô là địa hạt gieo trồng của mỗi đô thị, không chỉ có lúa, hoa, những làng nghề... mà còn vun khơi tâm hồn của triệu lớp người, ươm dưỡng lịch sử, văn hóa của thành phố, lớn hơn là của quốc gia.

Ngoại ô và rộng hơn là không gian - thiên nhiên là nền tảng của tinh thần của bất cứ ai, không nhất thiết phải qua chứng nghiệm. Không cứ được sinh trưởng, gắn bó hiện thực với ngoại ô, rộng hơn là ngoại thành, nông thôn, người có tâm hồn, biết mộng mơ và tưởng tượng, đều cần mảnh đất tâm hồn.

Ngoại ô Moskva, Saint Pétersburg, Paris, Warsawa mùa Thu sang Đông đều đẹp ngỡ ngàng. Chẳng riêng các thủ đô nổi tiếng, những thành phố lâu đời, cũng có ngoại ô "kho báu". Ngoại ô chôn rau - cư trú nhiều tài danh, miền sáng tác của các nghệ sĩ - nơi cất giữ nhiều vốn quý đa dạng của lịch sử vật chất và văn hóa. Chu du các ngoại ô châu Âu rồi trở lại Việt Nam, tôi nhận ra: với nước tôi, không đô thành nào sở hữu ngoại ô trầm tích giá trị và nên thơ hơn ngoại ô Hà Nội.

Ở Thủ đô, nơi tôi chào đời, lớn lên, sinh các con... - vòng đời nối tiếp tuần hoàn, nhưng chuyển động thời gian xoay vần thời thế không tài nào đoán được. Tốc độ phát triển hạ tầng của Hà Nội mở rộng đặt ra định đề đau xót khi câu chuyện không đơn giản tính bằng công thức: dân tăng = giảm sút đồng, vườn, hồ, ao. Đất, không gian, từng khoảng trống... cứ ít dần, bị bớt xén, thu hẹp, nhỏ lại và... mất hẳn.

Cần thoáng rộng, để hít thở thư giãn mơ mộng, nảy sinh những kỷ niệm - nền tảng của dữ liệu ký ức, là nhu cầu truyền đời của mọi lớp người biết sống. Biết sống, không chỉ quanh quẩn sinh kế, mưu sinh mà giản dị - căn bản nhất là khả năng rung động, biết quý những xúc cảm nguyên khiết, tự nhiên nhất từ ngoại cảnh, cuộc sống quanh mình. Chẳng đơn giản "hễ có thành phố là có ngoại ô" bởi danh từ đầy gợi mở kia vốn chỉ dành đặc quyền "hẹp" bằng sự ấp ôm đô thị cổ. Càng là đô thị lâu năm, ngoại ô càng đặc trưng, đúng nghĩa.

Ngoại ô Hà Nội thuần nhất, là vùng ven đô sát liền cổ thành Thăng Long xưa còn gọi là Kẻ Chợ. Thăng Long là đất học, nơi có trường Đại học đầu tiên của Việt Nam - Văn Miếu (1070), những thập kỷ cuối thế kỷ XX, lấy Khuê Văn Các là biểu tượng Thủ đô, song nhân gian vẫn không quên tên Kẻ Chợ. Đất Kẻ Chợ đông dân, lắm chợ, còn có các làng cổ ven đô nức tiếng: Kẻ Bưởi, Kẻ Mơ. 

Chợ Bưởi, nay vẫn là chợ cổ họp theo phiên hiếm hoi còn lại. nào bán hoa, trái, cây, giống cây, giống hoa, các loại hạt đến cây, rổ rá, đũa, lồng, nơm, chổi... đồ dùng bằng tre, chó mèo con... là đặc thù của chợ họp phiên mùng 4, 9, 14, 19, 24, 29 nguyệt lịch. Bưởi - vùng phía Tây bên làng Thụy Khuê, Nghĩa Đô có nghề làm giấy. 

Đi qua đây xưa kia, nghe đầy âm thanh tiếng giã giấy thủ công lẫn mùi ủ giấy sực lên bên "nhịp chày Yên Thái". Mùi giấy ngà điệp, xuyến chỉ, giấy bản bình dân tới giấy dùng trong cung đình, hoàng thành... lan hương lụa trắng Trúc Bạch vùng Hồ Tây huyền thoại. 

"Xưa" là một hoài niệm, nhớ nhung, gợi, tiếc nhớ. Xưa rất xa, hay chỉ vài chục năm trước. Định lượng "tương đối" đo đếm tháng năm ứ đầy tiếc nuối. Mốc thời gian ở các quốc gia châu Âu thường gắn với kiêu hãnh bảo tồn, trân quý công trình, di tích, di sản cổ kính vững bền, để người dân của họ và du khách khắp thế giới được chiêm ngưỡng, tham quan; thì ở ta, bởi hoàn cảnh chiến tranh, bị đô hộ và cả ý thức nhân dân, tốc độ tàn phá, xói mòn, thất tán thật nghiệt ngã và đau đớn.

Giữ được mới khó nên quý vô cùng, còn phá, xóa thì nhanh, bạc và chỉ còn lại dấu vết của "một thời" của "nhiều thời" chồng lấp mà không che nổi sự trống - rỗng của vết thương, lỗ hổng văn hóa, lịch sử.

Giá trị văn hóa, lịch sử trước hết là giá trị của vẻ đẹp tiêu biểu, được chưng cất và tỏa sáng. Bến chót tàu điện trước kia về ngoại ô phía Tây, là đầu dốc - cửa ô Cầu Giấy và đầu đường Yên Phụ. Nay bến cuối của những tuyến xe bus nhiều màu xa Hồ Gươm vài chục km đã thành không lạ.

Đê Yên Phụ là triền đê lãng mạn nhất của thành phố cổ bên sông Hồng. Phù sa sông Cái - Nhĩ Hà đắp bồi cho các làng ven đê thành tranh đào phai đào bích, lúc Xuân về (làng đào Nhật Tân). Bức tranh hoa theo mùa (làng Quảng Bá, Quảng An, Tứ Liên, Phú Thượng) cho thành phố qua tuổi nghìn năm miền nhựa sống thanh xuân. 

Ca khúc Làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê dào dạt không gian hồ Tây trữ tình mà gió đẫm sắc hương: "Bên lúa em bên lúa/Cánh đồng làng ven đê/Hồ Tây xanh mênh mông / Trong tươi thắm bốn mùa/ Làng em làng hoa"...

Hà Nội mở rộng địa giới từ Hè 2008, đồng nghĩa (thật tiếc đau) với sự rộng lớn mênh mông bởi nhập hơn 1 tỉnh vào Thủ đô, mất đi các ngoại ô thơ mộng. Các làng hoa ven đô thành nhà, xuất hiện các làng hoa mới (chuyển canh từ trồng lúa) rất xa như Đan Phượng. 

Quê của thi sĩ Tây Tiến, Quang Dũng cùng các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh vừa được công nhận Nông thôn mới. Một phong trào lan khắp nước. Hà Nội văn hiến cũng có nông thôn, mà nông thôn nhiều gấp mấy thành thị. Trong và sau vụ gặt khó ngửi được mùi hương lúa thuần khiết. Hình dung, cảm giác về cánh đồng chỉ đến khi phố sá sặc khói đốt đồng hòa khói xăng xe đủ loại.

Lạc quan thì bảo, đó là quy luật tất yếu của phát triển đô thị, ngoại thành Hà Nội bị đẩy xa, và rộng đến mức không công dân Hà Nội nào đi hết. Sự phát triển thiếu bền vững và quy hoạch không đặt lợi ích văn hóa và giá trị tinh thần lên hàng đầu, làm chúng ta mất dần, mất hẳn, mất vĩnh viễn những ngoại ô làm nên sự duyên dáng của Hà thành. Đâu một chức năng cung cấp lương thực (lúa, rau, hoa, thịt chất lượng cao), ngoại ô là nơi để ta có thiên nhiên, không gian, được thư giãn, mộng mơ, là đất của tâm hồn. 

Đặc thù lao động khác nhau, nhưng đều khổ nhọc, nên chẳng phải vô tình mà nghệ sĩ thường coi việc sáng tác như lao động trên cánh đồng. Cánh đồng chữ, cánh đồng âm nhạc... của  mỗi nghệ sĩ, của cuộc đời, của loài người chẳng phải ví von hình ảnh, đều khởi phát, cần có cánh đồng hiện thực. Bất cứ ai khi mệt mỏi, căng thẳng hay cần tập trung tư duy đều cần nơi yên tĩnh, thoáng đãng, muốn thay đổi không gian, điểm nhìn. 

Một đô thị chỉ lo xây nhà, làm đường mà không quan tâm đến sân chơi trẻ em, công viên, vườn hoa, không gian công cộng - dành cho chúng sự chăm chút, biến chúng thành nơi nghỉ ngơi, ngắm nhìn, chốn trưng bày tác phẩm nghệ thuật... thì thật thiệt thòi cho lớp trẻ. Tốc độ vũ bão ồ ạt không được kiểm soát tâm, tầm, trách nhiệm với ngày mai chi phối chính bởi lòng tham và thực dụng đẩy người ta đến miệng vực ân hận, bài học cay đắng, chịu giá đắt của tội lỗi mà không sửa, chuộc nổi sai lầm. Khó đồng hành với các quốc gia văn minh khi chúng ta đi sau vài chục, trăm năm, thậm chí hơn thế kỷ. 

Sự tăng tốc, gồng lên đi tắt không làm nên kỳ tích mà chỉ gây ra thất bại, thất bát văn hóa, nếu không kịp bảo vệ, nâng niu truyền thống là giữ gìn của cả tương lai. Hà Nội của tôi giờ chỉ có ngoại thành, mà ngoại thành thì xa lắm, "đồng xa" thật rồi, vài chục tới ngót trăm cây số chứ đâu đùa. Nói cách khác, muốn phong phú tâm hồn không chỉ nghệ sĩ, mỗi người đều phải biết tìm màu mỡ để tưới tắm cánh đồng của mình. 

Phải tự nuôi giữ bằng cả việc sống thân thiện môi trường, biết thương mến chăm chút, gây dựng thiên nhiên, dù chỉ là cây cỏ nhỏ bé quanh mình, chưa nói xây dựng "rừng trong phố" hay tái thiết ngoại ô. Biết yêu, giữ cuộc sống của chính mình, người thân và con cháu bằng việc làm đẹp ngoại ô tâm hồn, chứ đâu chờ vào những đề án tầm nhìn vài chục năm mà đã thấy mất mát đi từng năm, từng tháng. 

Bởi có nhà kiến thiết, chủ dự án nào có chút tinh thần Nguyễn Trãi (1380 - 1442) thuở xưa: "Thương vầng trăng vỡ, thôi câu cá/ Ngại phát cây rừng, sợ vắng chim".

Bước khỏi các căn phòng chật chội, ra balcon nhỏ treo lồng chim, trồng mấy chậu hoa cũng là có mùa xanh, hay đặt bồn cây xanh trong phòng khách, toilet, sức sống, sắc xanh dịu mắt vài giây giúp làm giảm tốc sự hối hả, quay cuồng, bon chen cực nhọc. 

Trên địa hạt văn chương, tôi cô đơn cánh đồng chữ gọi miền thơ ấu, mộng mơ. Vùng kẻ Mơ có đậu phụ nổi tiếng, hình như chỉ còn là vùng cho người "kẻ mơ" tiếc lặng. Ngoại ô Hà Nội hiện thời ken đặc nhà, đường làng hẹp chật, may còn đền, chùa, cây cổ thụ vươn tán giữa bê tông dây điện mà trụ dưới dông bão nắng mưa và thói đời. 

Chính vì thế, làng cổ Thụy Khuê, Bưởi, Hoàng Mai, Nghĩa Đô, Ngọc Hà, Cầu Diễn... là nơi còn người Hà Nội lâu đời sinh sống. Tưởng nghịch lý mà lại may mắn: "người Hà Nội"  nhiều đời nay vẫn ở trong các làng ven đô vẫn giữ chất ngoại ô kinh kỳ, bởi nội đô quá nhiều loạn xạ, đến tiếng nói thanh tao, nếp sống thanh lịch cũng chẳng giữ được nguyên thuần trước xô bồ, chụp giật.

Tôi ngạc nhiên khi tối 4-10-2017, xem phim tài liệu 52 phút Hà Nội của tôi của cựu Đại sứ Pháp Jean - Noel Poirier, người mang dòng máu Việt, sống cùng người vợ lai Pháp - Việt trong tòa đại sứ 57 Trần Hưng Đạo. 

Ông sinh trưởng ở Paris, nói tiếng Việt thạo (đủ dấu) và hiểu Hà Nội bằng tình yêu sâu sắc. Ông tìm ra một ruộng rau muống, nhìn xa là khu đô thị Times City, vui đùa với mấy đứa trẻ ở đây và quay vào phim của mình. Ông tự viết - đọc lời bình và ở đoạn phim này, ông gọi ruộng rau muống ấy là "một thiên đường". Còn đa số người đang sống ở Hà Nội, thậm chí đang ở sát cũng không để ý, chẳng bận tâm "thiên đường". 

Họ có "thiên đường" trong nhà hộp hay không có tâm trí cần ngoại ô, màu xanh? Họ vẫn tìm cách cố ý làm mất, xâm hại phũ phàng những thiên đường ấy bằng mục đích vật chất, bằng mưu toan lấn, chiếm, san lấp, cắt xẻ bán chia lô. Hở ra khoảng không nào là xây bê tông nuốt vội.

Ngoại ô Nga là nơi đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn Nga trở nên giàu có, vĩ đại khiến cả nhân loại ngưỡng mộ. Rừng bạch dương phong cảnh đẹp bàng hoàng về màu sắc, ánh sáng, sông nước, nhà gỗ sồi, thiếu nữ mê hồn... mà đấy là nơi để người ta khởi đầu những xúc cảm đẹp nhất, trong đó có tình yêu xứ sở. 

Tháng 11 này, tròn 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga những bài hát Nga bất hủ vang lên, trong đó có Chiều ngoại ô Moskva (sáng tác Vassily Solovyov Sedoy): "Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu..." trong tâm hồn là sóng lúa, sóng hoa, gió hát chim ca, tiếng ong bay, lá đùa, côn trùng kêu, khoảng không để ngước những tán cây vòm cỏ, ngắm trăng tỏ, diều bay... 

Âm nhạc của thiên nhiên thật diệu kỳ, thứ "lương thực của tinh thần" mà Shakespeare (1564 - 1616) đã ngợi ca, không thể là vùng phụ, ngoại vi trong mối quan tâm của ai tha thiết sống. Ngoại ô thơ mộng ấy là mảnh đất của tâm hồn ta, con cháu ta. 

Nó ở trong chính ý nghĩ ta, và mở ra, tái hiện là hoàn toàn có thể, nếu con người không muốn sống mòn, xác xơ và nhàm tẻ khi không còn chỗ để lãng mạn, sáng tạo và hít thở no nê, thư thái trong lành, dù chỉ bằng phút giờ ngắn ngủi giữa đủ bề chạy đua lo toan, eo hẹp thời gian nhưng không keo kiệt phút giây được cởi mở nâng đỡ và chữa lành tinh thần quá tải, để là mình - nhuần nhị, thành thật. Chỉ trong lúc/ ở nơi vắng người, sự êm đềm mới hiện diện.

Vi Thùy Linh
.
.