Hương của mùa đã khép

Thứ Hai, 25/12/2017, 07:48
Đông, mùa lạnh nhất của thiên nhiên, với Vi là mùa đẹp nhất Hà Thành, mùa của những kỷ niệm quý giá của cuộc đời thức động và thêm mới. 

Mười Hai, tháng bản lề cánh cửa thời gian ấp năm cũ trĩu mùa chỉ qua 31 nhịp là ùa năm mới. Cao điểm tiết lạnh khiến những mùi hương thẳm sâu càng trỗi dậy và rực ấm...

Rực ấm hơn bao giờ, hương của tóc, của thịt da. Dường như chỉ đến mùa Đông, phải là dịp Đông, ta mới cảm nhận rõ hơn nhiệt độ của cơ thể, hơi thở của mình, của người thân gần, kề cận. Mùa Đông ngày càng quý vì cái lạnh ít đi. Đông đến chậm như cố ủ nhớ lâu hơn. 

Làm sao thất tán được hơi thở tỏa khói khi con ấp lòng tay lên má đỏ lên vì giá, nhớ ngón gày mềm ấm của bà nhiều gân nổi trên mu bàn tay khi bà đan áo, gội đầu.

Bà nội tôi ưa gội đầu bằng nước bồ kết vỏ bưởi và chanh tươi xát tóc. Nguyên liệu gội truyền thống rẻ, dễ kiếm, ngày càng bị "lạc" trong đời sống công nghiệp lắm xô bồ. Những gì tưởng giản đơn, thôn dã, ngày nay đều  thành đặc sản, hàng quý.

Tinh dầu bưởi được quảng cáo có tính năng kích thích mọc tóc, giá trên 2 triệu/lọ. Tinh dầu ấy sẵn nơi vỏ bưởi các bà các mẹ ngàn năm nay đã nhận ra công dụng tuyệt vời ấy, mà mãi thế kỷ 21, khi cuộc sống vội vã mọi bề khiến người ta ngày càng xao lãng các giá trị quanh mình, họ mới kịp ngộ được phần nào. Dầu gội công nghiệp đáp ứng sự tiện lợi, tốc độ, đã chiếm lĩnh phủ choán mọi nơi.

Vỏ bưởi không chỉ rộ vào Thu, thời công nghệ sinh học phát triển trái cây lai ghép trái mùa dễ thấy. Bưởi giờ đây có quanh năm, hình như không cay hắc như xưa, đâu mấy người tích để phơi đun nước gội đầu hay uống như vị thuốc, may chăng quan tâm có mấy cô - chị hàng chè, chè bưởi lọc lấy cùi.

Bà nội tôi từ trần mùa Thu. Qua 7 Thu vắng bà, nhà tôi không còn dây phơi vỏ bưởi. Tôi nhớ quá, những lần múc nước (quả bồ kết khô nướng, bẻ ra đun sôi cùng vỏ bưởi) gội đầu cho bà. Hương bồ kết bưởi quyện ngón lùa mướt làn tóc mỏng. Mỗi khi ăn bưởi, thấy hàng bưởi, cầm quả bưởi tôi lại cay sống mũi dù không phải gập khoanh vỏ hít dầu tươi.

Mùi thật nhất của cơ thể là khi vừa tắm gội kỹ càng, tất nhiên đó là mùi thật + mùi của dầu gội, sữa tắm hoặc xà phòng vừa dùng, xét tương đối thì đó là lúc thân thể con người tinh sạch nhất: Mùi cơ thể - một đặc thù cá nhân càng là một dữ liệu để người ta nhớ đến nhau. Nhất là hương tóc. Hương tóc xoa dịu cơn nhớ khi người đang yêu phải xa nhau, vỗ về bằng hình dung hay trấn  giữ niềm tin bằng lọn tóc thề.

Hương tóc là nét riêng mỗi người, cứ liệu của giai tầng xã hội, hoàn cảnh sống. Lúc này, khó biết màu tóc thật khi công nghệ hóa mỹ phẩm xâm lấn, nhuộm tóc là việc thông thường để che giấu tuổi tác và thẩm mỹ thời trang. Ai còn có thời gian, kiên nhẫn đun bồ kết vỏ bưởi, tìm mần trầu, hương nhu.

Đâu phải nông thôn nào cũng còn đồng ruộng, cây cỏ đa dạng như vài chục năm trước. Chợ truyền thống thay bằng các trung tâm thương mại, siêu thị... May mà các chợ vẫn còn hàng lá. May mà Hà Nội vẫn còn làng Đại Yên, nơi có những gia đình gia truyền nghề hái lá để gội đầu, xông cảm... Họ trồng tại vườn hoặc đi kiếm ở các làng ven đô. 

Tôi đã xem một phim tài liệu về nghề này. Chị hái lá đạp xe đi mãi rìa sông Hồng phía xa kiếm lá tre về bán. Chị nói, càng ngày càng khó khăn, càng phải đi xa, nhưng từ đời bà chị đã làm nghề bán lá, chị quyết giữ nghề và truyền cho con gái. Gội đầu bằng các thức truyền thống vừa đẹp, suôn, tóc mọc dày mà thơm dễ chịu. 

Công thức gội thành nguyên tắc truyền đời, khi nét đẹp của tóc được coi là yếu tố quan trọng khi đánh giá nhan sắc ai đó. "Cái răng cái tóc là góc con người". Tóc - đại diện phái tính, sức khỏe, sự gợi cảm, còn là "phương tiện" biểu cảm, thể hiện thái độ, đức tin, khí phách và quyền con người.

Câu nguyện thề quyết chiến với giặc Hán của nghĩa quân và nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình của người anh hùng áo vải từ Bình Định dấy binh đánh thần tốc từ Huế tới Thăng Long "Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng" chính là để giữ đúng kiểu tóc của người Việt, quyết liệt chống âm mưu đồng hóa bằng chiến lược giữ từ mái tóc, màu răng đến giữ tiếng nói, giữ làng.

Thật tiếc cho phụ nữ Đạo Hồi đời này kiếp khác phải trùm khăn che kín tóc, bịt mặt. Họ mất quyền tối thiểu của người phụ nữ quyền được tôn trọng từ những việc chân giản nhất, được: tự do và làm đẹp với mái tóc của mình.

Cái đẹp "giả", ngụy trang tóc dễ gây ngộ nhận khi chủ nhân dùng nó in sách, báo, đăng trên internet. Cái đẹp "giả" bị thất bại trong thực tế vì mái tóc đẹp thật luôn khỏe, sống động và thơm. Hệ thống ngân hàng ngày một bùng phát, và đa dạng. Ngân hàng không còn được hiểu chỉ có công năng giữ - trao đổi tiền tệ, còn đủ loại ngân hàng theo nhu cầu con người: ngân hàng tinh trùng - trứng, nội tạng, tóc...

Từ trái sang:  Nhà thơ Vi Thùy Linh, họa sĩ Văn Dương Thành, nhà thiết kế La Hằng và dược sĩ Hương Liên. Ảnh: Lê Bích.

Thế giới phẳng đang đưa thế giới ảo vào đời sống nhân loại. Người ta bị mê hoặc bị lừa dối, thậm chí muốn tự lừa mình bằng ảo giác. Tưởng tượng những gì chưa diễn ra hoặc đã diễn ra được tái lập, không phải, không thể là ký ức ảo. Riêng ký ức về hương tóc gội bằng bồ kết vỏ bưởi chanh tươi, đôi khi đành "hiệu đính" bằng dầu gội bồ kết đóng chai nhựa công nghiệp, vẫn hàng ngày, nhất là khi tôi bế con, gội đầu cho từng bé.

Lũ trẻ dùng dầu gội Johnson. Sao không có dầu từ hoa cỏ của Việt Nam cho trẻ con mà chỉ có hương Lavande từ Pháp. Những tài phép ngôn ngữ, nhiều biện pháp tu từ điêu luyện đành bất lực như nghệ sỹ đích thực không thể vô cảm xúc, rung động bền lâu, đắm mê nhan sắc giả, vuốt ve lưu hương mái tóc xơ cứng hoặc vô hồn từ sợi đến hương.

Ký ức là nhiều kỷ niệm có thật được gìn giữ, nó theo ta cả đời, thậm chí đời này qua đời khác. Quá khứ đó là tài sản tinh thần chống lại lý lẽ quan niệm thực dụng bài bác sự hoài cổ.

Nhân loại từng chấn động, hoảng hốt lo sợ cừu Dolly nhân bản sẽ lan sang người, sẽ là ứng dụng tiến bộ khoa học phi nhân văn nhất, khi người nhân bản (Replicant) là một nguy cơ, thì lại có người máy Sophia được công nhận quyền công dân và trí tuệ nhân tạo đang dần chiếm chỗ trong đời sống theo guồng tự động hóa, robot hóa, máy hóa thì hương tóc lưu mùi cây cỏ thiên nhiên bỗng tỏa lan như cái đẹp biểu tượng chuẩn mực đánh thức mọi giác quan. Sự siêu thực bung tỏa làn hương ấm sâu lên đỉnh não làm nàng tràn nước mắt...

Giữa cuộc sống hỗn loạn bộn việc như cuộc đua không có chỗ nghỉ, mãi không đến đích, kỷ niệm cần phải được thiết kế, kỳ công bố trí, sắp xếp tìm kiếm mới thành. Nhiều cuộc gặp - kỷ niệm được kiến thiết bằng chủ ý, khó trông chờ tự nhiên, tình cờ... còn khó, huống hồ mong ở sự "vô tình", "chẳng may". 

Thế nên, kỷ niệm chiều 25-8-2010 hoàn toàn tự nhiên vẫn khiến tôi cảm động khi nhớ đến. Hôm đó, tôi đến dự họp báo cho chương trình Khánh Ly - 55 năm hát tình ca. Tôi đến đúng giờ, vào khán phòng máy điều hòa bật lạnh quá độ tưởng như sắp có... tuyết rơi. Hơi lạnh không át nổi sự nhạy của khứu giác. Tôi đi về hướng theo hương cỏ... 

Trước cửa phòng họp báo, một bàn nhỏ lọt giữa hai cột, bày mấy cái mẹt, rổ lọ tý xíu, một sợi dây gai chăng ngang phía trên chừng 70cm, đủ ngang tầm mắt. Trời ơi, là hương nhu, mần trầu, quế, húng chó, húng thơm, tía tô, kinh giới, sả, lá tre, bồ kết, bưởi, dương xỉ,... Tôi lặng người. Nước mắt tràn ra. Nhớ ngày xưa, ta vẫn có thể gội bồ kết  bằng gói túi lọc nhúng kiểu trà Lipton. Nhưng dầu gội có nhiều hương cỏ thì chỉ tìm ở sản phẩm của Thái Dương. 

Lần đầu thấy một bàn sắp đặt tôn vinh rau, cỏ tự nhiên. Hương thơm, vị hắc gợi nhớ cánh đồng Lavande (Oải hương) ngập tràn mà tôi đã ngợp đắm những ngày ở Pháp. Một người phụ nữ bé nhỏ, làn da trắng hồng tự nhiên, cười tươi, đôn hậu khẽ khàng đến bên, chị cũng ứa nước mắt nhớ mẹ đồng cảm tôi nhớ thương bà nội. 

Chị chia sẻ: Chị sinh trưởng ở thành Nam. Ấn tượng về những hàng lá thơm ở góc chợ theo chị lên Hà Nội khi theo đuổi ngành Dược. Dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên thoắt như quên tuổi 44 khi cùng người sinh 4 tháng Tư hồi ức thơ ấu về hương tóc của mẹ của bà. 

Chính tình cảm ấy, cùng tri thức khoa học của một thạc sĩ ngành Dược tâm huyết nghiên cứu sản phẩm dầu gội thảo dược từ cỏ cây thiên nhiên 100% giúp chị Hương Liên tạo ra dòng sản phẩm đặc trưng, dấu ấn của Công ty cổ phần Sao Thái Dương. Buổi chiều tháng Tám ấy càng ý nghĩa khi tôi được gặp những gương mặt đặc biệt như Họa sĩ Văn Dương Thành, vợ chồng nhà thiết kế La Hằng - họa sĩ Phạm Quang Vinh tíu tít chụp ảnh kỷ niệm bên chiếc bàn như cánh đồng khu vườn xưa thu nhỏ. Lại thích thú nữa khi các bó cỏ mầu trầu, xuyến chi hoa tím... xinh xắn lại đặt trên bàn trước mặt danh ca Khánh Ly. 

Hoa bưởi. Ảnh: L.G.

Khánh Ly trở về Mỹ giữa tháng 10, sau 1,5 tháng ở Việt Nam, thực hiện chương trình lớn nhất cuộc đời nơi thành phố bà được sinh ra và khao khát tìm lại được ngôi nhà 106 phố Hàng Bông, có mẹ và bà nội tóc hương bồ kết thuở nào.

Sản phẩm dầu gội xả cao cấp Nature Queen đạt tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Mỹ, đến Mỹ, Nhật và châu Âu. Nó chinh phục quốc tế rồi mới trở về quê gốc.

Các nghệ sĩ, phóng viên buổi họp báo đều vui vì túi giấy quà tặng là cặp dầu gội xả 440ml. Khánh Ly chưa kịp mua loại dầu duy nhất Việt Nam tinh chế từ cỏ hoa của những cánh đồng quê Việt, thì bà đã được tặng nó và cất vào valise như mang theo một chi tiết "khóa" của chuỗi hình ảnh ấp ủ trọn đời.

Chiếc bàn hoa cỏ ấy lại được bày tại sảnh Nhà hát Lớn tối 9 và 10/9 và một số khán giả đến sớm may mắn nhận túi quà gợi nhớ thời xưa. Nature Queen đồng hành tài trợ live show Khánh Ly, cùng nghệ sĩ xiếc Nguyễn Hoài Oanh (giám đốc Công ty Đông Đô - đơn vị tổ chức) làm từ thiện tích cực cho Quỹ Vòng tay nhân ái mà Khánh Ly nỗ lực đến 3 miền đất nước. 

Nature Queen đã làm nên một điều thần diệu, đó là đưa hương của cánh đồng lên tóc hàng triệu người, với chiến lược đầu tư bài bản, có hệ thống kiểm soát chất lượng, độ an toàn cho sản phẩm từ khâu hợp tác với người dân trồng, thu hoạch thực vật, thảo dược. 

Vẫn tiện lợi, mà lại không bị công nghiệp làm xơ cứng tóc lẫn tâm trí khi "lùa" hương cỏ cây vào tóc. Không sử dụng các hóa chất thường có ở sản phẩm phổ biến, dầu xả và dầu gội Nature Queen không chứa Paraben, Phthalate, Triclosan, không hóa chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp và không có chất biến đổi gen. 

Chẳng cần xem web: naturequeenbeauty.com, tôi biết các loại cây hương liệu cũng là dược liệu là vốn quý quanh ta mà dược sĩ Liên đã hội tụ về để chiết xuất đưa vào tóc mọi người. Đấy là hương của những mùa cũ tưởng chừng đã khép, lại sực lên ấm nóng và tỏa lan. 

Tôi xúc động nhớ bà nội, lại được đọc bài thơ Mẹ và cỏ mần trầu của Hoàng Anh Tuấn: "Mẹ ơi, cắt cỏ mần trầu / Hương nhu, bồ kết gội đầu cho con... Gió đem gieo hạt khắp miền / Cỏ lành thung nắng cỏ hiền đồi mưa / Sáo diều buông tím lưng trâu / Mẹ nằm dưới cỏ mần trầu lặng nghe" người con nhớ về người mẹ đã mất bằng mùi hương cỏ mần trầu tóc mẹ đã lưu vào nếp não anh, dù mẹ chẳng còn ở trên đời.

Mùi hương từ hoa cỏ thiên nhiên này không thứ dầu thượng hạng nào ví được. Hương cỏ ươm sợi tóc như một kết nối màu nhiệm giữa quá khứ với tương lai khi trồng, phát triển những loài cây cỏ là chúng ta bảo vệ sự sống của chính ta và con cháu ta. Trở về với tự nhiên là tìm lại chính mình, ký ức của mình.

Vi Thùy Linh
.
.