Khi chúng ta đánh mất tiếng nói

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:48
Chúng ta đang sống trong thời đại đô thị hóa. Xu thế đô thị hóa đang chuyển động với một tốc độ nhanh dần ở các miền quê. Xu thế này là sự phát triển tất yếu của xã hội và nó không dừng lại cho đến khi nào nó tự phá hủy.

Chúng ta, cả chính phủ và dân chúng, đang tìm cách để thúc đẩy một cách nhanh nhất xu thế này nhưng lại tìm cách để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để giữ được văn hoá Việt truyền thống trong thời đại đô thị hóa? Mà văn hoá Việt truyền thống chính là văn hoá làng.

Nếu nhìn thẳng hiện thực các làng quê Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, nhiều yếu tố tạo nên văn hoá làng truyền thống đang bị phá vỡ. Chúng ta khó lòng giữ lại hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, khó lòng giữ được những buổi chợ phiên đúng nghĩa, khó lòng giữ được cấu trúc đặc trưng của làng.

Tư tưởng bê tông hoá đang từng bước thống trị các làng quê với những khối bê tông hộp được gọi là nhà. Những thứ tôi vừa liệt kê đang bị tấn công và đang biến mất từng ngày. Có thể sự thay đổi đối với những thứ mà tôi vừa nói là sự thay đổi tất nhiên. Vậy thì cái gì sẽ còn lại như hạt nhân của nền văn hoá Việt truyền thống.

Theo tôi, đó chính là đặc trưng của đại từ nhân xưng trong các gia đình, dòng họ, làng xóm Việt Nam. Đại từ nhân xưng là yếu tố vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là yếu tố quan trọng nhất để tồn giữ tinh thần văn hoá của làng Việt Nam. Yếu tố này không chấp nhận bất cứ sự lý giải nào cho những thay đổi với nó. Bởi nó không lệ thuộc vào những đặc tính của đô thị hoá, hiện đại hoá hay toàn cầu hoá.

Việt Nam là một nước nông nghiệp và bị tụt hậu so với khu vực và thế giới trong một thời gian quá dài. Chính thế mà nỗi khao khát của người Việt Nam trong việc hòa nhập vào nhịp điệu và tốc độ của đô thị và văn minh thế giới mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng người Việt Nam cũng nhận thấy bản sắc của họ đang bị bào mòn.

Ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng bao gồm ngôn ngữ giao tiếp, bày tỏ mang tính truyền cảm trong sinh hoạt gia đình.

Nhưng sự nhận biết của không ít người Việt Nam về bản sắc của mình lại rất mơ hồ. Đặc biệt là trong đời sống hậu hiện đại, khi chúng ta sống trong một đời sống đô thị và công nghiệp hóa, chúng ta thường mang cảm giác bản sắc dân tộc đã vô tình biến mất mà chúng ta rất khó nhận ra và khó cưỡng lại. Bởi quá nhiều người trong chúng ta mắc một sai lầm nghiêm trọng là coi bản sắc là những gì thuộc về một thời đại khác, một thời gian khác. 

Nhưng thực tế, cho dù chúng ta lãng quên thì chúng ta vẫn đang sống với bản sắc và văn hóa của mình. Bản sắc không phải là một đồ dùng mà chúng ta rời bỏ nó khi chúng ta thấy có một đồ dùng khác có thể thay thế những đồ dùng đã cũ mà không ảnh hưởng đến chúng ta bất cứ điều gì.

Nhưng thực tế, bản sắc như không gian, dù chúng ta di chuyển từ nơi này hay nơi khác thì chúng ta vẫn nằm trong không gian đó. Có điều chúng ta không nhận biết được điều đó và chúng ta dần dần tìm đến một trạng thái văn hóa khác. Đó chính là sự đánh mất bản sắc của chúng ta.

Chúng ta có thể nói, bản sắc vẫn còn nguyên vẹn bản chất của nó trong đời sống đương đại. Nhưng chúng ta sẽ xác lập bản sắc dân tộc hay nói cách khác là xác lập "Căn cước văn hóa" cho cá nhân chúng ta và cho cộng đồng chúng ta như thế nào trong đời sống đương đại này?

Bởi trong sự phát triển của xã hội Việt Nam nói chung và  thế giới nói riêng, chúng ta không thể đời sống hóa tất cả những gì trong quá khứ lâu dài đã tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Để tìm cách bảo vệ bản sắc và đời sống hóa bản sắc đó thì chúng ta phải xác lập những yếu tố cơ bản nhất của bản sắc Việt. Từ đó, chúng ta sẽ chọn lựa những yếu tố cơ bản nhưng có tính phù hợp dễ nhất và cao nhất với đời sống hậu hiện đại mà chúng ta đang sống.

Theo tôi, điều cơ bản làm nên bản sắc Việt là tiếng nói. Tôi khẳng định: tiếng nói mà tôi đề cập ở đây là ngôn ngữ sẽ không bao giờ mất đi. Nhưng khi chủ nghĩa hiện đại xuất hiện thì ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng sẽ bị phân ra thành hai loại chính: Loại thứ nhất là ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng.

Ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng bao gồm ngôn ngữ giao tiếp, bày tỏ mang tính truyền cảm trong sinh hoạt gia đình, dòng họ, làng xóm, lễ hội; loại thứ hai là ngôn ngữ hành chính. Ngôn ngữ hành chính là kết quả của những phát triển xã hội. Ngôn ngữ hành chính trong xã hội Việt Nam càng ngày càng mang tính khoa học cao.

Nhiều yếu tố tạo nên văn hóa làng truyền thống đang bị phá vỡ. Ảnh: L.G.

Một trong những đóng góp quan trọng để bảo tồn những nét đẹp đầy bản sắc trong các mối quan hệ gia đình và xã hội Việt Nam là sự phong phú và rất đặc trưng của Đại từ nhân xưng trong ngôn ngữ Việt. 

Đại từ nhân xưng đã gián tiếp sắp xếp các trật tự xã hội và tạo nên sự sâu sắc trong tình cảm con người với nhau. Chính việc dùng đại từ nhân xưng hàng ngày trong gia đình hay trong công sở đã làm chậm lại quá trình "thị dân hóa" trong những mối quan hệ con người.

Khi đại từ nhân xưng bị thay đổi thì những giá trị tinh thần và những giá trị mang tính phả hệ bị phá vỡ. Khi những giá trị này bị phá vỡ thì văn hoá Việt sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Chúng ta sẽ kinh hoàng khi chứng kiến trong một gia đình hay trong một làng Việt biến mất hoàn toàn những đặc tính của đại từ nhân xưng.

Ở đó, người ta chỉ còn sử dụng ba ngôi chính: ngôi thứ nhất: tôi, ngôi thứ hai: anh (chị) và ngôi thứ ba: anh ta (chị ta). Nếu có sự thay đổi đối với ba ngôi này thì chỉ là sự thay đổi từ số ít thành số nhiều như: chúng tôi, các anh (các chị) và các anh ấy (các chị ấy) mà thôi.

Hiện thực cho chúng ta thấy, đại từ nhân xưng đang bị biến dạng trong đời sống xã hội. Chỉ lấy ví dụ về những người trẻ xưng hô ở xã hội nông thôn Việt Nam đương đại không đúng với bản chất đại từ nhân xưng tiếng Việt với những người hơn tuổi hay những người lớn tuổi đã cho thấy những dấu hiệu của sự bất ổn trong  đạo đức xã hội và những giá trị thuần phong mỹ tục. Sự biến dạng này rất chậm. 

Chậm đến mức không gây nên cảm giác nào về mối nguy hiểm đối với nền tảng văn hoá mà người Việt Nam đã tạo dựng lên từ mấy ngàn năm nay. 

Nhưng cái chết của một nền văn hoá thường đi theo con đường như thế cũng như sự sinh ra con đường đi đến một nền văn hoá. Nó đòi hỏi chúng ta phải giữ nhịp sống của những giá trị này giống như giữ nhịp đập của trái tim mà không được phép dừng lại bất cứ lúc nào.

Hạnh Nguyên
.
.