Những con đường sinh sôi

Thứ Hai, 09/04/2018, 09:01
Vào ngày Xuân xao động, hiện ra những con đường trong hồi tưởng. Thế gian có vô số loại đồng hồ. Ngoài đồng hồ được sản xuất để xem giờ, còn có đồng hồ hoa, đồng hồ con (những đứa trẻ), và gương mặt chúng ta. Còn một loại đồng hồ đặc biệt nữa: Những con đường.

Tháng Tư sinh nhật tôi, là mùa hoa loa kèn. Loài hoa tinh khiết, nhã hương, đã xuất hiện từ giữa tháng Ba, búp nụ chực mở âm thanh muốt trắng. 

Những con đường Hà Nội hầu hết đều có hoa, từ cây, từ những hàng hoa rong. Những con đường dài, ngắn như kim giờ, phút, giây được nhìn không chỉ bằng mắt, mà bằng nhớ thương, hoài niệm đa chiều.

Bố, nhà quay phim từ thời vác máy quay phim nhựa nặng trên vai, đeo bình ắc quy, theo các sự kiện của lãnh đạo cấp cao tới lúc chuyển sang làm đạo diễn, mở đầu với phim tài liệu Người H'Mông và cây súng kíp (1984)-gây ấn tượng và được nhớ đến giờ, đã chọn miền núi là đề tài chính, định mệnh, bởi dòng máu Trùng Khánh, Cao Bằng của người Cha. 

Thông thạo, am hiểu sâu sắc với vùng núi phía Bắc, song với Hà Nội, Bố tôi cũng hiểu kỹ bằng yêu mến cả đời. Lúc này, Bố tôi chẳng hình dung được một kịch bản, cuốn phim nào cho riêng chúng tôi, khi Bố bước bàn chân trắng hồng, nhỏ nhắn từ giường bệnh. 

Bố vẫn dạy: khởi thủy nhập môn nghề quay phim là phải biết xác định khuôn hình, góc máy, biết cân bằng trắng, Màu trắng là màu tổng hợp của mọi màu. Nhòe mắt tôi tuổi 38. Lệ tuôn là thứ nước tinh khiết nhất gột rửa hiện thực và ảo thuật thời gian.

Ngôi nhà đầu tiên của Bố mẹ và tôi là căn phòng 7m² ở khu B, tập thể Điện ảnh 221 đường Hoàng Hoa Thám. Đường dài này là đường thành vòng ngoài nối ra phía ngoại ô - Chợ Bưởi, Kẻ Bưởi - Nghĩa Đô, Thụy Khuê song song bên dưới, Đường Thụy Khuê cùng tên làng cổ... là vùng sầm uất nức tiếng ở phía Tây Hà thành. Bố mẹ tôi cưới nhau gần như tay trắng. 

Ông nội tôi - họa sĩ Vi Kiến Minh (1926 - 1981), từ chối lãnh đạo Vụ Mỹ thuật, chỉ nhận làm công tác xuất bản - phó giám đốc NXB Văn hóa dân tộc, nhưng gánh phần Chủ nhiệm - Tổng biên tập vì giám đốc - nhà thơ Nông Quốc Chấn bận việc Bộ (kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa). 

Ông nội từ chối nhà trên phố, suất đi nước ngoài cho con, trong khi Ông bà nghèo, đức liêm khiết, nhịn nhường hằng xem trọng. Ông tôi chọn ngôi nhà trong khu Văn công Cầu Giấy, vì ở đây không gian thoáng, có ao, đồng lúa, đầm sen. 

Sau này, tất cả bị lấp hết, biến thành nhà, chung cư, gần 20 năm nay và cao ốc Discovery 50 tầng đang hối hả xây trên nền cái ao to nhất vùng này. Ông tôi rất sợ đông người, ồn ào, không thể tập trung vẽ được. Theo nghề viết 22 năm, tôi ngày càng thấm nỗi "sợ người" của ông. 

Gia đình tôi không bao giờ ra hồ Gươm đêm giao thừa, vào Hàng Mã Tết Trung thu, chúng tôi kinh khiếp sự chen lấn, khó thở. Muốn trò chuyện chuyên sâu, không thể đông người, đông thì chuyện sẽ loãng tạp. Muốn được thở sâu, càng phải tránh đám đông. Người hít oxy, thở ra carbonic, nên chen lấn rất mệt vì ngột ngạt, chưa kể tiếng ồn, mất cắp, va chạm thương tích hoặc xích mích nhau. 

Chợt nhớ câu thơ Thi Hoàng: "Ngày nép vào mắt mở/ Đêm nép vào mắt nhắm/ ...Ngồi gãi lưng dưới bóng cây/ Trước mặt không có ai thì hạnh phúc vô cùng".

...Phổi yếu, Ông tôi rất thích cây xanh, bởi thế Ông không dùng xe bus, mà thường đạp xe, dù xa 7km, với chiếc xe cắt săm cũ buộc quanh lốp, vừa đạp vừa thở; bù lại được ngắm cảnh phố, không phải chen chỗ trên xe, qua hai hàng cây xà cừ Cầu Giấy, qua Thủ Lệ, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu. 

Trần Hưng Đạo tới hồ Thiền Quang (Halais), đạp nửa vòng quanh hồ, theo phố Trần Nhân Tông vài trăm mét là rẽ sang Nhà xuất bản. Cùng tuyến đường này, Bố đạp xe Phượng Hoàng đen ọc ạch, chở tôi phía sau, em trai tôi ngồi ghế mây phía trước, ra nhà bạt công viên Lênin xem xiếc. Tôi vẫn nhớ các tiết mục, nghệ sĩ thời ấy. 

Mỗi lần xem xong, sẽ được ăn 1 que kem, 1 que thôi, Bố chỉ đem đủ tiền mua vé và 2 que kem cho 2 con. Một lần, Bố hứa cho đi xem xiếc khi được điểm cao, rồi chúng tôi lại ở nhà. Tôi khóc hờn, trách mãi. Sau tôi mới nghe được Bố mẹ nói với nhau: Hứa với con, nhưng hết tiền. 

Lương ba cọc ba đồng, chú út đang học đại học, bà về hưu diện mất sức, khó khăn trăm bề. Ngày ấy, chuyện vác rá sang hàng xóm vay gạo, vay mỡ, nước mắm là thường, với số đông.

Kề bên rạp Xiếc Trung ương nhà bạt, là công viên Lênin. Đây là nơi Bố cầm tay tôi dạy trượt patin, tôi ngã nhiều lần trầy sứt đầu gối. Tất nhiên là patin phải thuê. Bố chỉ cho tôi các loài cây, hoa trong công viên. Chuyến tàu hỏa đầu đời tôi là cùng Bố, trên đoàn tàu mini chạy uốn lượn trong công viên qua hồ Bảy Mẫu, quán Gió...

Khi đường Hoàng Hoa Thám giải tỏa đoạn đường thành giao cắt Liễu Giai, nhà khảo cổ học Nguyễn Lân Cường tha thiết đề nghị giữ lại vì tìm thấy cổ vật. Rồi khoa học, di chỉ khảo cổ đều thua cơn lốc dự án bê tông. 

Càng làm đường thì càng mất cây xanh, mất dốc. Nhiều con dốc nổi tiếng của Hà thành không còn độ dốc nữa: Hàng Than, Bà Triệu, Cầu Giấy. Dốc Tập lái cuối đường Đội Cấn bị san phẳng để thông sang đường mới bên sông Tô Lịch, chui qua gầm cầu vượt đường Bưởi. 

Cách nhà cũ của tôi 400m là dốc chợ Tam Đa. Dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám lưu giữ một phần lớn tuổi trẻ của Bố tôi, cựu sinh viên lớp Quay phim khóa VI (1972 - 1976) trường Điện ảnh Việt Nam, học cùng bác Nguyễn Hữu Tuấn (NSND), chú Phạm Việt Thanh (NSƯT)... và lớp diễn viên khóa 2 - các chú: Đào Bá Sơn, Vũ Đình Thân, Nguyễn Hữu Mười; các cô: Minh Châu, Phương Thanh, Thanh Hiền, Thanh Quý, Diệu Thuần... là đàn em thân thiết của lớp Bố tôi, hai lớp thường giao lưu, giúp đỡ nhau khi làm bài tập. 

Đa số họ ở nội trú tại trường, để tập trung học 33 Hoàng Hoa Thám. Ra trường, Bố tôi làm việc 17 năm tại Xưởng phim Thời sự Tài liệu (sau đổi tên thành Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) cũng trên đường này. 

Lúc Bố tôi chưa chuyển được mẹ về quản lý kho phim của Xưởng phim Tài liệu, thì chiếc xe đạp duy nhất nhường cho mẹ đi làm 8km ở Thanh Xuân Bắc. Công việc viết kịch bản, làm phim theo kế hoạch, Bố tôi có thể làm ở nhà. Nhà bé tí vốn là nhà kho, trần thấp tịt, khoảng sân chung không đủ cho đứa bé hiếu động. Mấy nhà trẻ công/ tư đều "trả lại" tôi, vì khóc dai. 

Thế là Bố lại đưa tôi chơi loanh quanh trong khu, đi" bú rình", "bú nhờ", rồi bế bộ con gái vào Bách Thảo. Đoạn đường từ khu B tới dốc Ngọc Hà gần 2 km, hầu như chiều nào Bố tôi cũng bế tôi đi bộ, đón mẹ về. 

Bố kể, ngày ấy năm 1980 - 1981, làng Ngọc Hà vẫn còn hoa, Bố còn đưa tôi xuống dốc vào làng, xem xác máy bay B52 rơi trong lòng hồ Hữu Tiệp. Đối diện Bách Thảo, là khu vườn ươm, dưới vườn ươm về phía bên kia là ngôi trường trăm năm - Bưởi Chu Văn An danh tiếng. Sau này tôi lớn thêm, lần nào cùng Bố qua đây, Bố đều nhắc: con phải học giỏi, lên cấp 3 là phải vào được trường Chu Văn An nhé! 

Bố tôi học trường tiểu học Vân Hồ khi gia đình ông bà tôi ở Vân Hồ 2, rồi chiến tranh chống Mỹ, lại lên Thái Nguyên, các chú và cô được học trường giỏi nhất tỉnh - Lương Ngọc Quyến, còn Bố tôi nhận phần lên Bắc Sơn, Lạng Sơn ở cùng ông bà ngoại để giúp đỡ ông bà trong đời sống và hoạt động của hiệu ảnh Bằng Giang đầu tiên ở vùng núi này. Bố tôi là cháu cả của ông bà ngoại (Ông bà nội của Bố tôi mất từ lúc ông nội tôi còn thiếu niên).

Tốt nghiệp cấp 2 loại giỏi, tôi được vào thẳng cấp 3, hộ khẩu lúc đó vẫn thuộc quận Đống Đa, nên Bố chọn trường Lê Quý Đôn, thuộc khu Trung Tự. Cô Dung hiệu phó của trường sau này là đại biểu Quốc hội. Tôi đạp xe đi học Hè ở đây, về lần nào cũng mệt, nên Bố chuyển hộ khẩu về huyện Từ Liêm, (năm 1997 thành quận Cầu Giấy). 

Mùa Thu 1995, tôi vào học lớp chọn Ban C, trường PTTH chuyên ban Yên Hòa. Đi học phải qua cái cầu không lan can bắc vào làng Cót, dưới là sông Tô Lịch đen ngòm. Lúc tan tầm, đến trường và tan học, luôn sợ bị rơi xuống "hắc giang". 

Khi tôi ra trường thì cầu được làm đẹp, có lan can (thiệt quá vì lứa tôi không được hưởng). Tôi đi xe đạp thông thạo từ cấp 1, cũng do Bố dạy, cả "kỹ thuật" lạng, tránh. Khi tôi tốt nghiệp cấp 3, Bố chở tôi đi thi ở trường cấp 2 Đống Đa, phố Lương Đình Của. 

Lúc thật rảnh, Bố đưa tôi vòng quanh Hà Nội cổ kính, kể chuyện, giải thích từng công trình. Bố dẫn tôi vào Văn Miếu, giảng về Khổng Tử và sử học. Bố cho tôi dạo hồ Tây, nói về văn chương, về cuộc gặp của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du, Bố đọc thuộc rất nhiều bài thơ, tích truyện, và hay dẫn chứng, lý giải.  

Bố dành, trích đồng lương eo hẹp mua sách cho tôi đọc, còn mượn thêm nhiều sách hay về. Để tránh con ngốn sách quá nhanh, không có tiền mua liên tục, Bố hướng dẫn đọc, yêu cầu đọc chậm để kể lại, phân tích bình luận từng nhân vật. 

Đi dọc đường đê Yên Phụ có hàng cây cơm nguội đổ ra Quảng An, Bố đọc thơ Em mãi là 20 tuổi của Quang Dũng, thơ nhắc đến vườn ổi thơm Quảng Bá. Bố kể về mùa ngâu thơm và các làng hoa Nhật Tân, Nghi Tàm ấp ôm Hà Nội nên thành phố này vừa đẹp vừa thơm.

Tình yêu con dành cho Cha hòa vào tình yêu Hà Nội, khác nào thơ của Mí (Lưu Quỳnh Thơ, 1975 - 1988) con út của vợ chồng thi sĩ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã ví tình yêu của mình với Mẹ, từ ông trời thu lại Hà Nội: "Con yêu mẹ bằng Hà Nội/ Để nhớ mẹ con tìm đi/ Từ phố này đến phố kia/ Con sẽ gặp ngay được mẹ".

Như ca khúc mới Hà Nội tôi (thơ Ngô Bình - Nghiêm Thành) của nhạc sĩ Nguyễn Cường viết về Hà Nội, nơi anh em ông sinh, sống trọn cuộc đời: "Hà Nội tôi năm tháng rất xưa/Tình yêu tôi không bao giờ cũ/Chạm vào đâu cũng thấy thân thương/Hàng cây góc phố con đường... Chợt nhìn lên một thoáng mây xa/Chuyện ngày xưa rất xưa còn đó.../Hà Nội tôi chẳng cũ bao giờ".

Những con đường là bối cảnh kỷ niệm, dấu ấn, sự kiện của bao phận người, thành phố, đất nước, chúng bước vào lịch sử đa tầng và chính chúng là hiện thân lịch sử. Có không ít biến đổi: lát lại vỉa hè, tôn đường, phá dốc, cưa chặt hoặc thay đổi những hàng cây, còn trong con mắt chứa chan tình cảm với sự sống từng ngày, thì dù đổi thay đến đâu, những con đường đã gắn với từng quãng đời của tôi, vẫn hiện ra trong giấc mơ, trong cả thực tại, choán át xô bồ, ồn bụi. Hà Nội liên tục thêm phố mới, đường mở xuyên làn, đường lấp mương, ao, đường mặt đất, đường trên cao với những bài toán giải tỏa, giải phóng mặt bằng nan giải kéo dài. Tuổi già làm sút giảm trí nhớ, không thể giải tỏa những ký ức. Tôi đã yêu những hồi ức từ khi còn trẻ. Với tôi, dù thay đổi tăng thêm thì những con đường của hồi niệm vẫn chiếm giữ mắt nhìn. Không phải nhờ phép "cắt dán" của tưởng tượng, tôi thấy những con đường già đi qua thế kỷ vẫn sinh sôi, ngược quy luật thời gian. Chúng là loại đồng hồ mang sức mạnh bí mật, quyền năng kỳ lạ đưa ta trở về quá khứ, tới được tương lai, qua bao thế hệ, đời người.

Con đường ông tôi đi và con tôi sẽ đến, đang sinh sôi không lệ thuộc chiều dài, chiều rộng và những biển tên.


Vi Thùy Linh
.
.