Đời lá vàng...

Chủ Nhật, 13/05/2018, 14:16
Tôi ngồi trên ghế đá, trong khuôn viên bệnh viện Xanh - Pôn (Hà Nội). Tôi bị hút vào từng nhát chổi của chị lao công trước mặt mình. 

Chị đang quét những chiếc lá khô, rụng lả tả trên thảm cỏ xanh mướt. Những chiếc lá chắc là đã và đang chết, ít nhất là chết cái đời sống sinh học của nó. Nó nhàu nhĩ, quăn queo, tàn tạ. Nếu là trên vỉa hè, chỉ một cơn gió nhẹ thôi, những chiếc lá chết ấy sẽ bị cuốn bay. Nhưng đây là trên mặt cỏ. 

Những chiếc lá cứ bện chặn vào cỏ, khiến chị lao công phải quét những nhát chổi rất mạnh thì chúng rốt cuộc mới được vun vào thành đống. Từng chiếc nằm lả tả, vương vãi bây giờ được vun thành đống. Và chắc chị lao công sẽ đem đống lá ấy đi đốt. Thế là xong một đời lá.

Ở tầng 2 của bệnh viện Xanh Pôn, rất nhiều người đang đứng ở hành lang, nhìn xuống cái khuôn viên này. Người thì mặc quần áo bệnh nhân, người thì không - có lẽ họ là người nhà của những người bệnh. 

Và hình như mọi ánh nhìn của họ lúc ấy cũng đổ dồn về cái phía đáng nhìn hơn cả: những nhát chổi của chị lao công. Họ nhìn bâng quơ hay chủ ý? Nhìn vô thức hay có ý thức? 

Tôi không biết. Thời 9, 10 tuổi, tôi từng có ước mơ sau này sẽ sáng chế ra một chiếc máy mà khi đặt chiếc máy ấy ở nơi công cộng ta sẽ thu được mọi suy nghĩ của dòng người xung quanh. Giá mà lúc này tôi có chiếc máy ấy thật nhỉ?

Nhưng không có chiếc máy thì tôi cũng không phải là vị khách xa lạ với chủ nhân của những ánh nhìn ấy. Cách đây non một tháng, khi đợi người thân của mình thực hiện một ca phẫu thuật thập tử nhất sinh, tôi cũng đứng ở cái hành lang ấy, cũng nhìn xuống những chiếc lá khô in trên thảm cỏ y như họ vậy. 

Hôm ấy, chị lao công cũng quét lá, và khi từng nhát chổi, cuốn từng chiếc lá bay khỏi mặt cỏ, kết thành một đống tàn úa, chuẩn bị đem đi thiêu đốt thì tôi bất giác nghĩ đến những kiếp người.

Lúc ấy tôi nghĩ, chỉ một vài thời khắc nữa thôi, khi cánh cửa phòng mổ mở ra, nhỡ đâu bác sĩ thông báo người thân của tôi cũng đã lặng lẽ ra đi như những chiếc lá kia? Nhỡ đâu những nhát chổi số phận rốt cuộc đã đi đến những khoảnh khắc cuối cùng của nó? 

Rồi tôi lại nghĩ, ở cái hành lang định mệnh này, trước tôi, đã có bao nhiêu người đứng bên ngoài phòng mổ đợi chờ, rồi sau đó phải đối diện với cái hung tin ấy?

Khi người thân của tôi may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, về phòng chăm sóc đặc biệt thì ở cái phòng ấy tôi lại bắt gặp không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tai nạn, bao nhiêu sinh mệnh khác. 

Như một cô bé 20 tuổi, có gương mặt đẹp đẽ như đức mẹ đồng trinh chẳng hạn. Cô bé ngồi sau xe honda, đi chơi với người yêu. Không may chiếc honda tông vào xe tải, cô ngã xuống, gãy cổ, và khi được đưa vào viện thì mọi thứ đã quá muộn. 

Bác sĩ khuyên gia đình hãy đưa cô về nhà lo hậu sự, nhưng gia đình cứ nằng nặc tác động, đề nghị bệnh viện cho cô sống thực vật bằng máy, để kỳ vọng một phép màu nào đó sẽ xảy ra. 

Gần một tuần cô nằm ở đây là gần một tuần mẹ cô - một người mẹ giản dị và hiền hậu không ngừng chờ đợi vào phép màu ấy. Bà nói với chúng tôi cái ý định nhờ một ông thầy cao tay làm cái việc gọi là “khều hồn” con mình trở lại trần gian. 

Không biết việc “khều hồn” đã được thực hiện chưa, nếu rồi, không biết nó có đem lại hiệu quả nào không, chỉ biết rằng lần cuối cùng tôi gặp bà là lần bà đứng ở hành lang này, nhìn xuống dưới khuôn viên, nơi những chiếc lá khô nằm rải rác trên thảm cỏ.

Tôi nhắm mắt lại, niệm phật. Tôi cố hình dung xem liệu lúc này Đức Phật bà  Quan  Âm có thể hiện lên, vẩy những giọt nước cam lồ lên những chiếc lá khô, đã và đang chết, để chúng lập tức xanh mướt trở lại được không? 

Tôi chìm vào dòng suy nghĩ ấy, và trong một sát - na thời gian nào đó dường như cũng tin vào điều ấy thật. Đến khi mở mắt, khi thấy cả một đống lá khô vẫn đang nằm trần trụi thì không hiểu sao tôi vẫn cứ vân vi nghĩ (hay đang cố lừa dối mình?) rằng những chiếc lá ấy chưa chết hết. 

Hoặc giả, nó chỉ chết đời sống sinh học, mà vẫn còn nguyên một đời sống tâm hồn. Một bài thơ thiền - là bài thơ thiền vô danh, vô tác giả bỗng khe khẽ đậu xuống hồn tôi:

Trăm năm một giấc mộng dài
Bàng hoàng tỉnh dậy là ai hay mình
Là mình sao chẳng phải mình
Là ai sao lại chính mình ngồi đây?

Khi đã đốn ngộ, con người ta sẽ cảm thấu rõ về một đời sống khác bên cạnh cái đời sống được cấu tạo bởi những hạt vật chất thô thiển kia? Và khi ấy, những giới hạn tồn tại của những hạt vật chất thô thiển kia không thể làm con người lo âu, phiền não nữa?

Giờ thăm khám đã đến, tôi rời cái khuôn viên nhỏ này để quay vào phòng bệnh. Tôi cố nhìn lên phía hành lang tầng 2 bệnh viện và thấy vẫn chừng ấy những con người - những hình hài - những ánh mắt đang nhìn xuống phía dưới. 

Ở đó, trên thảm cỏ xanh, những chiếc lá khô vẫn còn nguyên đống. Chắc chị lao công tẹo nữa mới quay trở lại, đem đi đốt.

Tôi hiểu rằng không chỉ những chiếc lá khô, ngay cả những ngọn cỏ đang xanh tươi mơn mởn kia, rồi một lúc nào đó nó cũng khô lại, và cũng bị chị lao công nhổ lên, đem đi đốt thôi mà!


Phan Đăng
.
.