Ở rừng Nam Cát Tiên

Thứ Ba, 15/08/2017, 15:39
Trong cuốn Lonely Planet về Việt Nam, rừng Quốc gia Nam Cát Tiên được bình chọn đứng thứ 7 trong 15 trải nghiệm đáng giá nhất và được nhấn mạnh ở phần hình ảnh nổi bật đầu cuốn sách du lịch dành cho dân backpackers (Tây ba lô) này. 

Nhưng ở Việt Nam, nó vẫn là một điểm đến khá xa lạ với dân Việt, dù cách Sài Gòn chỉ khoảng 160km và trên đường đi Đà Lạt.

Đến đây rồi, dù chỉ cần hai ngày cuối tuần, mới thấy tại sao các bạn Tây ba lô lại mê chỗ này. Nó như một chốn "weekend hideway" để trốn cái nóng hay sự ồn ào, đông đúc của Sài Gòn. Nó là một thiên đường của trekking và khám phá sự đa dạng của thực vật, động vật của một khu rừng nguyên sinh xứ nhiệt đới.

Cách đây 13 năm, tôi đã từng ở rừng một tuần. Đợt ấy được tòa soạn báo cử đi học lớp nghiệp vụ về môi trường của WWF (Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới). Vô rừng sống một tuần, hồi đó lại không có 3G, internet cũng không, sóng điện thoại cũng yếu nên chỉ biết học lắng nghe rừng kể chuyện. Cả ngày được các chuyên gia môi trường quốc tế huấn luyện và trang bị kiến thức cơ bản về các loài động vật quý hiếm ở Việt Nam có nguy cơ bị tuyệt chủng, rồi được đi thực địa, trải nghiệm trong rừng.

Chuyến đi đó nhớ nhất là gặp một ông Tây mê linh trưởng tên là Tilo. Ông là chuyên gia về động vật hoang dã người Đức, làm việc ở vườn thú Frankfurt. Sang VN từ năm 1991 để thăm một người bạn Ba Lan làm việc ở rừng Cúc Phương, Tilo đã khám phá ra loài vượn mông trắng (hay còn gọi dân dã là Vooc quần đùi trắng), một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới và chỉ phát hiện ở Việt Nam. 

Toàn cảnh Bàu Sấu, khu sinh quyển nuôi cá sấu nước ngọt duy nhất của Việt Nam.

Nhưng tại Việt Nam, chúng bị săn bắn một cách dã man. Hai con vượn mông trắng đầu tiên mà Tilo tìm thấy là ở... một chợ bán động vật hoang dã với đôi chân bị dập nát do dính bẫy. Tilo đã lập tức bỏ tiền mua chúng và mang về vườn thú cứu hộ. Ông cũng xây dựng một đề án Trung tâm cứu hộ vượn mông trắng ở Cúc Phương.

Ông đến Việt Nam từ năm 1991, thời điểm tôi đến Cúc Phương vào năm 2003, Trung tâm cứu hộ của ông đã có vài chục cá thể voọc mông trắng cùng một số loài linh trưởng khác. Hàng ngày, Tilo cùng một người phụ nữ Việt Nam tên Hiền vừa chăm lo bữa ăn cho chúng, vừa tiếp tục tìm kiếm và cho nhân giống đàn  voọc mông trắng này tăng lên.

Đấy là câu chuyện của vài năm trước đó, còn thời điểm chúng tôi đến đây, Tilo và Hiền đã là một cặp vợ chồng dù tuổi đời của họ cách nhau tới 31 năm. Gã đàn ông hói đầu râu ria xồm xoàm và cô gái trẻ trung người Việt tóc cắt ngắn phong thái mạnh mẽ cuốn hút không chỉ là bố mẹ của hai đứa con do họ sinh ra mà còn được xem là bố mẹ "nuôi" của đàn linh trưởng quý hiếm được chăm sóc chu đáo trong Trung tâm cứu hộ của rừng Cúc Phương.

Dự án của Tilo ban đầu chỉ dự định 15 năm, nhưng nghe nói ông đã đề xuất kéo dài 50 năm để bảo vệ và phát triển đàn linh trưởng này. Đã 14 năm trôi qua từ ngày tôi đến ở trong rừng Cúc Phương, không biết giờ đàn linh trưởng mông trắng của Tilo và Hiền đã lên đến bao nhiêu con rồi.

Quay trở lại rừng Nam Cát Tiên, lỡ hẹn mãi cuối cùng tôi cũng đến. Đây là vườn Quốc gia lớn nhất ở phía Nam và cũng là điểm du lịch trải nghiệm nổi bật vì dễ đi lại. Đẹp nhất là một nhóm bạn 3-4 người. Sài Gòn lái xe đi chỉ mất khoảng 3,5 đến 4 tiếng đồng hồ, đường đẹp khá dễ đi. Xe đậu bên này sông Đồng Nai, ngồi dưới mấy tán cây mát rượi ăn trái cây vườn rồi đi đò máy sang bên kia. Hỏi tại sao không bắc cầu để tiện lưu thông vì khúc sông rất ngắn, người phụ nữ bán trái cây trả lời rằng, để ngăn chặn bọn lâm tặc đột nhập trái phép.

Cây Tung cổ thụ trong rừng Nam Cát Tiên.

Đò máy chỉ mất khoảng 5 phút để qua sông, cả một khu rừng nhiệt đới ẩm hiện ra trước mắt. Đây cũng là khu dự trữ sinh quyển của thế giới ở Việt Nam với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Nam Cát Tiên phải đi ít nhất 2 ngày, nếu có một chuyến trekking băng rừng, 3 ngày nếu có một chuyến trekking đến bản làng Tà Lài của 3 cộng đồng người Mạ, S'Tieng và Tày sinh sống.

Buổi tối đầu tiên nên đăng kí một tour xuyên rừng trên một chiếc xe pick-up mui trần để quan sát những thú ăn đêm hoang dã. Dưới ánh đèn pin của cậu nhân viên kiểm lâm, từng đàn nai, heo rừng, chồn hay một con mang xuất hiện trong đêm. Nai thường đi theo đàn, bạn kiểm lâm giới thiệu con cái thường xoay... mông lại phía có ánh sáng, còn con đực thì xoay đầu và sừng.

Thế mới đoán được con nào đực con nào cái. Heo rừng thì đi theo cặp hoặc mẹ và con. Lâu lâu cậu lia đèn lên cây, thấy một con chồn nằm vắt vẻo trên cành. Muốn xem voi rừng và bò tót thì phải đi sâu vào trong rừng nữa, nhưng tour chỉ một tiếng giá 150.000 đồng/ người nên chỉ coi được nai, heo rừng, nhím, chồn thì phải lộn ra. Trên đường về còn được khuyến mãi cơn mưa rừng mát rượi.

Buổi sáng hôm sau dậy sớm, đi bộ qua cánh rừng, ngắm mặt trời lên qua rặng tre trên sông Đồng Nai, đi bộ khoảng 2 cây số, xuyên qua một rừng cây thì xuống bến Cự, nơi có dòng sông chảy ầm ào qua bãi đá tổ ong nhìn rất đẹp mắt, nhất là dưới ánh mặt trời buổi sớm mai.

Chuyến trekking đáng giá nhất là đi xuyên rừng vào Bàu Sấu. Đạp xe đạp khoảng 9 cây số, sau đó đi bộ xuyên rừng thêm 5 cây nữa. Đường đi rất đẹp, có những cây cổ thụ khổng lồ như cây Tung với những nhánh rễ nhìn dày và dựng đứng nhìn như một bức thành, lại giống như một con khủng long bạo chúa.

Đi bộ (trekking) hoặc xe đạp là 2 cách để khám phá rừng Nam Cát Tiên tốt nhất.

Gốc cây Tung 400 năm tuổi này phải 20 vòng tay người ôm mới hết. Đi vừa thấm mệt thì Bàu Sấu hiện ra trước mắt, lối dẫn vào Bàu có cây cầu gỗ rất đẹp mắt, nằm dưới tán những cây trúc tạo thành một đường vòm mát rượi. Nhà của các anh kiểm lâm kiểu bungalow, nhìn ra một bàu nước tự nhiên, là nơi sinh sống của cá sấu nước ngọt duy nhất của Việt Nam. Đây là một dự án bảo tồn động vật hoang dã được chính phủ Hà Lan tài trợ. Khoảng 200 cá thể cá sấu nước ngọt đang sống dưới Bàu.

Bọn tôi đến giữa trưa nên cá sấu không lên bờ, nhưng thi thoảng thấy chúng ngóc đầu lên bơi dưới nước. Mượn ống nhòm của mấy anh kiểm lâm có thể quan sát rõ hơn, hoặc ngắm một chú chim lớn đang đứng nghển cổ săn mồi, có cái mỏ vàng ruộm và bộ lông cườm sặc sỡ. 

Bao quanh Bàu Sấu là một khu rừng xanh ngút tầm mắt, gần hơn là những vạt cỏ mơn mởn hay hoa dại nở tưng bừng, nhìn đẹp mắt như ở một xứ thanh bình nào đó ở châu Âu.

Bàu Sấu là 1 trong 19 nơi đặt trạm kiểm lâm của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên nên dịch vụ du lịch không phát triển. Dân ta thường trekking vô đây chơi vài tiếng thì ra, dân backpackers của Tây vô thường ở lại, ngủ trong mấy cái nhà chòi có view nhìn ra Bàu, buổi sáng sớm ngắm bình minh hay chiều muộn ngắm hoàng hôn thì phải biết.

Bọn tôi đi ngày thường, lại không đặt trước nên vô đến nơi không có gì ăn, được mấy anh kiểm lâm nấu cho mấy gói mì tôm và uống một lon cocacola, nằm lăn ra ngủ hoặc hóng mát rồi đi ra. Ở đây cũng không có sóng điện thoại, tất nhiên các dịch vụ internet cũng không có nốt.

Đi Nam Cát Tiên mùa khô cũng được cái không lo bị vắt cắn, lối đi giữa rừng cơ man nào là nấm dại, bướm vàng bướm đen bay từng đàn, những chú chim đuôi dài sặc sỡ chuyền cành...

Nếu đi Nam Cát Tiên 3, 4 ngày thì có thể đi trekking thăm cây si trăm thân có tán trùm lên cả một khúc sông, thăm thác trời, đi cano một vòng ngắm sông Đồng Nai, vườn thực vật, thăm cộng đồng làng Tà Lài, khám phá trung tâm cứu hộ linh trưởng, tour xem vượn lúc sáng sớm hay ở Homestay Đắc Lua cách trung tâm vườn khoảng 17 cây, trồng dâu nuôi tằm với người bản địa... Phải mất 3, 4 ngày hoặc một tuần mới đi hết được Nam Cát Tiên. Một nơi như thế này rất đáng để khám phá.

Lê Hồng Lâm
.
.