Chọn hoàng hôn hay chọn Dubai?

Thứ Hai, 17/07/2017, 07:57
Mấy tuần trước, tôi có một khoảng thời gian thực sự yên tĩnh và thoải mái ở hai hòn đảo tại Palawan, dù hành trình đi và đến hai hòn đảo này khá mệt nhọc vì phải đi chuyển đủ loại phương tiện, từ máy bay đến tàu biển, xe hơi. 

Palawan là một trong những hòn đảo lớn của Philippines, cách hòn đảo đang xảy ra chiến sự Mindanao vùng biển Sulu, nhưng nó hoàn toàn yên bình.

Ở quốc gia có tới hơn 7.000 hòn đảo này, riêng Palawan đã chiếm hơn 1.700 hòn đảo nhỏ. Tôi đồ rằng trong quá khứ, hàng ngàn đảo đá này phải được tạo ra từ những đợt phun trào núi lửa dữ dội và giống như cú đổ của những quân cờ domino nên đảo lớn đảo nhỏ có ở khắp nơi và chạy dài ngút mắt. 

Trên chuyến tàu nhanh 4 tiếng (tàu chậm đi mất 8 tiếng) nối Coron và El Nido, chỉ cần nhìn ra bên ngoài, bất cứ lúc nào cũng thấy những đảo đá nối nhau chạy dài trên biển.

Palawan dài và hẹp, một mình nó có tới 2 sân bay ở một đầu và trung tâm của đảo, nghĩa là nó rất lớn chứ không như hình dung ban đầu của tôi. Hai năm liền 2014 và 2015, Palawan được độc giả của tờ tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel & Leisure bình chọn là hòn đảo đẹp nhất thế giới (World's Best Island), vượt qua cả những hòn đảo nổi tiếng khác như Bora Bora, Maldives, Bali hay Santorini. Trải nghiệm một tuần ở đây khiến tôi hiểu vì sao nó lại đạt thứ hạng cao thế.

Một trong những ấn tượng mạnh nhất của tôi là nó quá sạch và quá đẹp. Hai thị trấn để kết nối với những hòn đảo thiên đường là Coron và El Nido, đều có 2 sân bay quốc tế để đón du khách từ khắp nơi đổ về. Chúng đều mang vẻ đặc trưng của những thị trấn hải đảo và ven biển, hơi xô bồ, hơi nhếch nhác và kém phát triển. Internet rất chậm và cơ sở hạ tầng không mấy phát triển.

Có những bãi biển đẹp ngất ngây, nhưng đường đi vào thì bùn lầy và ổ voi ổ gà dằn xóc kinh khủng. Nhưng tôi đồ rằng đây là một chủ ý để họ gìn giữ sự "nguyên bản" và không để du lịch bê tông hóa vẻ nguyên sơ của những hòn đảo này.

Dù các thị trấn ven biển không mấy sạch đẹp, nhưng chỉ cần lên những chiếc thuyền theo các tour du lịch trong ngày hay cắm trại ngủ lại qua đêm ngoài các hòn đảo hay những bãi biển biệt lập, cả một thiên đường mở ra trước mắt với màu xanh ngọc, xanh lục bích, xanh đến lóa mắt của màu nước biển. Những hòn đảo đá dày đặc còn tạo ra những cảnh quan độc đáo, đặc biệt nhất là những lagoon. Lagoon là một dạng những hồ nước biệt lập được quây tròn bởi những đảo đá, trở thành một chốn bí ẩn giữa biển khơi. 

Ở Coron có twin lagoon, tức là hai hồ nước lớn được nối với nhau bằng một đường bơi hẹp, bao quanh bởi những núi đá và cây xanh tươi tốt mọc trên đá. 

Ở El Nido thì vừa có small lagoon vừa có big lagoon lại có cả secret lagoon; những nơi chốn thần tiên ẩn mình giữa biển khơi để du khách khám phá. Những bãi biển cát trắng phẳng lì và không một gợn sóng cũng được tạo ra bởi những núi đá trên biển. Các điểm ngắm san hô, ngắm từng đàn cá đủ màu sắc tung tăng bơi lội, những con sao biển, sứa cũng dễ dàng được tìm thấy trong các tour du lịch phổ biến ở hai hòn đảo này. 

Chỉ cần đăng kí tour, lên thuyền và ra khỏi bờ khoảng 1 tiếng, thuyền dừng lại, chỉ cần đeo kính lặn và nhảy xuống biển, lần lượt các thiên đường, các "vương cung thánh đường" dưới đại dương được mở ra cho chúng ta khám phá. Ở Coron còn có một điểm độc đáo mà hiếm nơi có là du khách còn được lặn để ngắm những chiếc tàu đắm. Đây là những chiếc tàu lớn của Nhật bị chìm trong Thế chiến thứ 2. 

Trong một quán bar ở Coron, tôi đọc được thông tin có đến 8 chiếc tàu chiến của Nhật bị chìm ở Coron trong năm 1944, giai đoạn cuối của Thế chiến 2. Và xác của những chiếc tàu đắm này trở thành một trong những điểm thu hút du khách đến với Coron.

Cũng tại hòn đảo Coron, một hồ nước ngọt tự nhiên mọc ra giữa biển khơi, đó là Barracuda Lake, với màu nước xanh ngọc, được tạo ra bởi những núi đá nằm trên cao và cách với một hồ nước biển mặn cũng có màu xanh nhức mắt khác một lối đi lên và xuống khoảng 200 bậc thang. Cứ tưởng tượng giữa biển khơi có một hồ nước ngọt được tạo ra bởi những dòng nước mưa và mạch nước ngầm giữa các đảo đá, thật kỳ lạ biết bao.

Nhưng như tôi nói từ đầu, ấn tượng hơn cả là chúng rất sạch. Cho dù du khách quốc tế đổ về Palawan ngày càng đông và những chiếc thuyền du lịch đưa khách đến các điểm nổi tiếng phải chen chúc để tìm điểm đậu, trong suốt một tuần ở đây, hầu như tôi không thấy bất cứ một cọng rác nào chứ đừng nói là vỏ chai nhựa trên biển. 

Các bữa ăn đôi khi neo thuyền giữa biển, xung quanh cá tung tăng bơi lội hay lên một bờ biển giữa đảo để ăn trưa, các tour guide kiêm lái thuyền kiêm phục vụ dọn dẹp sạch sẽ và phân loại rác theo các loại khác nhau, không có bất cứ một thứ gì lọt xuống biển. Mỗi ngày có hàng ngàn khách du lịch đến và đi, cuối ngày trả lại cho những hòn đảo, những bãi biển, những lagoon màu xanh thiên đường như nó vốn có.

Tôi nghĩ để có được ý thức này, người Philippines phải chấp nhận một thứ "thiết quân luật" về bảo vệ môi trường. Ở cái resort biệt lập tôi ở trên một hòn đảo ở Coron cho đến một suối nước nóng (Hotspring) gần một cửa biển, nối với rừng cây ngập mặn, đều phải được cấp chứng chỉ "Enviromental Compliance Certificate" của Cục Bảo vệ và Quản lý Môi trường và các Di sản Thiên nhiên. Các du khách khi đi thăm quan các điểm du lịch đều phải đóng một khoản phí nhỏ để bảo vệ và duy trì sự sạch đẹp của môi trường biển.

Việc bảo vệ biển và môi trường biển còn cho thấy ở cuộc đấu tranh không khoan nhượng của Philippines với Trung Quốc về Đường Lưỡi Bò. Từ việc kiện ra tòa án quốc tế đến các cuộc biểu tình rộng khắp, người Philippines có vẻ như không hề nao núng trước một đối thủ lớn hơn họ gấp nhiều lần. Điều này cũng được thể hiện ở quốc tịch của du khách khi đến Philippines. 

Trong một tuần ở đây, gần như tôi không thấy du khách Trung Quốc, vốn rất dễ nhận diện bởi đi theo đoàn đông, ồn ào ăn to nói lớn và thường đổ xô đến những điểm nổi tiếng về du lịch. Khách du lịch đến Palawan chủ yếu là khách Tây hoặc khách bản địa, đi theo các cặp đôi. 

Phải chăng việc gìn giữ và bảo vệ biển khiến người Philippines sẵn sàng từ chối những nguồn lợi nhuận lớn trước mắt để bảo toàn đường bờ biển, đại dương mà cha ông họ đã gìn giữ bao đời nay?

Ý thức và việc bảo vệ môi trường không chỉ đến từ các chính khách, mà điển hình là những biện pháp cứng rắn của ông tổng thống Duterte, từ các chiến lược ngoại giao quốc tế mà còn xử lý các vấn đề trong nước, từ cuộc chiến thanh trừng ma túy đến cuộc chiến chống IS mới đây; mà còn là ý thức của những người dân đấu tranh cho quyền lợi của họ.
Những cảnh đẹp ở Palawan, hòn đảo đẹp nhất thế giới của tạp chí Travel & Leisure không chỉ bởi những khung cảnh thần tiên, mà còn bởi cách bảo vệ môi trường của người Philippines.

Manila là một siêu đô thị (mega city) mà nếu chỉ xét về số lượng người ở, nó đứng thứ 4 thế giới với hơn 20 triệu dân sinh sống. Cảnh kẹt xe là một ám ảnh khủng khiếp ở Manila và người Manila có vẻ như không muốn phải chấp nhận thêm một vấn nạn khác về môi trường. 

Trong suốt hơn 25 năm qua, cuộc chiến của họ với những nhà tư bản thân hữu về việc biến vịnh Manila trở thành một Dubai của Đông Nam Á chưa bao giờ thôi căng thẳng. Các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của muốn lấn biển và xây dựng 3 hòn đảo nhân tạo ở vịnh Manila thành một khu phức hợp thương mại du lịch đạt tiêu chuẩn 6 sao và gọi tên là Thành phố Mặt trời, một dự án đầy tham vọng để biến vịnh Manila trở thành Dubai.

Nhưng cho dù được chính phủ bật đèn xanh, ngay cả cái gật đầu của tổng thống mới lên Duterte, dự án này vấp phải cuộc phản đối gay gắt, những cuộc biểu tình liên tục của những nhà bảo vệ môi trường, người dân bản địa và quy hoạch đô thị, bởi họ cho rằng nó sẽ giết chết môi trường sống ở vịnh Manila và che mất một điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Manila của người dân ở đây. Và để phải chọn giữa một Dubai mới và một điểm ngắm hoàng hôn không mất tiền từ bao đời nay, họ sẵn sàng nói không với Dubai để chọn Hoàng Hôn.

Nhắc chuyện xứ họ xong nói về Việt Nam không khỏi chạnh lòng. Từ việc bảo vệ môi trường yếu kém, thậm chí tàn phá nó như vụ Formosa; cuộc đấu tranh còn nan giải với Đường Lưỡi Bò, du khách Trung Quốc ồ ạt đổ sang và phá nát cảnh quan môi trường biển đến việc các đô thị của chúng ta ngày càng bị băm nát bởi các dự án nhà cao tầng, cây xanh cổ thụ bị chặt phá tại Hà Nội thay mới và để làm đường, rồi đến các khu rừng, các hòn đảo với sự đa dạng sinh học như Sơn Trà, Bạch Mã, Cát Bà, Cù Lao Chàm... đang có nguy cơ bị phá nát cho thấy người Việt quá thờ ơ với vận mệnh đất nước và môi sinh của chúng ta.

Hoặc có, cũng chỉ là những cuộc đấu tranh qua loa chiếu lệ và chủ yếu là võ mồm, cho đến ngày chính chúng ta bị bịt kín và nhốt chặt trong những bức tường đô thị và những cơn nóng kinh khủng của hiệu ứng nhà kính như Hà Nội mấy ngày vừa qua.

Không cần phải đợi đâu xa nữa, giờ đây ở Hà Nội và Sài Gòn, đến cả đường chân trời cũng không nhìn thấy (bởi nó bị bịt kín hết rồi) chứ đừng nói đến điểm để ngắm hoàng hôn!

Lê Hồng Lâm
.
.