Đi bộ vào xanh thẳm

Thứ Sáu, 26/01/2018, 08:27
Con người thường quá ngạo nghễ về sự tồn tại của mình, đến khi bị nhấn chìm bởi sự thản nhiên của những điều vô tận.

Cánh rừng là cách để những con người hiện đại trốn đi một lúc khi kiệt sức vì bị xoay mòng mòng bởi đời sống lô xô tranh lấp ngoài kia. Tôi thấy hàng đoàn người tiến về núi, đi vào rừng. Họ như những chiến binh, ào ào binh giáp, đi tìm một khoảnh khắc đã mất mát từ lâu.

Họ nói về trekking ở những đoạn chiếu nghỉ giữa đường. Họ lôi từ túi áo ra những thanh kẹo chocolate bắt đầu chảy tan như mồ hôi trên bàn tay. Vẫn lao xao như sóng người cuộn trào tới cửa rừng, những đôi giày mang nhãn hiệu sừng sỏ gầm gừ đe dọa mặt đất dưới chân: Tôi sẽ chinh phục các anh, hỡi mặt đất trơn trượt.

Ngày càng nhiều người đi muốn vào rừng. Hay “trở về thiên nhiên” theo cách họ gọi. Được ngồi trên một khe đá cao vút, chụp một tấm ảnh vô tiền khoáng hậu. Được đứng trên chóp nhọn một ngọn núi phủ sương, và đứng nhìn xa xa về cuộc đời dưới chân. 

Được đứng quay lưng giữa hồ rộng dưới núi, và thể hiện mình đang tắm mát tinh thần giữa dòng nước tự nhiên. Cánh rừng im tịch hẳn. Ngọn núi chừng như cuộn mình ngủ say mất, chẳng thể chống cự gì với vô số loài người đang tràn tới và cuốn tất cả thời gian đi.

Có lần, khi đứng trong Navajo National Monument (công viên quốc gia), một chú sóc đi bộ qua lưng tôi, nhìn lên quả thông đang còn ẩn hạt, rồi trèo lên tiệm lại gần cành. Trên tờ giấy dặn dò du khách, tôi được yêu cầu không cho sóc ăn. 

Người đi cùng nói: “Nếu cậu cho sóc ăn, nó sẽ chỉ còn biết chờ những người như cậu đến cho ăn. Nó mất đi bản năng để trèo lên cành và tìm quả có hạt. Cậu đi rồi, nó sẽ chết đói” 

Hiện thực hóa ra biến đổi cùng với gót giày của tôi và sâu trong đáy mắt của chú sóc đang tò mò nhìn từ trên cao xuống. Nó làm thay đổi cá tính những chú khỉ tôi gặp trên cù lao ở Cần Giờ, ở An Giang, ở Bến Tre. Khỉ giật đồ của người. Khỉ tát trẻ con. Khỉ lỉnh qua và lấy mất trái cây. 

Con người thình lình xuất hiện, chìa ra một món gì đó, toàn bộ thiên nhiên rúng động. Thiên nhiên mỏng manh tới mức tưởng muốn sụp đổ sau một lần dập gót giày của người hiện đại hăm hở và lộn xộn.

Trong rừng quốc gia Hala Bala ở Thái Lan, chú chim hồng hoàng giống rhinocerous (hồng hoàng tê giác) giương đôi cánh đen thẫm khổng lồ to hơn một vòng tay người lớn lên. Chiếc mỏ màu đỏ tươi hung tàn như sinh vật giữ ngọn lửa trước trán, trong rừng mưa ở bán đảo Malay. Đôi mắt nó ngơ ngác nhìn. 

Người gác rừng chìa tay cho nó và nói: “Chúng tôi tìm thấy nó được nông dân nuôi trong nhà. Sinh vật tự nhiên không được nuôi nhốt nên rừng đưa lại về đây. Nhưng nó ở đây đã ba năm rồi, mở cửa chuồng cũng không bay đi. Nó quay về để xin ăn. Nó chưa bao giờ được dạy phải săn mồi” - 

Nó nhìn người gác rừng chờ đợi. Hình ảnh một con hồng hoàng khổng lồ lao xuống từ cành cây cao, quắp trên hai chân một chú chuột to giãy giụa giờ đang bị bôi xóa đi trước sinh vật đang đứng và xa lạ ngước nhìn thế giới ngoài cửa chuồng. Bàn tay con người chẳng có nanh vuốt gì. Nhưng nó xiết cổ và cười vào mặt tự nhiên.

Cuộc bước chân chạm vào tự nhiên thường kéo tôi qua những cung bậc kỳ lạ của sinh tồn. Những cánh rừng mùa khô tôi đi qua đâu đó ở Lào, Việt Nam thường yên lặng. Không có nhiều tầng lá. Không có quá nhiều hỗn loạn ẩn hơi bên dưới.

Chân dẫm xuống chắc nịch, cho đến khi bàng hoàng nhận ra trước mặt mình là một chú rắn đang ngẩng đầu nhìn đầy cảnh giác từ một ô hốc đá kín bưng nào đó. Và con suối mùa cạn giăng ra ở một đoạn nước chậm chạp, cho đến khi mạch mở rộng thành cả dòng thác khổng lồ đâu đó trong thinh không. 

Nước thác mùa hè trong suốt, lành như đứa trẻ chơi đùa. Hơi nóng ám vào thân khối đá, chạm chân vào như một lò lửa độ vừa xong cữ bếp. Chẳng một sinh vật ngoái nhìn. Người kể chuyện nói đường vào rừng quá dễ tới mức bất cứ ai cũng có thể trổ một đường mòn vào và xiết cổ những con thú nhỏ giãy giụa cuối cùng. Tôi thốt nhiên giật mình nhìn sinh vật mềm oặt nào đó trên tay người thu hái khi lái xe vào đây. 

Tôi thậm chí chưa biết tên nó là gì… mà đã kịp chết không được nhắc đến lần nữa. Còn bao nhiêu thứ mà con người chậm chạp như tôi sẽ mãi mãi không được nhìn thấy, vì cơn lốc người đã kịp cuốn qua đây và ăn sạch mọi tồn tại nơi này?

Rừng mưa ở Malaysia đưa mùi lá mục xộc lên, chen vào gió, cuộn lấy hạt hơi nước bám lưng chừng trời, và va vào cơ thể mình. Tôi hít một hơi đầy hương của vô vàn loại lá. Hơi nước thở chậm chạp len qua một chiều tà. Chậm chạp. Và tạo thành một làn hơi trắng phau vây lấy lưng chừng dọc đồi và vực sâu. Con chim hồng hoàng khổng lồ cắt ngang trời bằng một cú chao cánh đập vào gió mưa. 

Tĩnh lặng là một điều gì đó vô cùng xa lạ ở rừng mưa. Mọi thứ tôi chạm vào đều cựa mình. Mọi bước chân tôi găm lên đều đi kèm với cử động của sinh vật. Mọi hơi thở đều hòa nhịp với hơi thở khác.

Một người cô độc đứng giữa rừng mưa khi hoàng hôn có thể sẽ phát điên vì vô chừng thanh âm nổi lên như cuộc gầm gừ đào thải. Tiếng của chim chuyền cành và gửi tín hiệu cho nhau, vang như một bể phản âm vô định. Tiếng của khỉ rừng, vượn… tiếng của cây động, tiếng của heo rừng lầm lũi đi lại và xới tung đất mềm. 

Và tiếng của mưa. Những hạt nước dạt dào đổ xuống dai dẳng, rồi ngừng lại chốc lát, rồi lại dai dẳng xô đẩy không gian. Mưa ở rừng mưa không bao giờ dứt, hoặc giả vờ như ngừng một hơi thở cho đến khi kịp nhấn chìm kẻ xâm nhập xuống những vũng trượt chân hay một dòng thác đang ào ào đổ. 

Những con vắt tung mình từ cành cây xuống, kín đáo, câm lặng, hút đầy bụng máu và bấu chặt vào thân thể. Vô vàn vắt. Vô vàn côn trùng bé nhỏ chậm rãi đếm bước chân người và nhai nghiến kẻ xâm nhập đó bằng từng hành động làm kiệt cùng sức lực.

Những cánh rừng ở Bắc Mỹ đổi màu lá khi mùa hết thu và cái lạnh cứng ngắc, thô ráp bắt đầu chuồi qua từng ngọn cỏ. Con nai ngơ ngác đứng nhìn và chậm rãi bỏ đi sau một bước chân người theo gót. Sóc lớn chậm rãi đứng nhìn từ một tàng lá, rồi quay lưng chui vào một gốc cây mở. Không một con côn trùng nào. Cũng chẳng có cơn mưa để mình hút chết khi trượt ngang người xuống suối. Nhưng con người làm được gì nếu một chú gấu xuất hiện giữa bốn bề cây ngạt thở chừng này? - 

Người địa phương nói: “Tôi không biết. Có người chạy về hướng xe hơi của họ. Có người ở bìa rừng đóng cửa nhà lại nhốt mình bên trong. Chúng ta đang ở đây, xâm nhập vào chỗ ở của nó - vậy ta có thoát được không?” - Ông cười và đi tiếp sâu vào trong hoàng hôn tù mù đang làm những sắc lá lẫn lộn vào nhau. Rừng mùa đông có thể khiến ta mù hướng vì ánh sáng yếu ớt như một ngày tắt hẳn thời gian đi. Người du hành kiệt sức, nhìn từ một quãng núi cao thẳm xuống lá đỏ.

Có lần khi ngã xuống dòng nước đang chảy, tâm trí tôi trượt qua những con chim hồng hoàng đứng trong lồng, những chú gấu đứng nhìn lơ ngơ sau một trăm lần bị rút mật. Tôi quơ quào và thấy mình bị bẫy giữa cuộc vẫy gọi của rừng núi. Cánh rừng tiêu hóa tôi. Nó đang xiết lấy cổ tay và kéo tôi về phía nó. 

Cũng như những sinh vật kia bị con người tiêu hóa, khi họ cầm lấy chân cẳng chúng, gỡ trái tim khỏi cơ thể chúng, và vứt trả lại về cánh rừng sự què cụt tổn thương của những giống loài chưa kịp hiểu mình. Ta đã làm cho thiên nhiên trở thành một trò đùa, cho đến một nháy mắt, nó thò tay chụp lấy và tiêu hóa ta - như bất cứ con chuột nào đó rơi vào tay con chim hồng hoàng săn mồi dũng cảm.

Khi đứng dậy khỏi dòng nước, thân thể tôi lạnh buốt, bàn tay đang quầy quả một con vắt cong mình hút máu. Tôi nghe gió lay qua thở, tầng cây mục lao xao rướn mình lên nhìn. Tôi vứt chiếc máy ảnh vào balo. Tôi chẳng cần gì nhiều để mang khỏi nơi này. Cánh rừng là kết nối vĩ đại để tôi hiểu về sự vô nghĩa của bản thân mình. Tôi chẳng hơn gì một sinh vật đang đau đáu hút lấy nhựa sống của mình giữa xanh thẳm vô tận này.

… và khẽ cựa mình…

Khải Đơn
.
.