Trại Mát mùa mai anh đào

Thứ Ba, 13/03/2018, 13:10
Những bụi mưa lạnh li ti, nghiêng nghiêng phả trên gò má, nhưng trên cánh mũi tôi lại thoang thoảng hương hoa đậu lại. 

Mưa thơm. Một buổi sáng Đà Lạt đầy thơ mộng. Tôi hít hà, rồi lại phơi mặt ra cho những bụi sương xoa lên trán, lên môi. Một cảm giác tê ngọt trên làn da. Ai đó trong nhóm rủ đi Trại Mát, ngắm hoa mai anh đào, thế là mọi người đồng loạt giơ tay. Hơn nữa còn nghe nói ở đó có mận đỏ. Nghe đã thấy sướng rơn…

Về phố ga Trại Mát

Chúng tôi đi bằng con đường tàu hỏa ngắn nhất trên đời này, xuất phát từ ga Đà Lạt, vượt qua những con đèo, băng qua sườn dốc để tới phố Trại Mát (phường 11), chỉ chừng 8km. Mà tuyến đường sắt này cũng thú vị thật. Khi chúng tôi lên toa mới biết có gian bán cà phê giải khát. Lúc này bản nhạc Ai lên xứ hoa đào của Hoàng Nguyên vang lên qua tiếng hát êm như nhung của Khánh Ly, nghe mới thú vị làm sao. 

Lát sau, cô hướng dẫn viên mặc chiếc áo công nhân hỏa xa gọn gàng xinh xắn, mỉm cười nhìn chúng tôi, rồi kể lại câu chuyện về chàng nhạc sĩ đào hoa Hoàng Nguyên; khi lên đây dạy học và có những cuộc tình thơ mộng, với người con gái Đà Lạt ra sao. Cô còn nói, chúng ta đang đi trong xứ sở thần tiên hoa mai anh đào, cội nguồn cảm xúc của Hoàng Nguyên sáng tác tình khúc nổi tiếng của mình. 

Theo hướng tay chỉ của cô gái, những vườn đào hiện ra trước mắt chúng tôi, dọc hai bên đường đi. Tất cả sững sờ trước một màu hoa phơn phớt hồng, khoe sắc trên những vạt đồi, lấp loáng xa xa. Bỗng tất cả ồ lên khi con tàu đi vào giữa hàng cây hoa mai anh đào kéo dài, trên con đường tới ga Trại Mát. 

Cánh rừng điệp trùng những vườn hoa đào kéo dài tới ngã ba thị trấn. Đây cũng là nút điểm giao thông cho con đường quốc lộ từ Đà Lạt đi về hướng biển Nha Trang. Đó là Trại Mát mà chúng tôi vừa đặt chân đến.

Thực ra, theo như nữ sĩ Minh Hạnh (hội viên Hội Văn nghệ Lâm Đồng) nói, muốn săn ảnh hoa mai anh đào, thì chỉ có đến dốc Đa Quý nằm ở đường Xuân Thọ của trấn Trại Mát. Đó là con đường hoa mai anh đào đẹp nhất Đà Lạt. 

Đường hoa kéo dài như một dải lụa hồng, bồng bềnh trong sương bay. Hàng triệu triệu nụ hoa, giống như những búp lửa bập bùng sáng hồng trên mây. Đó là khi ánh bình minh chưa tỏa rạng. Hàng đoàn người đi xuống dốc như đang vào động hoa hồng. Lấp lánh trong hương thơm. 

Có lẽ chỉ ở Đà Lạt mới có cảnh huyền ảo, với những rừng hoa đào và đồi cỏ hồng, lung linh đến thế. Không gian kỳ thú tràn ngập sắc màu. Hơn nữa, hoa mai anh đào ở Đà Lạt có sắc hồng lung linh bởi là giống ghép giữa cành đào với gốc hoa mai, nên hoa khỏe bền, căng mọng với sự trong veo thuần khiết, chứ không sặc sỡ như giống hoa đào Nhật Tân, hay nhạt nhòa như hoa anh đào Nhật Bản. Mai anh đào là đặc sản của Đà Lạt là vì thế. 

Những giai điệu tình khúc còn vang đâu đây trên con phố đầy sương này làm chúng tôi xao xuyến mãi: “Ôi màu hoa đào, màu hoa đào như môi hồng người mình yêu. Ôi màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa. Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du…”.

Mai anh đào ở Trại Mát.

Khi đứng tại ga Trại Mát, hướng dẫn viên giải thích thêm, nơi đây xưa là trại nghỉ mát của vua Bảo Đại, dân gọi thành tên là khu Trại Mát. 

Bên cạnh đó còn có Trại Mận (hay còn gọi là mận Trại Hầm), nơi có nhiều trang trại trồng mận của dân bản xứ K’ho, dưới sự quản lý của ông lý trưởng tên là Hầm, trước đây. Tất cả mứt mận của Đà Lạt đều được chế biến tại vùng này nên có mùi vị khác hẳn mận nơi khác. Không chua quá mà cũng không ngọt quá, dễ ăn và trở thành đặc sản của Đà Lạt nhiều năm qua. 

Nghe thế, chúng tôi đã ứa nước miệng thòm thèm, rủ nhau ra chợ đầu mối, ở ngay trên phố. Con đường dốc ngược vào trong phố của Trại Mát còn hiện diện những ngôi nhà gỗ của dân bản xứ K’ho ngày nào. Một cõi xưa ấm cúng bằng gỗ thông, vẫn còn mộc bản với những vòm cửa lúp xúp, bên chậu hoa cẩm chướng. 

Đặc biệt, chung quanh là những vườn hoa cẩm tú cầu, cùng vạt cỏ hồng tạo nên bức tranh thủy mặc nhẹ như bay, trong mù sương tháng giêng. Con đường dốc trên phố mờ ảo, bên những quán hàng cùng ánh điện yếu ớt, chung chiêng trong gió. Bởi khi chúng tôi đến sương vẫn còn len cả vào nhà, ngủ im từng cụm trông như những con thú bông hiền lành ngoan ngoãn. 

Chợt thi thoảng, người lái tàu rúc còi phả khói lên trời như muốn đánh động con phố vẫn còn đang ngái ngủ. Nữ sĩ Minh Hạnh nói, khu Trại Mát y hệt những con phố Đà Lạt thuở ban đầu. Hoang hoải, mơ mộng với những rừng hoa...

Ngôi chùa kỳ lạ

Mãi đến khi ông lái tàu rúc còi lần thứ hai, phố Trại Mát mới như bừng tỉnh, vì những tia nắng đầu tiên rón rén trên khe núi từ phía xa. Và đó cũng là tín hiệu báo cho chúng tôi biết, đến thời điểm chúng tôi đi vào chùa Linh Phước hay còn gọi là chùa “Ve chai”, được xây từ năm 1949. Chùa nằm ngay trên con phố Trại Mát. Gọi là “Ve chai”, bởi lẽ chùa được xây ốp bên ngoài đều là chất liệu gốm, sành sứ và vỏ chai. 

Ngôi chùa có một không hai ở nước ta, với những kỷ lục vượt trội, ở độ lớn và chất liệu. Nữ sĩ Minh Hạnh là phật tử hay đi lễ chùa, nên rất rành về những câu chuyện ở nơi đây. Chị kể, chỉ lấy Long Hoa Viên trong chùa làm ví dụ, ta đã thấy sự kỳ công và nét tài hoa của những tăng ni, phật tử ở đây. 

Ở giữa Long Hoa Viên đặt tượng phật Di Lặc lớn, nhưng uốn quanh tượng phật là một con rồng bằng gốm sứ khổng lồ dài 49m. Riêng vảy rồng được tạc bởi 12.000 vỏ chai bia. Ngay trước mặt Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng cao 36m. 

Trong đó, có chiếc chuông lớn nhất nước hiện nay, cao 4,3m, đường kính 2,33m và nặng 8,5 tấn. Nữ sĩ Minh Hạnh còn dẫn chúng tôi đến chiêm ngưỡng bức tượng Quan Thế âm Bồ Tát được kết bằng 700.000 đóa hoa bất tử (đây cũng là một loại hoa đặc trưng của Đà Lạt). Tượng có chiều cao 17m, nặng 2 tấn hoa khô. Đây là bức tượng đoạt kỷ lục châu Á. 

Đáng chú ý bên cạnh chùa lớn Linh Phước, còn có vườn tượng và cây cảnh, bao gồm những tác phẩm quý hiếm. Trong đó có những tượng phật được tạc từ những cột cây gỗ hóa thạch lâu năm. Tác phẩm sống động, đầy thần thái là tượng Bồ đề Đạt Ma bằng gỗ sao lớn nhất được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác nhận, năm 2011.

Ngoài những kỷ lục về cấu trúc và vẻ đẹp của chất liệu sành sứ, nhưng có lẽ nét độc đáo nhất là bức tượng phật đặt ở giữa chính điện chùa Linh Phước. Đây là bức tượng bằng sáp đúc giống hệt người thật, chân dung của Đại lão Thượng Minh Hạ Đức (1901-1985). 

Người đến chiêm bái hay dâng lễ đều không khỏi ngạc nhiên, vì pho tượng hết sức chân thực với ánh mắt đôn hậu, hiền từ như ngoài đời. Những chi tiết như tóc, nếp nhăn, sống mũi, vầng trán giống hệt người thật.

Dường như dân Trại Mát đều nhớ và nhận ra ông ngay. Nhìn pho tượng mọi người ngỡ như ông đang còn sống, gần gũi như mọi ngày. Nhiều người còn nhớ đến hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức, xuất gia từ năm 17 tuổi, tu học ở Quảng Ngãi và rất tinh thông nho học, phật giáo. Ngài còn học thêm về đông y để cứu giúp phật tử và những con dân nghèo khó. Trải qua nhiều nơi, ngài được về trụ trì chùa Linh Phước từ năm 1957. 

Cho đến 1984, vì lí do sức khỏe, ngài trở về tổ đình Long Bửu để an dưỡng rồi qua đời tại đây. Đặc biệt vào tháng 2-2010, trong lễ di dời hài cốt ngài nhập vào tháp mới tại chùa Linh Phước, thì di hài của ngài vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm chôn cất. Chính vì thế bức tượng sáp chân dung ngài Thượng Minh Hạ Đức càng trở nên gần gũi thân thiết với hàng triệu phật tử mỗi khi đến dâng hương.

Tiếng kèn trên đồi thông

Sau buổi lễ chùa, chúng tôi lại nghe thấy tiếng còi tàu rúc lên một hồi dài, trong ánh hoàng hôn vàng như mơ ngủ. Ai nấy đều vội vã thu dọn túi xách để ra kịp chuyến tàu về trung tâm thành phố. Mới lửng chiều sương đã giăng kín lối. Người ta nói đó là mây hoa, bởi chúng lại ôm ấp những cành hoa xuân, như những chiếc khăn bông trắng. Trại Mát tạo nên cuộc chơi với mây bông là ở chỗ đó. 

Dường như không nhà nhiếp ảnh nào lên Đà Lạt không đến đây chụp ảnh mây. Đó là những chân dung mây hồn nhiên không bị phố phường che lối. Biển mây. Núi mây và rừng mây. Nhưng có điều bí ẩn chợt hiện đến. Đó là tiếng kèn lảnh lót từ phía đồi thông, bay bổng với giai điệu Đà Lạt hoàng hôn dịu dàng. 

Nữ sĩ Minh Hạnh nói đó là tiếng kèn trumpet của những nghệ sĩ đang chuẩn bị cho lễ hội hoa Đà Lạt sắp tổ chức chào đón xuân. Tiếng kèn mỗi lúc một quyến rũ hơn. Có lẽ ai cũng đã từng nghe hoặc biết bài hát này. 

Mấy bạn trẻ nổi cơn hứng họa theo lời ca: “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ. Màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ. Từng đôi đi trên phố vắng, bước chân êm giữa không gian, hoàng hôn thua màn đêm…”.

Và chỉ mươi phút sau, những vườn cây hoa trong nhà kính bỗng bừng sáng, lung linh như một trời sao. Ôi! Chà…chà…! Đúng là một ảo giác về những thung lũng ánh sáng hiển hiện trước mặt chúng tôi. Nữ sĩ Minh Hạnh gọi đó là những nông trại đom đóm. Chỉ có ở Trại Mát mới quan sát hết những nông trại hoa kéo dài từ thành phố đến tận dãy núi Lang Biang. 

Cứ vậy đoàn tàu đi trong sương bay và ánh sáng nhấp nháy như những chùm nho chín. Và bất chợt, dãy hoa đào bên dốc Đa Quý hiện ra, trong những chùm ánh sáng như thế. Chúng tôi lặng đi, mặc dù muốn thét lên vì niềm vui khó tả, với sự kỳ diệu của những cành hoa mai anh đào đang ngoái lại mỉm cười.

Vương Tâm
.
.