Thương ngút ngàn sóng vỗ khơi xa

Thứ Bảy, 05/05/2018, 07:27
Chiều sẫm ra boong tàu đứng, nhìn đàn cá chuồn bay quãng xa giữa trùng khơi, biển một màu xanh tím. Chưa bao giờ cảm nhận mình yêu đất nước nhiều đến vậy, chưa bao giờ cảm nhận rõ ràng tình cảm dành cho biển đảo của quê hương nhiều đến vậy.


Biển của nước mình, con sóng của nước mình, từng cụm đảo chìm đảo nổi của nước mình.

Cơn gió thổi đọng muối trên da, cái nắng đại dương sạm mặt, những cơn sóng trắng muốt dưới thân tàu. Chưa bao giờ hiểu rõ được sự linh thiêng của cương thổ quốc gia vào thời điểm đó.

1. Tàu chạy mãi gần hai ngày hai đêm thì đến Song Tử Tây.  Song Tử Tây đẹp và bình yên quá so với tưởng tượng của mình. Dĩ nhiên, muốn có bình yên bao giờ cũng phải nâng cao cảnh giác. Uống chén trà nóng tinh sương dưới những tán cây tra trên đảo, nói vài câu chuyện với cán bộ chiến sĩ, trông con chim trĩ con gà tre mà chiến sĩ nuôi để đỡ nhớ đất liền trong lồng sắt, có xíu xiu đó thôi mà tự dưng thấy cảm động khôn cùng.

Mình sinh ra ở nhà quê, lớn lên đi học rồi mưu sinh chốn thị thành. Mấy mươi năm từ hồi biết đọc cho đến giờ chỉ biết biển đảo của đất nước qua sách báo, qua hình ảnh, qua những clip trên truyền hình hay trên mạng internet. Hồi nào đó thấy vòi rồng của phương Bắc phun xịt vào tàu kiểm ngư của nước mình, thương đến bật khóc, uất ức đến bật khóc.

Bây giờ được ngồi đây, ngồi không có nghĩa như những buổi sáng ngồi trên ghế trong phòng làm việc hay phiếm chuyện trong quán cà phê, ngồi ở nơi này, ngồi ở vị trí mà chủ quyền thuộc quốc gia mình là vĩnh viễn, không gì có thể thay đổi hoặc xuyên tạc được, cảm giác khác biệt vời vợi lắm.

Chiến sĩ trên đảo da ngăm đen gió sạm, duy có đôi mắt lúc nào cũng tinh anh và cái miệng hay cười, răng trắng muốt. Những chiến sĩ đến từ vùng quê nghèo ở Thanh Hóa ở Quảng Bình hay từ chốn phồn hoa như Sài Gòn, những chiến sĩ vững tay súng cho trời biển vững bền.

Ở Song Tử Tây, mới quá vãng mươi năm trước chiến sĩ còn ở nhà ghép, nắng thì nóng mưa thì dột, nay đảo đã có đủ đầy mọi thứ, từ nhà kiên cố cho đến sân vận động, nơi dâng hương Đức Thánh Trần, chùa chiền, nhà dân… Đảo có điện, có trạm y tế, mà trình độ chuyên môn của các bác sĩ đủ sức đáp ứng (thậm chí, là những căn bệnh nguy hiểm ngặt nghèo).

Phải đến những đảo của nước mình thì mới hiểu được trạm y tế trên đảo quan trọng như thế nào, không chỉ với chiến sĩ và người dân trên đảo, mà ngay cả với những ngư dân khi trú tàu vào ngày biển động, khi không may gặp biến cố giữa khơi xa.

Hôm ở Trường Sa Lớn, mình chứng kiến cảnh ngư dân Bùi Tấn Sinh đang câu mực thì bất ngờ bị đột quỵ, anh em bạn thuyền vượt 150 hải lý, tàu chạy cả đêm để đưa ngư dân này đến được trung tâm y tế của Trường Sa Lớn. Bác sĩ sau khi cấp cứu tạm thời đã xin lệnh để đưa ngư dân Bùi Tấn Sinh về đất liền tiếp tục chữa chạy. 

Ngay trong chiều hôm đó, trung tâm y tế của Trường Sa Lớn lại cấp cứu một trường hợp khác, ngư dân Lê Quang Phương bị tai nạn khi đi biển gãy xương ngón 3 bàn chân phải… Có trung tâm y tế trên những đảo lớn, ngư dân an tâm hơn khi đánh bắt thủy hải sản, cũng có thể gọi là an tâm bám biển.

Trưa vắng, mình lang thang đến nhà những hộ dân trên đảo để trò chuyện. Nhà mát, vừa gió biển vừa gió quạt, tivi rì rầm một bộ phim truyền hình, những đứa trẻ đang ngủ. Chị chủ nhà kể về những hôm đầu tiên theo chồng ra đảo, nhớ đất liền nhớ người thân khóc suốt, nhưng lâu dần quen, quen rồi thương lúc nào không biết. Hỏi ở đảo buồn vui ra sao, trả lời mọi thứ đều ổn cả. 

Trên đảo có trường học, có thầy giáo tận tụy truyền bá kiến thức cho bọn trẻ, có đỡ đần cưu mang giúp đỡ quân dân, có vợ chồng sớm tối thủ thỉ chuyện trò… 

Mọi thứ bình yên như lá cây tra vậy, cái lá tròn tròn tán mát rười rượi, thích lên có thể ăn thay lá sung, làm nem hay cuốn thịt heo chấm mắm, ăn riết nghiện lúc nào không hay.

Tối, mình ăn cơm ở nhà dân trên đảo. Bữa cơm có thịt chiên cháy cạnh, có canh rau, có tôm hấp, có cả con mực khô loại một, vừa dầy vừa dài, ăn lạ miệng và thật ngon. 

Có những câu chuyện trong bờ ngoài đảo, chuyện nào cũng thương, chuyện nào cũng ngọt vị như ly trà mình uống ban sáng. Người dân trên đảo quý khách đến thăm đảo, nồng hậu như nụ cười của chiến sĩ ấy, là tình đồng bào, là tình đoàn kết của người trong một nước, chắc chắn phải là như vậy.

Vì chỉ có sợi dây vô hình thiêng liêng ấy mới có thể kết nối người ta nhanh chóng đến vậy mà thôi.

2. Nam Yết, đứng thật lâu trước ngôi chùa Nam Huyên, một không khí thanh tịnh và dễ chịu, gió phóng khoáng thổi lộng muôn phương. Thầy trụ trì trao cho nén hương lạy Phật, Phật ngự khói hương trên đảo hay Phật ngự khói hương trên đất liền có gì khác nhau không, có lẽ là không. 

Chúng sinh trong mắt Phật đều bình đẳng, chỉ là nơi mà những cành san hô bé xíu, từng hạt cát bé xíu vẫn không ngừng nghỉ bồi đắp cho biển đảo nước mình, thấy Phật cũng sừng sững hơn. Là vì mình thấy vậy, trong bối cảnh ấy bằng cảm xúc ấy, phóng đại không phải là thói quen khi viết của mình.

Nam Yết, năm ngôi mộ liệt sĩ nằm dưới bóng râm của đảo. Những người con kiêu dũng của trời Nam, gửi lại thanh xuân của mình cho đảo, gửi lại thanh xuân trả món nợ núi sông. Đó là Công ở Thái Bình, là Hà ở Nghệ An, là Phương ở Khánh Hòa… những chàng trai sinh năm 1990, 1995… 

Những chàng trai không hẳn nhiên không cần tôn vinh qua những ký tự, qua những sơn son thiếp vàng đá tạc bia ghi, những chàng trai không bao giờ chối bỏ sứ mệnh của mình khi tổ chức giao phó đến những tuyến đầu của Tổ quốc, những chàng trai nằm lại với sóng biển bạc đầu cho cương thổ vẹn nguyên.

Ở đảo chìm Tốc Tan B, trước cổng đảo là bàn thờ thờ bốn liệt sĩ hy sinh năm 1988, các anh ở lại nơi này lâu lắm rồi, từ hồi bồi đắp xây dựng đảo. 

Đồng đội có gì cũng nhớ các anh, trái cây mới mang từ đất liền ra hay thẻ hương mới bóc giấy. Thương các anh, đồng đội làm rèm che cho các anh đỡ nắng gió hay mưa giông, rèm che được sơn màu xanh, màu xanh của biển.

Ở Trường Sa Lớn, là Tuấn, sinh năm 1988, hy sinh năm 2010, quê Thanh Hóa. Là Nghĩa, sinh năm 1986, ở Nam Định… những liệt sĩ nằm lại trên đảo.

Tàu hướng về Gạc Ma, làm lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến giữ đảo năm nào. Trong âm vang của Hồn Sĩ Tử, hướng nhìn về Gạc Ma, nước mắt mình rơi như mưa. Hoa cúc vàng rải theo sóng biển, thương tiếc các anh đến dường nào.

Tàu hướng về Nhà giàn, tưởng nhớ các anh đã hy sinh trong các cơn bão tố khi xây dựng nhà giàn. Những hy sinh trên biển, những hy sinh để khẳng định chủ quyền quốc gia nhiều lắm, thương lắm mà bi tráng lắm.

Như khi nhìn hoa trôi trên biển, bâng khuâng mãi về những mái tóc, những khuôn mặt, những nhớ nhung quê nhà mà các anh đã mang theo mãi mãi, hình dung thôi đã xa xót lắm rồi.

Như khi qua Đá Nam, Đá Thị, Phan Vinh... thương những toà nhà màu vàng đậm sừng sững giữa biển khơi. Thương cái màu xanh trong quanh đảo mà mấy anh hải quân gọi là hồ. Thương con ốc nhảy, thương con cá bò, con tôm hùm. Thương cả cây cầu nối liền hòn đảo nhỏ này với hòn đảo nhỏ kia. Thương cả cái thè lưỡi của mấy con chó theo chiến sĩ canh gác.

Chùa trên đảo Song Tử Tây.

3. Ra đảo, ai mà không mang theo nỗi nhớ thương đất liền. Nghị kể cho mình nghe về những lần nói chuyện cùng con gái lớn, con gái Nghị 7 tuổi, Nghị hàm Trung úy.

Con gái hỏi Nghị: “Bố ơi, thứ sáu rồi, bố về chưa?”. Nghị trả lời: “Con đếm mười thứ sáu nữa, bố về nghe con”. Rồi Nghị khoe con gái Nghị thương bố lắm, con gái biết bố vui khi con gái gọi điện thoại về quê nói chuyện với ông bà nội, nên hầu như ngày nào con gái cũng gọi điện thoại nói chuyện với ông bà.

Nghị nhớ con, thương vợ. Vợ Nghị vừa chăm con gái lớn vừa chăm con gái nhỏ mới ba tháng tuổi, nhà neo người nên mỗi vợ Nghị lo. “Mình cũng phải an ủi vợ mình cố gắng, anh ạ. Chính mình cũng phải cố gắng nhiều, chứ ai mà không nhớ vợ nhớ con khi ra đảo xa”.

Ở Len Đao, Tiến kể cho mình nghe những câu chuyện ở miền quê Tuyên Hóa nghèo khó, Tuyên Hóa là huyện của Quảng Bình, năm bão lũ về gần như mất trắng.

Chớm Chạp, những ngày sắp Tết, Tiến tranh thủ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa phụ vợ rồi lên đường ra đảo làm nhiệm vụ. Con gái năm tuổi biết Tiến sắp đi, cứ ôm rịt bố. Tiến trò chuyện với con, “rồi mình phải lừa con để đi chứ không con khóc thương lắm anh”, Tiến kể vậy.

Tiến ra đảo gọi điện thoại cho con gái, con gái giận vì bố đi biền biệt hoài. Tiến phải năn nỉ mãi con gái mới nguôi, con gái nguôi giận thì mới chịu nói chuyện với Tiến.

Nghe Chiến sĩ tâm sự về nỗi nhớ con giữa muôn trùng gió, giữa cái mằn mặn trên môi, giữa biển đảo quê mình, thấu hiểu những điều phải mạnh lòng vượt qua của các chiến sĩ mà không phải ai cũng nhìn thấy hết.

4. Mười mấy ngày qua mười mấy đảo, là mười mấy lần nghe tiếng còi tàu chào đảo mỗi khi tiếp tục chặng khởi hành.

Những tiếng còi tàu dứt khoát mà luyến lưu, những lần rẽ sóng mà ngập tràn ký ức, cứ nhớ hoài giọt nước mắt khi nghe, “Trường Sa vì cả nước” và lời hồi đáp, “Cả nước vì Trường Sa”.

Thương cả tiếng còi tàu, thương con sóng vỗ, thương biển đảo quê mình, thương chiến sĩ thương người dân trên đảo, thương từng hàng cây ngọn cỏ mẩu san hô hay hạt cát, thương cả vị mặn của con sóng lưu ngụ trên cánh tay mình.

Ngô Kinh Luân
.
.