Ngất xỉu ở Tso Moriri

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:57
Leh với những con đường đẹp như không tưởng. Mỗi lần ngắm nhìn lại nó, tôi luôn mơ về tuổi trẻ của mình và những chuyến đi xa.

Vượt qua Khardung La, đỉnh đèo cao nhất thế giới, tôi thấm dần cái lạnh. Xuất hiện dấu hiệu sốt nhẹ và sổ mũi. Môi nứt nẻ, da bóc từng mảng dù bôi vaseline đều đặn. Nước mũi thì chảy không ngừng. Tầm vài tiếng một lần, tôi phải xì mũi để đẩy đống nước mũi ra nếu không muốn nghẹt thở. Niêm mạc mũi khô nứt tự chảy máu. Da môi đỏ rát. Thôi cố nghĩ đến những cảnh đẹp thiên đường hạ giới mà quên đi nỗi đau thể xác này. Cố lên! Cố lên!

Tối hôm đó chúng tôi được ngủ ở nhà Jigmat. Anh sống cùng mẹ và em gái. Mẹ anh linh hoạt lắm. Người ở núi cao vận động nhiều, môi trường sống trong lành nên trẻ lâu. Mẹ anh cho chúng tôi uống thử loại trà bơ nóng. Tôi nhấp thử một ngụm, nghe vị béo vì trên bề mặt tách trà có một lớp bơ bóng mịn. Cả đoàn ai cũng thấm mệt, mỗi người chọn một góc ấm áp nhất rồi rúc vào đó ngủ một mạch cho tới sáng hôm sau.

Con đường hoang hôn ở Leh.

Chúng tôi lên đường từ sáng sớm. Jigmat bảo hôm nay sẽ tới hồ Tso Moriri. Đây là hồ nước lớn nhất trên núi cao ở Ấn Độ, cao 4522m. so với mặt nước biển. Chiều dài hồ khoảng 25 cây số vuông, rộng từ 3 đến 5 cây số, một hồ nước khổng lồ mà tôi từng được thấy. Hầu hết các hồ trên dãy Himalaya là thượng nguồn của những con sông lớn ở Ấn Độ, trong đó có sông Hằng. 

Nhưng riêng Tso Moriri là một hồ nước kín. Có một lối thoát nước xuống các vùng thấp hơn ở phía nam của hồ nhưng đã bị lấp lại một cách tự nhiên. Tso Moriri chỉ nhận nước từ các con suối nhỏ trên núi chảy xuống, chứa tràn trong lòng mình và giữ ở đó. Mùa đông, cả mặt hồ sẽ đóng băng, vào xuân băng tuyết dần dần tan ra, mới thấy được mặt nước trong xanh màu ngọc bích.

Xung quanh hồ có ngôi làng nhỏ độ trăm nóc nhà. Những ngôi nhà nhỏ thấp lè tè tránh gió, xây theo kiểu Tạng, vách bằng đá tảng hoặc gạch nung ghép lại thành từng khối chữ nhật, mái đắp bằng đất nện. Dân làng ở đây mở dịch vụ homestay cho khách du lịch.

Chân dung bà chủ nhà trọ bên hồ Tso Moriri.

Chúng tôi được ở trong nhà của một cụ già khoảng 70 tuổi. Jigmat đã mang theo hai bình thở oxy phòng trường hợp có ai cần. Không khí ở đây quá lạnh. Tôi gắng hết sức khiêng vali lên phòng nghỉ, cảm thấy không còn chút sức lực nên đành nằm xuống. Căn phòng nhỏ có cửa sổ kính nhìn ra bờ hồ, xa xa là dãy núi. 

Những tia nắng chiều vàng như mật đang rải lên chóp núi một mảng màu hổ phách hoàn mĩ. Mặt hồ xanh biếc màu ngọc bích. Đồng cỏ trải dài với đàn ngựa đang gặm cỏ. Tôi thèm thuồng được lao ra đấy, nhưng cơ thể tôi không cho phép. Lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác mình bị xác thân này cầm tù. Thiên đường trôi qua bên khung cửa sổ, tôi nằm, với tay chụp vài tấm ảnh qua ô cửa, như một cố gắng cuối cùng trước khi chìm vào giấc ngủ.

Tối đó sau khi dùng bữa xong, không khí thật nặng nề và ảm đạm. Một anh trong đoàn bất tỉnh, cần thở oxy. Chúng tôi chia hai phòng ngủ chung với nhau vì chỉ có hai bình oxy. Phòng bên kia dùng một bình rồi. 

Đêm dài và tịch mịch, do uống nước nhiều nên tôi phải đi vệ sinh liên tục. Mà việc đi vệ sinh trong hoàn cảnh thời tiết lạnh như băng và tối tăm như vậy quả là cực hình. Đêm khuya lại bị cắt điện. Tôi nằm trong bóng tối đặc quánh, trùm mền lên tận mặt. Cơn khó thở ngày một đến gần hơn, rõ rệt hơn bao giờ hết. Tôi vật lộn với chính mình, tập lối thở sâu và chậm của yoga để lấy nhiều oxy nhất có thể. Tôi bắt đầu mệt lả, như mắc kẹt trong khe núi, bức bối không lối thoát.

Các sư thầy đang vẽ Mạn đà la (Mandala).

Tôi lấy hết sức ngồi dậy, chầm chậm qua phòng Jigmat, ra hiệu là tôi không thở được và cần dùng bình oxy gấp. Jigmat đang ngủ như chết. Ôi, đúng là dân bản địa có khác! Jigmat lồm cồm bò dậy, chạy qua phòng bên cạnh lấy bình oxy và hướng dẫn tôi dùng. 

Tôi an vị trên giường, bảo Nhị và Tùng đang ngủ cùng bật đèn điện thoại lên để cho tới sáng. Tôi đặt ống thở sâu vào mũi, cầu nguyện đức Bồ Tát phù hộ cho tôi vượt qua khó khăn này. Dần dần cảm giác dễ chịu cũng đến nhờ oxy tiếp vào cơ thể. Tôi bình tâm, chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau, tôi nhớ loáng thoáng trong giấc mơ tôi đã gặp một vị thần mũi dài như mũi voi, có màu xanh sặc sỡ. Sau này tra Google mới biết Ấn Độ giáo có một vị thần đầu voi mình người là Ganesha, tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati. Tôi không phải là người có khả năng tâm linh phát triển. Thật sự tôi nghi ngờ bản thân khi ấy lo lắng quá, suy nghĩ thái quá nên có thể hoang tưởng. 

Nhưng tại sao không thấy một ai khác mà lại là vị thần này của Ấn Độ? Nhưng rồi tôi cũng không việc gì phải chất vấn bản thân. Chỉ biết rằng ừ mình đã thấy được hình ảnh đó, mình đã cầu nguyện thành tâm và Ngài đã đáp lại những lời thì thầm của mình. Vậy là quá đủ.

7h sáng hôm sau, chúng tôi lên đường về lại thị trấn. Trước khi đi, tôi tranh thủ chụp ảnh với hồ Tso Morri. Sáng hôm đó trời nắng rất đẹp. Bà chủ nhà trọ đãi chúng tôi loại trà truyền thống của người Ấn tên là Chai. (Trong thực đơn của Starbucks ở Sài Gòn tôi có thấy tên loại trà này, uống thử thấy vị rất giống với Chai của Ấn Độ, tuy đã làm nhẹ đi). Tôi có chụp một bức ảnh lúc bà chủ nhà bước từ ngoài vào. Ánh nắng buổi sáng chiếu ngược từ sau lưng và bà nở một nụ cười hiền từ, thánh thiện.

Trên đường về lại Leh, chúng tôi dừng chân chụp ảnh tại hồ Pangong. Những vệt trắng trên nền đất chính là muối tụ lại trên thành hồ vì đây là hồ nước mặn. Nước ở đây trong veo, phẳng lì như mặt gương khổng lồ.

Con đường tơ lụa.

Leh với những con đường đẹp như không tưởng. Mỗi lần ngắm nhìn lại nó, tôi luôn mơ về tuổi trẻ của mình và những chuyến đi xa. Khi ấy, tôi lại thấy tiếc nuối, ngay cả khi tôi vẫn còn đang trẻ. Dù gì đi nữa, tôi đang sử dụng quỹ thời gian của mình. Chẳng gì có thể ngừng trôi, nhất là những dòng sông và bánh xe thời gian.

Một buổi chiều, Jigmat dẫn chúng tôi vào tu viện nhỏ nằm trên một ngọn đồi thoai thoải. Nắng xiên xiên qua các tán cây. Mấy chú tiểu chạy qua chạy lại nô đùa trong sân. Tôi leo lên sân thượng, ngồi trên một bậc thềm, thả hai chân vào không trung, đu đưa. 

Trên bầu trời xanh ngắt kia, tôi bắt gặp một cánh chim, tự do đến vô cùng. Hành trình tìm thấy chính mình của tôi phải chăng như cánh chim kia, cô đơn nhưng cũng đầy kiêu hãnh. Tôi phải đủ can đảm để vươn mình ra vùng trời bao la nhưng đầy nghi ngại kia, phải bay mới biết mình là ai và mình muốn gì. 

Tôi có thể nhìn thấy đường đi của một cánh chim, nhưng thực sự nó chẳng để lại dấu vết trong không trung, nên mỗi người phải tự mình tìm lấy con đường chứ không thể đi trên con đường của ai cả, tuy đích đến là như nhau.

Tôi vào chánh điện, thấy các sư đang chăm chú vẽ một bức tranh khá to bằng cát. Jigmat giải thích đó là một bức Mạn đà la (Mandala). Mandala là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. 

Có thể coi Mandala là hình ảnh vũ trụ thu nhỏ, dịch nghĩa theo chữ Hán là "luân viên cụ túc", nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì Mandala là đàn tràng để hành giả bày lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyen…^.

Các sư thầy dùng thanh sắt rỗng có hai đầu hình phễu. Đầu to đựng cát màu, đầu nhỏ hơn để cho cát chảy xuống. Một tay cố định ống sắt, tay còn lại, các sư thầy gõ gõ lên thanh sắt mạnh hay nhẹ để cho cát chảy xuống ít hay nhiều theo ý muốn, tạo nên các hoạ tiết trên bức tranh. Việc vẽ Mandala diễn ra trong một không gian trang nghiêm, tĩnh lặng. Đó là một phép thiền định được thực hành mỗi ngày.

Tôi hỏi: “Vậy khi vẽ xong thì Mandala được trưng bày ở đâu”?. Jigmat bảo: “Họ sẽ vứt bỏ và làm một bức mới. Cứ như thế ngày này qua tháng nọ để tập phép buông bỏ. Họ tập vứt bỏ đi những thành quả lao động của mình, vứt bỏ vật chất bên ngoài cho đến khi lòng không còn nuối tiếc nữa. 

Cuộc đời là hư vô (nguyên văn Jigmat nói: Life is impermanent), vật chất rồi cũng biến mất, xác thân này cũng biến mất nên việc níu giữ chúng là một việc không cần thiết. Chính linh hồn của chúng ta mới là cái tồn tại vĩnh hằng, nên hãy cố công làm đẹp nó”.

Tôi choáng váng, nể phục sự hiểu biết của người dẫn đường. Có lẽ đây chính là điều tôi cần tìm khi đi đến vùng tuyết sơn này. Có lẽ đó cũng là một khoảnh khắc bước ngoặt, thay đổi suy nghĩ cũng như cuộc đời tôi về sau.

Từ trung tâm Leh đi về phía bắc khoảng 160km là thung lũng Nubra (Nubra Valley). Đây là một hoang mạc với những đụn cát trải dài. Thời tiết khô hanh và lạnh, chỉ có cây bụi nhỏ mọc lác đác trên núi đá bạc màu. Còn lại là đồi cát và lạc đà. 

Bầy lạc đà được nuôi để cho khách du lịch thuê, cưỡi một vòng ở rìa sa mạc cát rồi quay về. Còn lạc đà chuyên chở hàng hoá của người bản địa thì ít thấy. Bọn lạc đà rất to, cao gần 2,5m tính từ chân lên đỉnh đầu. Con nào cũng có lớp lông rất dày và mướt.

Nhóm chúng tôi chia làm hai tốp, thay phiên nhau, người cưỡi lạc đà thì người kia chụp ảnh để ai cũng có ảnh đẹp. Chúng tôi cưỡi lạc đà đi trên hoang mạc và tưởng tượng ngày xưa các thương nhân đã vận chuyển hàng hoá qua nơi đây. Có thể nói, đi trên “Con đường tơ lụa” là cảm giác thú vị khó tả mà ta nên thử một lần trong đời.

Tâm Bùi tên thật là Bùi Thanh Tâm, sinh năm 1985 tại Vị Thanh, Hậu Giang, đã tốt nghiệp khoa Đông phương học, ĐH KHXH&NV TP HCM. Anh từng tham gia sản xuất chương trình truyền hình, là một trong những travel blogger đầu tiên của Việt Nam.

Trích đoạn trên thuộc cuốn du kí “Bụi đường tuổi trẻ” của Tâm Bùi do Nhà xuất bản Kim Đồng mới ấn hành.

Tâm Bùi
.
.