Hãy cứ vui chơi cuộc đời

Thứ Sáu, 15/12/2017, 07:41
Có đôi lúc, chỉ viết lằng nhằng, tưởng dễ, nhưng lại không kịp thở. Viết này viết nọ, chẳng đâu vào đâu, cứ thế, ngốn hết một ngày.

Đã đến lúc cảm thấy quý từng giây, từng phút. Thì hãy nhìn xem, một ngày, đã làm được chưa? Đã vùn vụt vó ngựa thoáng qua. Phía bên ngoài cửa sổ, kìa, một bông hoa vừa rụng, một chiếc lá vừa rơi, một tiếng chim vừa vang ra đã im bặt. Một niềm vui vừa đến, chưa tận hưởng, đã tắt ngúm. Vậy nên, đã từ lâu, không còn những buổi sáng cà phê, tán gẫu cùng bạn bè; đã không thiết tha những buổi chiều ngồi đối ẩm là đà men say ngà ngà.

Thế cần gì?

Thú thật, chẳng rõ nữa. Chỉ biết mỗi ngày cắm mặt xuống bàn phím dù đã nhiều lần tự răn, ở ngoài cánh cửa mới là đời sống, sự sống, hãy níu lấy nó mà đu đưa phiêu bồng cùng năm tháng. Nhủ thế, nhưng lại quên. Vậy nhớ cái gì? Chẳng biết nốt. Đôi khi sự tồn tại của một đời người, đến lúc nào đó lại cảm thấy vô nghĩa lý quá.

Hãy cứ vui chơi cuộc đời/ Dù ngày mai em như chim bay/ Bỏ quên đây một người/ Hát bên trời gian dối/ Dù ta như con đường dài vắng người” (Trịnh Công Sơn). Chẳng phải gian dối đâu. Cảm hứng ấy, nó đến, trong khoảnh khắc ấy, nó có thật. Dù rằng, chỉ là một sự mộng tưởng, tơ tình đơn phương đã đến từ một phía.

Nghĩ thế vì rằng, trưa hôm qua nằm đọc lại tạp chí Văn (số 13.7.1973), chủ đề về 5 nhà văn nữ nổi tiếng của văn đàn miền Nam thuở ấy. Đọc vui vơ, cũng tựa như bước vào một nơi bán đồ cũ, thoáng thấy cái này, cầm lên cái kia. Rồi lại quên. Chẳng ai giữ gìn lại một kỷ vật đã cũ? Có thể có mà cũng có thể không. Chỉ biết rằng, Bùi Giáng là dân chơi thứ thiệt. Nào ngờ, khoảng thời gian đó, ông vừa hoàn thành tập Thơ đười ươi.

Không rõ vì sao, sau này không in? Đọc lại bài thơ, ông đã viết tặng Túy Hồng. Sinh hoạt nghệ thuật thuở ấy, có 2 Túy Hồng. Một, diễn viên kịch; một, nhà văn. Đọc thơ ắt nhận ra ông viết tặng ai: “Cô khép hai chân lúc lên đàng/ Cô cười nức nở ngửa nghiêng ngang/ Cô ở bên trời xa rộng quá/ Cô về mộng tưởng đỏ bừng trang/ Làm thơ lếu láo tôi ghi chép/ Cô Túy Hồng ơi đỏ một hàng/ Cô đọc giùm tôi tôi viết giúp/ Con người ngủ giữa rú rừng hoang”.

Đọc thêm một khổ thơ khác. Mà thôi. Lại nhớ về cô Túy Hồng kịch sĩ. Thời ấy, đang học tiểu học, y rất mê chương trình kịch có cô đóng, phát trên ti vi. Chẳng nhớ ban kịch này tên gì, chỉ nhớ lúc kết thúc thường có tiếng hát: “Thôi anh đi về đi, xa nhau rồi, thương nhau mà chi, năm canh dài nước mắt đìu hiu... Anh nhớ chăng ngày xưa, đôi ta nghèo…”.

Loáng thoáng nhớ. Và quên. Thật lạ, thời ấy, nhà văn có thể sống được vì họ có quyền lập nhà xuất bản tư nhân. Ngoài các ông Đông Hồ có Bốn Phương, Nguyễn Hiến Lê lấy tên mình đặt tên cho nhà xuất bản… Các “nhà văn trẻ” thuở ấy cũng không khác. Chẳng hạn, Nguyễn Thị Hoàng có Hoàng Phương Đông; Nguyễn Thị Thụy Vũ có Kim Anh, Kẻ Sĩ; Nhã Ca có Thương Yêu, Nhật Tiến có Huyền Trân…

Hiện nay, một loạt tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vừa được NXB Hội Nhà văn tái bản: tiểu thuyết Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang, Chiều xuống êm đềm, Như thiên đường lạnh, Ngọn pháo bông, Cho trận gió kinh thiên; tập truyện ngắn Lao vào lửa, Mèo đêm, Chiều mênh mông. Với y, tiểu thuyết hay nhất của Thụy Vũ vẫn là Khung rêu, Cho trận gió kinh thiên; truyện ngắn hay nhất là Lòng trần.

Thêm nữa, y rất ngạc nhiên, không hiểu sao Giải thưởng Văn học miền Nam năm 1971 lại trao cho tiểu thuyết Khung rêu của bà? Có lẽ họ trao vì giá trị đích thực của văn chương hơn là xét về “quan điểm chính trị?”.  Bởi lẽ các tuyến nhân vật, sau Cách mạng tháng Tám (1945) đã thật sự thay đổi ghê gớm. Người nông dân bần cùng đã đứng lên lật đổ điền chủ, làm chủ vận mệnh.

Hãy nghe Đực, một “bần cố nông” trả lời lúc ông Phủ đi thâu lúa ruộng: “Ông hãy quay ghe về ngay. Nếu không vị chút tình nghĩa cũ, tui đã ám hại ông rồi. Tất cả ruộng đất của bọn tay sai cho Tây đều được chia cho dân nghèo hết rồi. Ông đừng có mong còn một hột lúa cho chim ăn, một thẻo đất cho chó ỉa nữa”.

Từ năm tháng đó, gia đình một ông Phủ: “một ngàn rưỡi mẫu đất ruộng ở miệt Trà Bang, Hóc Hỏa không còn thâu được thóc lúa, hoa lợi nữa. Đất bị Việt Minh sung công cấp phát cho tá điền. Vườn bị người Pháp phát quang để tránh những trận phục kích của đối phương… 

Giờ ông Phủ chỉ còn trông cậy vào số lúa ruộng ở miệt An Hương… và đồng lương hưu trí”. Và không ít trí thức đã vào bưng theo kháng chiến. Tinh thần khí khái, nghĩa hiệp này rất gần với không khí kháng chiến “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”.

Tại sao lúc ấy, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã mạnh dạn phản ánh đúng hiện thực của lịch sử? Y đã thử tìm ra câu lý giải: Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ là con gái của nhà thơ yêu nước Mặc Khải - thế hệ cùng thời với nhà thơ, nhà văn Sơn Nam, Truy Phong, Kiên Giang… đã viết nhiều tác phẩm về tình tự dân tộc, “về nguồn” trước sự va đập khốc liệt của thời cuộc. Vì thế, khi cầm bút với ý thức xây dựng các tình tiết, lưu giữ tiếng Việt miền Nam là một phần do bà ảnh hưởng từ thân phụ chăng?

Rõ ràng, nhận xét về tác giả - tác phẩm là điều không dễ, nếu không tiếp cận văn bản. Với tinh thần “gạn đục khơi trong”, việc NXB tái bản lại một vài tác phẩm của nhà văn miền Nam, trong đó có Nguyễn Thị Thụy Vũ, qua đó, góp phần giúp người đọc hôm nay có dịp nhìn lại diện mạo văn học miền Nam tương đối đầy đủ và đa dạng hơn. Ngày nọ, gặp nhau tại Chi nhánh Hội Nhà văn ở phía Nam, nhân nhắc lại chuyện cũ, bà có kể mẩu chuyện khá hay.

Chuyện rằng, ngay sau năm 1975, giữa thời khốn khó ở khu lao động Sài Gòn có một người đàn ông tự xưng “Đại đế ve chai”. Mỗi ngày, hắn ta phát tiền cho nhóm nhà văn nổi tiếng của miền Nam đang thất sủng, thất nghiệp đi lùng mua đồ cổ tận các hang cùng ngõ hẻm. Mỗi sáng, họ tập trung lại nhận tiền, chiều về “báo cáo kết quả” trong ngày.

Với số tiền được giao đó, các nhà văn đó có thể kiếm được chút cháo đắp đổi qua ngày. Cũng là cách kiếm sống lương thiện. Nói như nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên: “Tình cũng khó theo thời cơm áo khó/ Dìu nhau đi dưới bóng nợ nần”. Dù thế nào, con người ta vẫn có thể sống được.

Ngày nọ, từ Vĩnh Long, Nguyễn Thị Thụy Vũ lên Sài Gòn thăm bạn văn của một thời. Tất nhiên, để có thể gặp đông đủ mọi người, bà phải tìm đến “giang san” của “Đại đế ve chai”. Như mọi chiều, nơi ấy thường bày ra cuộc nhậu. Chắc rằng cũng chỉ các loại “bia lên cơn”, rượu đế, rượu cây lý, tệ hơn nữa là rượu pha thuốc rầy, nói chung chỉ là chất lên men thủ công. Loại bia này, ở ngoài Huế, anh em văn nghệ sĩ gộp chung, gọi “bia khổ”. Đơn giản chỉ vì uống say, rất nhức đầu nhưng khổ nỗi là rất khó… đi tè. Thế mới là khổ.

Chắc chắn, thuở ấy, Nguyễn Thị Thụy Vũ còn trẻ đẹp nên “Đại đế ve chai” mới buông tuồng một câu khó nghe: “Cô có dám tiểu thi với tôi không?”. Bà hỏi lại một lần nữa câu hỏi ấy, xác định đùa hay thật. Hắn ta vẫn đáp lại như trước.

Nào ngờ, ngay lập tức, chỉ trong nháy mắt, bà co chân đạp tung cả bàn nhậu. Mẩu chuyện này, bà vợ của nhà văn Văn Quang có mặt hôm ấy xác nhận có thật. Năm đó, bà mới chừng gần 36 xuân. Nay đã gần 80 tuổi rồi, giọng kể của bà vẫn rành rọt, đâu ra đó. Thời còn trẻ, máu còn nóng, hào khí ngất trời, ai cũng chọn lấy phép ứng xử như bà. Thế mới là phụ nữ miệt vườn. Đừng có giỡn mặt.

Đọc Nguyễn Thị Thụy Vũ, người ta hay nhắc đến những trang viết số phận vũ nữ, gái bán bar với nhiều chi tiết được thể hiện bằng con mắt quan sát của một nhà báo. Sở dĩ có được những trang viết sống động, tươi mới này, bà cho biết, từ năm 1961, khi từ quê nhà Vĩnh Long lên Sài Gòn học tiếng Anh, sau, bà đi dạy cho các cô bán Snack bar.

Nhờ đó, bà đã có chất liệu ngồn ngộn, chân thực để viết. Riêng y vẫn thích nhất, một điều cần ghi nhận, ngoài lời ăn tiếng nói rặt ròng Nam Bộ, tác giả còn có biệt tài quan sát khi miêu tả sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc ở nông thôn miền Nam thuở ấy, chẳng hạn hát bội đình làng, giải sầu ca vọng cổ; ngoài ra còn là sự miêu tả các món ăn dân dã, quê mùa rất đỗi thân thương… nay, đã ít nhiều trở thành dĩ vãng.

Mà, chính sự phong phú, đa dạng về ngôn từ sẽ giúp người đọc hiểu hơn nữa về con người, vùng đất mà những nhà văn thế hệ trước đã từng “khai phá” bằng ngôn ngữ miền Nam như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh… 

Nói cách khác, cách sử dụng ngôn từ ấy đã góp phần lưu giữ lại tiếng nói, cách phát âm một thời của bà con miệt vườn ở miền Nam đất Việt. Suốt mấy ngày liền, đọc lại Nguyễn Thị Thụy Vũ và làm công tác chú thích. Nhiều ngôn từ, với y, không phải dễ hiểu. Đã hiểu, đôi lúc bật lên cười tủm tỉm một mình. Âu cũng là thú đọc sách.

Thử liệt kê xem sao, chẳng hạn, trong Chiều xuống êm đềm: “Cụ bà không xuống nhà sau cứ xẩn bẩn bên chồng”. Xẩn bẩn: Lẩn quẩn, tới lui một chỗ. “Con phải vẹt tụi nó ra, để tụi nó đánh đùn cục với nhau có ngày con tức hộc máu mà chết chớ chẳng chơi”. Vẹt: vạch, tách rời. “Rồi khi thân mẫu cụ bắt đầu ăn giả bữa thì cụ ông cho mai mối tới xin cưới cụ”. Ăn giả bữa: Ăn bù lại sau những ngày bị ốm bỏ ăn. “Bà Chủ a xề lại gần” A xề: Xích lại gần. “Sau này, vì thấy cụ ông thường ươn yếu nên cụ ít đến nhà bà Chủ Bến Chùa”. Ươn yếu: Yếu xìu, chưa khỏe hẳn. “Cụ bà và mụ em gái to to nhỏ nhỏ chuyện vãn với nhau rồi cười giòn khấm khứu”. Khấm khứu: Thể hiện thái độ cười nhưng không muốn người khác hay biết. “Đầu óc hoang mang vì cơn mơ màng phiêu diễu”. Phiêu diễu: Một cách phát âm của “phiêu diêu” - nhẹ nhàng, bềnh bồng; “Bữa giỗ tiên trong chiều nay, dưới bàn tay khéo léo của cô Năm Kim Ngọc và dưới tài chỉ huy linh động của bà Chủ Bến Chùa nên rất bĩ bàng, khéo léo”. Lâu nay, cứ nghĩ “bĩ bàng” là “bẽ bàng” nào ngờ, bĩ bàng: Sẵn sàng, gọn ghẽ.

Thú vị chưa? Sao lại không? Duy chỉ có thành ngữ “Lộn nài bẻ ống” mới khó “nhai”, Nguyễn Thị Thụy Vũ sử dụng nhiều lần. Tra cứu hết từ điển đã có ở trong nhà vẫn bí rị. May quá, duy quyển Việt Nam tự điển do Lê Văn Đức soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Khai Trí XB năm 1970 giải thích: “1. Dùng mánh lới lật ngược lẽ phải của người để giành phần phải về mình; 2. Cố làm cho to chuyện để thôi ra, không ăn ở nhau nữa”.

Lại lẩn thẩn tự hỏi, trong năm 2016, từ nào được nhân loại sử dụng nhiều nhất? Câu hỏi này, tưởng khó, nhưng lại dễ. Trang web Dictionary.com mới đây chọn “xenophobia” (chứng bài ngoại) là từ của năm 2016 dựa trên số lần từ này được tìm kiếm trên mạng Internet. “Xenophobia” là một từ tương đối mới và chỉ mới xuất hiện trong tiếng Anh cuối những năm 1800, xuất phát từ hai thành tố Hi Lạp: “xénos” có nghĩa là “người lạ, khách” và “phóbos” nghĩa là “nỗi sợ hãi”.

Trang Dictionary.com định nghĩa “xenophobia”: “chứng sợ hoặc thù ghét những nền văn hóa khác mình, ghét người lạ”. Từ này cũng diễn tả nỗi sợ hay không thích phong tục, trang phục và văn hóa của những người có xuất thân khác mình.

Mà nay, có phải, nỗi sợ hãi lớn nhất, thù ghét nhất vẫn xuất phát tự bản thân của chính mình, chứ nào phải tác động từ ai khác?

Lê Minh Quốc
.
.