Thương cơn gió thổi ngoài song

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:08
Tôi cúp máy, thoáng buồn ghé ngang, khi anh bạn đồng nghiệp ở Quảng Ngãi thông báo: ông Tạo nay yếu lắm rồi, dường như không lên trông coi mộ cụ Huỳnh nữa.

Ông Tạo tên đầy đủ là Nguyễn Tạo, 85 tuổi, ở xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi. Người đã hơn 10 năm trông coi mộ cụ Huỳnh trên đỉnh Thiên Ấn.

1. Hôm bữa, tôi ngược núi, lên huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), để về thăm lại căn nhà lưu niệm cụ Huỳnh. Bên trong những rặng chè tàu, nhà của cụ Huỳnh vẫn vậy, vẫn trầm mặc gợi niềm nghĩ suy, như chính cụ khi còn sống thường hay trăn trở về vận nước. 

Để rồi khi giật mình chững lại, mới hay, dưới mái nhà này, một dáng người đã không còn hiện diện. Đó là ông Huỳnh Toản, người mà cách đây hơn một năm, đã từ giã cõi thực, để theo gặp ông nội chú (em trai của ông nội) Huỳnh Thúc Kháng của mình.

Trong ký ức chưa vướng bụi thời gian, tôi nhớ ánh mắt đăm chiêu của ông Toản ngoái về xứ Huế. Ở đó, ông có 10 năm sống cùng ông nội chú lỗi lạc của mình; và ở đó, ông còn một nỗi niềm chưa thỏa, là được ngắm trụ sở Báo Tiếng dân ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng (TP Huế, Thừa - Thiên Huế) được trùng tu. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi trước khi trở thành người thiên cổ, ông Toản đã cần mẫn ra tận Hà Nội để gửi lời kêu cứu, dựng lại tòa soạn báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung Kỳ. 

Bởi đứng trước những hình ảnh xập xệ như thế, không riêng gì ông Toản, lớp hậu bối làm báo không khỏi tiếc xót cho bậc tiền nhân đã một thời cống hiến tài sức của mình cho nền báo chí cách mạng nước nhà.

Kể từ ngày cha mình mất, ông Thoàn tỉ mẩn giữ gìn các di sản cụ Huyền để lại.

“Xơ xác” - cái từ dùng để nói cảnh hoang tàn, đổ nát của di tích này, có lẽ chưa đủ để hoàn thành xứ mệnh truyền tải thông điệp của mình. Tòa soạn báo do chính cụ Huỳnh lập, giờ lại nằm trên con đường mang tên cụ, ấy vậy mà đang phải oằn mình chống chọi với rong rêu. 

Cuối măm 2015, chính quyền Thừa Thiên - Huế đã phát đi thông báo, rằng sẽ tôn tạo, dựng lại Di tích lịch sử cấp quốc gia này, nhưng đến nay, mọi sự vẫn như cũ.

2. Kể từ ngày cha mình trở về cát bụi, ông Huỳnh Văn Thoàn thay đấng sinh thành trông coi căn nhà của tổ tiên. Cũng như cha của mình, ông Thoàn tỉ mẫn gìn giữ từng di sản của cụ Huỳnh để lại. Và cũng như cha của mình, ông dành những điều trân quý nhất cho các tờ báo Tiếng dân trước sự hủy hoại của thời gian. 

Trong quãng thời gian 16 năm tồn tại, từ năm 1927-1943, Báo Tiếng dân dưới sự lèo lái tài tình của cụ Huỳnh, đã thách thức mọi sự kiểm duyệt của chính quyền đương thời để đập thẳng vào bộ mặt ấy những bài báo đanh thép về tội ác của cuộc xâm lược; và những tờ báo Tiếng dân ấy, đã khơi dậy không biết bao nhiêu lòng yêu nước, để rồi cổ vũ cho những lần giương cờ vì lẽ phải. 

Vậy mà hôm nay gặp lại người trông coi những số báo này, tôi không thể không thở dài khi nghe ông tâm sự về mong mỏi bao năm qua của gia đình mình. Rằng mong cái ngày trụ sở Báo Tiếng dân sớm được trùng tu, phục dựng.

Năm ngoái gặp, ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - nói rằng, sở dĩ chưa thể tiến hành khôi phục, tôn tạo lại di tích vì còn vướng một số người dân sống dưới mái nhà ấy. Thì ra, sau khi bị đình bản, tòa soạn báo trở thành nơi ở của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y dược Huế. Một thời gian sau, phần nhiều có điều kiện, mua đất, cất nhà “ở riêng”, chỉ còn duy một hộ gia đình, vì quá khó khăn, nên không thể “ra riêng” được. Chuyện là như thế, và lấn cấn đến bây giờ!

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Xuân Thọ.

3. Rời Tiên Phước, tôi đến trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ở thôn Phú Bình, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Trong Di tích lịch sử cấp quốc gia này, có căn nhà của bà Võ Thị Tuyết mà cụ Huỳnh đã đến sống và làm việc từ tháng 12-1946, cho đến khi tạ thế vào ngày 21-4-1947.

Với ông Nguyễn Lãnh, mỗi ngày dưới mái nhà này là một niềm vui. Cho nên, ông không quản nhọc mà bỏ công tỉa tót từng cành hoa, chậu kiểng. Như chính năm xưa bà nội của ông là Nguyễn Thị Em tận tình chăm sóc cho cụ Huỳnh. Lúc bấy giờ, dưới mái nhà này có tất cả 10 người sinh sống, trước khi vị đặc phái viên của Chính phủ tại Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đến ở cùng. Trước lúc nhắm mắt, bà Em đã giao căn nhà và những gì thuộc về cụ Huỳnh cho con dâu của mình là bà Võ Thị Tuyết gìn giữ. Kể từ năm 2013, nhiệm vụ này được con trai cả của bà Tuyết, tức ông Nguyễn Lãnh đảm trách.

Trong ngôi nhà này, còn lưu giữ những hiện vật của cụ Huỳnh như giường, tủ đựng quần áo, hay bộ bình ly mà năm xưa, cụ dùng để pha trà. Ngoài ra còn có hình phóng lớn của bộ tem do Tổng cục Bưu điện phát hành năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm ngày cụ mất. Trong trí nhớ của ông Lãnh về những lời mẹ kể, thì cụ Huỳnh có vóc dáng nhỏ, rất chăm chỉ với công việc và thường hay tập thể dục trước sân nhà. Khi cụ mất, dòng người như nêm chặt từ ngôi nhà này lên đến đỉnh núi Thiên Ấn của thành phố Quảng Ngãi, để tiễn đưa linh cữu cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.

Năm ngoái, khi trở lại Thiên Ấn, tôi chỉ gặp ông Nguyễn Hiền, là con trai của ông Nguyễn Tạo, đang thay cha mình lo nhang khói cho cụ Huỳnh. Khi ấy, ông Tạo vừa bước qua tuổi 84 và sức khỏe suy giảm nhiều nên không thể mỗi ngày ngược núi Thiên Ấn. Một năm trôi qua, như cú điện thoại với anh bạn lúc nãy, thì tình trạng sức khỏe của ông Tạo chẳng có gì khả quan hơn.  Hơn 10 năm trước, vì cảm kích trước tấm lòng của cụ Huỳnh đối với nhân dân, và xót xa trước cảnh hiu quanh ở nơi mộ cụ Huỳnh, mà ông Trần Tạo đã quyết định dành hết thời gian để chăm sóc cho mộ tiền nhân. Ông Tạo luôn nghĩ, cụ Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là người con của đất Quảng Nam, mà còn là người con của đất Việt anh hùng, một người đã dành cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc.

Trong lần trò chuyện với ông Tạo trước đó, tôi hiểu, vì sao mà người dân Quảng Ngãi dành hẳn vị trí đẹp nhất về cả phong thủy, cảnh quan của xứ Cẩm Thành để làm nơi yên giấc nghìn thu cho cụ Huỳnh. Chỉ cần chiết tự, đủ để thấy ngọn núi này linh thiêng đến nhường nào; và cũng nên biết, núi Thiên Ấn đứng đầu nhóm 7 thắng cảnh nổi tiếng của đất Quảng Ngãi. Từ mộ cụ Huỳnh, có thể thấy sông Trà Khúc đang miệt mài uốn lượn dưới kia; và từ mộ cụ, mỗi ngày hai buổi sớm chiều, đều nghe vọng những câu kinh từ ngôi cổ tự Thiên Ấn vẳng sang.

Khi ông Nguyễn Tạo yếu vì tuổi cao, ông Nguyễn Hiền thay cha mình trông coi mộ cụ Huỳnh ở núi Thiên Ấn. 

Hình như, một cụ già râu tóc bạc phơ suốt ngày bên mộ cụ Huỳnh, đang dần không còn nữa. Nghĩa là ngay từ bây giờ, khi lên viếng mộ cụ Huỳnh, chúng ta sẽ đang dần cảm nhận sự thiếu vắng bóng dáng của ông Nguyễn Tạo. Một người mà bất chấp tuổi già, dù nắng mưa, vẫn luôn hăng say với trách nhiệm do chính mình đưa ra và hoàn thiện lấy. Những ai đã từng gặp ông Tạo, đã từng lắng nghe ông Tạo thuyết giảng về cụ Huỳnh, nếu có trở lại, mới thấy sự thiếu vắng này mênh mông đến nhường nào.

Cũng trong lần trở lại Quảng Ngãi năm ngoái, tôi tìm gặp nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi - một người đã bỏ khá nhiều công sức để nghiên cứu về các anh hùng lịch sử, trong đó có chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng câu chuyện hôm đó, không phải nói về lịch sử mà chúng tôi hướng đến điều ai cũng quan tâm, là việc chính quyền ở đây có những quy hoạch, điều chỉnh gì đối với các di tích liên quan đến cụ Huỳnh.

Thời gian, rồi cũng sẽ đưa con người trở về với đất mẹ, rồi người đời sẽ quên ta như cát bụi bên đường. Nhưng có những con người, đã 70 mùa thu thôi hiện diện cõi trần và hơn 140 năm ngày cất tiếng khóc chào đời, vẫn để lại niềm nhớ thương sâu sắc. Là tôi đang nói đến cụ Huỳnh Thúc Kháng, một con người mà thẳm sâu trong tâm khảm bao thế hệ người Việt, vẫn hiện diện với sự bác ái và chân chất như chính cuộc đời mình. Và có những con người, để lại sự trống vắng trong lòng người khác, khi thôi hiện diện ở chốn mà người ta đã quen bắt gặp, như dáng hình già nua của ông Tạo trên đỉnh Thiên Ấn hai năm về trước.

Rồi thiển nghĩ, hóa ra, kiếp người mênh mông như một cõi mây trời, như con gió thoảng qua ngoài song, rồi trôi đi biền biệt, rồi mất hút trong vắng xa, rồi vạn vạn kiếp kiếp không bao giờ có thể thổi ngược trở về nữa. 

Xuân Thọ
.
.