Oan khiên từ trời

Thứ Năm, 12/03/2015, 16:48
Tôi đã dự tính là viết cái gì đó cho nó nhẹ nhàng vào những ngày đầu năm mới, cho nó tương đối thôi vì dạng ký pháp đình này hay buồn bã. Nhưng rồi, lại không thể. Nạn nhân hay hung thủ trong câu chuyện này đều là người quê nhập cư mưu sinh ở phố…

1. Mấy lâu trước, tôi có nhận được email của một độc giả trẻ. Cậu bạn đọc này viết, cậu đọc bài của tôi và có suy nghĩ khác đi. Cậu viết trong tình cảnh vừa chia tay bạn gái và cậu muốn làm gì đó để thỏa mãn nỗi ấm ức của bản thân. Tất nhiên thì tôi hạnh phúc vì điều này. Thật ra tôi vẫn nghĩ rằng, mỗi khi viết về vụ việc được tòa đưa ra xử, sẽ mang đến câu chuyện cho bạn đọc theo chiều hướng nào đó khiến chúng ta như được soi gương. Lấy chuyện của người để soi mình, nhằm có thể tránh đi một bàn chân đặt theo dấu, một hành động lặp theo sai lầm.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có viết một ý rất hay, vòng luẩn quẩn của kiếp người thường lặp đi lặp lại rất đều đặn, đôi khi là nhàm chán. Và nhờ có những biến cố, mà con người cảm thấy cuộc sống này bớt tẻ nhạt đi. Tuy nhiên, biến cố chỉ khiến đời sống bớt tẻ nhạt nếu chúng ta biết thoát khỏi biến cố một cách khôn ngoan hơn. Chứ nếu không, biến cố sẽ thành tuyệt lộ.

Trở lại câu chuyện mà tòa đã xử hôm tháng Chạp, chuyện đơn giản thôi. Những người ở quê vào thành phố này làm công nhân ở xưởng may. Họ thuê nhà trọ theo phòng ở cùng dãy với nhau. Ai đã có vợ có chồng thì cùng phòng, ai chưa có vợ có chồng thì ở cùng bạn. Đa phần đều là công nhân làm chung xưởng, nên sướng vui tủi phận đều tâm sự cùng nhau. Sớm mở cửa phòng trọ là thấy mặt, chiều tan ca kéo nhau ra về thì chuyện trò làm quà, mấy chốc mà trở nên thân thiết.

Nguyễn Văn Tình (tên nạn nhân đã được thay đổi, tôi vẫn giữ thói quen này từ rất lâu. Vì theo quan điểm của tôi, nhắc lại câu chuyện của một người không may đã là vô phép nhưng vì tính chất công việc không thể khác, còn nhắc lại tên nạn nhân để khiến người thân của họ đau lòng là điều cấm kỵ. Ngoại trừ, những đồng nghiệp bên mảng thời sự xã hội cần phải chính xác tuyệt đối về thông tin. Dẫu sao thì, viết tắt được là tốt nhất, tôi nghĩ vậy – K.H), sinh năm 1980. Vợ chồng Tình theo nghề may, ở trọ cùng dãy nhà với Hồ Thanh Hằng (SN 1983, tỉnh Quảng Ngãi).

Mối giao hảo giữa vợ chồng Tình và vợ chồng Hằng rất thân thiết, có món gì ngon đều í ới gọi nhau. Vợ Tình có thai , gần đến ngày sinh phải trở về quê để người thân đỡ đần, Tình ở lại kiếm tiền gửi nuôi vợ, nuôi con.

Vậy mà không hiểu sao, lại có tin đồn Tình lén lút thậm thụt với vợ Hằng. Ban đầu, Hằng không để ý đến. Thậm chí có để ý thì cũng xem như chuyện ngoài tai. Tuy nhiên, tin đồn như khói còn người liên quan đến tin đồn như mắt, hỏi làm sao mà không cay?

Kìm lòng không được, Hằng hẹn Tình ra quán cà phê nói chuyện.

Cơn ghen thật ngộ, thà rằng cứ để trong lòng thì thôi chứ một khi đã nói ra thì nỗi hoài nghi như nước vỡ đập, không gì ngăn chặn được. Càng cố ngăn chặn, càng xuất hiện nhiều tình tiết y như đúng rồi.

Như câu chuyện cái búa để quên. Người đàn ông sửa hàng rào, để quên cái búa loại dùng đốn củi. Nghi ngờ cậu bé hàng xóm “thuổng” cái búa ấy, nên người đàn ông âm thầm quan sát. Cho đến lúc bí bách quá, người đàn ông lên tiếng hỏi. Cậu bé trả lời, cậu không lấy cái búa. Thế nhưng, cậu bé càng trả lời không lấy thì người đàn ông càng khẳng định chính cậu bé là kẻ đã lấy cái búa của người đàn ông. Tất cả hành vi của cậu bé dưới con mắt người đàn ông đều là hành vi của một kẻ cắp, từ nụ cười, giọng nói, dáng đi…

Chuyện cứ kéo dài cho đến khi người đàn ông tìm thấy cái búa của mình để quên tại hàng rào, khuất sau những tán lá cây đã bị chặt đổ.

Cơn ghen của Hằng cũng tương tự vậy, chỉ có điều khác với người đàn ông, Hằng không tìm thấy chứng cứ. Hằng, tin chắc rằng Tình có qua lại với vợ Hằng, là tự Hằng suy luận thôi.

Một chiều cuối tháng 8, Hằng gầy cuộc rượu với vài người bạn đồng hương, lần lượt là Nguyễn Văn Phúc (SN 1985) và Nguyễn Phi Nam (SN 1987). Đang uống, thì Phúc gợi lại chuyện, có lần Hằng từng nhờ Phúc đánh anh Tình vì anh Tình đã quyến rũ vợ của Hằng. Do lần đó Phúc bận nên chưa giải quyết anh Tình giúp Hằng được, nay sẵn có Nam ở đây thì “tính một lần cho xong”. Nam, đồng ý. Hằng im lặng, vẻ tán đồng.

Tàn cuộc rượu, Hằng, Nam cùng Phúc cầm gậy trên tay, nhào sang phòng trọ của Tình tấn công Tình. Tình gục xuống, Nam và Phúc bỏ chạy. Hằng cùng mấy người hàng xóm đưa Tình đi cấp cứu, Tình bị chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật là 97%. Hôm đó, con đầu lòng của Tình vừa tròn 3 tháng tuổi.

Hằng, Phúc và Nam bị dẫn giải sau phiên tòa.

Tỉnh cơn ghen ấy, với Hằng đã quá muộn màng. Hằng, Nam và Phúc bị bắt giữ. Đớn đau là, không chỉ mình Tình phải gánh chịu cơn oan khiên từ trời ấy. Cha Tình ở quê, nhận tin con vì đau buồn mà mất. Người dì ruột nuôi Tình từ ngày bé, xem Tình như con trai cũng vì chuyện ấy lâm bệnh qua đời. Nhà chỉ còn lại mẹ già, vợ Tình và con thơ chưa kịp nhớ mặt cha.

Hằng, Nam và Phúc ra Tòa. Tòa tuyên án Hằng 15 năm tù giam. Nam và Phúc mỗi người nhận mức án 20 năm về hành vi “Giết người”. Tình được các bác sĩ tận tình chạy chữa đã có thể ngồi dậy được nếu có người đỡ lưng, có điều hai mắt Tình đã mãi mãi không còn nhìn thấy, sự minh mẫn đã suy tàn theo những cú đánh như đòn thù.

2. Lại một cơn ghen khác tôi muốn kể, cơn ghen của người chồng bán bắp dạo. Có lẽ, đây là cơn ghen ám ảnh tôi nhất trong suốt chừng ấy năm viết báo. Mà nói bỏ quá cho, đấy cũng là người phụ nữ mưu sinh bằng nghề buôn thúng bán bưng xinh nhất mà tôi đã từng thấy sau bấy nhiêu năm lưu ngụ ở thành phố này.

Người phụ nữ tên Duyên (tôi đã lại đổi tên nhân vật – K.H), Duyên bốn năm trước 27 tuổi, chồng Duyên tên Lục, hồi ấy 29 tuổi.

Duyên với Lục kết hôn ở quê, khó khăn quá nên vào thành phố mướn nhà trọ, theo bạn bè bán bắp nướng. Duyên xinh, kỳ lạ là cả ngày đội nắng trên đầu nhưng vẫn trắng trẻo. Lục canh Duyên như người ta canh cu bổi sập bẫy, cứ thấp thỏm canh từng chút một.

Duyên sử dụng điện thoại để liên lạc với người thân, con cái phải gửi về quê nhờ ông bà nội vài hôm, nhờ ông bà nội ít hôm trông giúp từ hồi mới thôi nôi. Ông bà nội, ông bà ngoại phải trông giúp thì hai vợ chồng mới rảnh tay rảnh chân mà buôn bán kiếm tiền. Mỗi lần thấy Duyên có điện thoại hay tin nhắn, thì Lục lại nơm nớp lo. Chắc ai như Lục cũng lo, khi thấy vợ mình xinh mà lại phải bươn chải. Nghiệt thay, Duyên sử dụng điện thoại ngoài chuyện để liên lạc với người thân ở quê thì Duyên cũng có nhu cầu trò chuyện với bạn hàng, rồi cả những người xa quê mưu sinh như Duyên. Hơn nữa thì, đàn ông gặp phụ nữ xinh như Duyên thì làm sao mà không bông lơn vài câu. Cái giống đàn ông nó vậy rồi.

Hôm tôi sang bệnh viện Chợ Rẫy, Duyên kể nghe thương lắm. “Anh ấy ghen, đánh em suốt. Đánh từ hồi mới cưới cho đến tận cái ngày xảy ra chuyện này, nhưng tính em hay thẹn. Mà cũng tình nghĩa nữa, anh ạ. Xấu chàng thì hổ ai, nên em cứ chịu đựng mãi”. Ở dãy nhà trọ, đàn ông đùa với Duyên một câu, Lục gây sự đòi đánh mấy lần. Đang đánh vợ mà có người can, người ấy là đàn ông thì chắc chắn Lục sẽ quát, “Mày có tình ý với vợ tao hay sao mà xía vào?”.

Có lúc, dãy nhà trọ đông người, Lục rủ Duyên đi ăn phở. Trên đường đi ngang quãng vắng, Lục đánh Duyên. Hóa ra, Lục lên cơn ghen bất tử mà thấy dãy nhà trọ đang đông, sợ đánh Duyên thì người khác can nên bèn lập kế.

Mà cơn ghen của Lục quái đản lắm, Lục gọi điện thoại cho Duyên bất thần, không may Duyên đang nhận cuộc gọi nên bận máy, là Lục về nhà lôi Duyên ra đánh vì cái tội, “Dám nói chuyện với trai”.

Trưa một ngày đầu tháng 12, Duyên cùng Lục dựng xe bán bắp luộc trước đường Đặng Nguyên Cẩn, quận 6 để vào lề đường tránh nắng. Thi thoảng, Lục lại hằn học: “Em có bạn trai rồi phải không?”. Phố xá vào ban trưa ít người, cuộc trò chuyện phút chốc rơi vào trạng thái căng thẳng. Lục bất thần lôi từ xe mình ra cái can nhựa loại có dung tích chừng 5 lít chạy xăm xăm đến phía Duyên đang ngồi. Rất nhanh, một tay Lục giằng lấy vợ, tay còn lại lăm lăm can axít, Lục rít lên: “Tao cho mày sống làm người tàn phế. Chết thành con ma xấu xí”. May là Duyên kịp hiểu chồng mình chuẩn bị làm gì, nên cô quay phắt người bỏ chạy.

Hơn 3 lít axít đậm đặc được Lục mua ở chợ hóa chất Kim Biên không hủy hoại được khuôn mặt của Duyên, nhưng cũng khiến phần mông của Duyên bị bỏng. Duyên nằm quằn quại trên vỉa hè một lát rồi ngất xỉu. Có người khách qua đường tốt bụng, bế Duyên lên xe taxi đưa thẳng vào Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Lục bị bắt tại trận rồi chuyển giao cho Công an quận 6 ngay sau đó.

Duyên bảo mình vào đến bệnh viện thì tỉnh táo đôi chút, phía dưới mông rát bỏng. Người lấm lem bụi bẩn. Đôi dép nhựa cũ mèm đã đứt gần phân nửa cứ bám dính vào chân. Người phụ nữ đưa Duyên vào bệnh viện cứ chặc lưỡi mãi giọng đầy thương cảm: “Sao số em cùng cực vậy hả em?”. Rồi Duyên khóc. Cũng cái trưa hôm ấy, những trái bắp luộc của vợ chồng Duyên nằm lăn lóc ở vỉa hè.

3. Viết là, oan khiên từ trời vậy thôi bởi không nỡ trách những người quê mưu sinh ở nơi này cạn nghĩ. Chứ cớ sự nào không bắt nguồn từ người – oan khiên từ người.

Kinh Hữu
.
.