Đời buồn như vốn vậy

Thứ Ba, 31/05/2016, 15:02
Năm nào đó ông Nguyễn Huy Thiệp viết, "Đời cơ bản là buồn". Hẳn nhiên, cảm xúc là những cung bậc của cuộc sống vốn dĩ đã được mặc định. Bi kịch lớn nhất của con người chính là lúc không còn biết vui buồn.

Thế nhưng, đôi lúc những thông tin từ đời sống khiến mình hiu hắt đến vậy. Một vụ trọng án, một thân phận người, một nghiệt ngã của thân phận.

Lắm lúc đặt mình vào trường hợp ấy, cũng hoang mang không biết mình sẽ hành xử ra sao? Tội ác thì có biện hộ ra sao cũng vẫn là tội ác, nhưng nguyên cớ để tội ác hiện hữu nhiều khi cũng xa xót đắng cay.

1. Gần 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Nam phút chốc trở thành tâm điểm trên truyền thông. Người đàn ông có gốc Vĩnh Long, ngụ cư tại Sài Gòn từ năm 1994 cho đến nay là hung thủ trong một vụ trọng án diễn ra vào một chiều giữa tháng 5 trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP HCM. Nạn nhân của ông Nam là người đàn ông gọi ông là cha vợ. Người đàn ông có tên Tôn Thanh Việt, 34 tuổi.

Cô con gái thứ của ông Nam yêu thương rồi thành vợ của Việt. Họ nói, ban đầu gia đình họ ngăn cấm vì Việt không nghề nghiệp ổn định lại thường xuyên rượu chè, họ sợ con gái họ khổ. Tuy nhiên, trai gái đã chịu nhau thì trời cản cũng không được huống hồ cha mẹ.

Hai năm sau ngày cưới, họ kể rằng Việt bắt đầu đánh vợ. Vì sao đánh, do ghen. Có lần, Việt lên đến công ty nơi vợ đang làm công nhân để đánh. Đánh suốt, đánh đến độ lần nào con gái về thăm nhà mặt mày đều bầm tím. Cha mẹ hỏi, con gái bảo do tự té ngã.

Hai tháng trước, con gái dẫn cháu về nhà cha mẹ ở hẳn, không nói ra nguyên do thì cha mẹ cũng biết. Chồng của con gái tìm đến, đòi chém đòi giết, cha mẹ nhẫn nhịn cho qua. Chồng của con gái uống rượu say là tìm về quậy phá, buồn hiu.

Ông Nam cả đời làm thuê, về già lấy chuyện đưa đón cháu nội đi học làm vui, không xích mích với ai, tính lành. Vợ ông Nam buôn bán vặt ngoài chợ, phận quê ở trọ phố cũng như cây rau càng cua mọc quanh nhà, im lặng cầu an.

Chuyện cứ như vậy cho đến khi chồng lại rượu say và tìm đến nhà ông bà chửi bới con gái. Lúc này, cô con gái khác vừa đi về, con rể gây nhau với cô em vợ rồi đánh. Chứng kiến cảnh đó, ông Nam từ trong nhà lao ra, trên tay cầm con dao bén. Con rể hoảng sợ bỏ chạy, không may vấp ngã, ông Nam vung dao lên... Sau đó, ông chở thi thể của con rể trên xe gắn máy đến trụ sở công an đầu thú. Tấm ảnh ông chở con rể khiến cư dân mạng dậy sóng, câu chuyện gia đình không ấm êm cũng kéo dài.

Người thân của con rể ông Nam có lên báo nói ngược lại, đại loại con rể hiền khô không may gặp vợ không tốt nên xảy ra cơ sự này. Tôi thật cũng không biết phải bình luận sao cho hợp lý.

Tôi lớn lên ở nhà quê, chứng kiến cảnh chồng đánh vợ cũng nhiều. Đánh như kẻ thù, đánh thừa sống thiếu chết, đánh như có mắc nợ với nhau từ kiếp trước kiếp này phải trả cho xong. 

Đánh theo kiểu hai tay bóp chặt cổ, còn đầu gối cứ thúc lên. Vợ khóc váng vất xóm, cha mẹ vợ cũng khóc, con rể mở miệng gọi cha mẹ vợ là mày, tao. Cha mẹ vợ báo xã, công an xã xuống làm việc một chút rồi thôi. 

Yên lành vài hôm, lại lôi ra đánh tiếp. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện nhà hết gạo, hết tiền mà chồng cần bù khú với bạn bè, chồng cần uống rượu. Thậm chí, chồng tằng tịu bên ngoài, vợ cằn nhằn cũng lôi ra đánh.

Ông Nguyễn Văn Nam tại cơ quan điều tra.

Có phải chứng kiến sự bất lực của cha mẹ khi thấy con gái bị đánh, mới hiểu hết nỗi xót xa của vợ. Như khi tôi nghe ông hàng xóm bảo, "Tao không có con trai, tao có con trai thì tao cũng cho nó chém chết mày, chứ tao không thể để mày hành hạ con gái tao như vậy". Trong rất nhiều câu chuyện buồn bã ấy, sự phản ứng của các cơ quan địa phương là chậm rãi, hết sức chậm rãi; thậm chí là còn cả quan liêu.

Mấy lâu, tôi có viết cái mẩu nhỏ về con gái trên facebook cá nhân, "Hai ông con trai là tất cả của nả mà mình có được trong cuộc đời này, nhưng mình vẫn thích một cô con gái. Có con gái, mình sẽ ngồi lặng yên xem con gái chơi búp bê, xem con gái chơi đồ hàng hay nấu ăn. Mình sẽ để tóc dài xíu cho con gái thắt bím. Nếu con gái muốn, mình sẽ để móng tay dài tí ti cho con gái nghịch sơn. Mình sẽ thích vô cùng nếu được nghe con gái thỏ thẻ những câu chuyện mà con gái đã thấy ở trường, đã nghe cô kể.

Mình có cậu bạn, có hai cô con gái. Cô đầu nghịch ơi nghịch, vậy mà đụng xíu là nũng nịu, đụng xíu là dỗi hờn với bố. Nhìn rất yêu luôn.

Sau này con gái lớn xíu, chắc chắn con gái sẽ thương mình nhiều hơn. Vì có cô con gái nào lại không cảm thấy an tâm khi có ông bố tăng động như mình che chở. Đến phụ nữ bây giờ còn cảm thấy vậy huống hồ là con gái bé nhỏ. Lúc nào con gái bắt đầu hẹn hò, mình sẽ để ý rình canh từng thằng một rồi tư vấn cho con gái. Riêng thể loại tán gái, bằng kinh nghiệm của mình thì chắc là ít thằng cu nào vượt khỏi con mắt cú vọ của mình lắm. Cần thiết, mình sẽ inbox facebook cho ông con ấy. Nói gì, chắc chẳng nói gì căng thẳng đâu, chỉ là "Quyết định thương ai nghĩa là đã tự chấp nhận một trách nhiệm".

Rồi con gái lớn hơn nữa, con gái lấy chồng, chắc là ngày đó mình khóc hu hu luôn. Vì đàn ông tốt như mình, làm sao mà dễ kiếm. Con gái mình mỏng manh, lỡ con không may trắc trở thì làm sao mà mình sống được.

Nhưng không sao đâu, thiệt luôn. Nếu chạm phải ông con rể dở hơi, mình sẽ bảo con gái, "Dũng cảm lên con gái, bỏ ngay nó đi. Về ở với ba". Hay mình tăng động phát cuối, rủ mấy thằng bạn già, chặn đường tẩn cho thằng ngu ấy một trận, nhỉ?".

Viết tưởng tượng thôi, mặc cho lòng cũng nghĩ như vậy. Bởi có cáu gắt mấy, có nóng giận mấy, có uất ức mấy cũng làm sao có thể đành lòng chửi mắng phụ nữ, đành đoạn đánh một phụ nữ. Huống hồ, đó là duyên kiếp ba sinh, hay đã là có với nhau một quãng ái ân.

2. Bi kịch của ông Nam, hẳn nhiên không chỉ có mình ông Nam chịu đựng, bởi còn nỗi đau của người thân, nỗi đau của con gái và cháu ngoại, nỗi đau của cả gia đình con rể cũ của ông.

Đôi lúc, tôi vẫn thường tự hỏi, làm sao cuộc đời lại thường xảy ra nhiều bất trắc đến vậy, tự vấn hoài chứ cũng có tìm được câu trả lời hợp lý đâu.

Như hồi tôi làm loạt bài dài kỳ về Nguyễn Thanh Tuấn cũng vậy. Tuấn, 23 tuổi, án sơ thẩm 12 năm tù, phúc thẩm tăng án thành 14 năm vì gia đình bị hại có đơn khiếu nại, hành vi "Giết người". Tuấn ngụ tại xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Đời Tuấn là một chuỗi dài bi kịch, ba bỏ đi khi ấu thơ. Mẹ mở sạp bán nuôi mấy anh em thì bị khách mối giật, vỡ nợ. Tuấn lấy vợ, vợ chồng làm phụ hồ nuôi nhau.

Vợ chồng Tuấn có hai cậu nhóc, sẽ là bình yên nếu như hôm đó Tuấn không chiều vợ đang mang thai đứa con thứ ba đi mua điện thoại. Trên đường về nhà, hai thanh niên say rượu đánh võng trước xe Tuấn, họ cãi nhau.

Ngay lập tức, Tuấn bị tấn công. Thoát khỏi trận đấm đá thì Tuấn phát hiện vợ đang bị hai thanh niên lao vào hành hung, Tuấn chạy vào nhà trọ bên đường chụp được con dao lao vào giải cứu vợ. Tuấn đâm chết một thanh niên, làm một thanh niên khác bị thương.

Mẹ đưa Tuấn đi đầu thú, bảy ngày sau, cậu nhóc thứ hai của Tuấn tử vong vì ngã vào lu nước. Cậu nhóc này, chứng kiến cảnh bố mẹ bị hành hung, bố đâm chết người ra sao. Cậu nhóc khi ấy 2 tuổi.

Vợ Tuấn sẩy thai, thai 7 tuần 5 ngày sau trận đòn từ hai thanh niên ấy. Không chịu nổi cú sốc số phận, vợ bỏ đi. Cậu nhóc đầu giao cho bà nội, bà nội cũng không biết con dâu đi đâu để tìm, cậu nhóc nhớ mẹ khóc suốt.

Thu thập tài liệu cho loạt bài dài kỳ này, lòng tôi nặng nề không sao tả nổi. Nhớ nhất là lúc gặp Tuấn trong trại giam của Công an tỉnh Đồng Nai. Tuấn có nói, "Em giết người là em sai rồi, em cải tạo tốt để về lo cho thằng con đầu thôi. Em cũng không trách gì vợ".

Không chỉ có câu chuyện của Tuấn, còn cả câu chuyện bi kịch của một trí thức khác, Giáo sư Viện sĩ hàng đầu Việt Nam Vũ Đình Huy. Ông là một trí thức lớn. Ông là giảng viên của Đại học Bách khoa TP.HCM; vợ chồng ông có hai con, một trai một gái, vô cùng ấm êm.

Cậu con trai đi du học, cô con gái tốt nghiệp đại học và có được việc làm ở một tập đoàn. Đang hạnh phúc thì bất ngờ gã học trò cũ một hai đòi yêu con gái ông, ông gọi học trò và bảo "Tôi không can thiệp chuyện anh chị yêu đương, nhưng con gái tôi bảo không yêu cậu".

Mà đúng là cô gái không yêu gã ấy, bất chấp, gã tuyên bố "Không yêu thì chết". Gia đình Giáo sư đã báo các cơ quan chức năng, nhưng bất lực trước các tin nhắn hăm dọa. Vợ chồng giáo sư đã gọi cho con trai, yêu cầu con trai hỗ trợ đưa em gái sang nước ngoài học.

Đang chuẩn bị đưa con gái thoát thân trước kẻ cuồng yêu thì cô gái bị sát hại, kẻ thủ ác là gã học trò cũ. Địa điểm xảy ra án mạng là ngay dưới chân cầu thang khu chung cư của Giáo sư. Hôm tôi đến, vợ Giáo sư chỉ vết máu còn vương trên hành lang chung cư, khóc ngất.

Cho đến giờ, gã giết người vẫn chưa chịu trách nhiệm hành vi. Lý do được đưa ra là, gã tâm thần. Gia đình Giáo sư không tin điều đó, đang tiếp tục gửi đơn khiếu nại.

Khi đọc bài viết ấy, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự một quận gọi cho tôi, căm phẫn hỏi: "Tại sao điều vô lý đó có thể xảy ra?". Tôi lặng im rồi đáp: "Tôi không biết được, thưa anh".

Kinh Hữu
.
.