Xót xa phận voi

Thứ Ba, 10/05/2011, 15:20
Cuối tháng Tư, nắng ở khu Mã Đà trắng xóa trời. Ngồi trong quán cà phê có mái lợp bằng tranh, Quế nói với tôi giọng rất bức xúc: "Đêm qua bọn nó lại về, xông cả vào nhà ông Thà ở ấp 7 để phá, anh ạ". Mặc dù tôi đã nói với Quế hơn 3 lần tôi là nhà báo, nhưng Quế vẫn cứ tưởng tôi là người của đoàn khảo sát trong việc giúp dân phòng chống lại… đàn voi rừng.

Lang thang ở làng chạy voi

Nhiệt độ hôm ấy nhận được từ Đội Phòng chống cháy rừng là 360C , nhưng trời nắng kinh lắm, nắng đến mức tháo kính râm ra là lóa mắt ngay lập tức.

Quế hướng dẫn tôi vào nhà của ông Thà lấy thông tin về việc voi xông vào nhà ông để phá vào đêm qua. Quế là công an viên của ấp 7, đồng thời cũng có chân trong đội phản ứng nhanh phòng chống voi rừng của xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Ông Thà kể rằng đêm ấy, cả nhà ông về Sài Gòn dự đám cưới của người thân, chứ không thì chẳng biết thế nào mà lần. Voi về, đạp bung cánh cửa gỗ, xộc vào nhà dùng đầu ủi vỡ kính tủ ly và làm nơi thờ cúng. Voi còn dùng vòi cuộn hoa đang cắm trong bình trên nóc tủ thờ xuống, vặt sạch… Lang thang trong cái nhà bé xíu ấy ít lâu, voi đi.

Chòi canh.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà ông Thà bị voi phá, khi chưa xây nhà tường, căn nhà tranh của ông cũng bị voi ủi sập vài lần.

Khoảng 5 năm trước, voi ra theo bầy, khoảng 11 con. Vài tháng mới ra một lần, ra là vặt xoài, ủi bật gốc cây điều, phá vài đám mía hoặc quần nát một ruộng lúa rồi lại kéo nhau đi. Nhưng hiện tại, voi đã về thường xuyên hơn. Hầu như, ngày nào voi cũng về. Trời vừa tắt nắng, là người dân tại khu vực này lại chuẩn bị dụng cụ để í ới gọi nhau đi đuổi voi…

Họ đuổi voi bằng tất cả những gì có trong tay, từ thau chậu, đèn pin cho đến… súng bắn đá tự chế. Ban đầu voi còn sợ. Đuổi mãi thành quen, người gào cứ gào, voi phá cứ phá… Phá chán, bầy voi lại lũ lượt kéo nhau vào rừng.

"Hồi trước, voi đi cả đàn mình đuổi còn dễ. Bây giờ, nó tách đàn đi. Vừa xuất hiện chỗ này năm ba con, lại xuất hiện chỗ khác vài con… Chẳng biết thế nào mà lần", Quế kể.

Có lần mải đuổi voi cùng người dân, Quế dựng chiếc xe gắn máy của mình bên vệ đường. Voi phá chán đi ngang, ngứa vòi thế nào không hiểu, cuộn vòi bốc chiếc xe máy của Quế tung lên trời như kiểu người ta thường thấy voi chơi đá bóng ở Thái Lan. Vật cái xe chán, voi dùng chân ấn ấn xuống xe, Quế bên này cứ hồi hộp đến ngạt thở.

Vì chiếc xe là vật quý giá nhất trong nhà anh, voi quẳng còn sửa lại được, chứ voi dùng chân ấn xuống thì chiếc xe chỉ còn… bán sắt vụn. May mà chuyện ấy không xảy ra. Người dân ở đây gọi voi bằng nhiều tên khác nhau, người kính trọng gọi là Lão, là Ông… Người cáu gọi bằng nó, bằng tên… Người dân tộc Chơ Ro ở vùng Lý Lịch 1, Lý Lịch 2 gọi là ông Bồ.

Mấy anh dân tộc tôi gặp kể chuyện về voi nghe thích lắm. Họ nói, ông Bồ không phá lúa của họ đâu. Ông Bồ hiền khô, gặp ông Bồ đi ngang nhà, nói bằng tiếng dân tộc: "Ông Bồ ơi, ông Bồ múa cho con coi được không?". Ông Bồ sẽ múa… Múa theo cách gác chân lên cái gốc cây dùng để chẻ củi đặt trước sân, đầu lắc sang bên này, vòi nghểnh sang bên kia… Coi ông Bồ múa chán, họ lại khấn ông Bồ đi. Lúc đó, ông Bồ sẽ đi.

"Còn nếu ông Bồ không đi thì sao, tôi hỏi. "Không, ông Bồ đi chứ. Mình xin ông Bồ đi, thì ông Bồ đâu có ở lại. Có lần mình đi rừng kiếm củi, cứ nghe tiếng hộc hộc phía sau, ngoảnh đầu lại mình thấy ông Bồ đang đứng sát bên, mặt mày rất dữ. Mình sợ chết cứng người. May là ông Bồ không làm gì mình, ông Bồ chỉ gọi… ông Bồ con về thôi", họ nói.

Về lại Mã Đà, tôi nói với Quế là tối nay, nếu tôi cùng đi đuổi voi thì có phiền gì không. Quế bảo, không sao, chỉ cần chịu khó quan sát nếu voi lên máu thì bỏ chạy cho nhanh là được. Tôi ậm ừ mà cũng lo lo.

Đêm ven bìa rừng trời ập tối rất nhanh, vừa tắt nắng là tối ngay. Đợi mãi mà vẫn chưa thấy voi về, tôi đâm ra sốt ruột lắm. Vì theo lời Quế thì voi cũng như trâu bò, cứ tắt nắng là lại ra thôi…

21 giờ, nghe âm thanh từ các hộ dân ở ấp 7 vọng lại rất náo nhiệt. Quế gọi bảo, voi về. Tôi nói, giờ tính sao. Quế nói nhanh trước khi cúp máy điện thoại, anh ở đấy, tôi lên đón liền xong mình cùng đi.

Đến nơi, vườn nhà ông Phan Thanh Luyện chật ních người. Họ đang làm tất cả để ngăn voi, một tốp chuẩn bị bắn súng đá, tốp còn lại rọi đèn pin, tốp khác đang gây náo loạn bằng tất cả các vật dụng có trong tay… Mặc, đàn voi tám con cả lớn lẫn bé cứ thản nhiên níu cành xoài kiếm trái. Không khí hỗn loạn, tiếng cành cây gẫy, mùi mồ hôi, mùi người, mùi voi… trộn lẫn vào không khí đêm tạo ra dư vị rất đặc trưng.

Mà voi ở nơi này cũng hiền, phá chán ở vườn nhà ông Luyện, đàn voi kéo sang vườn nhà ông Hiệp, nhà ông Đại và nhà ông Lạc để tiếp tục hành trình ủi cây vặt trái… Trước khi kéo nhau vào rừng, con voi ngà hướng thiên đẹp đến mê hồn còn rống lên rất bi hùng.

Tôi gặp voi cũng nhiều, nhưng chưa thấy con voi nào có cặp ngà đẹp như con voi đầu đàn hôm ấy. Chừng độ dài của ngà phải hơn 1 mét…

Sau một đêm đuổi voi, sáng ra cuộc sống của người dân nơi này đâu lại vào đấy. Vườn nhà ai bị voi "ghé thăm" đêm qua, sẽ có người trong đội đuổi voi xuống lập biên bản, ghi nhận thiệt hại để báo cáo lên cấp trên xin hỗ trợ…

Linh vật mất thiêng

Tôi không nghe người dân ở khu Mã Đã, Phú Lý nói về chuyện voi giẫm chết người. Có phá mùa màng, có làm người dân bức xúc chuyện kinh tế, nhưng dẫu sao, họ cũng may mắn hơn khi những thảm kịch như đàn voi dữ ở Tánh Linh không diễn ra tại nơi này.

Tánh Linh, Bình Thuận… nhiều năm rồi trở thành điểm nóng trong cuộc chiến voi người, người voi. Không hiểu vì cớ gì, đàn voi ở khu vực này lại trở nên hung tợn khác thường. Tính cho đến cuối năm 2010 vừa qua, đã có 12 người thiệt mạng do bị voi quật.

Người ta đã làm hết cách để có thể di dời đàn voi dữ độ 10 con, nhưng kết quả còn phải chờ. Những dũng sĩ săn và thuần dưỡng voi rừng ở Yok Đôn đã được mời cưỡi voi nhà xuống, bắt voi mang lên cao nguyên thuần dưỡng. Những chuyên gia gây mê người Malaysia với hàng đống thiết bị đi kèm súng gây mê đã được mời qua… Nhưng voi dữ vẫn cứ hoành hành.

Voi phá đến độ, cứ khi trời vừa nhập nhoạng tối, hàng trăm con người phải dắt díu nhau chạy ra quốc lộ 70 để lánh voi. Đến sáng, lại gồng gánh trở về nhà… Họ sợ voi đến mức, đội phản ứng voi đào một hào sâu khoảng 1m, rộng 2m để khi voi về đột ngột, người dân có thể bắc ván sang khu đất trống giữa hào để lánh nạn, những hôm không kịp chạy ra quốc lộ tránh voi. Một cuộc sống rất bí bách và ảm đạm.

Gần mười năm trước, đàn voi dữ gồm 6 con đã được các dũng sĩ săn voi ở Buôn Ma Thuột đem voi nhà dìu về Tây Nguyên. Những con voi rừng bị trói gô chân buộc ở gốc cây, cho nhịn đói gần 2 tháng liền để giảm bớt sự hung hăng rồi mới đưa vào quá trình thuần dưỡng. Vài con khác, được thả vào rừng. Nghe đâu, có hai con trốn sang Đắk Nông tạo thành nỗi kinh hoàng của người dân bên đó.

Voi rừng mang cả tính hoang dại về làng tạo nên cảnh hoang mang, người ta thù ghét voi là điều có thể hiểu và thông cảm. Nhưng những con voi nhà được đưa vào phục vụ du lịch cũng đang chịu bi kịch không kém từ… người. Cả những con voi rừng lọt vào tầm ngắm của bọn săn voi lấy ngà cũng gặp bi kịch không kém. Họ cưa ngà voi bằng cưa sắt.

Ngà được chia thành hai loại, ngà đá và ngà rỗng. Ngà rỗng còn gọi là ngà giuộc, loại ngà không có lõi, nhẹ. Dũng sĩ săn voi Ma Bích hôm ngồi ở nhà rông hút thuốc lá vặt, nói với tôi rằng ngà voi sau khi bị cưa sẽ mọc lại. Tôi không tin lắm vào điều này, nhưng không tiện tranh cãi, nên thôi. Voi càng già, ngà càng to. Ngà của voi đực quý hơn ngà của voi cái, vì lớn và kỳ vĩ hơn.

Cứ khoảng được 11 đến 13 tuổi, voi sẽ cho cặp ngà có độ dài từ 25-30cm. Thời điểm này, người ta có thể cưa ngà voi. Ngà nhỏ, có thể bán theo cân.

Ngà khan hiếm dần, người ta bắt đầu thu mua cả lông voi. Những câu chuyện huyễn hoặc về nhẫn lông voi sẽ mang lại may mắn hoặc xỉa răng bằng lông voi sẽ không bao giờ bị sâu răng đã khiến lông voi cạn kiệt dần. Con voi không lông đuôi, sẽ không còn có thể xua đuổi muỗi mòng mỗi khi bị tấn công.

Người ta bán lông đuôi với giá vài trăm nghìn một cọng. Mà lông đuôi voi cũng đâu nhiều, nên người ta tạo lông đuôi voi giả bằng cách dùng dây cước màu, khò nóng đuôi voi rồi cắm dây cước được cắt ngắn theo đúng kích cỡ lông voi vào, thế là xong. Lông đuôi voi ở các khu du lịch bây giờ là giả tất. Ngay cả khi quản tượng nhổ lông ngay từ đuôi voi bán cho du khách đang trố mắt chứng kiến cũng là giả nốt. Mà của đáng tội, voi trên 25 tuổi thì lông đuôi mới dài được khoảng 10 phân.

Cạn lông đuôi voi, người ta chuyển sang bán móng chân voi… Nghĩa là tất tần tật những thứ trên người con voi có thể sinh ra tiền, họ làm hết. Chỉ còn có thịt voi là chưa được kinh doanh. Nghe bảo là thịt voi không ngon, nên người ta không thích ăn. Lại có người nói, ăn thịt voi sẽ gặp nhiều xui rủi, nên nhiều người kiêng cữ.

Voi bắt từ rừng về sẽ được thuần dưỡng bằng dùi đinh, khóa chân, chùm dây trói cỏ bện bằng vỏ cây cổ thụ… Voi bị bỏ đói, bị đánh, bị gõ búa gỗ nặng trịch vào đầu là chuyện ngày nào cũng diễn ra. Voi vừa được bắt từ rừng về, mắt đỏ vằn hoang dại. Sau nhiều tháng bị đánh, bị bỏ đói… đôi mắt ấy sẽ có ánh dịu của đôi mắt người buồn bã. Vậy là kết thúc một quá trình thuần dưỡng voi.

Voi sợ nên chấp nhận bị đưa vào khuôn phép. Người ta sẽ chất gùi lên lưng voi cho voi có cảm giác bị cưỡi, sau khoảng 3 tháng, voi sẽ được đưa vào phục vụ du khách. Từ đây, voi sẽ bị vắt kiệt sức cho những loại hình dịch vụ hoang dã. Bất kể là voi có chửa hay suy kiệt sức khỏe, voi đều phải làm ra tiền cho khu du lịch. Chuyện voi có thai, bị làm việc quá sức nên sẩy thai đã là chuyện thường xảy ra.

Voi đực trong điều kiện nuôi nhốt, mỗi khi lên cơn động dục, mà quản tượng không để ý, tranh thủ lúc đang công kênh du khách lên một cơn hứng tình, nhào vào voi cái để đòi làm chuyện mây mưa. Voi cái bị rượt đuổi, cuống cuồng bỏ chạy, sa chân vào hố… chết. Có những cái chết của loài vật to lớn này hết sức ầu ơ mà không tài nào kể ra hết được.

Ngoài chuyện ấy, voi phải đối diện với bọn kẻ cướp, hai tay hai cây mác, túi quần đút thêm chai nhựa đựng đầy xăng. Bọn chúng tấn công voi vào đêm, lúc voi được buộc vào cây đại thụ cạnh bìa rừng để nghỉ ngơi. Chúng tấn công voi từ phía sau… Con voi tội nghiệp bị tấn công, chỉ biết bỏ chạy, bởi chân voi vướng phải dây xích to…

Không dừng lại ở đó, voi chết sau khi báo cáo về Sở Du lịch, sau khi nhận được thông tin, các vị có trách nhiệm sẽ đồng ý cho chủ voi mang voi đi chôn. Người ta tiễn voi bằng gà, bằng heo. Ai giàu có hơn thì vật cả một con trâu làm đồ tống táng. Nhưng, voi chôn chưa ấm đất, lại một đám người khác xuất hiện đào mả voi để nhặt nhạnh tàn dư.

Ở một lễ cúng voi trước khi bắt đầu mùa lễ hội hoặc đợt  săn voi mới, người ta kiêng cữ mọi thứ. Họ sẽ làm thịt một con lợn con độ chừng 15kg, mời thầy tế, dựng cây nêu giữa sân làng, đọc một lời kinh dài bằng tiếng dân tộc đại ý là để tạ ơn voi đã giúp đỡ, để báo cáo thần linh mùa lễ hội hoặc chuyến săn voi sắp bắt đầu. Họ cầu mong được sự hỗ trợ từ thần linh những điều may mắn… Nhưng giờ, tất cả chỉ là thủ tục. Đám cúng lễ diễn ra dưới sự rình rập của hàng chục cái máy chụp ảnh của các phóng viên

Mọi thứ diễn ra nháo nhào, kết thúc nháo nhào.

Quản tượng bây giờ cũng là những cậu nhóc da đen tóc vàng cháy nắng, bỏ học sớm, hút thuốc lá nhả khói như đầu tàu… Không quen ruộng nương, bỏ học là ra khu du lịch cưỡi voi phục vụ du khách. Đổi lại, mỗi tháng sẽ có hơn 2 triệu tiền lương, đó là chưa kể đến khoản tiền boa của khách

Ngô Kinh Luân
.
.