Vợ chồng… mũi dãi

Thứ Hai, 27/02/2012, 15:30
Manh sinh năm 1990, cô bé mà Manh gọi là vợ tên Thảo, sinh năm 1997. Manh ra Tòa với cái quần jeans bạc, áo sơ mi dài tay chấm bông, tóc lòa xòa kiểu mấy trai làng mới lớn ở quê vẫn hay để. Thảo líu ríu theo chồng, Thảo mặc bộ đồ bộ xanh màu đọt chuối, áo khoác ngoài màu xanh đậm. Trên tay Manh là con trai của vợ chồng Manh. Cậu nhóc mới vừa hơn tháng tuổi. Vợ chồng Manh ra Tòa bởi Manh đang đối mặt với tội danh “Hiếp dâm trẻ em”.

1. Manh lẫn Thảo là người cùng xóm, cả hai ở ấp Cá Nổ, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Tân Hưng là vùng đất ngập sâu điển hình của khu vực Đồng Tháp Mười, hàng năm có đến 5 tháng nước lũ, 7 tháng còn lại là nước cạn. Thu nhập chủ yếu của người dân vẫn là nông nghiệp.

Lấy đặc điểm địa hình của Tân Hưng để nói lên cái nghèo dễ mường tượng của vùng đất ấy.

Manh là con thứ trong gia đình có 6 anh chị em. Ba má Manh nghèo xơ. Manh học đến lớp 6 thì nghỉ học. Nhà khó khăn thì nghỉ học thôi, chứ cũng chẳng vì lý do gì khác. Manh thôi học, nhanh chóng nhập vào đội ngũ thiếu niên đi làm thuê của xã. Ai gọi gì, Manh làm nấy... Việc bữa đực bữa cái, tiền ngày có ngày không. Tiền công của Manh, Manh đưa hết cho má, để phụ má nuôi hai em nhỏ và người chị gái bị tâm thần.

Thời khốn khó, ít niềm vui. Dọc ngang khắp xóm cũng chỉ có bấy nhiêu khuôn mặt, nên Manh hay để ý đến Thảo. Ngày sinh chính xác của Thảo được thể hiện trong khai sinh là 17-11-1997. Trai gái cùng quê quen nhau mà, có ai để ý đến tên tuổi. Thấy khuôn mặt xinh xinh, dáng người hiền lành, thích thì ngỏ lời thôi. Bắt Manh phải tìm hiểu xem Thảo đã đủ tuổi thành niên hay chưa là điều mà Manh không bao giờ có thể thực hiện được. Manh ngỏ lời tán tỉnh, Thảo bẽn lẽn gật đầu.

Quen nhau ít lâu, Manh về thưa với ba má sang nhà Thảo hỏi cưới Thảo cho Manh. Manh nghĩ đơn giản thôi, thương nhau thì thành chồng thành vợ, rồi vợ chồng làm thuê chắt chiu mà sống với nhau.

Ba má Manh cũng nghĩ như Manh, lựa ngày tốt, họ đến nhà Thảo để dạm ngõ. Gia đình Thảo khước từ lời dạm hỏi của ba má Manh. Không biết khi khước từ, ba má Thảo đã nói những gì mà từ nhà Thảo trở về, ba má Manh kiên quyết cấm Manh không được quen với Thảo nữa.

Mới ướm mầm yêu đương, lại bị cấm cản, ai mà không đau. Có lẽ, cả Manh và Thảo đều đã phản kháng lại gia đình, nhưng tất cả đã thất bại. Chuyện tưởng chừng trôi vào lãng quên thì bất thần, Manh gặp lại Thảo tại đám cưới của một người bạn.

Hương cũ còn đang nồng, tình xưa còn vướng vít, nên gặp lại nhau, cả Manh và Thảo đều như say như ngây. Tan tiệc, Manh nắm tay Thảo, nói: “Em à, mình thương nhau thiệt tình mà. Bấy nhiêu lâu ba má cấm cản, anh buồn đến mất ngủ mà không biết làm sao”. Nghe lời Manh nói, Thảo im lặng.

Rồi có lẽ, cơn bốc đồng ái tình trong Manh nổi lên, Manh đề nghị: “Hay hai đứa mình trốn nhà đi, em nha. Anh có người quen ở Đồng Tháp, mình trốn về đó có nhau vài ngày được không em?”. Thảo lại im lặng. Nhưng đôi lúc, im lặng đồng nghĩa với sự chấp nhận.

Manh đưa Thảo về nhà người quen ở Đồng Tháp, hai ngày sau, Manh và Thảo về nhà Manh ở. Manh thưa với ba má mình: “Ba má thương tụi con, ba má coi Thảo như con dâu, chứ ba má ngăn cấm hoài, làm sao con sống nổi”. Thương con, ba má Manh đồng ý.

Ngày 13/9/2010, Thảo gần như là về nhà Manh làm dâu, không kèn không trống thì đến ngày 10/12/2010, Thảo nói với Manh: “Em có thai rồi, anh Manh ạ”. Thời điểm ấy, theo khai sinh thì Thảo chỉ mới 12 tuổi, 9 tháng, 28 ngày với cái thai hơn 6 tuần tuổi trong bụng.

2. Thông tin Thảo có thai khiến cái xóm nhỏ trở nên chộn rộn. Họ xì xầm, họ bàn tán... Chỉ có Manh là âm ỉ niềm hạnh phúc mình sắp được làm cha. Ba má Manh mừng rơn vì họ sắp có cháu nội. Thế nhưng, những niềm vui ấy nhanh chóng bị tắt lịm khi Cơ quan công an gửi giấy triệu tập Manh và Thảo để tiến hành điều tra.

Một hành vi phạm pháp đương nhiên phải được nghiêm trị. Và tiếc rằng, Manh đã vướng vào hành vi ấy.

Manh tường trình tại Cơ quan công an toàn bộ chuyện tình cảm của mình với Thảo rất điềm tĩnh. Manh chỉ hoảng hốt khi cán bộ điều tra giải thích cho Manh biết thời điểm Thảo và Manh làm chuyện vợ chồng, Thảo chưa đến 13 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc, Manh phạm tội “Hiếp dâm trẻ em”.

“Nhưng, tụi con thương nhau thiệt mà chú. Với lại, Thảo đã mang thai với con”, Manh chống chế. “Biết là thương nhau thiệt, nhưng hành vi của Manh đã vi phạm pháp luật, Manh ạ”, cán bộ điều tra trả lời. Mọi việc còn nghiêm trọng hơn khi mà những giám định của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Long An khớp với toàn bộ tường trình của Manh lẫn Thảo. Lúc ấy, cái thai trong bụng Thảo đã hơn 21 tuần tuổi.

Cuối tháng 8/2011, Tòa án Nhân dân tỉnh Long An mở phiên Tòa sơ thẩm xét xử Manh tội danh “Hiếp dâm trẻ em”. Sau khi cân nhắc các tình tiết, chủ tọa phiên tòa tuyên phạt Manh 7 năm tù giam, đồng thời, phạt ba má Manh.

Vợ chồng Manh rời Tòa, buồn hiu như chiều 30 Tết nhà không tiền còn bị chủ nợ réo. Thảo hỏi Manh: “Giờ vợ chồng mình tính sao hả anh?”. Manh không trả lời, vì Manh đang bị ám ảnh bởi những ngày phía sau song sắt. Thiệt tình, Manh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó.

Manh sinh ra và lớn lên, đi làm thuê phụ má, gặp rồi yêu Thảo, đơn giản chỉ có vậy. Manh chưa từng tham gia vào một vụ gây rối xóm làng, tính Manh hiền khô, chưa từng làm mất lòng ai.

Từ ngày Thảo báo với Manh rằng Thảo có thai, Manh lại làm quần quật để hy vọng có chút tiền tích lũy lo cho vợ cho con sau này.

Có lẽ chính vì vậy, mà ba má Thảo mặc dù không hài lòng với chuyện Thảo về ở cùng Manh, nhưng họ cũng không làm ầm ĩ.

Ai đó chỉ cho vợ chồng Manh làm đơn gửi Tòa, xin xét giảm hình phạt, bởi do thiếu hiểu biết nên Manh vô tình mắc phải tội danh ấy. Thảo cũng làm đơn xin xét giảm mức án cho chồng.

Mọi thứ trôi qua  nặng nê ìtrong cái Tết vừa rồi, nhà Manh không có không khí xuân. Đơn giản, họ đang chờ đến ngày Tòa án Nhân dân TP HCM đưa vụ việc ra xét xử ở phiên phúc thẩm.

3. Ngày cuối cùng của tháng 1/2012, vợ chồng Manh đón xe đò lên thành phố theo lịch hẹn của Tòa án. Đi cùng vợ chồng, có ba má Manh.

Trên này, Manh trả lời các câu hỏi của chủ tọa. Dưới hàng ghế, Thảo vừa cho con bú, vừa giật mình thon thót, mắt ánh lên nỗi sợ hãi mơ hồ. Mẹ Manh, khuôn mặt đẫm nước mắt.

Manh thưa với Tòa, cho đến khi bị Cơ quan điều tra triệu tập, Manh mới biết Thảo làm vợ mình khi chưa đến 13 tuổi. Trước đó, Manh thương thì thương, chứ Manh đâu để ý đến tuổi của Thảo làm gì. Hơn nữa, Manh nghĩ là thương yêu thì thành chồng vợ thôi. Manh đâu phụ bạc Thảo để làm nên tội.

Đến lượt mình, Thảo nói: “Dạ, thưa Tòa! Anh Manh ảnh không có hiếp dâm con đâu. Con thương ảnh, con muốn trở thành vợ ảnh, sinh con cho ảnh. Ảnh chưa từng nặng lời hay đánh mắng gì con. Tòa xem xét rủ lòng, cho ảnh được về với mẹ con con. Chứ ảnh bị đi tù, thì mẹ con con biết sống ra sao”… Thảo khóc.

Một tình tiết mới xuất hiện trong phiên Tòa này, mà tôi cho là đây chính là hy vọng cuối cùng cho vợ chồng mũi dãi ấy.

Có khả năng, Thảo sinh năm 1995 chứ không phải là 1997 như khai sinh thể hiện. Có thể, do ở quê, nên ba má Thảo đã đăng ký khai sinh cho Thảo trễ hơn thông thường.

Ba Manh cũng thưa thêm: “Lúc thằng Manh mang con Thảo về nhà, tui có sang bên gia đình anh chị, cho phép tui gọi là sui gia thưa chuyện thêm lần nữa. Anh chị bên đó cũng bằng lòng. Tụi nhỏ có dại, tụi nhỏ sai. Nhưng cái sai này là cả tụi nhỏ lẫn vợ chồng tui không cố ý. Kính mong Tòa xét lại”.

Một cái may khác nữa, là trong phiên Tòa hôm ấy, chủ tọa xem xét vụ việc rất có tâm, có lý có tình. Nghĩ rằng, quy định pháp luật được ban ra là để bảo vệ công dân chứ không chỉ là những điều lệ cứng nhắc.

Chủ tọa phiên tòa đã tuyên hoãn vụ án, để Cơ quan điều tra có thêm thời gian tiến hành điều tra xem Thảo sinh năm 1995 hay 1997. Đây là điều rất quan trọng trước khi Tòa quyết định tuyên án.

Sau phiên Tòa, Manh ôm con trên vai, ngồi với Thảo trên cái bậc thềm ngay khuôn viên Tòa án. Hai vợ chồng nói với nhau gì đó, rất nhỏ. Cậu nhóc con Manh ngủ ngon lành trên vai ba.

Đương nhiên, việc chủ tọa phiên tòa tuyên hoãn xét xử, không đồng nghĩa là Manh sẽ thoát án tù. Nhưng dẫu sao, Manh vẫn có quyền hy vọng. Hơn hết, Manh có được thêm khoảng thời gian ở bên vợ, bên con. Có thêm cơ hội để quần quật làm thuê kiếm tiền lo cho con cho vợ trong khi chờ kết luận cuối cùng từ Cơ quan điều tra.

Manh và Thảo, không phải là đôi vợ chồng mũi dãi đầu tiên tôi viết. Đã có rất nhiều bản án dành cho người chồng không may yêu vợ trẻ con, mà tôi tin rằng chính vị chủ tọa ở các phiên tòa ấy cũng không muốn tuyên án.

Quá khó để yêu cầu một ai đó khi yêu nhau, cần cẩn thận xem xét chứng minh nhân dân của người mình yêu, nhằm tránh một sự xui rủi về sau.

Phía sau lũy tre làng, nơi mà những cậu nhóc rời khỏi ghế nhà trường ngay khi vừa thuộc mặt con chữ. Những cô thôn nữ vội vã trở thành vợ, thành mẹ thuở còn kẹp tóc... thì bi kịch luôn rất dễ xảy ra.

Tôi hoàn toàn không có ý định khuyến khích cho hành vi mà chúng ta quen gọi là tảo hôn. Nhưng có lẽ, để tránh những chuyện đau lòng, thì việc phổ biến các quy định của pháp luật ở miền hẻo lánh là điều vô cùng cần thiết.

Những gót chân chai sần đồng ruộng, những mái tóc khét nắng, những bàn tay thoảng mùi bùn non... xứng đáng được ở nơi họ thuộc về, chứ không phải là lần mò lên thị thành và sợ hãi trong căn phòng xử án.

Vấn đề là, chúng ta sẽ giúp họ ở lại nơi họ thuộc về như thế nào đây?

Kinh Hữu
.
.