Tử tù Lê Văn Tuấn: Xin bố đến thăm con lần cuối

Thứ Ba, 16/03/2010, 14:54
Lần đầu tiên tiếp xúc với tử tù trong Trại tạm giam Nghi Kim, tôi vẫn có cảm giác rờn rợn khi bước chân vào đó. Nhưng khi gặp Lê Văn Tuấn, nhìn những giọt nước mắt đau khổ rơi trên gương mặt của em, tôi thấy lòng mình chùng lại...

Tuấn nặng nề bước ra từ phòng biệt giam dành cho những kẻ tử tù. Gương mặt hoang dại, cô đơn của một kẻ không có gia đình. Tuấn đã bị bố bỏ rơi từ khi em còn nhỏ. Trong trái tim lạnh giá của một kẻ tử tù như em vẫn còn những giọt nước mắt đau khổ, đau khổ vì nỗi ân hận đã gây ra tội ác và  khắc khoải một nỗi đợi chờ, được gặp bố lần cuối.

Tuổi thơ trong nhà chùa

Không gì có thể biện minh cho tội ác mà Tuấn đã gây ra, nhưng đi đến tận cùng của số phận, mỗi người cũng có những nỗi đau riêng. Với Tuấn, trong hơn 20 tử tù đang chờ ân xá trong Trại tạm giam Nghi Kim, là một số phận đặc biệt, có thể chạm vào lòng trắc ẩn rất nhiều người khi nói chuyện với em.

Sinh năm 1980, ở Diễn Kỳ, Diễn Châu, Nghệ An, Tuấn lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn. Bố bỏ mẹ con Tuấn về Thanh Hóa lấy vợ khác. Một mình người mẹ bất hạnh của Tuấn không đủ sức để nuôi hai chị em, nên lên 5 tuổi, Tuấn được ông bà ngoại gửi vào chùa Sư Nữ ở thành phố Vinh. Tám năm lầm lũi trong chùa giúp việc cho các nhà sư, được nhà sư dạy bảo, Tuấn lớn lên như cỏ cây hoang dại, không người thân yêu, không tình phụ tử. Người bố bội bạc của Tuấn không bao giờ quan tâm đến đứa con trai mà ông ta đã sinh ra.

Tuấn buồn lắm. Nỗi buồn đơn độc của em dường như cô đặc lại trên gương mặt, trong đôi mắt sâu hoắm. Dù Tuấn cũng nhận được nhiều tình cảm của các nhà sư, nhưng làm sao đủ cho tuổi thơ cần tình yêu của một cậu bé đang lớn. Nương mình nơi cửa Phật, Tuấn sống lặng lẽ, u uất. Đôi mắt của em hằn sâu một nỗi sợ hãi, cô độc.

13 tuổi, người mẹ tội nghiệp của Tuấn thương con nên đón về, dù gia cảnh lúc đó thực sự khó khăn. Gánh hàng ăn ở thị trấn Diễn Kỳ bé nhỏ của chị không đủ trang trải những chi phí hằng tháng, huống hồ là nuôi hai đứa con. Tuấn sống cạnh mẹ 3 năm. Nhưng duyên nợ với cửa Phật, Tuấn lại trở về đó. Dường như Tuấn vẫn cảm thấy an lòng nhất trong những lúc nương nhờ ở chùa Sư Nữ. 17 tuổi, Tuấn lại về chùa. Chính ở nơi đó, tâm hồn cằn cỗi của Tuấn đã được tiếp thêm nguồn sống từ tình yêu của Hồng, cô gái hằng tháng vẫn đến lễ chùa. Hình như là có duyên nợ gì với nhau, Tuấn bảo vậy, vì người yêu Tuấn bán hàng trên tận Diễn Châu. Tôi hỏi, gắn bó với nhà chùa, Tuấn có nghĩ đến chuyện xuống tóc đi tu, em cười buồn, em chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, vì em yêu Hồng. Em cũng cần một tình yêu để về lại với đời.

Rồi mẹ ốm nặng. Cô em gái đi lấy chồng mang theo cả gia tài của mẹ, và gần như bỏ rơi người mẹ tội nghiệp. Tuấn xót xa trở về ngôi nhà vốn lạnh lẽo của mình, cố gắng chạy vạy tiền chăm sóc mẹ. Nhưng căn bệnh quá nặng, không tiền chạy chữa nên năm 2007, mẹ Tuấn qua đời. Lúc đó Tuấn đã 27 tuổi. Không học hành. Không bố mẹ. Không tiền bạc. Không nơi nương tựa. Tuấn thấy mình bơ vơ. Tuấn bất lực với chính mình. Bất lực với cuộc đời. Cô em gái lạnh lùng. Người bố ra đi không một lần ngoái lại. Tuấn bị dồn vào bước đường cùng. Trong em là nỗi tuyệt vọng ghê gớm.

... Đến nhà tù

Những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt hốc hác vì nhiều đêm mất ngủ của em. Tôi không tin vào nước mắt của những kẻ phạm tội, nhưng không hiểu sao khi ngồi trước Tuấn, tôi tin vào nỗi đau và những uẩn khúc của em. Dù tội lỗi em đã gây ra không gì có thể cứu chuộc được.

"Đời em còn gì để mất đâu chị", Tuấn đau đớn kể. "Hoàn cảnh em như vậy. Em lại bị viêm cầu thận mãn tính. Em không còn đường đi nữa". Nhưng tình yêu với Hồng đã neo Tuấn lại với đời, để em vẫn còn những khát vọng về cuộc sống.

Sau ngày mẹ mất được một thời gian, Tuấn và Hồng chuẩn bị làm đám cưới. Tuấn còn nhớ, hôm đó, Tuấn đi xuống nhà một người bạn ở xã bên. Cả nhà đi vắng, chỉ có bà Trần Thị Hồng, mẹ của bạn Tuấn ở nhà. Tuấn muốn vay bạn một ít tiền để chuẩn bị làm đám cưới và chữa căn bệnh mãn tính. Bị căn bệnh đó, Tuấn không còn nhiều hy vọng vào cuộc sống. Nhưng như một cây non hoang dại lỡ mọc lên trong bóng tối, Tuấn vẫn cố vươn mình ra ngoài ánh sáng. Nhưng mẹ bạn có vẻ không thiện cảm với Tuấn, cứ nghĩ rằng Tuấn có ý đồ xấu nên bà rất cảnh giác. Bà còn dọa sẽ gọi điện nói chuyện với người yêu Tuấn sự thực về  căn bệnh của em. Tuấn hoảng hốt. Nếu biết sự thật, chắc Hồng sẽ không bao giờ lấy Tuấn. Đời Tuấn sẽ trôi về đâu. Tuấn phẫn uất, trong cơn cùng quẫn, em đã xô bà Hồng ngã. Bà Hồng kêu lên thất thanh, có kẻ cướp của giết người. Tuấn bị ức chế, vớ lấy con dao đập vào gáy bà Hồng. Cú đập mạnh làm bà Hồng bị chấn thương sọ não và vài ngày sau bà mất.

Tuấn sợ hãi bỏ chạy, em không tin vào hành động của mình. Đến bây giờ sau gần ba năm ngồi trong nhà tù suy nghĩ, Tuấn vẫn không hiểu sao mình có thể gây ra tội ác đó. Đời Tuấn chưa bao giờ gây gổ với ai. Tuổi thơ trong nhà chùa đã luôn ăn sâu vào tiềm thức Tuấn về những lẽ sống ở đời. Vậy tại sao Tuấn có thể hành động như một kẻ côn đồ như vậy. Tại sao cuộc sống lại dồn em vào chân tường, không cho em một lối đi.

Nhưng cũng không thể đổ lỗi cho cuộc sống, không thể có lý lẽ nào để biện minh cho hành động của kẻ đã gây ra tội ác. Tuấn bỏ về Thanh Hóa thăm ông nội và mong tìm gặp lại người bố của mình. Nhưng ông bố lạnh lùng tàn nhẫn kia gần như không thèm nhìn mặt cậu con trai đau khổ. Ông không biết rằng, chính sự tàn nhẫn, vô trách nhiệm của ông đã đẩy Tuấn đến kết cục hôm nay. Tuấn quay trở về Diễn Châu, lo lắng không biết mẹ của bạn ra sao. Tuấn bị Công an bắt, em cúi đầu nhận tội. Án tuyên tử hình. Tuấn chết lặng người.

Gần ba năm rồi, Tuấn nằm lặng lẽ trong Trại tạm giam Nghi Kim. Quản giáo ở đây nói rằng, Tuấn lành lắm. Lúc nào cũng hiền khô, ngoan ngoãn tuân theo các quy định của trại. Em không biết chữ, nên đã nhờ quản giáo viết đơn xin giảm án gửi lên Chủ tịch nước. Mỗi ngày qua đi là một ngày chờ đợi. Và hy vọng. Nếu được giảm án xuống chung thân, Tuấn sẽ còn có cơ hội về với cuộc sống, bù đắp lại những lỗi lầm của mình. Tuấn luôn ngồi lặng lẽ trong buồng giam. Bộ bài làm bạn với Tuấn trong những đêm đối diện với bốn bức tường. Tuấn ngồi bói bài để giết thời gian, nhưng làm sao có thể bói được tương lai của mình.

Nhiều đêm em nằm lặng lẽ khóc. Em không có ai đến thăm nom. Cách đây 5 tháng, người yêu Tuấn có đến thăm. Nhưng sự thăm nom của Hồng làm Tuấn càng thêm đau lòng. Em đâu còn cơ hội trở lại với đời. Và căn bệnh viêm cầu thận nữa, rồi sẽ đẩy cuộc sống của Tuấn đi về đâu. Tuấn đau khổ bảo Hồng hãy quên em đi và làm lại cuộc sống. Dù Hồng là người thân duy nhất của Tuấn lúc này, người có thể cho Tuấn những hy vọng vào cuộc sống nếu số phận may mắn mỉm cười với Tuấn khi em được ân xá.

Xin được gặp bố lần cuối

Gần ba năm trong trại tạm giam, chưa một lần người bố vô tình của Tuấn đến thăm. Dù Tuấn bị bỏ rơi từ lúc còn bé nhưng tôi hiểu, trong tâm hồn em luôn đau đáu một nỗi nhớ bố. Em thèm được một chút quan tâm của bố và không oán giận vì ông đã bỏ rơi ba mẹ con. Trong những ngày, có thể là cuối cùng của đời mình, Tuấn chỉ mong một lần được gọi tiếng bố.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì Tuấn không kìm được tiếng khóc. Nước mắt em giàn giụa. Đêm đối với em là những đêm trắng dằng dặc. Em không ngủ được. Nỗi sợ hãi không biết một ngày nào đó sẽ bị mang ra pháp trường khiến em hoảng loạn. Và hơn cả, trong những ngày tháng gần như tuyệt vọng này, Tuấn vẫn đau đáu về một nơi. Nơi đó, người bố của Tuấn đang sống bình yên với gia đình mới của mình, gạt Tuấn ra ngoài lề của cuộc sống. Nếu cho Tuấn một điều ước cuối cùng, em chỉ mong, một mong ước nhỏ thôi, và sẽ là bình thường đối với người khác nhưng sao đối với em thật xa vời: Khi thi hành án Tuấn có bố ở bên cạnh mình. Có lẽ lúc đó Tuấn sẽ yên lòng nhắm mắt.

Bố ơi, xin được gặp bố một lần cuối. Đó là tiếng khóc của một kẻ tử tù đang mòn mỏi trong Trại tạm giam Nghi Kim. Khi tôi viết bài này, không hiểu sao tôi vẫn mong có một sự tình cờ nào đó nếu ông bố của Tuấn đọc được. Chắc hẳn ông có chạnh lòng suy nghĩ, và thức dậy một chút lương tri của người làm bố đã bỏ rơi đứa con tội lỗi để đến thăm Tuấn, thỏa nguyện ước tội nghiệp cuối cùng của một kẻ tử tù. Và tôi biết trong em vẫn còn niềm hy vọng đó...

Hà Việt
.
.