Trở lại quê nhà, bỏ mộng trời Tây

Thứ Hai, 28/01/2019, 19:57
Họ là những người trẻ, thế hệ 8x,9x, có cơ hội ra nước ngoài du học, tiếp cận với nền văn minh tiên tiến của thế giới. Nhưng thay vì chọn ở lại như nhiều giấc mơ vọng ngoại mà nhiều người Việt đang mơ, họ trở về Việt Nam làm việc và cống hiến.

Nếu mình buông tay thì liệu bao nhiêu người khác sẽ nhảy vào, họ có tiếp tục làm giáo dục vì tụi nhỏ, hay rồi mọi thứ lại quay về thuần túy thương mại, giao dịch theo kiểu thị trường, tiền trao cháo múc. Nếu tất cả những gì mình làm vì tụi nhỏ trên hết, chỉ cần không thẹn với lòng thì dù có mưa bão mỗi ngày, mình vẫn sẽ cứ đi, đến khi nào không đi được nữa thì thôi. Biết đâu sẽ có lúc trời quang mây tạnh, mưa bão đi qua và nắng đẹp sẽ bừng lên. Lúc đó dù mình có ra đi cũng không có gì phải hối tiếc.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu: Chàng Donkihote và giấc mơ giáo dục khai phóng

Tôi đọc những bài báo đầu tiên về Hiếu trên báo Tuổi trẻ cách đây khá lâu, khi Hiếu mới về nước. Và tôi tò mò theo dõi hành trình của chàng trai này.

Tò mò vì sao một nhân vật sở hữu những thành tích khủng “thủ khoa nhóm Toán - Thống kê, sinh viên A-level xuất sắc nhất nước Anh, học bổng toàn phần của Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế tại Đại học Stanford với hai suất học bổng từ Đại học Stanford và Quỹ Tiền tệ quốc tế, tốt nghiệp thủ khoa MBA tại Oxford”, lại chọn trở về Việt Nam và làm trong một lĩnh vực không liên quan nhiều đến những bằng cấp mà Hiếu học ở những nơi danh tiếng lừng lẫy ấy: Giáo dục.

17 tuổi, từ Quy Nhơn, Nguyễn Chí Hiếu rinh học bổng sang Anh du học. Và từ đó bắt đầu cho một hành trình 10 năm nơi xứ người. Tốt nghiệp tiến sĩ tại Stanford, Hiếu nhận được nhiều lời mời ở lại ở những vị trí cao mà có lẽ, bất cứ ai du học cũng mơ ước. 

Nhưng thường trực trong trái tim anh là câu hỏi: “Ở lại hay về?”. Mọi sự lựa chọn không dễ dàng, một bên là vị trí nhà nghiên cứu kinh tế trẻ tại IMF mà ít ai có được, với mức lương trăm ngàn đô một tháng - giấc mơ và có lẽ cũng là mục đích của phần đông những người trẻ Việt Nam đi du học. Và một bên là trở về, chỉ là người gõ đầu trẻ vô danh ở nhà. 

Nhưng Hiếu đã để trái tim mình dẫn lối mọi quyết định quan trọng trong cuộc đời, bởi một chàng trai phóng khoáng, ưa xê dịch và đi khá nhiều như Hiếu hiểu rằng: “Cái giá của một tiến sĩ Stanford và nhà nghiên cứu tại IMF là gì, liệu có sự kết nối nào đó từ bên trong với những con người thành danh ở đó? Hay là tình cảm của những đứa trẻ xa lạ nhưng lại làm nổ con tim để một tràng cảm xúc trong mình tự do trào ra như ong vỡ tổ, cất lên tiếng hát hân hoan, dẫu tiền lương nhận về chỉ như một viên kẹo so với chiếc bánh gatô ở nơi kia”. 

Trong lúc hoang mang trước những lựa chọn đó thì Hiếu nhận được lá thư của một học sinh: “Anh ơi, em nhận được học bổng rồi, cảm ơn anh nhiều nhé. Anh chỉ dạy em có ba tháng hè thôi nhưng đó là thời gian rất có ý nghĩa với em. Nó chỉ ra cho em con đường để em biết mình phải đi như thế nào, cho em hiểu thêm nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống”. 

Đó chính là cú hích khiến Hiếu quyết định gói ghém hành lý của chặng đường 10 năm du học để trở về. Đó là năm 2012, Hiếu tròn 27 tuổi.

“Ngày ấy mình không biết liệu con đường trở về có phải là đam mê, nhưng khi con tim đã lên tiếng, mình khó mà cưỡng lại. Quyết định quay về Việt Nam dù theo trực giác nhất thời nhưng rất mạnh”.

Nhưng theo con đường mà Hiếu gọi là trực giác ấy, Hiếu quay về Việt Nam hơn 15 năm. Mười lăm năm kiên trì, bền bỉ với lựa chọn của mình, Hiếu ươm những mầm cây, nuôi dưỡng trong các thế hệ học trò tình yêu, niềm đam mê khoa học và khám phá.

Tôi hiểu, 15 năm của Hiếu là một chặng đường dài và nhiều nhọc nhằn khi những tư duy đổi mới của anh gặp phải những va đập với một nền giáo dục nặng về thi cử và thành tích, coi trọng điểm số. 

Thậm chí đôi khi Hiếu phải đối mặt với những câu nói như những nhát dao chí mạng: “Tôi chỉ có tiền” hay đi qua những gièm pha, định kiến với một nồi lẩu thập cẩm của những “ngôi sao”, những người trồng cây không rễ. 

Hiếu chia sẻ: “Đôi khi bạn sẽ thấy cùng cực cô đơn như một cánh chim lạc bầy trên hành trình theo đuổi đam mê của mình. Không phải cứ có đam mê là bạn sẽ được cả thế giới ghi nhận, gật đầu và vỗ tay khen hay đâu. Có những đam mê không được mấy ai hiểu, mà hiểu rồi chưa chắc họ tin, tin rồi chưa chắc họ giúp, giúp rồi chưa chắc thành công và thành công rồi chưa chắc họ sẽ tiếp tục đi cùng ta lâu dài. Song nếu suốt chặng đường theo đuổi đam mê, ta luôn giữ trong lồng ngực một trái tim Danko, luôn tin vào sự lựa chọn của mình, luôn dám cất tiếng nói chân thành từ trái tim để giúp ai đó trở nên tốt hơn, thì rồi cũng có ngày, những ai cần hiểu cũng sẽ hiểu ta. Có lẽ nếu thiếu những chông gai, thiếu nước mắt, thiếu những giây phút mình lẻ loi thì đam mê sẽ mất lửa”.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu trong một buổi thuyết trình.

Những ngày đầu trở về Việt Nam, Hiếu bị sốc văn hóa ngược. Đó là những tháng ngày cô đơn, không có bạn bè chia sẻ. Niềm vui của Hiếu mỗi ngày là những ánh mắt thơ trẻ bởi “giáo dục chân chính là đặt học sinh trong tâm” và Hiếu đi kiên định trên con đường đó để ươm mầm những cây xanh. “Cứ đi về hướng ấy sẽ thấy được mặt trời”.

Hơn 15 năm gắn bó với giáo dục, vượt lên kiểu tư duy luyện thi gà nòi, tư duy điểm số, Hiếu mang về một tư tưởng giáo dục mới mẻ, tôn trọng học sinh và coi việc dạy như ươm một mầm cây, chú trọng đào tạo kỹ năng và tư duy. 

Bây giờ Hiếu đang là CEO của Trung tâm giáo dục và phát triển kỹ năng IEG, đồng thời là tư vấn cao cấp cho hệ thống các trường THCS, THPT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Công việc bận rộn nhưng đó là cách Hiếu gieo những hạt mầm mới về tư tưởng; sự đổi mới trong giáo dục, đôi khi phải bắt đầu từ chính giáo viên và phụ huynh. 

Hạnh phúc của Hiếu là sự trưởng thành của nhiều thế hệ học trò. Sự trưởng thành không phải là những điểm số cao chót vót, vào những trường top của thế giới, không chạy theo bất cứ thành tích hào nhoáng bên ngoài mà sự lớn lên vững chãi từ bên trong. 

“Tôi mơ ước giúp những đứa trẻ giữ vững tinh thần học vì chính bản thân chúng và không đánh rơi niềm cảm hứng ấy ở đâu đó vì thi cử, áp lực, vì những đồng tiền thương mại.”

Tôi hỏi Hiếu có mơ mộng quá không khi anh đi một con đường hẹp, thậm chí ngược chiều với đám đông. Hiếu cười, nụ cười dễ thương, giọng Quảng Nam đậm chất và ấm: “Đó là giấc mơ hơi xa vời, mình biết chứ, nhưng đã trót dại và nghiện giấc mơ đó nên mình cứ làm say mê, bền bỉ như ngọn lửa vậy”

Tôi ngồi cà phê với Hiếu khi anh vừa trở về từ Mỹ, sau chặng đường hai tháng. Anh là người Việt Nam đầu tiên được quỹ học bổng danh giá Eisehower  Fellowship cấp học bổng cho một khóa học về giáo dục. Hiếu lại xách balô lên và đi, đi để tiệm cận với những thứ hay ho của thế giới và trở về truyền thụ cho bọn trẻ. 

Và trên facebook của Hiếu, vẫn là những note bài tâm huyết dành cho giáo dục, những câu chuyện kể tâm tình, sẻ chia gần gụi ấm áp về con đường giáo dục, về con đường khai phá những giấc mơ trong tâm hồn trẻ nhỏ, để con được là mình. Tôi bảo Hiếu mơ mộng, còn Hiếu tin rằng, một lúc nào đó, những mộng mơ của anh sẽ trở thành hiện thực trên chính quê hương mình.

Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh: Người truyền cảm hứng

Hơn mọi danh xưng hay tụng ca, Lưu Đức Anh chỉ muốn được gọi là một nghệ sĩ. Và cây đàn piano chỉ là cầu nối để đưa anh đến với khán giả mà thôi.

Tôi gặp Lưu Đức Anh trong lần đầu tiên anh về nước biểu diễn cách đây 2 năm. Một chàng trai thế hệ 9X, thông minh, mẫn tiệp và sâu sắc. Tôi bị cuốn hút bởi tiếng đàn của Lưu Đức Anh, nó quyến rũ, trí tuệ và bay bổng.

Tốt nghiệp cao học âm nhạc tại Thụy Điển, thành danh ở nước ngoài với rất nhiều giải thưởng lớn, uy tín về âm nhạc hàn lâm, Lưu Đức Anh từng biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn của thế giới như Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch. 

Năm 2018, anh từng được mời làm nghệ sĩ solid trong dàn nhạc giao hưởng của hoàng gia Thụy Điển. Cuộc sống của anh là những chuyến lưu diễn, ở những nơi sang trọng, đẳng cấp, những nơi mà tiếng đàn của anh nhận được nhiều sự sẻ chia, thấu hiểu. 

Cuộc đời người nghệ sĩ, đôi khi đó cũng là một lựa chọn hạnh phúc. Nhưng trong tâm hồn chàng trai trẻ ấy luôn có một sự thôi thúc trở về. Lưu Đức Anh tin, mỗi người sinh ra trong đời đều có một sứ mệnh nào đó. Và với anh, đó là giấc mơ đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Tôi gặp nhiều nghệ sĩ có mong muốn đó, nhưng với Lưu Đức Anh, đó không đơn thuần chỉ là một mong muốn mà là khát vọng, là sự thôi thúc từ bên trong. 

Về nước, Lưu Đức Anh khởi xướng thành lập Maestoso tập hợp những nghệ sĩ trẻ, tài năng có khát vọng mang những giá trị tinh hoa của thế giới về Việt Nam. 

Anh chia sẻ: “Sau nhiều năm du học ở nước ngoài, sống và làm việc trong môi trường âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp, tôi đã tiếp thu rất nhiều tinh hoa của âm nhạc cổ điển và nhận ra, âm nhạc giúp tôi trưởng thành. Nhiều người chọn ở lại. Nhưng tôi vẫn mong muốn có thể đưa những tinh hoa âm nhạc, nghệ thuật của phương Tây về Việt Nam, góp phần nhỏ phát triển môi trường âm nhạc cổ điển trong nước, cải thiện thẩm mỹ cho người Việt”.

Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh bên phím đàn.

Liệu giấc mơ của Lưu Đức Anh có viển vông khi đời sống âm nhạc trong nước mất cân bằng giữa nhạc giải trí và hàn lâm. Nhạc cổ điển vẫn bị mặc định là khó nghe và kén khán giả.

Giấc mơ hàn lâm có vẻ quá khó khăn trong thị trường đang chìm đắm trong nhạc pop và những trào lưu từ nhạc Hàn, Nhật. “Con đường khởi đầu nào cũng sẽ khó khăn nhưng nếu mình không làm thì mãi mãi đời sống âm nhạc sẽ không có cơ hội phát triển”. 

Tôi nhớ văn hào Lỗ Tấn vĩ đại của Trung Quốc từng nói một câu đại ý rằng, trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường mà thôi. Chặng đường khởi đầu một năm của Maestoso rất nhiều khó khăn nhưng nhiều chương trình hòa nhạc quy mô đã được tổ chức tại Học viện  Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Nhà thờ lớn Hà Nội, Nhà thờ Cửa Bắc… 

Tâm huyết của Lưu Đức Anh đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ trẻ cùng chí hướng. Họ chơi đàn cùng nhau, cùng chia sẻ với khán giả về giấc mơ âm nhạc của họ. Một giấc mơ bền bỉ, lâu dài và trong sáng. Tôi nhìn thấy ánh sáng từ những giấc mơ ấy, nó đẹp, thuần khiết và thánh thiện. Nó mang đến cho tâm hồn con người sự hướng thượng và cái đẹp, hơn tất cả là sự cứu rỗi tâm hồn. 

Có đôi lúc, Lưu Đức Anh chạnh buồn vì những nỗ lực, tâm huyết của anh và đồng nghiệp, không dễ gì nhận được sự chia sẻ của khán giả. “Chúng tôi luôn phải chấp nhận một sự thật là khán giả ít, cách tiếp cận cũng khó hơn, vừa phải giữ được hình ảnh một nghệ sĩ cổ điển chính quy nhưng vẫn phải gần gũi, không xa rời khán giả”.

Ngoài những chương trình hòa nhạc ở Nhà hát Lớn, Maestoso còn có những chương trình miễn phí tại Nhà Thờ, giúp khán giả hình thành thói quen đi nghe hòa nhạc. Đến đó, họ có thể cảm nhận, âm nhạc cổ điển thật gần gụi chứ không hề xa lạ, khó nghe.

Lưu Đức Anh sinh ra trong một gia đình truyền thống âm nhạc, bố là Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Quang Minh, anh trai là nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang. Chọn piano, cái tên Lưu Đức Anh luôn bị đưa ra so sánh với người anh trai nổi tiếng, Lưu Hồng Quang. 

Nhưng, giấc mơ âm nhạc mà Lưu Đức Anh theo đuổi không phải là sự nổi tiếng hay là những cái tên. Nó lớn hơn thế, là sự sẻ chia, kết nối cộng đồng bằng âm nhạc. 

Gắn bó với cây đàn từ lúc 5 tuổi, đi hết cả một hành trình dài khổ luyện, những cuộc thi lớn nhỏ trên thế giới, tìm những người thầy giỏi để học, để chinh phục những bản nhạc kinh điển của thế giới, Lưu Đức Anh nhận ra, giấc mơ âm nhạc của anh không chỉ là một nghệ sĩ chơi đàn. 

Cây đàn piano chỉ là cầu nối đưa anh đến với khán giả, mang đến một thế giới đẹp mộng mơ trong kho tàng di sản của nhân loại, những rực rỡ của thiên đường hay cả những khổ đau của địa ngục. Maestoso nhận được sự chung tay của nhiều nhà tài trợ bởi họ chia sẻ với  tâm huyết của những người trẻ đi từ cái gốc của giáo dục, mà ở đây là giáo dục âm nhạc. 

“Maestoso hy vọng sẽ trở thành cầu nối, bàn đạp để các nghệ sĩ của Việt Nam có cơ hội được biểu diễn, thể hiện trình độ, cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ các nghệ sĩ trẻ tích cực học tập rèn luyện để nâng tầm nền âm nhạc cổ điển nước nhà”.

Startup Đào Xuân Hoàng: Giấc mơ không giới hạn

“Tôi trở về ở thời điểm còn nhiều khó khăn, nhưng tôi luôn có một cảm giác thật đặc biệt khi trở về Việt Nam”. CEO Monkey Junior Đào Xuân Hoàng chia sẻ.

Tôi ngồi với Hoàng ở thời điểm, những vinh quang hay giải thưởng dành cho anh đã đi qua. Phần mềm tiếng Anh Monkey Junior của Hoàng đã cán đích 7 triệu người dùng, trong đó 40% là người nước ngoài. 

Điều gì hấp dẫn ở một sản phẩm “made in Vietnam” trong thị trường có hàng ngàn sản phẩm để lựa chọn. Đó chính là những giá trị cộng đồng mà Monkey mang lại. 

Startup Đào Xuân Hoàng.

Hoàng chia sẻ: “Nhu cầu học ngôn ngữ rất cần thiết cho trẻ nhỏ, Monkey cho phép bạn nhỏ tiếp cận ngôn ngữ với giá rẻ, đảm bảo ai cũng có cơ hội học, từ người giàu đến nghèo, từ thành thị đến nông thôn. Tôi muốn hướng tới cộng đồng, giúp cho trẻ em cơ hội học tiếng Anh và các ngôn ngữ tốt hơn để hội nhập với thế giới”.

Từ Hà Tĩnh, Đào Xuân Hoàng ra Hà Nội học Bách khoa và sau đó 1 năm, Hoàng giành học bổng của Chính phủ sang Úc du học. Bạn bè cùng thời, nhiều người chọn ở lại, đầu quân cho các tập đoàn lớn, sống cuộc đời bình yên nơi “miền đất hứa”. 

Còn Hoàng, gói ghém 4 năm du học trở về, với ý nghĩ rằng, về Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cho những người như Hoàng. Cảm giác trở về rất đặc biệt. Và bây giờ, sau 10 năm nhìn lại, Hoàng vẫn thấy quyết định đó đúng đắn. 

"Môi trường Việt Nam rất thú vị, nó thách thức những con người luôn muốn sáng tạo, có cơ hội để làm điều mình muốn và có giá trị xã hội cao”.

Khởi đầu của Hoàng tại Việt Nam chưa phải là giáo dục, mà là một công ty media có trụ sở ở Việt Nam và Mỹ với hàng trăm nhân viên. Nhưng trong quá trình đó, anh nhận ra, người Việt rất hạn chế khi sử dụng tiếng Anh trình độ cao. 

Điều gì có thể giúp cải thiện nếu không phải là giáo dục từ nhỏ. Những ý tưởng manh nha dần nhưng cú hích lớn cho ngã rẽ bất ngờ của Hoàng là khi vợ anh sinh con gái đầu lòng. Hoàng mày mò tiếp cận giáo dục sớm và ý tưởng phải có một phần mềm ngôn ngữ riêng cho trẻ nhỏ thôi thúc anh.

“Phải thay đổi phương pháp học và thay đổi nhận thức của phụ huynh, thay đổi tư duy chúng ta mới có thể thay đổi tương lai”, Hoàng chia sẻ.

Hoàng quyết định từ bỏ công ty cũ, dành tâm lực cho dự án mới. Hai năm bền bỉ, có lúc phải đập đi xây lại từ đầu, Monkey Junior ra đời và ngay lập tức sau đó, Hoàng nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng. 

Những giải thưởng liên tục đến, trong đó, Monkey đã vượt qua 1.000 sản phẩm đến từ 104 quốc gia để giành giải nhất sáng kiến toàn cầu Mỹ cho sản phẩm công nghệ mang giá trị cộng đồng cao. 

Đến bây giờ, tôi nghĩ, đó vẫn là một niềm tự hào của người Việt Nam khi cái tên Đào Xuân Hoàng đến từ Việt Nam được xướng lên ở thung lũng Silicon năm đó. Đó là tự hào Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, là khát vọng của những người trẻ không ngừng chinh phục giấc mơ vươn ra thế giới.

Và liên tục các giải thưởng. Giải Nhất nhân tài đất Việt, Giải Nhất thiết kế châu Á ở Nhật. Liên tục những chuyến bay, những sự vinh danh. Nhưng những giải thưởng với người sáng lập nhiều tâm huyết như Hoàng không phải là cái đích để hướng tới. 

Điều Hoàng vui hơn là Monkey đã đi vào đời sống, đồng hành với niềm vui học và chơi của trẻ nhỏ. Không chỉ ngôn ngữ mà Hoàng còn phát triển rộng các lĩnh vực toán, khoa học, kho tàng truyện tranh phong phú. Giấc mơ của Hoàng, không chỉ mang tiếng Anh đến cho trẻ em Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, chinh phục trẻ em trên thế giới. 

Và bạn sẽ ngạc nhiên khi 40% trong số 7 triệu người dùng Monkey lại từ nước Mỹ. Không một chi phí truyền thông hay quảng cáo, mà kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” app của Đào Xuân Hoàng chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.

Ở công ty hơn 100 nhân viên, toàn những gương mặt trẻ, nhiều nhiệt huyết. Hoàng nói, sản phẩm đó là kết quả của sự sáng tạo của cả tập thể những người trẻ, nhiệt huyết. Hoàng chỉ là người thổi vào đó ước mơ và sự quyết tâm. 

Và tôi biết, giấc mơ của Hoàng không chỉ dừng lại ở đó, anh muốn tìm cách tiếp cận đưa tiếng Anh đến các vùng nông thôn, tạo cơ hội cho trẻ em nông thôn được tiếp cận ngôn ngữ một cách bài bản, dễ hiểu nhất. Đó là một hành trình khó khăn nhưng Hoàng sẽ thực hiện nó.

Tôi hỏi Đào Xuân Hoàng, điều gì giúp anh thực hiện giấc mơ của mình. “Đó là niềm tin và đam mê, nếu không có đam mê, tôi sẽ không dám đi đến tận cùng con đường”. 

Còn tiền bạc thì sao? “Tiền bạc sẽ đến khi chúng ta đam mê và dấn thân. Tôi mong các bạn trẻ hãy nắm bắt những cơ hội, không ngừng khát vọng, không ngại khó khăn, thử thách để xây dựng những dự án mang tính cộng đồng cao, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội”.

Đào Xuân Hoàng vừa được ngôi trường anh học cách đây hơn 10 năm mời sang Úc để vinh danh là sinh viên xuất sắc của cộng đồng cựu sinh viên UTS Insearch. Đó là niềm tự hào không chỉ của cá nhân Hoàng, mà của Việt Nam, của trí tuệ Việt thắp sáng từ chính những người trẻ đam mê và dấn thân.

Việt Hà
.
.