Tiền tài phải đâu phấn thổ

Thứ Năm, 04/06/2015, 14:40
Tôi đọc cổ văn, thấy có viết “Tiền tài nhân phấn thổ, nhân nghĩa tựa thiên kim”, ý nghĩa nhân mới thực vàng ngọc, còn tiền tài chỉ là vật phù du, ngoại thân. Bạn đọc xem phim chưởng sẽ thường xuyên nghe các nhân vật trong phim thoại câu này. Tuy nhiên, từ lời của tiền nhân cho đến thực tế là khoảng cách dài dằng dặc. Hay đơn giản hơn chỉ là, tiền tài phải đâu phấn thổ.

1. Hai người đàn ông vì bế tắc mà lần tìm về khu huyện Củ Chi, TP HCM mưu sinh. Lần mưu sinh như hy vọng, lần mưu sinh như xóa một ván cờ để chơi lại ván khác. Củ Chi, là huyện vùng ven của thành phố, vẫn còn nhiều nét thôn quê.

Người đàn ông đầu tiên có tên Trần Văn Tiệp (vì là đây là nạn nhân nên tôi đã thay đổi tên – K.H), ông Tiệp sinh năm 1966, nguyên quán Long An, nghề nghiệp làm thuê, có 3 người con, lớn nhất năm nay 18 tuổi, nhỏ nhất năm nay 13 tuổi. Trước, ông Tiệp sinh sống ở xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Năm 2006, ông Tiệp chuyển cả gia đình lên thành phố, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Ở nơi này, ông là lao động chính trong nhà, vợ ông làm nội trợ, ông Tiệp làm bảo vệ cho một trụ sở trên địa bàn, lương được vài triệu/ một tháng.

Người đàn ông thứ hai có tên Nguyễn Ảnh Cư, sinh năm 1959, ông Cư là thị dân rặt. Ngày trước ông ở trên đường Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM. Cuộc sống khó khăn, ông bán nhà nơi này cùng vợ và con về sống tại huyện Củ Chi, nhà gần với nhà ông Tiệp. Ông Cư có người con duy nhất, sinh năm 1983.

Là lối xóm của nhau, lại là cực không đành mà phải rời bỏ căn nhà xưa để đến vùng đất mới, nên rất nhanh chóng giữa ông Cư và ông Tiệp phát sinh một mối hảo cảm. Càng chơi càng thân, càng thân lại càng cảm thấy hợp tính hợp tình, ông Cư đề nghị ông Tiệp nâng cấp mối quan hệ thân hữu lên một tầm mới. Ông Tiệp nhanh chóng đồng ý. Từ đó, họ gọi nhau là anh em kết nghĩa.

Đàn ông, bao giờ cũng có những mối quan hệ xã hội rất khác biệt với phụ nữ. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà nam ca sĩ hải ngoại Jimmii Nguyễn có bài hát được giới giang hồ rất thích, bài “Sống chết có nhau”.

Ông Tiệp với ông Cư đã trải qua những tháng ngày thật thú vị, đúng nghĩa tối lửa tắt đèn có nhau. Mối quan hệ này sẽ bền chặt mãi nếu như không đến ngày ông Tiệp vì kẹt tiền phải vay của ông Cư 30 triệu đồng.

Ông Cư không có nghề nghiệp, còn chút tiền để dành từ căn nhà đã được bán đi ở đường Trường Chinh ông xài tằn tiện. Ông không xài cho mình, ông xài cho người vợ nay ốm mai đau. Vợ ông Cư mắc nhiều chứng bệnh cùng lúc. Vợ ông Cư mắc bệnh tiểu đường, thiếu máu cơ tim, gan nhiễm mỡ, viêm tủy cấp, loãng xương. Hàng loạt trọng bệnh ập đến khiến người phụ nữ này bị mù cả 2 mắt. Cậu con trai độc đinh đi làm công nhân ở tỉnh Đồng Nai, có gói ghém lắm thì cũng không giúp được mẹ cha là mấy. Ông Cư một thân lo cho vợ.

2. Ông Tiệp nói với ông Cư, “Anh ạ, em đang cần tiền làm ăn. Tiền anh để đó không làm gì, thôi thì anh cho em mượn 30 triệu, độ vài tháng em sẽ trả lại. Mình là chỗ anh em, biết anh phải lo cho chị nên mỗi tháng em sẽ trích tiền lương trả lãi cho anh 3 triệu. Anh dùng tiền đó mà thuốc thang cho chị”.

Đương nhiên, không ai từ chối một đề nghị trọn vẹn như vậy, vừa giúp được người em kết nghĩa lại vừa có thêm tiền cho cho vợ. Ông Cư đưa ông Tiệp 30 triệu.

Ba tháng đầu, ông Tiệp rất sòng phẳng. Cứ đến cuối tháng là sang nhà đưa cho anh kết nghĩa 3 triệu. Giả mà mọi sự diễn ra như vậy thì hay biết mấy. Vậy mà, sang đến tháng thứ tư thì ông Cư ngóng mãi vẫn không thấy ông Tiệp cầm tiền lãi sang nhà.

Ông Cư gọi điện thoại hỏi xa xôi, ông Tiệp trả lời xa xôi. Ông Cư gọi điện thoại hỏi thẳng, ông Tiệp vét túi được 500 nghìn đưa cho ông Cư. Sau 500 nghìn này, ông Cư gọi điện thoại ông Tiệp không nhấc máy, ông Cư có ý gặp để trò chuyện mà ông Tiệp cứ vô tình lảng ra.

Cho đến một đêm cách đây mươi tháng, ông Cư đang ngồi uống rượu trước sân nhà, thì ông Tiệp chạy xe gắn máy thẳng vào, bảo “Anh Cư, tôi cần nói chuyện với anh”. Lúc này, ông Tiệp đã có hơi men.

Không quá khó để đoán định, chuyện của ông Cư và ông Tiệp không phải là chuyện đệ huynh, cũng chẳng phải là chuyện nghĩa tình, chỉ là chuyện xoay quanh món nợ 30 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Ảnh Cư tại phiên tòa sơ thẩm.

30 triệu nhiều hay ít? Với người lắm tiền thì 30 triệu chỉ là món tiền tiêu vặt, với người không lắm tiền thì đó là một khoản tiền to, với người ít tiền hẳn thì đó có khi là cả gia sản. Mấy lần tôi xem các chương trình game show mang ý nghĩa thiện nguyện, tôi đã thấy những phận đời khốn khó nhiều năm liền chỉ vì món nợ dăm triệu đồng hay chưa đến mười triệu. Thật bất hạnh lắm thay.

Với ông Cư, 30 triệu không chỉ là gia sản, mà đó chính là phương tiện quan trọng để ông có thể chăm sóc người vợ bệnh tật của mình. Trong nhà có người bệnh, ai trải qua sẽ hiểu, vừa yêu thương lại vừa xót xa thế nào. Huồng hồ, người đó lại là người đầu ấp tay gối, người cho mình hạnh phúc làm cha, người chia ngọt sẻ bùi bao nhiêu năm đằng đẵng.

Thêm nữa, ông Cư trong hoàn cảnh này biết làm gì ra tiền đâu, ông chỉ canh giữ và chi tiêu một cách hợp lý nhất số tiền mà ông có được từ ngôi nhà đã bán.

Quan trọng hơn, theo tôi nghĩ, sự uẩn ức của ông Cư bắt nguồn từ thái độ tránh né của ông Tiệp. Ông vừa ấm ức vì số tiền đã cho ông Tiệp vay, lại vừa ấm ức vì người em kết nghĩa đã không còn giữ được ân tình như ngày trước.

Tôi vẫn nghe người ta thường nói, không cho bạn mượn tiền thì có khi bạn giận nhưng có khi còn bạn, nhưng cho bạn mượn tiền thì có thể mất luôn bạn mất luôn cả tiền. Có thể chỉ là tếu táo cho vui thôi, dẫu tôi đã chứng kiến mấy trường hợp mà tôi cho là tếu táo ấy.

Tuy nhiên, chung quy lại cũng không thoát ra khỏi hai từ số phận. Chắc là không ai trong chúng ta muốn mắc một số nợ nào đó, lại không ai trong chúng ta muốn khó xử khi gặp mặt thân hữu vì món nợ nào đó, chắc là không ai trong chúng ta muốn lâm vào cảnh cứ phải suy nghĩ về món tiền đang thiếu nào đó. Nhưng biết làm sao được khi mà mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Và mỗi hoàn cảnh lại ẩn chứa một thân phận.

3. Ông Tiệp đã không chọn cách nói chuyện với ông Cư, rất đáng tiếc. Bởi tôi luôn tin rằng, bất luận chuyện gì cũng có thể hóa giải bằng cách đối thoại, một sự đối thoại theo chiều hướng đặt mình vào hoàn cảnh của nhau để cảm thông cho nhau, để khoan dung với nhau.

Trở lại cái đêm định mệnh ấy, ông Cư và ông Tiệp to tiếng với nhau. Vài người bạn đang uống rượu cùng ông Cư bỏ về trước, vợ ông Cư nghe ồn ào trước sân nhà cũng lần mò bước ra khuyên can.

“Bây giờ tui nói thẳng với anh, tui không có tiền trả cho anh đâu. Anh muốn đòi tiền thì cứ chặt đầu tui mà trừ nợ”, ông Tiệp to tiếng. Ông Cư im lặng còn vợ ông Cư thì nhắc lại mối giao hảo tốt đẹp bấy lâu nay giữa hai ông. Thế nhưng, bà càng nhắc thì ông Tiệp lại càng khẳng định, “chỉ còn cái đầu này thôi chứ không có tiền đâu, thích thì cứ chặt xuống”.

Im lặng hồi lâu, ông Cư đi vào trong nhà và xuất hiện lại với con dao dài trong tay. Ông Tiệp, vẫn không ngừng “Tui chỉ còn cái đầu này thôi”.

Cao trào, ông Tiệp gạt lời can ngăn của vợ ông Cư, kê đầu mình trên mặt bàn nơi ông Cư ngồi, miệng thì “Anh chặt đầu tui trừ nợ”. Ông Cư không còn nhẫn nhịn được nữa, một tay ghì đầu ông Tiệp, tay còn lại vung dao…

Sau khi thực hiện hành vi đó, ông Cư choàng tỉnh. Ông vứt dao xuống đất, đứng trân trân trước sân. Vợ ông Cư hốt hoảng gào thét, hàng xóm kéo sang xem sự tình. Độ hai mươi phút sau, lực lượng công an xuống đến nơi vừa xảy ra trọng án. Ông Cư bị bắt giữ ngay tại nhà.

Ông bị tạm giam gần một năm cho đến ngày Tòa án Nhân dân TP HCM đưa vụ án “Giết người” ra xét xử, một ngày cuối tháng 4/2015.

4. Ông Cư bị tuyên án về hành vi “Giết người”, mức án chung thân. Những ngày khốn cùng chăm vợ bệnh, những ngày quẫn bách trong trại tạm giam khiến ông hốc hác, gầy gộc và già hơn rất nhiều so với số tuổi chưa đến 60. Ông hoàn toàn khánh kiệt.

Ông Cư đi tù, vợ ông bệnh trở nặng thêm. Không có người chăm lo, cậu con trai đang làm công nhân phải nghỉ việc ở nhà nuôi mẹ.

Ông Tiệp chết, trụ cột trong gia đình ba miệng ăn đã mất. Hai người con lớn của ông Tiệp phải nghỉ học hẳn ở nhà kiếm việc độ nhật lo cho mẹ, cô con gái út đang học lớp 7 chắc cũng phải thôi học nay mai.

Mọi thứ, đều đã nát mem như chiếc chòi canh vịt ngoài đồng, ngày chủ nhân lùa vịt sang đồng khác tìm thóc rơi.

Ông Cư khóc, ông Cư nói ông Cư hối hận vì đã không kiềm chế được hành vi vào đêm đó. Ông Cư thời điểm ấy đang giận dữ, đang cảm thấy như ông bị người em kết nghĩa o ép, đối xử bất công. Lại thêm men rượu đang phả vào ông những oan nghiệt của số phận. Thế nên, ông đã sai.

Thật đáng buồn biết bao, khi có những cái sai mà lúc chúng ta nhận ra thì đã quá muộn màng. 
Kinh Hữu
.
.