Thăm "chợ tình" của những người bị "giời đày"

Thứ Năm, 18/03/2010, 14:31
Một khoảng đất khá rộng, lúp xúp cây cỏ chen ngang mặt người thuộc một dự án đang làm dở dang ở bên đường Trần Thái Tông, (Hà Nội), là địa điểm mà giới đồng tính nam lâu nay vẫn rủ nhau tới hò hẹn. Ở đó, có cả những mối tình chung thủy của hai người yêu nhau đích thực, nhưng cũng có cả những mối tình chớp nhoáng theo kiểu tình một đêm...

Dù thời gian này đã được xã hội nhìn nhận cởi mở hơn, nhưng với họ - những người đàn ông mang tâm hồn đàn bà ấy vẫn phải chui lủi, trốn tránh gia đình, vợ con, bạn bè, để được sống với chính mình. Và cuộc trốn chạy ấy, đôi khi là những bi kịch phải trả giá bằng sinh mạng.

Đêm ở thế giới thứ ba

Một đêm cuối năm 2009, khi mà chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới, chúng tôi được "dì Dũng, dì Đ, dì T" - 3 thành viên trong Câu lạc bộ Thông Xanh (câu lạc bộ dành cho những người đồng tính nam) đưa đến khu vực "chợ tình" này. Gọi họ là "dì" theo cách xưng hô quen thuộc của thế giới thứ ba, chứ thực ra, nhìn họ đôi khi còn "manly" hơn cả những người đàn ông đích thực.

"Dì Dũng" - người đã xuất bản thành công cuốn tự truyện "Bóng" viết về chính cuộc đời mình, đã rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đi bộ thị sát. Quả là khi vào đây, chúng tôi mới nghĩ mình đã đúng khi đi cùng họ, chứ hai chị em phụ nữ đêm hôm mò vào chốn này, "lạc loài" đã là một nhẽ, đằng khác, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự nguy hiểm, nơi đây như một thung lũng hoang vu, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cây cối rậm rạp, đêm tối bao phủ, chợt rùng mình khi nghĩ giờ này mà có gã nghiện nào nó xồ ra, gí xơranh vào người thì có khi đến đôi dép tổ ong cũng phải gỡ ra gửi lại nó cho yên chuyện. Bấm điện thoại di động soi đường, bên dưới những gốc cây có vài ba chiếc xe máy đắt tiền, SH, Airblade, Spacy... chủ nhân của nó là những người đàn ông ăn mặc lịch sự, nước hoa thơm nức mũi, thấy "khách" là 2 phụ nữ và một người giống... đàn ông thì vội vàng quay đi. Họ kéo sụp mũ xuống che mặt, người lại kéo cao cổ áo lên, không ai muốn bị người quen nhận ra lúc này.

"Sao lại khổ thế nhỉ?" - tôi hỏi "dì Dũng". "Những người này hầu hết đã có vợ con, ban ngày, họ buộc phải sống một cuộc sống giả dối với gia đình, vì không dám vượt qua dư luận, ban đêm họ mới dám sống thật với chính mình" - "dì Dũng" giải thích. Mới dạo một vòng mà đếm sơ sơ đã có gần 20 "cô" đứng đợi người yêu. Lúc ấy là 9 rưỡi tối. Thỉnh thoảng, lại có thêm một "cô" được người yêu đến tìm, họ nhanh chóng đưa nhau vào sâu phía trong mà giới này quen gọi là "thung lũng tình yêu", còn chúng tôi thì biết rõ, "thung lũng tình yêu" ấy thực chất là một bãi rác cao ngất, hình như họ đưa rác đến đây để phục vụ việc san nền. Điều lãng mạn duy nhất ở "thung lũng" này là có hai hàng bạch đàn và... ánh trăng. Đứng ở đây có thể ngắm những ánh đèn xe máy, xe ôtô, và cả ánh điện hắt ra từ những khu chung cư cao tầng ngay sát đường Phạm Hùng.

Mới yêu, còn ngại ngùng thì mới phải đưa nhau vào tận đây, chứ yêu lâu rồi thì có khi họ đứng ngay ven đường, vô tư "tâm sự" như bất kỳ đôi trai gái nào khác. Không phải những người này không có tiền nhưng hai gã đàn ông đưa nhau vào nhà nghỉ, khách sạn, ngẫm ra cứ ngồ ngộ thế nào, thế nên tìm đến chốn này vẫn là giải pháp của nhiều người.

Tôi quyết định xông tới một đôi đang tay trong tay rất tình cảm. "Anh ơi cho em hỏi...". "Anh cái gì mà anh. Đây không có anh nhá. Giật cả mình. Kinh quá, đi chỗ khác đi" - anh chàng mặc áo sơ mi hoa nhỏ li ti (rất đúng xu hướng thời trang năm nay) cất giọng véo von. Anh ta làm bộ một tay che mặt, một tay phẩy phẩy xua chúng tôi như đuổi tà. Còn anh kia ("man" đích thực) cũng quay mặt đi. "Em có thằng em trai, nó tên Tuấn, hay đi với thằng bạn tên Cường, không biết nó có ra đây không..." - tôi làm bộ bâng quơ. Tức thì "cô" sơ mi hoa nhỏ li ti quay phắt lại: "Gái ơi, có phải cái cô cao cao, trắng trắng không?". Tôi gật đầu ngay tắp lự, chẳng ngờ câu chuyện mình vừa nghĩ ra lại trùng tên với một "cô Tuấn" nào đó. "Có đấy, mấy hôm trước mình thấy cô đấy ở đây. Còn tối nay thì chả thấy mặt mũi đâu. Gái thử đi vòng vòng xem...".

Cô bạn tôi suýt bật cười vì cách xưng hô "thân thiện" của "cô" hoa li ti nọ. "Cảm ơn mình nhé! Đáng yêu ghê cơ..." - tôi nén cười nói với “hoa li ti”. "Không có gì. Nhưng lần sau nhớ đừng có ném đá vào hội nghị thế nhé..." - “hoa li ti” vẫn đanh đá cất giọng véo von.

Thường trực nguy hiểm

Trong lúc chúng tôi cùng "dì Dũng" tiếp tục đi vòng vòng thì "dì Đ" và "dì T" đã tản đi hai hướng khác. 20 phút sau, chúng tôi gặp nhau ở ngay trước cổng công viên đang xây dựng dở dang. "Dì Đ" đầu tóc bù xù, hốt hoảng kể lể: "Em bị bốn năm cô xông vào "vò đầu bứt tai", ở đúng cái chỗ hôm nọ bác gì bị giết. Ghê quá cơ. Các cô ý như nắng hạn gặp mưa rào". Hẳn là Đ đang nhắc tới vụ án mạng do hai nghịch tử tuổi teen là thủ phạm mà báo chí nhắc khá nhiều thời gian qua. "Khổ thế đấy" - "dì T" phụ họa. Với người đồng tính, việc kiếm "người yêu" đúng nghĩa khó khăn vô cùng, bản thân họ luôn nghĩ mình là phụ nữ, thế nên rất mong muốn tìm được người đàn ông đích thực cả thể xác lẫn tâm hồn. Nhưng những người đàn ông đích thực này lại chỉ thích... phụ nữ, ngoại trừ một số trường hợp hy hữu, thì đa phần còn lại họ cặp với người đồng tính chỉ với một lý do duy nhất: Tiền.

Những người cùng giới tính thứ ba, rất ít khi họ yêu nhau, họ chỉ thích "buôn dưa lê", đi chơi, làm việc hoặc rủ nhau đi ăn... sinh tố, sữa chua cùng nhau chứ không mấy khi giữa những người đồng giới này lại nảy sinh tình cảm. Nhưng trong một số trường hợp, do việc kiếm bạn tình quá khó khăn, họ phải chấp nhận cặp với nhau, bởi một lý do duy nhất: Họ không thể yêu được phụ nữ đích thực.--PageBreak--

Bóng tối luôn luôn đồng lõa với những điều không tốt hoặc con người ta ban ngày không dám bộc lộ ra. Trong lúc chúng tôi đi lòng vòng, bắt gặp một chàng thanh niên mặc áo phông màu cam phóng chiếc xe Nouvo cứ lượn đi lượn lại. "Dì Đ" gào lên nho nhỏ: "Đấy. Cái thằng kia lúc nãy nó gạ em hai trăm một chiếc (200 nghìn một lượt bán dâm). Em bảo em không đi mua, em chỉ đến để phát bao cao su và tuyên truyền cách phòng chống “hát” (HIV) cho mọi người. Nó lườm em tưởng rách mắt. Đấy! Nó lại tiếp tục đi tìm khách đấy. Đúng là con sâu làm rầu nồi canh..." - “dì Đ” bức xúc xả một tràng. "Thế cái cậu áo cam kia là đàn ông hay... đàn bà?" - tôi hỏi. "Đàn ông chứ. Nó còn bảo nó là sinh viên nữa cơ đấy. Sinh viên nên không có tiền". "Hư quá cơ!" - lần này thì cả 3 "dì" phụ họa. Vừa qua rằm nên trăng sáng rõ mặt người. Nhìn cậu thanh niên mặc áo cam, rõ ràng là chẳng có biểu hiện gì bệnh hoạn, mặt mũi nhẵn nhụi, dáng dấp "ngon lành". Lý do duy nhất có lẽ chỉ là cần tiền.

Lâu nay, nhiều người thường nhìn nhận dân đồng tính bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, cho rằng, họ là những con người biến thái, làm băng hoại đạo đức xã hội, rất đáng lên án. Nhưng quả thực, khi tiếp xúc với những chàng trai như Dũng, như Đ, như T, chúng tôi mới hiểu rằng, họ đã quá khổ trong kiếp làm người này và vô cùng khó khăn trên hành trình tìm lại chính mình. Khoa học hiện đại ngày nay cũng đã cho rằng, đó là một loại bệnh, chứ rất ít người vì lối sống đua đòi bệnh hoạn nên trở thành đồng tính như nhiều người vẫn tưởng.

Như T, người đàn ông này đã có vợ, có kinh tế ổn định, nhưng vốn dĩ ngay từ bé, anh đã thấy mình mang tâm hồn yếu đuối của người phụ nữ, hơn hai chục năm trước thì đồng tính là một khái niệm mới mẻ, anh buộc phải che đậy thân phận mình bằng một đám cưới với người phụ nữ mà chắc hẳn chưa khi nào giữa anh và chị nảy sinh tình yêu trai gái. Mỗi người đi một đường, anh có những mối tình của anh, và chị cũng vậy, chị cần một người đàn ông thực sự để yêu thương, chia sẻ cùng mình. Thế nên, họ có một cuộc sống đọa đày, chỉ có điều chưa bao giờ họ ghen tuông nhau, đơn giản, đàn bà chỉ ghen với đàn bà, chứ nếu tình địch của mình là một gã đực rựa thì ai hơi đâu mà ghen cho mệt.

Và những mối tình chớp nhoáng ở khu đất thuộc dự án đang xây dựng dở dang này, gọi một cách đúng nghĩa là những cuộc mua bán dâm. Trong đó, không hiếm những gã đàn ông đích thực lợi dụng sự khát khao tình cảm của người đồng giới để đến đây kiếm ăn. Ngoài "chợ tình" này thì còn có "vườn ổi" cách đây khoảng 500m, nằm chếch với Bến xe Mỹ Đình cũng là "vườn tình nhân" của những cặp đồng tính. Trước đây, khi chưa xảy ra vụ án mạng mà thủ phạm là gã trai quê Đào Văn Hiếu, mỗi tối ở đây có hàng chục đôi dập dìu, họ đứng ken nhau dày sát bên những bụi cây.

Vừa bật điện thoại soi đường mò mẫm ở khu vườn ổi, "dì Dũng" vừa đi vừa giải thích: Người ta mới phát quang cây cỏ đấy, chứ trước kia, đường vào đây nhỏ hẹp. Ban đêm là chợ tình, còn ban ngày là cờ bạc, là xóc đĩa, có cả quán cóc nữa. Dũng chỉ cho chúng tôi thấy mấy viên gạch được xếp chồng lên nhau, bên trên là tấm bìa vuông cắt ra từ tút thuốc lá, bằng chứng xác thực cho thấy ban ngày ở đây có mẹt thuốc lá phục vụ cho các đối tượng vào ra. Từ ngày xảy ra vụ án mạng, các đôi tình nhân dạt về hết khu vực mà chúng tôi vừa “thị sát”, thế nên đêm nay, dù vào đến tận đường cụt cuối cùng, cũng chỉ có lưa thưa vài đôi đang lưu luyến chia tay nhau.

Trên đường quay ra, cô bạn tôi tái mét mặt thì thào: "Vào đây một mình, đúng là thách cả gói kẹo cũng chả dại". Chắc hẳn vừa đi cô vừa nghĩ đến gã trai Đào Văn Hiếu đã đâm chết người đàn ông đi cùng anh ta vào đây để cướp tài sản. Vậy đấy! Vì những bức xúc tình cảm, vì xã hội không công nhận, nhiều người đồng tính đã phải lén lút tìm đến những chốn này. Là những tình nguyện viên thuộc một tổ chức phi chính phủ, "dì Dũng", "dì Đ", "dì T" cho chúng tôi biết, họ rất lo ngại khi mà "chợ tình" ngày càng hoạt động rầm rộ, nhưng lực bất tòng tâm, họ chỉ biết giúp đỡ bằng cách hằng ngày đi phát bao cao su và tuyên truyền về cách phòng chống lây nhiễm HIV cho những người này. Công an sở tại cũng rất vất vả trong việc làm trong sạch địa bàn nơi đây. Nhưng, như một nhu cầu tất yếu, dẹp hôm nay, ngày mai họ tiếp tục tìm đến nhau. Và họ chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm chực chờ.

Chúng tôi chia tay nhóm của "dì Dũng", sau khi hứa với họ, sẽ chuyển những bức xúc của họ tới Công an sở tại. Cuộc viếng thăm “chợ” kết thúc khi đồng hồ báo 23h. Chúng tôi ra về, trong khi nhóm của “dì Dũng” tiếp tục làm công việc “tặng quà” cho khách đi “chợ”. Đúng là đến “chợ” nhưng không phải ai cũng “mua, bán”, bởi có những người đến đây để giúp xã hội đẩy lùi căn bệnh rất lễ lây lan này

Hiền - Hồng
.
.