Nỗi niềm xao xác của 1 tội đồ từng là lương y

Thứ Ba, 27/12/2011, 15:10
Gã có khuôn mặt của một người có học, từng nói rất yêu thương vợ nhưng đã đang tâm giết hại vợ vì chuyện ghen tuông. Gã cũng từng rất chí thú làm ăn, xây dựng cửa nhà, làm trang trại và hơn hết, gã từng là một thầy thuốc rất nhiệt tình chữa bệnh cho bà con trong vùng. Nhưng giờ gã phải chịu mức án 20 năm tù giam và đang cố gắng cải tạo để có ngày trở lại đời thường, chuộc lại lỗi lầm. Gã là phạm nhân Nguyễn Văn Liệu, đang cải tạo tại trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương).

1. Câu đầu tiên Liệu nói khi gặp tôi ở trại giam là đang cố cải tạo cho tốt để nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Gã cũng cho biết, cái án 20 năm không phải là quá dài với tuổi của gã đàn ông sinh năm 1969. Và vì thế gã đã không làm dại. Khoảng thời gian đó đủ để gã có cơ hội trở lại đời thường, nuôi dạy và bù đắp cho hai đứa con một trai, một gái hiện đang được mẹ ruột của gã, là bà Vũ Thị Chăm săn sóc. Liệu nói thêm, gã không bao giờ nghĩ mình lại đi giết vợ, dù có vài lần dọa dẫm bằng miệng bởi gã rất yêu vợ. Và cái đêm định mệnh ấy, hai bàn tay gã chẹn vào cổ vợ cho đến chết luôn ám ảnh gã, nó xảy ra nhanh quá, nhanh đến mức gã không hề nghĩ mình đã chạm vào cổ vợ. Nhưng nỗi đau đã xảy ra, gã là một tội đồ, một kẻ giết vợ. Và chuyện liên quan đến điều đó là cả một câu chuyện khá… “khụng khiệng”!

Liệu và vợ là chị Trần Thị Cúc ở cùng thôn Tần Tiến, xã Minh Tân (Phù Cừ, Hưng Yên), năm 1990 hai người xây dựng tổ ấm với nhau trong niềm vui của cả hai họ. Xã Minh Tân là vùng thuần nông, người dân chỉ biết trồng lúa nên đời sống không có gì là khá giả. Cho đến năm 2003, “cơn bão” xuất khẩu lao động (XKLĐ) tràn về khiến cả vùng quê này nhốn nháo. Đi đâu người ta cũng bàn về chuyện XKLĐ và, chẳng mấy chốc chuyện đi nước ngoài mưu sinh đã trở thành một phong trào, một thứ mốt mà người dân ở trong vùng rất chuộng. Thương vợ sức khỏe yếu, Liệu đã chạy vạy vay mượn thêm khắp nơi để có hơn 3.000 USD làm phí cho vợ đi lao động ở Malaysia. Lúc đó, thằng con trai thứ hai của hai vợ chồng mới được ba tuổi. Cũng như nhiều người trong thôn làm việc nơi xứ người, chị Cúc siêng gửi tiền về cho chồng làm vốn liếng. Bi kịch gia đình đã sứt mẻ từ khi chị Cúc biết tin chồng mình ở nhà ngoại tình. Nhưng ác nghiệt hơn là Liệu lại có quan hệ tình cảm bất chính với chị Vũ Thị Luật là em họ của chị Cúc.

Liệu cho biết: “Chuyện em có tình cảm với Luật cũng vì “lửa gần rơm” khi cô ấy ốm, gọi điện tôi đến thuốc thang, chăm sóc rồi đưa cô ấy đi làm. Chồng cô ấy cũng đi lao động nước ngoài nên cô ấy trống vắng, cô đơn. Hai chúng em yêu nhau lúc nào không biết, đúng là không thể cưỡng lại được. Nhưng dù như thế, em vẫn yêu thương vợ. Chỉ tại vợ em quá ghen nên mọi chuyện mới xảy ra. Anh đến nhà tôi rồi, tiếp xúc với hàng xóm ở đó thì anh biết”.

Năm 2006, chị Cúc hết hợp đồng lao động, về nước. Đó là ngày mà Liệu thực sự lo sợ. Gã cũng không thể từ bỏ người tình dù mẹ gã đã nhiều lần khuyên bảo. Chị Cúc cũng để chồng tự hối lỗi, ăn năn nhưng gã chồng vẫn tiếp tục vụng trộm. Khoản tiền mà chị mang về cũng dồn vào để lo cho tổ ấm. Nhưng càng nhịn thì chị càng thấy… ngứa mắt và nhận ra chồng mình quả là quá quắt. Mấy lần theo dõi, chị đã bắt quả tang chồng mình “ăn nằm” với người em họ. Không thể chịu nổi, chị cứ thế làm toáng lên. Có những lần, vì người tình của chồng thường trêu ngươi, thách thức nên chị Cúc phải xông vào đánh nhau tay đôi với ả. Những lần ấy, bà Chăm gọi hai con vào khuyên can nhưng Liệu bỏ ngoài tai tất cả. Tệ hơn, gã còn cãi lại mẹ già.

Trong thời gian đó, Liệu cũng thường xuyên “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Trước đêm gây án, Liệu đã đánh vợ thừa sống thiếu chết nên đã có lần chị Cúc dọa uống thuốc chuột tự tử. Đêm 15/11/2007, sau khi hai vợ chồng xảy ra xô xát, Liệu đã cướp đi mạng sống của vợ mình. Liệu cho biết, sau khi giết vợ, gã còn gọi điện cho hai bên gia đình đến. Hôm sau gã bị bắt. Cán bộ pháp y (Bộ Công an) sau khi khám nghiệm đã khẳng định chị Cúc bị chết ngạt do tác động ngoại lực làm sưng nề, bầm tím vùng mặt, cằm, góc hàm. Đặc biệt ở vùng cổ có nhiều vết xây xát, bầm tím.

Phạm nhân Nguyễn Văn Liệu. Ảnh: Ngô Thục Miên.

2. Ngày đó, trước cơ quan điều tra, Liệu khai động cơ giết vợ là vì người tình. Nhưng lúc này nói chuyện với tôi, Liệu bảo lúc đó mơ hồ, không có ý định giết vợ. Có lúc gã lại nói một ý khác: “Em là bác sĩ thì bác biết rồi, lấy thuốc truyền vào ven thì ai biết đấy là đâu. Em đi cứu người chả được chứ làm gì lại đi giết người. Đến lúc này, em vẫn không hình dung được mình đã làm gì. Lúc trước đó, vợ em dọa uống thuốc, em nghĩ là cô ấy uống rồi, nên chẹn cổ, bóp miệng cho nhè thuốc ra(?!). Ai ngờ…”. Gã diễn giải thêm: “Không phải em không quan tâm đến vợ. Trong thời gian vợ em về nước, em còn đưa vợ em đi khám, phát hiện ra ung thư vòm họng, u xơ tử cung. Em đưa vợ em đi chữa trị hết. Nhiều người không hiểu, trách tội em không quan tâm đến vợ. Sau khi mọi chuyện xảy ra, dù thế nào, em xác định mình đã gây ra án mạng thì phải chịu hình phạt”.

Quả thật, nếu mọi chuyện không xảy ra, nếu không có chuyện ghen tuông, đánh nhau, giết người thì tổ ấm của Liệu sẽ hạnh phúc, và sẽ là niềm mơ ước của nhiều người. Liệu có học hành hẳn hoi, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp y, gã về quê hành nghề kiếm sống. Nói chung, những bệnh mà Liệu chữa được không phải những bệnh hiểm nghèo. Nhưng nhiều bệnh nhân ở các vùng quê xa xôi rất cần đến những bác sĩ như thế. Máy điện thoại bàn của Liệu liên tục đổ chuông vì bệnh nhân gọi. Gọi là gã đi, nhưng cũng có những cuộc là người tình gọi. Lúc đó, dù Liệu đi với Luật rất ít thì người dân vẫn nghĩ Liệu đi nhiều.

Công tâm mà nói, Liệu đã giúp ích cho rất nhiều gia đình, gã cũng được gọi là lương y vì sự nhiệt tình trong công việc. Có những bệnh nhân quá nghèo, gã chữa miễn phí. Gã cũng thương con nên những năm tháng xa vợ, gã chăm chút cho con rất tử tế. Cả hai con đều trắng trẻo, béo tốt, học giỏi. Chuyện ngoại tình đã như con dao sắc nhọn cắt đôi con đường hạnh phúc của gã, để đến nỗi chồng tù, vợ mất, con bơ vơ. Khi biết chính bố mình đã ra tay sát hại, cô con gái lớn xinh xắn có cái tên không thật đẹp là Nguyễn Thị Tươm đã rất hận bố. Tại sao bố lại biến thành người như thế. Trong tâm thức của một đứa con gái đang lớn, Tươm rất kính trọng bố, cho đến khi cô bé biết bố mình dành tình cảm cho một người đàn bà khác, lại còn giết mẹ. Giờ cô đang học ở Hải Phòng với nguyện vọng là sẽ có được một công việc tốt để làm.

Biết được sự quyết tâm của con gái, Liệu cũng an tâm phần nào. Ở quê, Liệu còn một ngôi nhà khá khang trang, đất đai rộng rãi. Gã mong ngày mong đêm được trở về để chăm lo cho hai con. Gã nói, mẹ gã đã già quá, đến khi gã mãn hạn tù trở về chưa chắc đã gặp được mẹ. Hai đứa con là tương lai, là niềm hy vọng và là động lực của gã đàn ông bất hiếu. “Em muốn chuyển lời đến mẹ và hai con, rằng em rất nhớ mọi người. Em chỉ mong sớm được gặp mẹ già và hai con nhỏ” - Liệu nói lên nguyện vọng của mình.

Trở về vùng quê Minh Tân gặp bà Vũ Thị Chăm - mẹ phạm nhân Nguyễn Văn Liệu, tôi được bà tâm sự rất nhiều. Tôi cảm thông cho nỗi niềm của một người mẹ phải chứng kiến cảnh gia đình con trai mình tan vỡ. Bà Chăm cho biết, Cúc là một cô con dâu tốt, rất hiếu thảo với mẹ. Khi chị Cúc đi XKLĐ trở về, không thể khuyên chồng, chị đã năn nỉ mẹ chồng khuyên can Liệu. Nhưng bà Chăm còn có thể làm được gì ngoài chuyện khuyên can con trai, nặng hơn là mắng chửi thôi. Gã tội đồ đó cứ nói là không có chuyện gì, rồi làm chuyện xấu ở bên ngoài, làm sao bà biết.

Bà Chăm nói mà đau như cắt từng khúc ruột: “Thằng Liệu nghe cái Luật, nó đánh vợ nó. Tôi bảo nó, vợ phải ra vợ, em phải ra em. Nhưng thằng Liệu nó quá trớn quá. Tôi cũng mắng nó nhiều đấy, nhưng thú thật nó có coi tôi ra gì đâu. Nó chỉ một mực đứng về phía người tình của nó. Vài lần tôi chứng kiến cái Luật với cái Cúc vật nhau. Tôi can, cái Luật còn đánh cả tôi. Sao mà nó dữ tợn thế! Sao trên đời lại có đứa tráo trở thế! Chồng tôi mất sớm, bỏ lại tám đứa con, tôi còn nuôi dạy được, nhưng chỉ có thằng Liệu là vô phúc”.

Thật tội cho một người mẹ 80 tuổi, ngày nào cũng nhìn tấm ảnh con dâu mà không cầm được nước mắt.

3. Ghen tuông đã cướp đi bao tổ ấm, đã khiến biết bao gia đình tan nát. Hạnh phúc và tổ ấm của gia đình Liệu cũng đã tan tành trong sự ghen tuông mà nguyên nhân sâu xa là phong trào XKLĐ ở xã Minh Tân. Sẽ thật buồn nếu nhiều người XKLĐ “vác” tiền về quê, mà lại khiến gia đình tan vỡ. Ở vùng quê này chuyện đó xảy ra không phải hiếm, cũng vì bồ bịch, ghen tuông, ích kỷ. Tôi đã nhận thấy sự ăn năn hối lỗi của Liệu, cũng thấy tâm trạng của gã đang xao xác về một quá khứ lỗi lầm. Tại sao gã lại gục ngã trước cám dỗ? Tại sao gã mang hạnh phúc của mình đi đánh cược để đổi lấy một cuộc tình loạn luân nhức nhối? Tại sao gã không nghe lời mẹ già và người thân, để chuốc lấy nhuốc nhơ rồi biến thành kẻ giết người, tù tội? Gã sẽ phải chất vấn lương tâm mình rất nhiều ngày đằng đẵng nữa. Giá mà tất cả điều đó không xảy ra…

Ngô Thục Miên
.
.