Nỗi đau và câu chuyện tình người

Thứ Tư, 22/06/2016, 17:56
Tôi không biết phải viết gì trong câu chuyện này, bởi sự tác động về thông tin của vụ việc với tôi là quá lớn. Những đau thương tôi chứng kiến, những xao xác sinh tử biệt ly.

Lắm khi tôi nghĩ rằng, giá mà chúng ta có thể quay về quá khứ để thay đổi điều gì đó, có phải cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều không.

1. Những ngày này, tại bến tàu Đà Nẵng, mọi người vẫn không thôi nhắc đến hai anh em ruột Lê Văn Phúc (SN 1979) và Lê Văn Hoa (SN 1993). Họ đã cứu 20 mạng sống. Ngồi trên tàu Phú Qúy, anh Hoa mở lời câu chuyện: “Mấy hôm nay, một số báo chí và người dân gọi chúng tôi là người hùng. Tôi không muốn được gọi như thế. Bởi, trong hoàn cảnh ấy, tôi tin, ai cũng hành động như vậy”.

Anh Hoa kể, công việc hàng ngày là phụ giúp anh trai quản lý khách trên tàu du lịch Phú Qúy. Tối 4/6, khi tàu vừa trả khách, anh nghe tiếng tri hô kêu cứu ở giữa mặt sông. Cứ nghĩ, một chiếc ghe nào đó đang bị chìm và chỉ có khoảng 2 đến 3 người gặp nạn. Anh vội vàng báo với anh trai và cả hai nhảy lên ca nô điều khiển ra hiện trường.

Đến nơi, anh như chết lặng vì có hàng chục người chới với trên mặt nước. Không chút nghĩ ngợi, anh vứt tất cả áo phao, ghế gỗ, dây thừng trên ca nô xuống, đồng thời hét lớn yêu cầu các nạn nhân bám vào. Chuyến đầu tiên, hai anh cứu được 11 người. Chuyến thứ hai, 9 người được đưa vào bờ. 

Trong số 20 người đã cứu, Hoa nhớ nhất là trường hợp của một bé gái chừng 10 tuổi. Trong dòng nước anh nhìn thấy hai cánh tay nhỏ xíu cứ chìm dần. Ngay tức khắc, anh đề nghị anh trai điều khiển ca nô đến đó. May mắn, ca nô vừa đến nơi cũng là lúc cánh tay chìm hẳn, và anh chộp vội. Bé gái ngất xỉu do đuối nước. Hai anh thay nhau dốc ngược cháu để nước trào ra ngoài. Máu từ mũi ọc ra cũng là lúc cháu ho và có thể thở lại.

UBND TP Đà Nẵng khen thưởng các cá nhân, tập thể cứu người.

“Giây phút ấy tôi cảm thấy vui mừng khôn tả. Vui như chính mình vừa được cứu sống”, anh Hoa tâm sự. Ngoài ra, anh Hoa cũng là người  tìm thấy một trong ba thi thể xấu số. Trong cuộc trò chuyện, nhiều lần anh tỏ vẻ hối tiếc vì: “Không cứu hết được tất cả mọi người. Vẫn còn ba nạn nhân mất tích và tử vong”.

Ngồi bên cạnh, anh Phúc có vẻ kiệm lời. Mỗi khi hỏi về việc tốt vừa thực hiện, anh Phúc lại cười: “Có gì đâu. Việc phải làm thôi”. Trong giây phút sinh tử ấy, anh nhớ nhất là việc cứu sống chị Lưu Phương Thủy và con mới 10 tháng tuổi. Khi ấy, chị Thủy một tay bồng con, một tay cố vùng vẫy để nổi lên dòng nước. Ca nô đã hết áo phao, anh vội ném tấm đệm xốp ghế ngồi xuống làm điểm tựa cho người phụ nữ bám vào.

Khi hỏi về nguyên nhân vụ việc, anh trăn trở: “Tàu Thảo Vân 2 là tàu nhỏ nhất ở đây, thế mà chở đến 56 người là quá tải. Chuyện lật tàu, có người tử vong chẳng ai mong muốn. Tôi chỉ hy vọng, sau lần này, các chủ tàu, thuyền trưởng đừng vì quá chạy theo lợi nhuận mà phớt lờ an toàn của du khách.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kĩ càng, rốt ráo trong việc xuất bến tàu để không xảy ra chuyện đau thương tương tự. Bên cạnh đó, tôi cũng mong, tàu không đủ điều kiện hoạt động sẽ bị cấm hẳn, chứ không nên du di và khi tang thương xảy ra mới hối hận thì cũng không còn kịp”.

Anh em anh Hoa và anh Phúc trên chiếc ca nô cứu 20 người.

Anh Trần Thanh Trường (SN 1990, quận Sơn Trà) là một trong những người tiếp cận hiện trường sớm nhất. Anh kể, đang lái ca nô du lịch từ xa, nhìn thấy người trên tàu Thảo Vân 2 nhốn nháo nên cứ tưởng là mọi người ngồi nhậu. Khi đến gần hơn, anh nghe tiếng kêu cứu nên nhanh chóng tiến lại, ném áo 20 chiếc phao xuống. Anh vội nhảy xuống nước, bắt được một cháu bé bất tỉnh vì uống quá nhiều nước.

Trong dòng nước, anh hô hấp giúp cháu hồi tỉnh. Lúc này, anh nghĩ, nếu ca nô đến gần, các nạn nhân bám vào sẽ bị lật nên ôm cháu bé bơi ra xa. “Sau đó, có 6 người bám vào lưng em. Em ráng bơi về hướng ca nô. Nặng lắm, nhưng em cũng phải cố gắng. Rất may, tất cả số người này em đã đưa an toàn lên ca nô”, anh nở nụ cười. Khi lên ca nô, có một phụ nữ ôm con gái chìm xuống. 

Thấy vậy, anh vội chộp tay, kéo lên được. “Tối ấy, nếu em không đủ sức, có thể, em cũng đã chìm vào dòng nước luôn rồi. Nhưng, nếu như thế em cũng không hối hận, vì cố hết sức mình”, anh chia sẻ.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin viết bài này, tôi có hỏi nhiều người thuyền viên có hay không tình trạng “bảo kê” thuyền du lịch trên sông Hàn? Bởi, thuyền Thảo Vân 2 chỉ được chứng nhận lưu thông trên sông nhưng không được chở khách vẫn hoạt động bán vé, chở khách trong thời gian dài.

Những người được hỏi đều có chung câu trả lời: “Tất cả đều là vì miếng cơm, manh áo. Chúng tôi không dám trả lời câu này. Các anh cứ nhìn tình hình thì sẽ biết”.

2. Mấy ngày sau, thi thể của anh Phạm Tấn Cường (46 tuổi) đã được người thân đưa về quê tại tỉnh Bình Định an táng. Bên linh cữu chồng, chị Võ Thị Lê Hảo (40 tuổi) nghẹn đắng: “Tôi cứ tưởng đây là chuyến du lịch vui vẻ, kết nối hạnh phúc gia đình. Tôi không thể ngờ, nó lại là chuyến đi định mệnh, phải lìa xa chồng mãi mãi”.

Lau vội dòng nước mắt, chị Hảo kể, ngày hai anh chị yêu nhau, ngỏ ý muốn “về một nhà” thì bị rất nhiều người ngăn cản. Bởi, anh làm nghề tài xế. Mọi người vẫn thường có thành kiến với nghề này, vì cho rằng, tài xế lăng nhăng, lắm vợ. Chị quyết bảo vệ tình yêu của mình và cuộc hôn nhân được tác hợp.

Chị hạ sinh được hai đứa con gái là Phạm Vũ Hồng Phúc (12 tuổi) và Phạm Vũ Phúc Hậu (9 tuổi). Không như mọi người thành kiến, anh Cường luôn lo lắng cho ba mẹ con. Trừ thời gian đi xe, anh chỉ ở nhà, không la cà bất cứ nơi đâu. Anh cũng thường giành các công việc nhà để vợ được nghỉ ngơi.

Năm học này, cả hai con gái đều đạt học sinh giỏi. Anh Cường muốn giành phần thưởng cho con và tạo niềm vui cho vợ nên lên kế hoạch đi Đà Nẵng vào tháng trước. Trong khoảng thời gian ấy, chị Hảo giận chồng nên không đi. Sau đó, anh xuống nước, năn nỉ nên mới có chuyến đi này. Hôm xảy ra tai nạn, cả gia đình anh ngồi ở mạn thuyền thì bất ngờ thuyền chao đảo và bị lật. 

“Anh Cường là người bơi rất giỏi. Bình thường, anh ấy vẫn thường bơi quanh ba mẹ con chúng tôi. Hôm ấy, anh ấy cứ bơi quanh để tìm hai con nên đuối sức và chìm vào dòng nước. Đến khi gặp lại thì anh ấy chỉ còn là một thi hài. Chẳng hiểu sao, trước đây, tôi thường giận lẫy anh. Bây giờ, tôi hối hận lắm", chị nghẹn đắng.

Lực lượng cứu hộ trắng đêm tìm kiếm các nạn nhân.

Trong vụ tai nạn đau lòng này này, có lẽ, chị Đặng Thị Xuân (tỉnh Thái Nguyên) là người đau đớn nhất vì cùng lúc mất hai đứa con là Trịnh Huy Hoàng (5 tuổi) và Trịnh Kim Phượng (7 tuổi). 

Nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt người phụ nữ. Lẫn trong tiếng nấc, chị kể, cả hai con đều rất ngoan. Cháu Phượng năm vừa rồi học lớp 1, đạt thành tích cao nên chị thưởng cho chuyến du lịch này. Khi tai nạn xảy ra, chị được cứu sống, đã vội vàng chạy vào bệnh viện. Chị hy vọng, khi đến nơi sẽ nhìn thấy hai con được điều trị. Chị lục tung từ phòng này sang phòng khác nhưng vô vọng.

Suốt thời gian tìm kiếm, chị ngồi trên bờ, nhìn xuống dòng nước, hy vọng có một phép màu, cả hai con còn sống. Chị cứ bám víu vào chút hy vọng mong manh. Thế nhưng, đến chiều tối 5/6, thi thể của cả hai cháu gần như tìm thấy cùng lúc. Người mẹ như mất hồn, không dám tin vào sự thật. Suốt đêm qua, chị cứ trân mắt nhìn vào thi thể của hai con. Chị tuyệt vọng: “Khi đi, hai con còn cười đùa, sao giờ nằm im như thế?”.

Người thân lo liệu, làm thủ tục đưa hai cháu về quê mai táng. Chị Xuân chia sẻ: “Nỗi đau này sẽ không bao giờ lành trong tôi. Mất mát quá lớn. Chỉ trong một giây phút, tôi đã mất cả hai con. Tôi biết phải sống tiếp như thế nào đây?”. 

Trong cuộc trò chuyện, chị cũng hy vọng, phóng viên không chụp hình của mình cũng như thi thể hai con. “Tôi sợ rằng, một ngày nào đó, mình lại bắt gặp cảnh tượng hôm nay. Nỗi đau ấy sẽ xoáy vào tim của một người mẹ như tôi”, chị phân trần.

Ngày 7/6, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã tặng bằng khen cho 5 tập thể và 9 cá nhân xả thân cứu người trong vụ tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật. Tiền thưởng kèm theo là 5 triệu đồng 1 tập thể và 2 triệu đồng 1 cá nhân. Trong buổi khen thưởng, ông Thơ thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND và tất cả các ban ngành toàn thể nhân dân Đà Nẵng gửi lời cảm ơn đến những cá nhân, tổ chức đã tham gia cứu nạn trong vụ chìm tàu.

Duy Cường
.
.