Những tha hương ngong ngóng Xuân về

Thứ Hai, 28/01/2019, 17:19
Sài Gòn cuối năm, ngắm dòng người tấp nập hối hả ngược xuôi. Phương Nam gắt nắng, có cơn gió đi lạc va vào mặt mình những mẩu vụn cuối năm.


Con trai ngóng bố lưng chừng tháng Chạp

Sáng…

Anh Lương Văn Sử gọi điện về nhà thông báo với vợ con sẽ về vào ngày 26 Tết. Qua điện thoại, vẫn nghe giọng con trai nhỏ đang học lớp 2 vang vang "Vui quá, ba sắp về rồi!". Anh Sử là công nhân đào đất, đào móng thi công cho công ty thầu xây dựng.

Tôi gặp anh vào một buổi sáng nắng Sài Gòn. Nghe tên công việc thôi đã hình dung anh không bao giờ được làm việc một chỗ, mà phải nay đây mai đó theo công trình. Mới hơn 9h, người anh Sử đã bê bết mồ hôi, bùn nước và đất dính quá nửa ống quần. Anh Sử nhắc tôi nhiều lần "em cứ đứng trên đó, xuống đây lún chết!". Rồi giọng vang vang từ dưới hố đất sâu, anh và tôi trò chuyện.

Anh Sử quê ở Thanh Hoá, nhiều năm trước ở quê nhà anh làm nghề thợ xây. Cưới vợ rồi sinh 3 đứa con, cô con gái đầu đang học đại học, con gái thứ 2 học lớp 9 và cậu út thì đang học lớp 2 ở quê. 

Mưu sinh quê nhà vất vả, vợ phải vừa chăm con vừa lo quán xuyến gia đình nên mọi gánh nặng chi tiêu sinh hoạt và học phí các con đều dồn vào anh. Hồi vợ anh mang thai cậu con trai út, thương lắm nhưng đành theo người bạn giới thiệu, vào phương Nam xin việc trong công ty xây dựng, và đã 7 năm, cứ vậy xa quê, con trai út của anh đã bắt đầu biết đếm ngược từng ngày. 

Chị Thụy Bình.

Như năm ngoái cũng vậy, sau khi nghe mẹ bảo "ngày 26 bố về", con trai út bắt đầu đếm ngược. Càng gần đến ngày 26, lại càng háo hức đến mức trằn trọc không ngủ được vì mong bố. Ngày 26 của năm ngoái là chủ nhật, con trai út lon ton ra đầu ngõ đứng ngóng bố. Từ xa xa, thấy bóng dáng con trai, nước mắt anh cứ vậy mà tuôn.

Mỗi năm anh Sử quần quật hết thành phố này đến tỉnh thành khác, hết công trình này đến dự án kia. Công việc cực nhọc là thế, nhưng thu nhập ổn định, có tiền lo cho cả gia đình. 

Ngày nghỉ của anh cũng không cố định bởi tính chất công việc luôn cần đảm bảo tiến độ. Chỉ có dịp Tết anh và các anh em chung công việc mới có thời gian về quê hương thăm gia đình, vợ con, thăm hỏi hàng xóm.

Anh bảo thời điểm này anh em ai cũng rất háo hức trong lòng, làm việc hăng say không thấy mệt mỏi là gì cả. Bởi cuối năm dần trôi, Tết đã cận kề, công việc hoàn thành càng sớm, càng có thời gian tranh thủ mua chút quà cho vợ, cho con, cho quê nhà xa cách đã tròn một năm.

"Năm nay chưa nghe, chứ mấy năm trước nghe người ta toàn bảo bỏ Tết cổ truyền, thiệt chứ bỏ Tết, anh không biết làm sao về thăm vợ, thăm con luôn". Anh Sử chia sẻ nỗi niềm.

Chuyện một tấm vé xe

Chiều…

Anh bạn đồng nghiệp gọi điện báo cho tôi đã gửi tấm vé xe đò, loại vé giường nằm lộ trình từ Sài Gòn về Quảng Ngãi ngày 28 Tết cho cô Phụng. Đây là món quà của tôi trong một dịp tình cờ gặp cô Phụng ở một quán ăn trên đường Phan Xích Long, Quận 1.

Cô Phụng năm nay đã 58 tuổi, quê ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc đời cô Phụng buồn hệt như một cuốn phim về phận người phụ nữ phong kiến năm nào đó tôi đã từng xem mà không nhớ nổi tên

Cô Phụng có khuôn mặt phúc hậu, năm 28 tuổi cô kết hôn, chưa đầy một năm thì chồng cô bệnh nặng rồi qua đời để lại cô cùng đứa con sắp chào đời. Số phận trớ trêu gieo cho cô thêm nhiều nỗi chua cay. Trong ghi chú trên điện thoại của mình tôi có ghi chép mấy chuyện mê tín, bói toán ở làng cô Phụng. Nhưng nghe buồn, tôi thật sự không muốn kể lại những điều buồn thế này vào những ngày cậnTết.

Cô Phụng làm nghề bán hàng rong đã được 10 năm khi con trai cô vào đại học, thương con một mình bơ vơ, lại thêm ở quê làm thuê không đủ tiền cho con trang trải, cô theo con trai vào Sài Gòn tiếp tục những ngày một mình tần tảo nuôi con. Mỗi chiều tối đến cô gánh hàng rong rong ruổi trên khắp các vỉa hè, bờ kè, quán nhậu. 

Trong đôi quang gánh ấy có rất nhiều đồ ăn vặt như là bánh tráng nướng, bánh kẹp mạch nha, xoài, cóc non, đậu phộng. Có cả món tré trộn tỏi Lý Sơn quê cô, dân thích la cà trong các quán vỉa hè chắc là biết món này. Gánh hàng rong trên vai cô là tất cả gia tài của mẹ con cô ngày ấy.

Con trai cô tốt nghiệp ra trường, xin việc khó khăn nên sinh ra chán nản, cờ bạc và cả đề đóm. Rồi theo bạn bè nghiên cứu nuôi tôm cá ở miền Tây và lập gia đình ở đấy. Tuần trước con trai có gọi điện hỏi cô có định về quê không, con gởi cho 2 triệu nhưng cô từ chối. Cô nói đã mua vé rồi. "Vé xe dịp Tết chắc là cao ha cô?" - tôi hỏi. 

Cô Phụng cười gượng, bàn tay thoăn thoắt lột tỏi trộn ché cho chúng tôi. "Cô có biết đâu, cô chưa mua nữa, cô để dành thêm ít tiền rồi mới tính tiếp có nên về hay không! Nói với con trai vậy để nó yên tâm thôi. Gia đình vợ nó cũng không giàu có gì, lỡ biết nó đem tiền cho má nó, họ nói ra nói vô mất công lắm…". 

Gần Tết, nhìn người ta nô nức chuẩn bị quà cáp, sắm sửa về quê ăn Tết cô cũng nao nao trong lòng. Quê cô bây giờ chỉ còn vài người bà con xa, có về thì chủ yếu là để thắp cho cha mẹ, thắp cho chồng nén hương để dẫu trong xa xôi họ cũng không cảm thấy lẻ loi quạnh quẽ ngày Tết.

Tôi trông theo quang gánh, bóng dáng cô năn nỉ chào mời khách những món ăn chợt thấy lòng se sắt nỗi niềm thương cảm. Tối đó tôi nghĩ mãi về câu chuyện cuộc đời cô Phụng, rồi nhắn tin cho người anh đi cùng. Anh giúp tôi mua một tấm vé xe về quê cô và một số tiền rất nhỏ trong phong bì. Anh bạn tôi mang ra quán cũ, gặp và gửi tặng cô. Nghe anh kể cô xúc động lắm. Cô cảm ơn anh và gửi cho tôi 5 thanh tré nhỏ. Tôi không biết cách chế biến món này, nên vẫn còn cất giữ đến tận hôm nay.

Anh bạn cười tôi "Sài Gòn rộng lớn thế này, mỗi quán nhỏ thôi đã có hơn chục người bán hàng rong, mỗi người một cảnh, ta làm sao giúp hết". Anh nói vậy thôi, chứ tôi cũng không cần phải trả lời, bởi cả anh và tôi đều hiểu, có những chuyện chỉ cần khiến lòng mình dễ chịu thì cứ vậy làm thôi.

Lại thêm giao thừa không có mẹ

Khuya…

Tiếng chổi quét rác sột soạt vang đều giữa đêm vắng lặng. Tôi dừng xe bên đường trò chuyện với chị Thuỵ Bình về những nỗi niềm ly hương cận Tết.

Chị Bình năm nay 37 tuổi, quê ở Phú Yên, là công nhân thu gom vệ sinh khu vực quận Bình Thạnh. Tôi bắt đầu từ những vụn vặt về niềm vui đoàn tụ dịp Tết đến xuân về, đến lý do vì sao có người ly hương nhiều năm chưa Tết nào được về nhà… Chúng tôi lại nói về vật giá leo thang, vé tàu xe đắt đỏ… 

Và nói đến chuyện chị Bình. 3 cái Tết rồi chị chưa về quê, bởi hầu hết trong các biên bản, hợp đồng làm việc của các công nhân vệ sinh môi trường ký kết với các công ty môi trường đô thị đều phải tuân thủ điều kiện không được nghỉ dịp Lễ, Tết.

Cô Phụng bên gánh mưu sinh.

Tôi hỏi chị có nhớ cha mẹ, nhớ con cái không trong những ngày đặc biệt thế này? Chị Bình cười gượng gạo và ánh mắt buồn hiu hắt như chất chứa cả một chuyện đời dài và buồn, luôn đè nặng trĩu lên đôi vai gầy nhưng nhiều nghị lực của chị. Chị rưng rưng đẩy từng đường chổi quét rác thật dài, tránh để tôi nhìn thấy chị đang xúc động mạnh.

Không xúc động sao được khi đây là cái Tết thứ 3 chị không được về đón giao thừa cùng chồng con. Từ tháng trước, công ty chị đã có thông báo công nhân không được nghỉ từ 25 đến Mồng 6 Tết. 

Chị Bình chia sẻ: "Mấy ngày trước và trong Tết rác thải luôn nhiều gấp mấy chục lần, tất cả các công nhân bắt buộc phải tăng ca để đường phố luôn sạch đẹp, mọi người du Xuân thêm phấn khởi, vui vẻ. Nghề này vậy rồi, phải chấp nhận thôi!".

Gia đình khó khăn, chồng mất sức lao động lại phải nuôi con thơ nên chị Bình phải vào Sài Gòn xin việc làm. Công ty chị lại ưu tiên tuyển người có hộ khẩu thành phố hơn, nên khi được nhận, chị luôn chăm chỉ làm việc để được bám trụ nơi này. 

Thường thì chị Bình sẽ gửi tiền lương, tiền thưởng dành dụm được về trước cho chồng sắm sửa trong nhà. Hai con gái học lớp 3, lớp 4 biết cất lại ít bánh mứt, chả thịt. Đợi sau Tết chị sắp xếp xin nghỉ về nhà, gia đình 4 người đón Tết muộn hơn hàng xóm một vài tuần.

"Thôi cũng không sao, chỉ cần ở bên chồng con, đó là Tết rồi" - chị nói.

Hy sinh, tần tảo, vun vén cho con cái học hành. Những người xa quê luôn nhận về mình phần thiệt để dành cho con cái nơi quê nhà phần hơn. Những đồng tiền tích cóp gửi về quê để xây nhà mới, để con cái xúng xính quần áo Tết đi chơi. 

Phận mình nơi đất khách quê người, căn gác ván ép ọp ẹp với giá thuê 2 triệu đồng/tháng trở thành chỗ ngả lưng cho chị Bình và 5,6 người khác để tiết kiệm chi phí ăn ở. Nỗi niềm mưu sinh ấy chắc chỉ ai đã từng nếm trải mới có thể hiểu hết.

Còn nhiều lắm những thân phận như chú xe ôm, bác xích lô, cậu bé làm trò phun lửa… Tết với họ luôn là điều gì đó rất xa xỉ, rất tủi thân. Tiếp xúc với họ, nghe họ trăn trở tôi thật sự xót xa. Tôi viết về họ để nhắc nhở mình còn may mắn vì được đón Tết đủ đầy.

Nếu có một nguyện ước cho năm mới, tôi ước rằng những nhân vật tôi đã gặp Tết này được đón cái Tết vẹn tròn. Và cho cả rất nhiều người từa tựa vậy nữa…

Bùi Kiều Trang
.
.