Những "ông tổ" của nghề bẻ khoá

Thứ Tư, 16/05/2007, 16:00
"Gã rút trong túi quần ra hai miếng gỗ mỏng hình kim tự tháp, mỗi cạnh chừng 5 phân, thò tay kéo góc cao nhất trên cánh cửa hở ra một khe nhỏ xíu, ấn mạnh đầu nhọn dẹt của miếng gỗ vào khe hở, rồi tiếp tục làm động tác tương tự với chiếc thứ hai vào cạnh còn lại của cánh cửa...".

Xe hơi nửa tỷ bạc, cáu cạnh đến từng lau, từng li, toàn là sản phẩm của công nghệ hiện đại đến từ Mỹ, Nhật hoá ra chỉ chống được bọn trộm có sở thích bê cả chiếc ôtô, còn với dân trộm "cò con", có thú vui duy nhất là nhặt đồ chủ nhân "bỏ quên" trên xe thì chỉ không quá 20 giây là cậy tung được cánh cửa.

Hỏi có bí quyết gì không, gã "thợ khóa" cười nhe nhởn, xòe ra bộ đồ nghề gồm 2 miếng gỗ hình tam giác xinh xinh, thật thà thổ lộ: "Nhìn thủ công mỹ nghệ thế thôi mà đưa ra chiến đấu với mấy anh công nghệ hiện đại là ra tiền đấy bác ạ…".

Hỏi tên gì, gã cười bảo: "Tên gì chả giống nhau", thành ra tôi tạm gọi là gã "không tên". Duyên kỳ ngộ giúp tôi và gã làm quen nhau thật tình cờ. Một lần đỗ xe bên lề đường, mải nghe điện thoại rồi đi ra ngoài, chìa khóa vẫn cắm nguyên trên xe mà quen tay bấm sập chốt an toàn.

Lúc cúp điện thoại mới ớ người, vào xe bây giờ chỉ còn cách… đập vỡ kính hoặc phải có tài của Tôn Ngộ Không may ra mới chui vào được. Đang vò đầu bứt tai loay hoay gọi điện tứ phương tới các garage ôtô hỏi cách giải quyết, hầu hết đều bảo tôi chịu khó để xe đó mà về nhà lấy khóa phụ chứ chả còn cách nào khác thì gã xuất hiện như từ trên trời rơi xuống, đứng đằng sau tôi từ lúc nào, tay đút túi quần cười lỏn lẻn.

"Sập cửa à, bác để em mở hộ, cho em xin một trăm uống nước". Chẳng hiểu sao không chút suy nghĩ, tôi gật đầu nhẹ bẫng.

Nơi tôi đỗ xe là trước Nhà hát Lớn, vì thế tôi đoán nơi ở của gã có thể chỉ loanh quanh mấy vườn hoa gần đó. Chân đi dép tổ ong, môi thâm xì, móng tay dài ngoẵng vàng khè.

Gã rút trong túi quần ra hai miếng gỗ mỏng hình kim tự tháp, mỗi cạnh chừng 5 phân, thò tay kéo góc cao nhất trên cánh cửa hở ra một khe nhỏ xíu, ấn mạnh đầu nhọn dẹt của miếng gỗ vào khe hở, rồi tiếp tục làm động tác tương tự với chiếc thứ hai vào cạnh còn lại của cánh cửa.

Cánh cửa kênh ra được một khe không đáng kể, gã rút tiếp trong túi ra một đoạn dây thép cứng cuộn tròn gọn gàng rồi vuốt thẳng, nhẹ nhàng cho đoạn dây thép đã được uốn cong một đầu như lưỡi câu lách qua khe vào phía trong xe, chả khó khăn gì đầu móc câu ngoắc vào chốt cửa, giật nhẹ một cái, cửa xe mở toang. Xong. Nhẹ còn hơn lông hồng.

"Học đâu được cái nghề hay thế?" - khi đã gật gù với nhau trong quán bia hơi, tôi mới tỉ tê. 26 tuổi, bắn thuốc lào xoành xoạch, mắt mơ màng trong làn khói mờ đục, mặt gã giãn ra vui như vừa cày xong thửa ruộng. "Chuyện dài lắm, nhưng thích thì theo thôi".

Hóa ra, gã là đồng hương của tôi. Nhà ngay khu vực ga Nam Định - khu vực phức tạp số một về tệ nạn xã hội của cái TP vốn được dân buôn bán Bắc - Nam một thời khiếp sợ mỗi khi tàu dừng lại ở ga.

Năm gã tròn 10 tuổi, vào đúng đêm 30 Tết, khi mẹ gã đang chuẩn bị đồ lễ ngoài sân thì bất ngờ có một thanh niên chạy vụt vào nhà. Tay anh ta mang còng số 8, anh ta lắp bắp: "Cháu bị Công an đuổi, cháu lạy cô thương cháu…".

Mẹ hắn sau cơn hoảng sợ đã vội vàng trấn tĩnh đưa thằng trộm vào trong buồng. Có lẽ nhìn hắn cũng bằng tuổi thằng con trai cả của bà nên bà đã động lòng thương cảm, không nỡ giao nó cho Công an, nhất là ngày tết thế này.

Đêm giao thừa năm ấy có lẽ là một đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời gã. Chẳng hiểu sao, cái thằng bé 10 tuổi là gã lại tỏ ra say sưa đến vậy khi ngồi xem vị khách viếng thăm bất ngờ biểu diễn màn mở còng số 8.

Anh ta mượn mẹ gã chiếc cặp tăm nhỏ xíu, loại cặp mà trước đây các bà, các chị hay dùng. Anh ta nhờ gã giũa nhỏ thêm một chút, rồi tỉ mẩn chọc chọc ngoáy ngoáy vào  cái chốt định vị, một lúc thì chiếc còng bật ra.

Anh ta nhìn thằng nhỏ đang say sưa chăm chú theo dõi cười, rồi véo mũi gã đau điếng. Và cái nghiệp mở khóa bắt đầu ám ảnh gã từ đấy.

Những kẻ làm nghề như gã ở Hà Nội không có nhiều, nhưng thằng nào đã sống được với nghề bắt buộc phải là dạng "pờ rồ" (chuyên nghiệp), vì nếu không sẽ thường xuyên "ăn đòn xã hội".

Gã kể rằng, một lần hắn suýt "đi Văn Điển" khi "làm" con Toyota cửa kính dán đen xì đậu trên phố Kim Mã. Hắn đã theo dõi rất kỹ, khi cô nàng váy đỏ từ trên xe bước xuống vào hiệu uốn tóc gần đó, hắn mon men đến gần định "tác nghiệp".

Khi cánh cửa vừa bật mở, thò tay vào để khoắng đồ, bất ngờ tay hắn bị túm chặt. Hóa ra bên trong vẫn còn một đôi nữa ngồi khuất sau ghế lái, anh chị này tranh thủ trong lúc chờ đợi định giở trò "chim chuột". Gã thoát chết là nhờ lúc ấy, anh chàng nọ không buồn đuổi theo vì đã trót… cởi áo bạn gái ra rồi. Hú hồn!

Dân công sở ở Hà Nội hiện nay đi làm thường mang theo laptop và chiếc máy tính xách tay này cũng như vô số đồ phụ tùng của chị em khác thường được để ở ngoài xe vì ai cũng cho rằng, xe đắt tiền nên độ an toàn cao, mà họ không ngờ đến một điều, các nhà sản xuất có thừa công nghệ chống trộm dắt cả ôtô nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm trong việc chống trộm lấy đồ trên xe.

Với những loại mới ra lò, mỗi xăng ti mét được tính bằng tiền triệu thì gã không dám nói trước, chứ với những loại "80 năm vẫn chạy tốt", nghĩa là thâm niên làm bạn với anh quốc lộ cũng đếm hết đầu ngón tay (chưa kể thêm một cơ số ngón ở bàn chân nữa) thì những kẻ như gã chỉ cần dùng miếng thép mảnh, chọc thẳng vào ổ khóa bên cánh lái, ngoáy mấy cái là xong.

Có lần gã kiếm được cả một túi xách của người đẹp bỏ quên, trong ấy không chỉ có tiền Việt, tiền đô, dây chuyền, nhẫn vàng, mà còn có cả… một hộp bao cao su.

Kiếm tiền dễ thế nên chẳng mấy mà gã nghiện, chân vẫn dép tổ ong vàng khè. Xe xịn hẳn thì gã có thể thua, chứ cứ thường thường bậc trung, tiền vài trăm triệu đổ lại thì nhìn thấy hắn chỉ có nước "bác chào cháu".

Thời gian trước đây, các loại xe máy thông dụng như Dream, thường được dân bẻ khóa nhòm ngó nhiều nhất. Loại xe này chỉ cần chiếc vam phá khóa hình chữ T là chủ nhân buộc phải "đi bằng vành".--PageBreak--

Còn bây giờ, càng xe đắt tiền, càng SH, Dylan càng dễ mở khóa. Công nghệ mở SH đã được phát triển nhờ một loại vam đặc biệt, giá cũng không hề rẻ, chừng hơn chục triệu một bộ.

Nguyên tắc vẫn là hình chữ T nhưng được nghiên cứu kỹ hơn, có nhiều loại để phù hợp với ổ khóa 4 rãnh chống trộm của SH. Không biết chúng xuất hiện từ đâu nhưng nghe gã nói thì hình như chúng được đưa ra từ phía Nam, và tất nhiên cũng không phải do trong nước sản xuất, mà rất có thể được xuất phát từ chính những nước sản xuất ra các loại khóa an toàn này.

Tất nhiên, đó là những tổ chức bất hợp pháp, những tổ chức tội phạm. Chỉ trong vòng không đầy 30 giây, ổ khóa của @, SH, Dylan đều được mở một cách dễ dàng.

Vì là hàng thửa nên không phải cứ có tiền là mua được ngay, dân bẻ khóa xe ở Hà Nội theo gã "không tên" cho biết đang nháo nhác cả lên với công nghệ mới này. Đắt nhưng xắt ra miếng, chén một "em" SH bằng mấy lần xơi "bác" Dream vừa già nua vừa xấu xí.

Ở huyện Thanh Trì, Hà Nội có một làng nghề có truyền thống làm khóa, dân ở đây tỏa đi khắp nơi trên địa bàn Hà Nội làm ăn. Từ khóa cửa, khóa xe máy đến khóa két sắt, nếu bị mất chìa chỉ cần ra đầu phố, triệu anh hàng khóa đến, chìa khóa nhà, chìa khóa xe máy thì chừng 5 phút.

Còn riêng chìa khóa két, công đoạn có lâu hơn một chút, khoảng 30 phút đến 1 tiếng và ở Hà Nội hiện nay, những người mở được khóa két cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tận mắt chứng kiến màn dò mã, phá mã và nghe các câu chuyện họ kể mới thấy xung quanh chuyện phá két cũng có nhiều tình tiết bi hài. Số là chủ cũ khi bán nhà cho tôi có để lại một chiếc két, chiếc két này chồng chị đánh rơi chìa khóa và chị khẳng định trong đó không có gì cả.

Vài năm sau, chiếc két vẫn nằm lặng lẽ ở góc nhà tôi, cho đến một hôm, tôi quyết định gọi hai anh thợ khóa chừng gần 30 tuổi đến làm giúp chiếc khóa để sử dụng.

Không có mã, không có chìa, thế mà sau một hồi kỳ cạch toát mồ hôi với hàng chục loại dụng cụ đục giũa, đóng cành cạch, cánh cửa chiếc két bật mở. Đúng là không có gì như chị chủ cũ đã nói, nhưng nằm sâu trong phía ngăn trên lại có mấy lá bùa viết bằng chữ Nho.

Chẳng hiểu nghĩa thế nào nhưng rõ ràng đã giải tỏa tâm lý cho tất cả thành viên trong gia đình tôi, biết đâu chị chủ cũ ghét bỏ gì nên làm bùa phép…

Một lần, hai anh này được một thanh niên sành điệu đến thuê mở két của nhà anh ta. Đến nơi thấy nhà cửa vắng tanh, theo kinh nghiệm của mình, hai anh biết ngay là quý tử này định chôm chỉa của bố mẹ lấy tiền chơi bời.

Hai anh loanh quanh một hồi, anh T. giả vờ: "Ca này khó quá, bọn anh bó tay thôi, chú em tìm bác sỹ khác", còn cậu nhóc mới lớn thì thất vọng tràn trề, hậm hực nhìn quả két bê tông của ông bà bô.

Những trường hợp này hầu như tuần nào các anh cũng gặp phải. Nếu tham tiền mà làm, mỗi ca đâu có rẻ (từ 300-400 nghìn đồng) thì có lỗi với cha mẹ chúng và vô tình nối giáo cho giặc.

Nhưng những quý tử này khi trả công thường rất hậu hĩ, thế nên không phải không có những thợ khóa khác giúp đỡ chúng, dù biết là chúng ăn cắp tiền.

Có thằng còn nằng nặc xin được đi theo anh T. điếu đóm chỉ để học lấy cái nghề mở két "hộ" gia đình. Nhưng dạy nghề cho một thằng ăn cắp thì quả là tai hại và cũng thất đức lắm.

Mở két cho nhà giàu nhiều khi cũng tổn hại tinh thần. Tiền đô họ buộc từng chồng, nhìn mà cám cảnh cho cái đời anh thợ khóa, suốt ngày chỉ có mỗi nhiệm vụ mở cổng cho kẻ khác trèo vào.

Đời thợ khóa như anh T. cũng có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, lần mở két cho một gia đình ở khu đô thị mới Trung Kính khiến anh T. không thể nào quên.

Khi cánh cửa mở ra, đập vào mắt anh là chiếc bình rượu ngâm thai nhi làm anh suýt chết ngất. Chủ nhà phân bua, vì cái bình rượu này mới phải nhờ đến anh, để ngoài trẻ con nó sợ, đành cất tuốt vào két. Và ông ta cho biết "mua tận bên Trung Quốc, quý lắm đấy!".

Còn anh K. một lần được thuê đến gia cố ổ khóa của chiếc tủ đứng vì theo gia chủ, ổ khóa này sử dụng lâu rồi nên cậu con trai đưa bất cứ cái gì vào cũng ngoáy ra được.

Anh K. thay ổ khóa (dạng siêu chống trộm) cho ông chủ. Thế nhưng một tháng sau, ông này lại mò đến phàn nàn: "Nó vẫn mở được chú ạ, tiền vẫn mất đều".

Anh K. ngạc nhiên vì đây là loại khóa thửa riêng, phải là những thợ cao thủ như anh mới mở được. Sau một hồi nhìn ngắm, kiểm tra, anh K. đã phát hiện ra sau lưng chiếc tủ (phía áp vào tường) đã bị "ông con" khoét một lỗ to bằng nửa bàn tay. Gặp phải dân bẻ khóa kiểu này thì ông tổ nghề khóa cũng phải tôn làm sư phụ nữa là anh

Sơn Minh
.
.