Những chú bé “dạt vòm”

Thứ Năm, 01/05/2008, 09:00
Trò chuyện với một thằng con trai 16 tuổi, nó không biết mẹ nó làm gì để nuôi nó, vì nó chưa bao giờ hỏi hay vì mẹ nó chưa bao giờ nói - tôi không biết nhưng rõ ràng là nó không quan tâm gì tới mẹ nó và ngược lại. Ở một gia đình như thế, thử hỏi đứa con nào chẳng muốn bỏ nhà đi.

Thằng bé ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế ở Đội 8 - PC14 Công an Hà Nội. Trông nó cũng giống như bất kỳ những đứa trẻ con đang học làm người lớn nào đó. Nghĩa là tóc nhuộm, để dài lòa xòa giống mấy anh diễn viên truyền hình Hàn Quốc, chỉ khác là nó đang phải làm bản tường trình trước các chú Công an về những vụ cướp giật trên đường mà nó đã tham gia cùng đồng bọn.

Và nữa, có nhà cửa đàng hoàng nhưng thỉnh thoảng nó lại cùng đồng bọn bỏ nhà đi bụi, lý do rất đơn giản: Không thích sống cùng bố mẹ nữa. Cái đầu chỉ cao hơn mặt bàn làm việc một chút, thằng bé hý hoáy viết bản tường trình.

Đã lâu không cầm đến bút, thành ra nó lúng túng và viết sai lỗi chính tả đến hơn một nửa. Tôi nói đùa khen tóc nó đẹp, nó cười chối đây đẩy: "Tóc thằng kia mới sành điệu. Nó vừa đi cắt hôm qua thì hôm nay bị bắt. Đen thế". "Thằng kia" là thằng cầm đầu, 16 tuổi, cả tháng nay nó cùng 5 thằng đồng bọn thuê nhà nghỉ để tiện… cướp giật.

Sảy nhà ra... nhà nghỉ

Bé thế mà có thâm niên ở nhà nghỉ cả tháng nay rồi - một trinh sát trẻ nói với chúng tôi. Trời đất, trông chỉ nhỉnh hơn học sinh tiểu học một chút mà dám mò vào nhà nghỉ. "Ở nhà còn sờ ti mẹ không đấy?" - anh trinh sát hỏi đùa chúng và lắc đầu nói với chúng tôi: "Bé thế mà cướp giật như ranh".

"Tiền cướp được các cháu làm gì?" - tôi hỏi.  "Bọn cháu ăn uống, chơi điện tử, trả tiền phòng. Cháu nuôi thằng này mấy tháng nay đấy. Mới đây nó mới dám làm ăn chứ trước thì nhát lắm". Thằng nhỏ như cái kẹo bị bóc mẽ nên cay cú, mắt gườm gườm nhìn thằng kia. "Thế ở nhà nghỉ thích hơn hay ở nhà thích hơn?" - tôi hỏi tiếp. "Tất nhiên là nhà nghỉ chứ. Vừa thoải mái lại không bị ai quản lý".

Trẻ con chán nhà, bỏ học, rủ nhau đi bụi, thuê nhà nghỉ sống bầy đàn đã trở nên quen thuộc tới mức nhiều ông bố ngày nay, nếu thấy con đi qua đêm không về nhà là tạm thời “yên tâm”, an ủi vợ rằng "nó đang ở một nhà nghỉ nào đấy, đừng lo".

Gần như 100% các băng nhóm thanh, thiếu niên chuyên tụ tập trộm cắp, cướp giật đều ít nhất một lần ghé thăm nhà nghỉ, còn cá biệt có những ổ nhóm thuê bao cả tháng 1 phòng nghỉ để làm đại bản doanh, làm nơi hò hẹn, thậm chí là phòng quần hôn cho cả nhóm 5-6 đứa.

Hết rồi cái thời chán bố mẹ, mấy thằng đại ca cầm đầu một lũ chíp ranh lê la ở bến tàu, bến xe xin đểu và đêm đến cũng lấy nơi này làm chỗ ngả lưng, giờ đây, đám "hậu duệ" tỏ ra sành điệu và quái hơn. Đừng tưởng sảy nhà là ra thất nghiệp. Nếu ông bố, bà mẹ nào còn ôm tư tưởng ấy thì nhầm to. Bọn trẻ bây giờ không chịu được khổ nên dù bỏ nhà đi thì vẫn phải chăn ấm nệm êm, và muốn thế thì phải có tiền, mà muốn có tiền thì phải gây ra các vụ phạm pháp.

Hồi Công an quận Tây Hồ triệt phá băng nhóm cướp giật tuổi teen do "Thu hếch" - một nữ quái cầm đầu, các anh đã phát hoảng khi bắt giữ chúng tại "đại bản doanh" là nhà một cô bé (người yêu của một đối tượng nam trong băng nhóm). Mùi ẩm mốc, bẩn thỉu từ căn phòng và tấm nệm cùng với cơ man nào các loại giấy gói, vỏ đồ hộp được chúng xả bừa bãi ngay trong phòng ngủ cùng với hàng đống bát đĩa lưu cữu không biết từ mấy tháng đã mốc meo chua lòm.

Ngay trong phòng ngủ của cả chục đứa xông lên mùi khó chịu khiến các trinh sát khi làm nhiệm vụ phải... bịt mũi. Cả tháng trời, gần chục đứa mò đến đây ở, chúng ăn uống, ngủ nghê cùng nhau, vậy mà mẹ cô bé vẫn không hề hay biết. Cho đến khi thấy Công an bao vây khám xét nơi này, hàng xóm mới thấy nhẹ nợ bởi đã từ lâu nay, họ rất bất bình với những đối tượng hư hỏng thường xuyên tụ tập ở đây.

Chúng đi sớm, về muộn và sinh hoạt vô tổ chức, ban ngày những thằng con trai cùng đại ca "Thu hếch" vác xe ra đường đi cướp, ban đêm mò về ăn ngủ. Đứa nào trong số này cũng có nhà cửa đàng hoàng, cô ả "Thu hếch" một năm chỉ mò về nhà vài lần, còn lại là dạt nhà đi bụi, sống bầy đàn.

Một đối tượng nam có tên là Tùng cũng trong băng nhóm này ngày nào cũng được mẹ chở đến trường học, nhưng bà có biết đâu, chỉ đợi khi bóng mẹ vừa khuất, Tùng lại bắt xe ôm mò đến "đại bản doanh" với lũ bạn hư hỏng.

Đối tượng T., 15 tuổi, trong băng nhóm cướp giật tài sản vừa bị Đội 8 - PC14 Công an Hà Nội bắt giữ, mang một gương mặt ngây thơ đến tội nghiệp. Nó bỏ học từ lớp 7, thậm chí xe máy còn chưa biết đi, thế mà dám cả gan ngồi sau đồng bọn làm nhiệm vụ cản địa khi bị truy bắt. Điều đáng nói nữa là nó khai ở cùng với 5 thằng đồng bọn tại nhà nghỉ cả tháng nay rồi, ban ngày đi cướp, ban đêm về đây tá túc, ngủ nghê.

Hỏi có người yêu chưa, thằng cướp có giọng nói còn ngọng líu ngọng lô, gương mặt baby nhìn hiền như con gái đỏ bừng lên vì xấu hổ. Vậy đấy! Biết đỏ mặt vì ngượng khi bị đề cập đến chuyện riêng tư, thế mà lại không ngượng khi tham gia cùng đồng bọn cướp giật tài sản.

"Không về nhà có ai đi tìm không?" - tôi hỏi thằng bé. "Cháu đi lâu rồi nên mọi người không đi tìm nữa".

Cầm đầu băng nhóm này là thằng bé tên L., cũng mới 16 tuổi. L. có mái tóc đặc biệt gây ấn tượng với những cô nàng đua đòi. Đầu nó cạo trọc, chỉ để lại một đường từ gáy ra đằng trước, được vuốt keo nhìn như bờm ngựa và nhuộm màu vàng. Thằng bé 16 tuổi này không xấu hổ như đàn em khi bị hỏi chuyện tình yêu.

"Thế nào chú mày, người yêu biết bị bắt chưa?" - tôi hỏi. "Cháu không biết, mới tối hôm qua còn đi chơi với nhau mà". "Thế người yêu học lớp mấy rồi?". "Lớp 7 cô ạ". "Một tuần rủ người yêu đi chơi mấy lần?". "Tối nào cũng đi". "Mẹ cháu làm nghề gì?". "Cháu không biết". "Không biết thật hay giả vờ đấy?". "Thật mà, bố cháu mất rồi, mẹ cháu làm nghề gì cháu không biết mà".

Trò chuyện với một thằng con trai 16 tuổi, nó không biết mẹ nó làm gì để nuôi nó, vì nó chưa bao giờ hỏi hay vì mẹ nó chưa bao giờ nói - tôi không biết nhưng rõ ràng là nó không quan tâm gì tới mẹ nó và ngược lại. Ở một gia đình như thế, thử hỏi đứa con nào chẳng muốn bỏ nhà đi.

Cái kết cục tất yếu ấy đã xảy ra với L. Đau xót hơn là trong 6 đứa bị bắt về tội cướp giật tuổi teen này, chỉ có một số ít là được cha mẹ tới cơ quan điều tra làm việc trong những ngày đầu tiên, còn hầu hết đều coi chúng như người lạ, không thăm nom, không tiếp tế, bởi lâu nay, chúng đâu còn coi gia đình là tổ ấm, chúng bỏ đi lâu rồi và quen cuộc sống tự do đến nỗi chúng cảm thấy ra nhà nghỉ ấm áp hơn ở nhà, lại rất vui vì lúc nào bạn bè cũng có thể đến chơi được.

Kỹ nghệ dạt vòm

Anh bạn tôi mở một nhà nghỉ ở khu vực đường Hoàng Quốc Việt. Đã cả tháng nay, anh chưa thu được một đồng nào từ các vị khách phòng 406. Sở dĩ gọi là các vị khách vì tính đến hôm nay, số lượt người ở phòng đã lên tới gần chục, tuy nhiên, không bao giờ phòng ấy ngủ lại quá hai người. Hỏi ra mới biết, bọn nhóc dạt vòm ngày nay sử dụng kỹ nghệ rất đặc biệt: Đầu tiên, một hoặc hai đứa vào thuê phòng với CMND đàng hoàng.

Nhưng vài hôm sau, có thêm vị khách tiếp theo. Vị khách này thường được "mời đến chơi" và sau đó bị "mượn xe ra đây có chút việc" và đương nhiên phải ở lại trông phòng nghỉ. Kẻ này vô tình trở thành "vật tế thần" khi bị cắm lại nhà nghỉ, vừa giữ chỗ mà cũng là để hợp lý hóa cái sự không trả tiền phòng của kẻ thứ nhất.

Bao giờ những vị khách bất đắc dĩ này cũng là những con vịt béo cắt chân, bị lừa rủ đến nhà nghỉ chơi, rồi bị lừa mượn xe đi và cứ thế đành ở lại “canh miếu” đợi chủ nhân đích thực của phòng này về trả xe và trả tiền phòng. Nhưng cơ hội cho những con vịt béo bị cắt chân này chỉ là 1%.

Cũng có những kẻ mượn xe bạn đi đặt ở hiệu cầm đồ rồi thả vài quả lô, nếu may mắn mỉm cười, hắn sẽ quay lại sòng phẳng trả tiền phòng, "nhổ" bạn mình ra nhưng trường hợp đó là vô cùng hãn hữu.

Vẫn biết đấy là "võ bẩn" của mấy thằng dạt vòm nhưng nhiều chủ nhà nghỉ không dám đuổi và cũng không có cớ gì để đuổi, vì điều kiện duy nhất để thuê được một phòng ấy là CMND, mà cái này thì ai chẳng có.

Nhiều ma cô dẫn gái vào nhà nghỉ rồi "cắm" ở đấy và đi đón khách. Tiền chăn dắt, chúng dùng để nuôi mình, nuôi gái và nuôi tiền phòng. Đấy là những kẻ chuyên bám váy phụ nữ nhưng còn những nhóm thanh thiếu niên, nhiều khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng thích dạt nhà, chọn nhà nghỉ làm nơi "sinh hoạt văn nghệ". Hỏi chúng lấy đâu ra tiền để nuôi phòng, có đứa hồn nhiên bảo: "Tiền phòng đã có thằng khác trả".

Hỏi ra mới biết, bọn này thường "nuôi", đúng hơn là "chăn dắt" một "thiếu gia con nhà" để thay chúng chi trả những khoản phí không có tên. Những công tử này đôi khi được mời tham gia nhập bọn cùng với những trò mà một bộ phận giới trẻ ngày nay thịnh hành như hút tài mà, cắn thuốc lắc, để khi cần là "xui" về nhà mõi tiền ông bà già.

Đang sống một mình một phòng trong biệt thự nguy nga, giờ được chung đụng 4-5 đứa cả nam lẫn nữ một phòng - cái cảm giác ấy đối với một công tử bột hẳn là rất thú vị và hấp dẫn. Việc sa ngã của những quý tử này chỉ là ngày một, ngày hai mà thôi. Và đó cũng là điều mong đợi nhất của đám bạn các quý tử này - chúng đã thành công trong việc rê con mồi vào bẫy.

Thực trạng thanh, thiếu niên thích bỏ nhà đi bụi đã thể hiện một lối sống hoang đàng, buông thả, đáng lên án và cần có biện pháp ngăn chặn. Nhưng mặt khác cũng cần nhìn nhận, nhiều đứa trẻ chọn giải pháp đi bụi khi chúng bị mang cảm giác cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình - và từ đây bắt đầu một bi kịch mới mang tên "Dạt vòm"

Chi Sơn - Quỳnh Anh
.
.