Nhạt nghĩa vợ chồng

Thứ Ba, 08/05/2012, 10:10
Anh sinh năm 1969, mới ngoài 40 tuổi, lại ở Sài Gòn. Vậy mà, nhìn anh già nua quá. Khuôn mặt bạc nắng gió, dáng người hiu hắt. Anh gặp tôi lần thứ nhất, mặc cái áo sơ mi màu xanh cũ. Gặp lần thứ hai, vẫn cái áo màu xanh ấy.

Áng chừng, đó là cái áo lành lặn hiếm hoi còn sót lại của anh sau cuộc hôn nhân nhiều sóng gió. Cạn một cuộc hôn nhân, tàn tình nghĩa vợ chồng, biết là ai đúng ai sai. Thế nên, duyên kiếp ba sinh chỉ là câu nói cửa miệng khi người ta đang mê mải tán tỉnh nhau.

1. Anh nói, anh yêu đương nhiều rồi mới gặp chị. Nhà chị cách nhà anh cũng gần thôi, khoảng chừng 500m. Thời thanh niên, anh làm trợ lý coi xưởng cho ông chủ người Hàn Quốc, tiền kiếm được cũng kha khá. Sẵn cái ngày ấy, chưa trải qua một biến cố lớn về tinh thần, nên anh vẫn mang đầy đủ dáng dấp của một người đáng gọi là phong lưu.

Nhà anh ở quận 2, không khốn khó. Thấy anh suốt ngày hết cặp rồi kè, ái tình phiêu lưu, cha anh yêu cầu anh lấy vợ. Người già bao giờ chẳng vậy, luôn tin rằng, đàn ông có vợ sẽ trở nên đàng hoàng.

Người chị dâu hiểu chuyện, làm mai cho anh gặp chị. Hỏi anh chị có xinh không. Anh đáp nhanh, xinh gái lắm. Gặp nhau, anh có tình ý vì dung nhan của chị, chị hài lòng về những gì anh đang sở hữu.

Ngày đó, chị làm nhân viên cho một nhãn hàng rượu. Trước khi đến với anh, chị một lần yêu đương dang dở. Người yêu của chị sang Pháp định cư cùng gia đình. Anh bảo, người yêu của chị là bạn học thời phổ thông của anh, biết mặt nhau thôi chứ không thân thiết.

Yêu nhau được ít lâu, chị theo anh về nhà làm dâu. Cha anh mừng mừng vui vui như người bắt được của từ lòng đất. Ông cắt mảnh đất của mình, cho vợ chồng anh để ra ở riêng. Anh lấy tiền dành dụm bấy lâu, dựng lên cái nhà nho nhỏ.

Hơn năm sau, cậu nhóc đầu lòng của anh và chị ra đời. Hạnh phúc như vậy tưởng chừng đã viên mãn.

Năm 2003, căn nhà của anh nằm trong diện quy hoạch của dự án Bệnh viện quận 2. Anh được bồi thường số tiền gần 500 triệu đồng, một số tiền lớn ở thời điểm ấy.

Mẹ chị bảo anh: “Người trong một nhà cả, mẹ sẽ cho vợ chồng con miếng đất để xây lại nhà khác. Còn tiền, con để dành đó mà làm ăn”. Rất sòng phẳng, mẹ chị còn làm giấy sang nhượng đất cho anh. Anh trích một khoản từ tiền bồi thường xây nhà.

Từ đó, anh ở trên phần đất của mẹ chị. Trước khi sang ở, anh có hùn vốn với người chị vợ mua miếng đất khoảng 60m2.

Anh chị có thêm cậu nhóc nữa. Chị ở nhà chăm con nhỏ, anh vẫn đi làm cùng ông chủ người Hàn Quốc. Gia đình trong ấm ngoài êm…

Một lần, anh dọn dẹp hộc tủ, phát hiện lá thư chị viết cho người yêu xưa, lời lẽ thắm thiết. Anh tự vấn mình rất lâu, từ ngày thành chồng thành vợ, anh có làm gì nên lỗi để vợ phải quyến luyến quá khứ. Những lời đồn đại của hàng xóm, khi người yêu cũ của chị về nước lại hiển hiện về trong anh.

Ban đầu, anh giữ đó làm bí mật cho riêng mình, Về sau, cơn ám ảnh của đàn ông khiến anh cần nói chuyện với chị.

Chị khóc, chị bảo chị sai rồi. Chị muốn anh cho chị một cơ hội để sửa sai.

Thương chị, thương con, anh xé bức thư thành trăm mảnh, xem như anh chưa từng gặp, chưa từng đọc.

2. Người yêu cũ của chị lại về nước. Chị có những biểu hiện khác lạ, đi sớm về muộn. Anh để ý, hiểu hết nhưng cứ vờ như không.

Ai đó nói với anh, hình như vợ anh đã âm thầm chuyển nhượng toàn bộ đất đai, tài sản sở hữu qua tên của chị. Ngay cả cái sổ hộ khẩu của anh cũng không còn tên anh.

Anh hốt hoảng kiểm tra, chuyện đúng như người ta nói. Anh không biết chị đang có ý định gì, dẫu đôi lúc, anh mơ hồ cảm nhận được.

Tết năm 2007, ngày mùng 2. Anh đi thăm người thân, láng giềng. Chiều vừa về đến nhà, thì chị mặt nặng mày nhẹ. Chị nhiếc mắng anh đủ điều. Ban đầu là con bệnh vẫn đi đến tối mắt tối mũi mới chịu về, khi chị nói câu ấy, hai cậu nhóc của anh vẫn khỏe. Rồi chị bảo, anh là người đàn ông không biết tự trọng, đến tình cảnh này còn bám vào chị. Thêm lần nữa, anh lặng im.

Nghe có tiếng ồn, gia đình chị nhào sang. Anh biến thành trung tâm của mọi ngôn từ. Anh trai của chị nắm cổ áo anh, đòi đánh. Anh khẽ hỏi: “Anh có lỗi gì?”. Chị sẵng giọng: “Không lỗi gì cả, chỉ vì tao không thích mày ở đây nữa”.

Mùng 2 Tết, mai còn vàng ươm trước ngõ, trong nhà còn nồng không khí xuân, anh nuốt uất hận vào lòng, tay ẵm cậu con trai lớn, tay xách cái gối của con tìm đường về lại nhà mình.

Tôi hỏi anh sao lại mang cậu con trai lớn. Anh trả lời, chị chia cho anh cậu nhóc đầu.

Tết qua nặng nề, không đêm nào anh chợp mắt được khi nghĩ về những điều chị và gia đình chị đã nói. Đàn ông, bao giờ cũng bị ám ảnh về những lời chát chúa.

Xóm giềng dị nghị đủ điều. Vì anh như thế nào, họ biết. Chị thế nào, họ am tường.

Ra Giêng, không hiểu ai xui khiến, mà chị sang nhà, xin lỗi cha mẹ anh, xin lỗi cả anh. Chị nói: “Mình về ở với em. Em ở nhà nhiều bị stress, có nóng giận vô cớ. Mình đừng buồn em nữa”. Thương chị, anh lại về. Mà tình thiệt, thì có gã đàn ông nào giận vợ dai được đâu.

Anh về nhà chị, anh tính: “Mình chuyển lại giấy tờ thể hiện tài sản là của chung lại đi, mình nha. Anh không giận mình, anh chỉ muốn mọi thứ rõ ràng thôi”. Chị không đồng ý. Anh tự đi gõ cửa các cơ quan chức năng, minh chứng khối tài sản mà vợ anh đứng tên riêng là tài sản chung. Ban đầu, các cơ quan chức năng không đồng ý. Anh viết đơn, đòi kiện. Họ nhượng bộ, cấp lại quyền sở hữu tài sản chung cho anh.

Chị đòi anh nghỉ việc với ông chủ Hàn Quốc, chị muốn anh mở nhà xưởng. Anh cầm sổ hồng cộng với số tiền đền bù đất ngày xưa, đi thuê mảnh đất rộng, cất nhà xưởng. Anh chạy cả ngày ngoài đường tìm mối hàng, chị ở nhà làm quản lý.

Gần năm sau, chị đột ngột đòi sang lại nhà xưởng. Anh can: “Giờ mình sang lại nhà xưởng thì lỗ lắm em. Với lại, mình đang bắt đầu có khách hàng”. Đáp lại lời anh, là những lời khó nghe từ chị. Chị kiên quyết: “Mình ôm cái nhà xưởng mà sống với nó. Mình muốn ở với em, thì mình sang nhà xưởng đi, rồi vợ chồng mình kiếm việc gì đó để làm”.

Chiều vợ, anh sang nhà xưởng, lỗ cũng nhiều. Cầm tiền chuộc lại sổ hồng minh chứng chủ quyền nhà, anh đưa luôn cho vợ.

Đổi lại, chị chìa ra cho anh tờ giấy yêu cầu anh tự nguyện viết đơn xin ly hôn. Anh ngơ ngác, không hiểu cơ sự vì sao.

Chị gắt: “Anh có trí khôn không. Anh có biết nhục không mà lúc này còn không chịu ly dị. Anh biến ra khỏi căn nhà của tôi gấp!”.

Uất ức, anh viết đơn gửi Tòa. Ngày có giấy hẹn của Tòa, chị lại sụt sùi mong anh tha thứ.

Anh cứ như con rối bị giật dây, anh rút đơn về. Anh trần tình với tôi, anh chỉ vì con.

3. Ít lâu sau, anh và chị đưa nhau ra Tòa. Lần này, Tòa thuận tình cho anh chị ly hôn sau nhiều lần hòa giải bất thành. Tài sản chung, hai người tự thỏa thuận. Anh sẽ nuôi cậu con trai lớn. Chủ nhật hằng  tuần, anh sẽ đưa cháu về thăm mẹ, chơi với em.

Ly hôn, chị đưa cậu con trai út đi chơi với người tình Việt kiều về hồi hương. Gặp nhau ngoài phố, chị ngoảnh mặt, anh đắng lòng ngó lơ. Mỗi lần về thăm nhà, cậu nhóc út kể với anh nhiều thứ về mẹ, về người đàn ông Việt kiều xa lạ mà mẹ bắt nhóc kêu là chú.

Tự dưng có thông tin, anh mèo mả gà đồng, nên bỏ vợ. Anh im lặng, không đính chính.

Lại có thông tin, chị muốn hàn gắn với anh, nhưng vì anh về nhà cha mẹ ruột để ở, chị mắc cỡ không dám đến. Anh nghe xong lẳng lặng dắt cậu con trai đầu, ra dãy nhà trọ cho người lao động gần đó thuê nhà, cha con ở với nhau. Chị cũng không tìm đến.

Ngày anh chưa lấy chị, anh là cánh tay đắc lực của ông chủ người Hàn Quốc. Ngày anh chưa ly hôn với chị, anh là ông chủ của một xưởng may nhỏ. Giờ chia tay, anh chỉ có hai bàn tay trắng.

Anh không thể bấu víu mãi vào nhà cha mẹ ruột, bởi anh tự ái. Anh cũng không thể kinh doanh thứ gì khác, bởi sự phân chia tài sản sau khi thỏa thuận với chị, chị không thực hiện. Anh có gõ cửa đến nhiều cơ quan chức năng, vẫn không có ai giải quyết cho anh.

Anh bắt đầu kiếm sống bằng nghề chạy xe Honda ôm, làm phụ hồ… Đó chính là lý do vì sao anh trở nên xơ xác vậy.

Tôi hỏi anh là, giả sử như bây giờ cho anh về lại với chị, anh có chịu không?. Anh nói, chịu chứ sao không. Anh còn thương chị, anh muốn hai nhóc nhà anh, anh em có nhau. Chứ mỗi lần thăm con, nghe cậu út bập bẹ nói “Ba đổi anh Hai cho mẹ nuôi đi, con về với ba. Con nhớ ba quá mà”, anh lại cầm lòng không đặng.

Anh nhờ tôi viết mọi thứ, không phải là để nặng nhẹ gì với chị cả. Chỉ là hy vọng thông qua bài viết này nhắc nhở chị mọi chuyện, để chị nghĩ lại, để vợ chồng được sum họp với nhau, để hai cậu nhóc được gọi ba, gọi mẹ trong bữa cơm gia đình.

Với anh, bấy nhiêu đó là đã đủ đầy

Nguyệt Ngô
.
.