Nhà trẻ kinh dị

Thứ Hai, 06/01/2014, 09:30

Chậm chạp mà sắp hết năm, đây là khoảng thời gian thích hợp để những lo toan dần được khép lại, những muộn phiền cần được giũ bỏ. Khoảng thời gian để mỗi cá nhân tự lắng lòng, kiểm điểm lại chính mình. Vậy mà đâu đó trong đời sống này, lại có những thông tin rất buồn.

1. Dư luận đang rất phẫn nộ về vụ bạo hành trẻ mầm non tại nhà trẻ tư thục Phương Anh, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM. Hình ảnh có sức mạnh hơn chữ nghĩa, đoạn clip do nhóm phóng viên của báo Tuổi trẻ ghi lại cảnh hai cô giáo ở nhà trẻ này liên tục bóp cổ, đánh, tát, dọa dốc ngược, bỏ trẻ vào thùng nước, bóp mũi… Những cậu bé, cô bé vừa ăn cháo vừa giàn giụa nước mắt. Hình ảnh ấy biến thành cơn sóng giận dữ của đám đông.

Bất cứ nơi nào chỉ cần chạm ngõ thông tin, sẽ nghe nhắc đến đoạn clip chấn động ấy. Cư dân mạng săn lùng địa chỉ facebook của hai cô giữ trẻ để lôi kẻ ác ra ánh sáng công luận, họ post lên facebook cá nhân những phản ứng cá nhân, họ nguyền rủa, họ lôi cả ảnh gia đình của hai cô này để phỉ báng, để cật vấn “Lương tâm của các cô ở đâu?”.

Sự hèn kém nhất của một cá nhân chính là tấn công một cá nhân khác, khi cá nhân ấy hoàn toàn không có cơ hội để phản kháng. Cao bồi thứ thiệt, không bắn từ phía sau, đó là sự nhục nhã. Kiếm sĩ đích thực, là kiếm sĩ không thực hiện vết chém phía sau lưng, đó là vì lòng tự trọng. Cũng như, một người tử tế là người không đặt điều khi vắng mặt kẻ khác. Cá nhân là người đủ năng lực để chịu trách nhiệm về hành vi theo luật định trong quan điểm chung bắt buộc phải ứng xử như vậy, huống hồ gì những đứa trẻ, những cá nhân chưa đủ khả năng để bảo vệ mình.

Ai nhìn cảnh ấy mà không xót, ai nhìn cảnh ấy mà không đau, ai nhìn cảnh ấy mà không muốn nhào vào tẩn cho hai cô nuôi dạy trẻ một trận. Tất nhiên, đó là những cảm xúc nhất thời, những phẫn uất nhất thời. Đáng buồn nhất là, thứ cảm xúc bộc phát ấy lại xảy ra rất nhiều lần trong thời gian gần đây, khi mà thủ phạm là người lớn còn nạn nhân lại là những đứa trẻ.

Bạn cũng như tôi, chúng ta đều thương con hơn cả thương mạng sống của chính mình. Bọn trẻ, là những gì quý giá nhất mà bạn và tôi đã có được. Đó là món quà đến từ duyên phận kiếp trước, không gì có thể thay thế, không gì có thể đánh đổi. Chúng ta sẽ làm tất cả những gì mình có thể, thậm chí là tưởng như không thể để bọn trẻ được bình an, được đủ đầy, được hạnh phúc lớn lên và kiêu hãnh bước đi.

Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không chấp nhận bất kỳ một ai đó có hành động bạo hành với bất kỳ đứa trẻ nào, không quan tâm xem đó có phải là cùng huyết thống hay mối quan hệ thân tộc với chúng ta hay không. Trẻ em, là để nâng niu chứ không phải là để hủy hoại.

Hình ảnh các em nhỏ bị bạo hành tại Trường mầm non tư thục Phương Anh.

Những bảo mẫu, những cô nuôi dạy nhưng lại đang tâm hành hạ trẻ. Họ cũng có một tuổi thơ đầy hồn nhiên. Nhưng rồi, họ để toan tính của cuộc sống xóa nhòa ký ức tươi đẹp của một thời họ đã trải qua. Họ ép trẻ phải chịu đựng những cơn dư chấn về tinh thần một cách đầy khủng khiếp và hoàn toàn bị động. Những người thân của các bé đã khóc ngất khi xem hình ảnh mà con cháu họ đã phải chịu đựng tại nhà trẻ tư nhân này. Họ không thể nghĩ được, chẳng bao giờ có thể nghĩ được, con cháu mình ngày qua ngày đã phải chịu đựng những cơn đau về thể xác, những màn tra tấn về tinh thần như vậy.

Bạn có chú ý đến điểm mà tôi chú ý không(?!). Những đứa trẻ chịu sự bạo hành (thậm chí là tử vong) tại điểm giữ trẻ tư nhân đều là con em của các gia đình có thu nhập thấp, cha mẹ là người ngoại tỉnh, ngụ cư tại thành phố với nghề nghiệp chính là công nhân.

Họ không có hộ khẩu thành phố, lại càng không có điều kiện để gửi con mình vào những nhà trẻ có hệ thống camera giám sát, nơi mà cha mẹ ngồi tại bàn làm việc vẫn có thể quan sát xem con mình đang được chăm sóc ra sao. Họ lại càng không có điều kiện để gửi con mình vào những trường công lập nơi đúng nghĩa là “thiên đường của trẻ thơ”. Tôi không cực đoan đâu, nhưng để con em mình có thể vào trường mầm non công lập, ngoài chuyện đúng tuyến thì nhất định phải còn khoản khác, khoản “Nhất tiền tệ, nhì quan hệ”.

Đáng tiếc, người thân của những cô bé, cậu bé trót không may chịu đựng sự hành hạ của cô giữ trẻ, của bảo mẫu… hoàn toàn không có những điều kiện ấy. Họ cũng như chúng ta, họ luôn muốn con mình được thụ hưởng đời sống vật chất tốt nhất. Nhưng, đâu phải cá nhân nào cũng thuận lợi như nhau.

Cuộc sống với họ là những chuỗi ngày bấp bênh, những câu hỏi về cơm áo gạo tiền thường nhật choán hết trong tâm trí. Họ, cũng là một thân phận.

2. Những cá nhân hành hạ trẻ em, có đáng được nhận sự thông cảm hay không(?). Tùy quan điểm cá nhân thôi, riêng tôi, tôi cho rằng họ không đáng nhận sự thông cảm. Thứ nhất, họ là người cung cấp dịch vụ. Thứ hai, cha mẹ trẻ trả tiền để con em mình được thụ hưởng dịch vụ đó. Họ đưa ra mức giá để cha mẹ trẻ xem xét, cha mẹ trẻ đồng ý gửi con em mình vào, thì xem như hợp đồng đã được ký kết, giao dịch bắt đầu.

Tôi không tin nhiều lắm vào những nhà trẻ tư nhân, mặc cho những khẩu hiệu yêu thương trẻ, những nụ cười khi nhận trẻ của các cô bảo mẫu. Bởi, dẫu sao đó cũng chỉ là một loại hình kinh doanh sinh lợi. Họ được trả tiền để thực hiện việc trông giữ trẻ. Và không cần họ thương yêu trẻ như họ vẫn thường nói, chỉ cần họ làm đúng chức năng mà họ đã được trả tiền thôi, đã là tốt lắm rồi.

Tôi lại càng không cho rằng, đưa ra biện chứng, trông trẻ rất cực bởi trẻ thường lười ăn, hiếu động. Cần phải ép trẻ ăn, ép trẻ ngoan hơn bằng sự nghiêm khắc của bảo mẫu, của người giữ trẻ. Với những gì mà tôi được đọc, được biết, tôi chưa từng thấy bất cứ nghiên cứu nào ủng hộ việc sử dụng “thiết quân luật” với trẻ. Quan trọng hơn, như tôi đã trình bày, những bảo mẫu, người giữ trẻ ở nhà trẻ tư nhân, họ tự đứng ra kinh doanh bằng dịch vụ trông giữ trẻ. Họ hoàn toàn không có cái quyền hay cái cớ hợp lý để bạo hành, để ngược đãi những “khách hàng” của chính họ. Tôi đang nói đến chuyện kinh doanh, tôi chưa bàn đến đạo đức hay luật định trong việc không được hành hạ hay ngược đãi trẻ em.

Và rồi, tôi lại nghĩ, hhững cô nuôi dạy trẻ, những bảo mẫu đều là phụ nữ. Họ đã có hoặc rồi cũng có gia đình, có những đứa con rứt ruột đẻ ra. Làm sao họ lại có thể đối xử với trẻ em như vậy.

Cô bảo mẫu ở quận Thủ Đức vừa rồi, đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục mầm non, từng trình các chứng nhận đã học qua lớp sơ cấp cứu căn bản, lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, lớp quản lý chủ trường, lớp cấp dưỡng và đã có kinh nghiệm nuôi trẻ ở một trường mầm non công lập. Cô còn hiện đang học lớp cấp dưỡng tại ĐH Sài Gòn, vừa được nhận vào thử việc cuối tháng 8 vừa qua.

Nghĩa là, họ không phải là những phụ nữ không có trình độ chuyên môn, ở nhà rảnh rỗi nên lấy chuyện trông trẻ làm kế sinh nhai tạm thời. Vậy thì tại sao họ vẫn có thể đối xử với trẻ theo kiểu dã man như vậy được(?). Tôi hoàn toàn không có câu trả lời cho câu hỏi này. Thói thường, câu tự vấn không tìm được câu trả lời, lại càng khiến chúng ta đau nhói.

Có cảm giác chưa bao giờ vấn đề bạo hành trẻ em được xem xét ở mức nghiêm túc với những động thái quyết liệt trong công tác phòng chống điều này tái diễn. Bởi, với những sự vụ liên tiếp xảy ra, cho phép nhìn nhận đây là thực trạng chứ không chỉ là trường hợp cá biệt hay hiện tượng nhất thời.

Xử lý một bảo mẫu, một cô nuôi dạy trẻ với hình phạt nghiêm khắc, với phiên tòa lưu động, với mức án kịch trần… là việc làm rất nhanh chóng lẫn thuận lợi. Vì nó dễ dàng tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ dư luận. Đặc biệt là khi dư luận đang bị cuốn trong cơn cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Tuy nhiên, về lâu về dài thì buộc phải có câu trả lời “Ngăn chặn chuyện đau lòng này ra sao?”, như chúng ta vẫn thường nghe “Người khôn phòng bệnh, người dại chữa bệnh”.

Một nhà trẻ cộng đồng, một nhà trẻ dành cho người có thu nhập thấp, một nhà trẻ dành cho con em những người nhập cư… không phải là chuyện quá khó khăn để thực hiện tại các thành phố lớn. Bởi, chúng ta có thể khốn khó trong thời điểm này, nhưng chúng ta không kiệt quệ đến mức không đủ tiền để xây dựng một nhà trẻ xã hội theo mô hình ấy. Duy nhất, chỉ có những nhà trẻ theo dạng này được đưa vào hoạt động, với những cô nuôi dạy trẻ được đào tạo chuyên môn sư phạm bài bản, nơi mà trẻ được giáo dục trong một môi trường chuẩn mực, nơi mà những cái tát, những lời dọa nạt được thay thế bằng một phương pháp sư phạm, nơi mà trẻ có cơ hội được đón nhận yêu thương… chỉ có như vậy thì mới có thể ngăn chặn được thực trạng bạo hành trẻ đang diễn ra với cấp độ nhanh đến mức chóng mặt.

Trẻ em, là tương lai của đất nước. Và chúng ta có trách nhiệm phải tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

Vấn đề là, chúng ta có thật sự muốn làm hay không(?!)

Kinh Hữu
.
.