Nguyễn Chánh Thi - Chuyên gia đảo chính bất thành

Chủ Nhật, 12/08/2007, 16:37
Viên tướng Nguyễn Chánh Thi, một sĩ quan đã có thời nổi đình đám ở Sài Gòn trong những năm giữa thập niên thứ sáu của thế kỷ trước tới mức được Tạp chí Mỹ Time năm 1965 đặt cho biệt danh "chuyên gia đảo chính".

Hơn 40 năm qua, tá túc ở Mỹ với nỗi niềm cay đắng sau khi hết vai trò đối với những ván bài chính trị của ngoại quốc, Nguyễn Chánh Thi đã lặng lẽ ôm ấp những suy tư khó có ai chia sẻ được và chết vào ngày 23/6 vừa qua ở tuổi 84 tại nhà thương Hospice of Lancaster County (Pennsylvania). Xác Nguyễn Chánh Thi đã được hỏa thiêu và chôn cất theo nghi thức Phật giáo.

Lầm lẫn từ đầu

Nguyễn Chánh Thi sinh năm 1923 tại Huế trong một gia đình có người cha làm việc cho chính quyền thực dân và vì thế, toàn bộ cuộc đời sau này của ông ta đã bị chi phối bởi những sức ép từ các thế lực ngoại bang.

17 tuổi, Nguyễn Chánh Thi theo truyền thống gia đình đã gia nhập quân đội Pháp và đó đã là yếu tố mang tính định mệnh khiến ông ta sau này luôn trở nên xa lạ với quyền lợi thực sự của người dân Việt.

Cái gọi là thành tích đối với quân đội Pháp lại là tội ác đối với dân tộc vì Nguyễn Chánh Thi đã tham gia vào các đợt truy quét những người Việt yêu nước đấu tranh nhằm giành lại nền độc lập, tự do.

Năm 1954, khi quân đội Pháp thảm bại ở Điện Biên Phủ, Nguyễn Chánh Thi, đang đeo lon Đại úy chỉ huy Tiểu đoàn dù số 5 bắt buộc phải tháo chạy vào Nam, đồn trú ở Nha Trang. Khi Washington bắt đầu dính líu vào chính trường Sài Gòn, những viên sĩ quan trẻ như Nguyễn Chánh Thi đã mau chóng được các cố vấn Mỹ để ý tới và đưa ra đào tạo thêm ở Mỹ.

Chính Tiểu đoàn dù số 5 đã giúp Nguyễn Chánh Thi thực thi nhiệm vụ dẹp loạn Bình Xuyên ở Sài Gòn. Nhờ thế, Nguyễn Chánh Thi đã được thăng lên hàm thiếu tá rồi trung tá. Ngày 1/1/1956, Trung tá Nguyễn Chánh Thi đã thay Đại tá Đỗ Cao Trí lên làm Chỉ huy trưởng liên đoàn nhảy dù (về sau được nâng cấp thành lữ đoàn nhảy dù ngày 26/9/1959).

Mặc dù được Ngô Đình Diệm rất ưu ái nhưng Nguyễn Chánh Thi lại không tâm phục khẩu phục chế độ gia đình trị này. Bản tính bướng bỉnh, Nguyễn Chánh Thi cảm thấy mình không thua kém gì những con bài chủ đạo trên bàn cờ chính trị Sài Gòn khi đó.

Và ngày 11/11/1960, viên Đại tá Nguyễn Chánh Thi đã cùng một số sĩ quan khác như Trung tá Vương Văn Đông, Thiếu tá Nguyễn Triệu Hồng… nổi dậy làm binh biến. Công chuyện bất thành, cả nhóm đầu sỏ đảo chính đã phải vội vàng lên phi cơ dạt sang Campuchia tị nạn.

Đảo chính nối đảo chính

Việc mà Nguyễn Chánh Thi không làm được thì một nhóm tướng lĩnh khác ở Sài Gòn đã làm ngon với sự hậu thuẫn của người Mỹ.

Theo một số nguồn tư liệu mới được công bố gần đây, ngay từ đầu năm 1961, Washington đã hoạch định cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu sau khi bị từ chối cho đưa quân vào Việt Nam để mở rộng chiến tranh.

Biến cố Phật giáo xảy ra tháng 5/1963 đã bị biến thành cơ hội tốt để CIA biến kế hoạch đó thành sự thật. Theo hai tác giả Hoàng Lạc và Hà Mai Việt viết trong cuốn "Việt Nam 1954 - 1975, Những sự thật chưa hề nhắc tới", CIA đã sắp xếp mọi sự chu đáo đến từng chi tiết.

Tuy nhiên, thực tế không bao giờ trùng khít với các dự tính dù khôn ngoan đến mấy và Ngô Đình Diệm cùng em trai mình là Ngô Đình Nhu vẫn thoát khỏi dinh Gia Long ngay sau khi cuộc đảo chính bắt đầu.

Việc rắn vẫn còn đầu khiến cho nhóm chủ trì đảo chính lẫn các quan thầy Mỹ hết sức lo sợ. Theo lời viên tướng Trần Văn Đôn trong cuốn "Việt Nam nhân chứng", hay tin này, "đặc sứ CIA" ở Sài Gòn lúc đó là Lucien Conein, đã phải ra lệnh: "Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được, vì rất quan trọng".

Theo tiết lộ gần đây của viên tướng đang sống ở Mỹ Nguyễn Khánh, khi quyết định sẽ tiến hành đảo chính lật đổ cặp bài trùng Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, "đặc sứ CIA" đã tới tìm gặp viên tướng Trần Thiện Khiêm để tham vấn cùng với tướng Nguyễn Khánh và viên cố vấn Mỹ tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn là Al Spera.

Chỉ sau khi bốn người này bàn định xong những việc phải làm, Lucien Conein mới tiếp xúc với tướng Trần Văn Đôn để yêu cầu ông ta phối hợp với Trần Thiện Khiêm lập kế hoạch đảo chính.

Khi kế hoạch được Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Cabot Lodge phê chuẩn, thì nó mới được giao cho tướng Dương Văn Minh thực hiện dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lucien Conein và Trần Thiện Khiêm.

Lực lượng chính dùng để đảo chính là Sư đoàn 5 của Đại tá Nguyễn Văn Thiệu ở Biên Hòa. Các tướng Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân và Tôn Thất Đính chỉ là những kẻ thừa hành. Đại tá Đỗ Mậu chỉ được dùng để làm những việc phát sinh.

Ngoài ra, CIA còn móc nối được với hầu hết những nhân vật khác vốn được Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tin cậy như Trần Kim Tuyến, Trần Quốc Bửu, Đại tá Phạm Ngọc Thảo (một cán bộ tình báo của ta), Đại tá Dương Ngọc Lắm...

Đã có nhiều trang sách và bài báo viết về diễn biến cuộc đảo chính đẫm máu năm 1963 đó.

Một cuốn sách mới xuất bản ở hải ngoại của một người từng ở trong dinh Gia Long những giờ cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu đã kể lại: Chiều 31/10/1963, theo lệnh của Lucien Conein, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đã điều động 2 trung đoàn của Sư đoàn 5, một tiểu đoàn pháo binh và một chi đoàn thiết giáp, nói là đi hành quân ở Phước Tuy, nhưng khi đến ngã ba xa lộ Biên Hòa và quốc lộ 15 đi Vũng Tàu, các đơn vị này được lệnh dừng ở đó đợi lệnh.

Sáng hôm sau, Thiếu tá Nguyễn Bá Liên, cháu của Đỗ Mậu, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thủy quân lục chiến, ra lệnh hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến đi hành quân ở núi Thị Vải, Bà Rịa, rồi bất thần đưa về Sài Gòn tiến chiếm Tổng Nha Cảnh sát, Bộ Nội vụ, Nha Truyền tin và Đài Phát thanh Sài Gòn. --PageBreak--

Còn viên tướng Mai Hữu Xuân đưa tân binh quân dịch ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung về chặn các ngả vào Sài Gòn. Đến 1h trưa cùng ngày, Đại tá Thiệu bất thần ra lệnh cho cả hai trung đoàn di chuyển về Sài Gòn, một trung đoàn đóng ở Phú Lâm, còn một trung đoàn đóng ở ngã tư Hàng Xanh để ngăn chặn quân cứu viện từ ngoài tiến về giải cứu…

Tình hình nguy ngập buộc Ngô Đình Diệm phải điện thoại cho Đại sứ Cabot Lodge hỏi hư thực thế nào. Viên Đại sứ Mỹ nói đãi bôi vài câu cho xong chuyện.

Tới 2h30', Đài Phát thanh ngừng bặt. Vang lên tiếng súng bên ngoài dinh Gia Long. Ngô Đình Diệm liền gọi lại cho Đại sứ Mỹ lần thứ hai nhưng vẫn nghe thấy câu trả lời cũ rằng hãy yên tâm, không có chuyện gì xảy ra.

Lúc 16h45', Đài Phát thanh Sài Gòn bắt đầu loan tin quân đội đã đứng lên lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Hội đồng Tướng lĩnh yêu cầu Ngô Đình Diệm từ chức và cùng Ngô Đình Nhu rời khỏi Việt Nam...

Mặc dù ở thế kẹt nhưng Ngô Đình Diệm vẫn từ chối dùng quân sự để chống đảo chính. Khoảng 17h, ông ta lại gọi điện thoại cho Đại sứ Mỹ yêu cầu cho biết quan điểm của Washington về cuộc đảo chính.

Đại sứ Mỹ phân bua rằng, tuy ông ta cũng có nghe tiếng súng nổ, nhưng không biết hết sự kiện. Hơn nữa, lúc đó là 4h sáng (theo giờ Washington) nên Chính phủ Mỹ không thể có một quan điểm gì được...

Sau đó một khoảng thời gian, Đại sứ Mỹ bất ngờ gọi điện thoại đến nói rằng ông ta lo cho sự an toàn của Ngô Đình Diệm. Và ông ta bảo, nếu cần gì thì gọi điện lại cho ông ta.

Ngô Đình Diệm liền trả lời: "Tôi đang cố gắng tái lập trật tự". Tiếp theo, Ngô Đình Diệm quyết định cùng Ngô Đình Nhu rời khỏi dinh Gia Long. Và kết cục là hai anh em nhà họ Ngô đã bị lực lượng đảo chính hạ sát.

Cũng trong cuốn "Việt Nam nhân chứng", viên tướng Trần Văn Đôn cho biết, "đặc sứ CIA" Lucien Conein đã nói với các viên tướng cầm đầu đảo chính bằng tiếng Pháp: "On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs." (Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những cái trứng). Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị sát hại.

Tuy nhiên, khi loại bỏ được anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu ra khỏi chính trường Sài Gòn rồi, CIA vẫn phải tiếp tục tổ chức thêm một "cuộc chính lý" nữa vào ngày 30/1/1964 để củng cố vị trí vững chắc hơn cho những kẻ mà họ đã chấm sẵn nhằm thực hiện kế hoạch đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh để thực hiện các cuộc đấu thầu quân sự.

Washington càng nắm chắc bộ máy quyền lực ở Sài Gòn hơn. Trên thực tế, như chính tài liệu ở bên kia đại dương cũng phải công nhận "Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước.

Các tướng lĩnh Nam Việt Nam cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ Washington, thủ đô mới của miền Nam Việt Nam" (theo sách "President Kennedy, Profile of Power" của tác giả Richard Reeves).

Lúc đầu, Washington định đặt Nguyễn Khánh làm Quốc trưởng và Trần Thiện Khiêm làm Thủ tướng. Nhưng Nguyễn Khánh lại cho cái chức Quốc trưởng hữu danh vô thực nên tìm mọi cách đẩy Trần Thiện Khiêm ra khỏi xứ để kiêm luôn cả chức Thủ tướng. Chính trường Sài Gòn trở nên rối loạn và mới xảy ra liên tiếp các cuộc đảo chính.

Trong vòng xoáy mù mịt ấy, Nguyễn Chánh Thi dĩ nhiên là không thể khoanh tay ngồi nhìn. Sau khi trở về nước, Nguyễn Chánh Thi được xếp vào chức Tư lệnh phó Quân đoàn I, Quân khu 1 (phụ cho viên Trung tướng Nguyễn Khánh).

Sau đó, ông ta được cử làm Tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh. Tháng 1/1964, Nguyễn Chánh Thi lại tham gia làm đảo chính đưa Nguyễn Khánh lên cầm quyền và giúp Nguyễn Khánh đè bẹp một cuộc đảo chính khác.

Nhờ chiến tích đó, Nguyễn Chánh Thi đã được thăng quân hàm chuẩn tướng rồi thiếu tướng và về làm Tư lệnh Quân đoàn I, Quân khu 1. Năm 1965, Nguyễn Chánh Thi được thăng cấp trung tướng…

Thực bẽ bàng cho viên tướng hung hăng này, được mệnh danh là "chuyên gia đảo chính" nhưng ông ta đã không làm nổi một cuộc đảo chính nào cho đến đầu đến đũa. Kết cục là ông ta đã bị những đồng liêu trong đội ngũ tướng lĩnh Sài Gòn coi là hiểm họa và phối hợp với Đại sứ quán Mỹ ở đây đưa sang bên kia đại dương tá túc.

Sau những biến động  xảy ra ở miền Trung năm 1966, Nguyễn Chánh Thi bị buộc rời Việt Nam sống lưu vong tại Mỹ với lý do là để "chữa bệnh hôi mũi". Chán ngán mọi sự về cái quân đội mà mình đã từng phục vụ, Nguyễn Chánh Thi đã chỉ giữ lại duy nhất một cái mũ mềm, còn tất cả những huân, huy chương khác đều bị ông ta vứt bỏ.

Thân tàn nơi đất khách

Tại Mỹ, lúc đầu Nguyễn Chánh Thi đã được nhận trợ cấp một tháng 600 USD dành cho một viên tướng ba sao cũ của chế độ Sài Gòn. Về sau, do chỉ trích các viên tướng cầm quyền ở Sài Gòn nên Nguyễn Chánh Thi đã chỉ được nhận 170 USD một tháng.

Túng kế sinh nhai, ông ta đành phải mở một quán cà phê. Tháng 2/1972, Nguyễn Chánh Thi đã liều mạng về lại Sài Gòn nhưng những đối thủ cũ của ông ta đã cho máy bay quân sự lên bao vây chiếc máy bay đang chở ông ta, cương quyết không cho hạ cánh. Từ đó Nguyễn Chánh Thi đành bỏ mộng lần thứ hai tái ngộ cố hương.

Tại Mỹ, Nguyễn Chánh Thi đã viết tập hồi ức thực hư lẫn lộn "Một trời tâm sự" với những đau đớn của một kiếp phù du, lắm tham vọng nhưng cuối cùng tay trắng vẫn hoàn không. Giai đoạn cuối đời, Nguyễn Chánh Thi cố gắng sống lặng lẽ, không để cho mình bị những thế lực cực đoan kích động chống lại Tổ quốc

Lai Phúc Thọ
.
.