Người tù hôm qua

Thứ Sáu, 18/09/2015, 22:13
Qua sự giới thiệu của nữ Đại úy Hữu Nhân - cán bộ phòng Công tác Chính trị Công an Ninh Thuận, tôi quyết định tham dự lễ đặc xá vào ngày 31/08/2015 tại trại giam Sông Cái (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Đó là nơi đã từng ghi số má cho nhiều tay giang hồ. Và cũng từ nơi đó, nhiều đại ca lừng lẫy chốn giang hồ đã quyết định rửa tay gác kiếm, tìm chốn thiền môn. Trong đó có đại ca giang hồ quốc tế Lê Lam.

Tôi đã sắp sẵn trong đầu lịch trình tìm hiểu về những con số hành chính, những công tác giáo dục, những kế hoạch dạy nghề hoàn lương của trại Sông Cái. Và lịch trình ấy bị phá sản bởi điều khác đã thu hút cạn kiệt tâm trí của tôi. Đó là chuyện của những “thằng tù”.

Ngày trở về đong đầy nước mắt

Sáng sớm một ngày cuối tháng Tám, con đường dẫn vào trại giam khác với vẻ trầm lặng thường ngày bởi hàng trăm thân nhân đứng ngồi chờ đợi giây phút đặc xá.

Giống như tất cả những buổi lễ nội bộ khác, hội trường treo tấm băng rôn có dòng chữ “Lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch Nước năm 2015”. Ngoài ban giám thị, đại diện các ban ngành địa phương còn có 200 phạm nhân đại diện cho gần 2000 phạm nhân của trại mặc áo sọc dự lễ.

Buổi lễ bắt đầu bằng chương trình văn nghệ tự túc của phạm nhân. Một người tù mặc áo sọc cất lời bài hát: “Tôi sẽ trở về với khoảng trời thương nhớ/ Bên mái nhà xưa rộn rã tiếng con thơ/ Có người vợ hiền ngày đêm ngóng chờ/ Mưa nắng tảo tần gánh nặng nuôi con...”. 

Ca từ và giai điệu bài hát buồn da diết nhưng lại rơi đúng hoàn cảnh và tâm trạng của những người tù khiến ai cũng xúc động. Một tù nhân mang hình xăm chằng chịt trên cánh tay và lằng nhằng thẹo trên đầu, khe khẽ nói: “Nghe nói ông giám thị đã nghỉ hưu viết bài thơ này. Một ông nhạc sỹ ở tù viết nhạc. Thằng tù nào ở đây cũng thuộc bài này”. Tôi không đồng ý gọi tù là “thằng”. Gã tù đầu thẹo cãi bằng giọng trầm buồn: “Đã ở tù thì ai cũng là thằng. Vậy đi cán bộ!”.

Tôi bất ngờ nhận ra tay chơi ghi ta. Ngón đàn của anh ta không thua kém những tay đàn chuyên nghiệp. Tôi bất ngờ vì, ngày anh ta đứng trước vành móng ngựa nhận án 6 năm tù vì tội tham ô hàng chục tỷ, người ta chỉ biết đó là một giám đốc ngân hàng tham nhũng chứ không hề biết anh ta có biệt tài chơi đàn điệu nghệ. Thường, những người có máu nghệ sỹ không giỏi làm kinh tế. Đó là cảm nhận riêng của tôi.

Chương trình văn nghệ vừa kết thúc để vào phần lễ, anh về ngồi dưới hàng ghế phạm. Cái dáng đường bệ năm xưa được thay thế bằng vẻ cam chịu của anh khiến tôi xót lòng. Giọng anh trầm thật sâu: “Ở 4 năm rồi, còn 2 năm nữa, lâu quá! Hồi đó, cứ nhắm mắt làm bừa không nghĩ hậu quả. Trải qua nạn tù mới thấu hiểu thêm sự đời. Bây giờ thấy con chim bay ngang trời cũng thấy nó hạnh phúc vì tự do. Đêm nằm cứ suy nghĩ mà đau cho mình, lấy vài tỷ đổi lấy mấy năm tù không đáng chút nào. Được làm lại cuộc đời, tôi sẽ biết từ chối những đồng tiền đen”.

Trong đợt đại ân xá này, trại Sông Cái xét duyệt 186 trong số gần 2000 phạm nhân. Tuy nhiên có 1 trường hợp hội đủ điều kiện đặc xá nhưng khi xét duyệt hội đồng phát hiện anh ta phạm tội giết mẹ. Anh ta cải tạo tốt, chấp hành nội quy trại triệt để, luôn tỏ thái độ ăn năn hối lỗi nhưng cái án giết mẹ khiến hội đồng xét duyệt đặc xá băn khoăn.

Đại tá Phạm Văn Giới bày tỏ: “Trong hội đồng, ai cũng xót lòng cho trường hợp này. Biết rằng, cần phải tạo điều kiện để anh ta sớm hòa nhập cộng đồng là việc làm nhân đạo. Nhưng ai cũng cho rằng, tội giết mẹ không thể tha thứ. Đạo lý người Việt ta không thể chấp nhận. Vì vậy, dù anh ta cải tạo tốt nhưng sau khi cân nhắc chi li, hội đồng quyết định để anh ta ở lại, cải tạo thêm”.

“Một phút tại tù thiên thu tại ngoại”

Một phạm nhân tạm gọi tên là Phiên, quê quán Bình Thuận đeo băng đỏ trật tự trên tay - thể hiện của người có uy tín trong tù - đứng bên ngoài hành lang hội trường cứ nhấp nha nhấp nhổm. Phiên cho biết, có một người bạn thân được hưởng đặc xá lần này. Anh chờ dịp gặp người bạn ấy để gửi lời nhắn cho vợ: “Cứ lấy chồng đi”.

Tôi nhận ra Phiên. Trước khi vào tù, Phiên là đầu lĩnh của một băng chuyên đá xế (trộm xe), đua hàng nóng (giật dây chuyền) ở Phan Thiết. Năm đó, trong đợt truy quét tấn công tội phạm chuẩn bị ăn Tết Nguyên đán, nguyên băng nhóm của Phiên bị Công an Phan Thiết lần lượt bắt quả tang. Các đàn em của Phiên lãnh án dưới 5 năm với các tội danh cưỡng đoạt tài sản. Riêng Phiên thụ án 7 năm tù tội mua bán ma túy.

Vẻ thật thà, Phiên bảo: “Hồi đó, em bán ma túy lấy lãi thỏa cơn nghiện. Để bán đắt em phải quy tựu bọn nghiện lại. Thế là thành băng nhóm. 10 thằng nghiện thì có 9 thằng đầu óc đen tối. Nó phải chôm chỉa, trộm cắp, cướp giật mới có đủ tiền phê. Tự dưng em thành đại ca của tụi nó. Tụi nó bị thằng khác đánh thì em phải đứng ra bênh vực. Đánh được vài trận, được thể, tụi em lấn sang đòi tiền bảo kê các quán xá. Lúc đó lấy máu liều làm giang hồ chứ có số má gì đâu. Em chưa từng có tiền sự, tiền án gì cả. Án ma túy không được đặc xá, em phải thụ án đủ 7 năm. Vừa đủ sợ rồi. Giang hồ cỡ nào rồi thì cũng chui vô tù. Phải làm ăn đàng hoàng thôi. Mà vô đây, được học các loại luật, em mới thấy làm người đàng hoàng đã khó huống gì cứ phí đời vô chữ anh hùng rơm...”.

Chuyện nhắn vợ “cứ lấy chồng đi”, Phiên gãi tai: “Năm đầu tiên, vợ em thăm 1 năm 4 lần. Năm thứ hai chỉ thăm 1 lần. Năm thứ 3 mất tích luôn. Nghe nói, nó thương thằng khác nhưng sợ em trả thù. Em nhắn vậy cho nó yên tâm vui duyên mới”. Nói đến đó, vẻ cứng cỏi trong giọng nói của Phiên trở nên mềm nhũn.

Một số người thường suy nghĩ chông chênh rằng, đã là phạm nhân thì ghê gớm lắm. Khi nghe tin gần 18.300 phạm nhân được đặc xá đợt này, một số facebooker còn lo lắng đăng status: “Chuẩn bị cửa nẻo kỹ lưỡng thôi!”. Họ không nghĩ rằng, có không ít người chỉ vì một chút nông nổi bất chợt hoặc xui rủi đã vô tình phạm pháp và trở thành tù nhân.

Một người tù tạm gọi tên là Khuynh vốn là kiến trúc sư, quê quán Bến Tre, nhận 4 năm 8 tháng tù với tội cố ý gây thương tích. Anh vào tù chỉ vì trong cơn say được bạn bè rủ đi... đánh lộn khơi khơi. Trong cơn phấn khích, mọi người hét với nhau: “Đánh chết nó đi, tao chịu trách nhiệm cho!”. Thậm chí, lúc nạn nhân bị trọng thương, anh cũng chưa ý thức được mình đang phạm tội. Anh tỉnh bơ về nhà nằm ngủ. Sáng hôm sau cảnh sát đến tận giường giải đi anh mới biết mình đã tự khóa cửa tương lai sau lưng mình. 

Ngày đứng cạnh nhau trước tòa, chẳng ai có thể chịu trách nhiệm dùm cho ai. Nhiều đêm nằm ngủ, anh còn thảng thốt giật mình thức giấc bởi câu hỏi: Vì sao mình phạm tội vô tư đến lạ? Ngày mới vào trại tù, anh sợ hãi, hoảng hốt, tưởng chừng cuộc đời đã kết thúc. 

Hơn 3 tháng được cán bộ trại kèm cặp, anh mới dần tĩnh trí. Cánh cửa tương lai hé dần sau những ngày được động viên. Anh bắt đầu nuôi lại ước mơ ngày ra tù sau 1 năm thụ án. Anh nhủ thầm, mình sẽ làm cái này, mình sẽ làm cái kia sau khi ra tù. Anh bắt đầu “sống” lại và trở thành nhân tố nổi bật trong nhiều phong trào của trại như: Kể chuyện Gương tốt quanh ta, hội thi kiến thức pháp luật, hội thi kiến thức hiến pháp.

Ngày về của Khuynh rộng mở vì cách nay vài tháng, công ty cũ đã chính thức ngỏ lời mời anh trở lại vị trí công tác cũ. Điều nhói lòng là người vợ trẻ đã không chịu đựng được tiếng gièm pha đã “ôm cầm sang thuyền khác”. Khuynh không trách cô vợ xinh đẹp. Anh chấp nhận đó là cái án vô hình nặng nhất mà anh phải trả cho hành động nông nổi của mình. Anh khẳng định đầy tự tin: “Hôm qua tôi là thằng tù nhưng ngày mai tôi sẽ chính là tôi”.

Đừng để rơi cảm xúc

Tại nhà thăm nuôi có hàng chục bậc cha mẹ ngóng trông con. Nếu chứng kiến những gương mặt khổ hạnh ấy, những ánh mắt đau đáu ấy, có lẽ không người con nào thiếu lương tri đến mức tự tạo ra cuộc chia ly cho chính mình.

Một người mẹ trạc 70 tuổi, từ Vũng Tàu bắt 2 chặng xe đến Ninh Thuận từ hôm qua. Sáng sớm nay, bà có mặt sớm nhất để đón con trai gần 40 tuổi của mình. Với bà, người con ấy vẫn là đứa bé con cần ăn ngon, ngủ đủ, mặc ấm. Suốt 4 năm nay, bà thăm nuôi con trai đều đặn 3 tháng 1 lần. Bà tính thời gian ngược từng ngày, mong ngày con trai mãn hạn.

Đang trò chuyện, bà đứng bật dậy khi trông thấy ở cổng phân trại có vài người đi ra. Bà lẩm nhẩm nói một mình: “Nó ra rồi! Nó về rồi! Nó ra với tôi rồi!”.

Không gian nhà chờ vỡ òa cảm xúc. Lời nào diễn tả cũng bằng thừa. Giây phút chia ly và hội ngộ là không gian cảm xúc đặc trưng nhất của lòng người.

Điều tôi mong mỏi nhất là, những con người đã từng lầm lỗi ấy đừng để rơi mất cảm xúc này. Tôi tin chắc, nếu ghi nhớ rõ cảm xúc này, không ai đủ can đảm gây án để người thân yêu mong ngóng ngày về.

Thiếu tá Bùi Ngọc Dũng - Phó giám thị Trại giam Sông Cái: “Nhiều phạm nhân khi mới nhập trại đều rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần. Chúng tôi đều phân công anh em cán bộ an ủi, động viên để đưa họ trở về trạng thái bình tĩnh. Chúng tôi thường khuyên họ: Không có gì là kết thúc nếu ta muốn bắt đầu”.
Nông Huyền Sơn
.
.